Vì là vùng đất rừng, hoang hóa, phèn mặn cho nên dân cư thưa thớt. Đến năm 1920, Long Mỹ mới bắt đầu được khai phá để ngày nay trở thành vùng quê trù phú, đồng lúa bạt ngàn, cây trái trĩu quả.

Tám An còn giới thiệu với chúng tôi: Đến với Long Mỹ, du khách ghé thăm khu đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm do Đảng bộ và quân dân Long Mỹ lập nên từ năm 1969. Đền được trùng tu khang trang trên một khu đất rộng 1ha. Hằng năm, vào các ngày 19-5 hay 2-9, Tết Nguyên đán, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, tưởng niệm. Long Mỹ còn có khu "Di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn ngụy” tại xã Vĩnh Viễn được xây dựng trên diện tích rộng gần 2ha, bao gồm nhiều công trình phục vụ du khách tham quan tìm về quá khứ oanh liệt của cha ông ngày trước. Nơi đây còn có các khu vui chơi, giải trí. Đến Long Mỹ, du khách sẽ có dịp vào thăm vườn cò độc đáo được hình thành từ năm 1986 tại xã Xà Phiên, với hàng chục ngàn con cò các loại cùng 30 loài chim đặc trưng của sông nước miền Nam. Giữa khung cảnh trời mây, sông nước, sinh vật thiên nhiên cây cỏ hiền hoà, du khách vừa thưởng thức trái cây được hái tại vườn vừa lắng nghe chim hót. Phong cảnh thiên nhiên với môi trường sinh thái trong lành thật là thơ mộng, hữu tình.

Thị trấn huyện Long Mỹ

Tuần trước, dự một cuộc họp báo với Tỉnh ủy Hậu Giang, anh Nguyễn Phong Quang (Hai Quang), Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: UBND tỉnh Hậu Giang vừa cùng các sở, ban, ngành liên quan họp bàn kế hoạch tổ chức mít tinh kỷ niệm 37 năm Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch và kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam. Mít tinh do Quân khu 9 và tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức, có diễu binh, diễu hành, có tái hiện hành quân trên sông; xe hoa diễu hành của các ban ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã và đông đảo nhân dân của tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, anh Huỳnh Minh Chắc (Bảy Chắc) nói với tôi:

- Hậu Giang tự hào với truyền thống của vùng quê căn cứ cách mạng. Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch năm 1973 là niềm tự hào của nhân dân trong tỉnh, nhờ đó mà đã thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta. Tại mít tinh, có chương trình nghệ thuật tái hiện sự kiện Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch gắn với khí thế cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 và niềm vui của toàn dân tộc mừng độc lập. Tất cả đều nhằm ôn lại truyền thống hào hùng dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần xây dựng và phát triển quê hương Hậu Giang trong thời kỳ mới.

Cuối năm ngoái, tôi xuống Long Mỹ cùng với các cán bộ trong Hội Cựu chiến binh tỉnh Hậu Giang. Đại tá Lê Hiền Tài, Anh hùng LLVT nhân dân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hậu Giang tâm sự:

- Lúc đó là sau Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng quân ngụy Sài Gòn ngoan cố chống lại Hiệp định. Chúng huy động 75 tiểu đoàn với các phương tiện chiến tranh hiện đại, dồn về khu vực Long Mỹ - Vị Thanh tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, “tiêu diệt cách mạng”… với các đợt hành quân vào Đồng bằng sông Cửu Long, trọng điểm là địa bàn Vị Thanh - Long Mỹ mà điểm đột phá là Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Đến ngày 30-5-1973, địch đã huy động 48 tiểu đoàn được trang bị hiện đại với hy vọng khống chế được cửa ngõ U Minh và đẩy lực lượng của ta ra khỏi Vị Thanh - Long Mỹ.

Một lần về thăm Long Mỹ năm 2005, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến thăm khu “Di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn địch” ở xã Vĩnh Viễn. Ông nói: “Trung tuần tháng 8-1973, tôi chủ trì Hội nghị Khu uỷ mở rộng để triển khai Nghị quyết 21 của Trung ương thống nhất chủ trương đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận). Chủ trương này đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Long Mỹ - Vị Thanh chủ động tiến công tiêu hao sinh lực địch với hơn 200 trận đánh lớn nhỏ đã góp phần cùng các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đập tan kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng U Minh.

Ông đứng trước sa bàn trong gian trưng bày chính tại khu di tích này, giới thiệu như một thuyết minh viên:

- Đầu tháng 9-1973, địch huy động quân từ Khu 8 rồi tiếp tục bổ sung quân từ Cát Lái (Sài Gòn) lên, đến tháng 11-1973, số quân đã là 75 tiểu đoàn được trang bị vũ khí hiện đại. Thực hiện sự chỉ đạo của Khu uỷ, Hội nghị Tỉnh uỷ Cần Thơ mở rộng được triệu tập tại căn cứ Bà Bái (xã Phương Bình, Phụng Hiệp) từ ngày 12 đến 18-10-1973, Nghị quyết đánh bình định của Tỉnh uỷ ra đời. Các vị trí chiến lược quan trọng lần lượt được ta kiểm soát và hình thành thế chiến lược liên hoàn ở từng khu vực như giành lại tuyến Bún Tàu, Kinh Ngang, Lái Hiếu, ven Quốc lộ 4 Long Thành, Bảy Thưa, Đại Thành… (Phụng Hiệp), giữ vững các xã đã được giải phóng như: Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông, làm chủ tuyến kinh xáng Xà No. Với ba thứ quân và ba mũi giáp công, quân dân Long Mỹ - Vị Thanh và các tỉnh lân cận đã buộc địch phải rút toàn bộ lực lượng.

Từ khi bắt đầu chiến dịch tổng phản công đến ngày 17-12-1973, ta giải phóng Long Phú (Long Mỹ), Vĩnh Quới (Ngã Năm), Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng), ngày 25-12-1973 tiếp tục giải phóng khu vực Lái Hiếu, thu hồi kênh 13 (Vĩnh Viễn), giải phóng xã Vĩnh Thuận Đông cùng nhiều mục tiêu quan trọng khác, kế hoạch bình định Chương Thiện của địch bị phá sản hoàn toàn, góp phần tạo sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi 30-4-1975. Đánh thắng 75 tiểu đoàn nguỵ trong kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện hòng phá hoại Hiệp định Pa-ri (1973) của địch đã làm sụp đổ âm mưu của Mỹ-nguỵ muốn giành thế mạnh trong giải pháp chính trị, góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của chúng.

Anh Hai Quang nói rằng sự kiện Chiến thắng 75 tiểu đoàn địch tại vùng căn cứ Long Mỹ và Bắc U Minh đã khẳng định bản lĩnh cách mạng vững vàng, sự nhạy cảm chính trị sâu sắc cùng năng lực quyết đoán, sáng tạo của Khu uỷ, của Đảng bộ, của các lực lượng vũ trang và nhân dân Khu 9, là bài học của “tình Dân- nghĩa Đảng”, là sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân và ba mũi giáp công trong chiến tranh nhân dân do Đảng ta phát động và lãnh đạo.

Với giá trị và ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử này, năm 1976 tỉnh Cần Thơ (cũ) đã xây dựng một bia kỷ niệm tại xã Vĩnh Viễn, năm 1990 và năm 1994 tổ chức hội thảo khoa học. Ngày 20-7-1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ra Quyết định số 921/QĐ.BT công nhận di tích Chiến thắng 75 tiểu đoàn ngụy (tại xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Cần Thơ cũ (nay là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng khu di tích, trong đó có nhà trưng bày với diện tích 360m2, bước đầu trưng bày gần 100 ảnh tư liệu, 52 hiện vật gốc, 17 tượng đài và 1 sa bàn… Hàng rào phía trước khu di tích có dãy “cọc rào” thể hiện bằng 75 cây súng Mỹ cắm xuống đất, với 75 nón sắt của quân đội Mỹ-ngụy đội trên phía báng súng, dấu ấn gục ngã của 75 tiểu đoàn ngụy, gây ấn tượng khó quên. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn du khách gần xa. Đến đây, du khách sẽ thấy một tượng đài cao 8m nằm ngay trung tâm khu di tích. Sau lưng tượng đài là một lá dừa nước cao 20m, biểu tượng của vùng đất phù sa trẻ, nhiều kênh rạch. Bên cạnh tượng đài là một bức tranh hoành tráng, chạm nổi dài 20m, cao 4m với nhiều nhóm tượng cao to, nhỏ thể hiện 3 thứ quân và 3 mũi giáp công. Một tấm phù điêu rộng lớn thể hiện nhiều sự kiện tiêu biểu khác của chiến tranh nhân dân giữ nước.

Về Long Mỹ giữa những ngày này, nghe kể chuyện truyền thống hào hùng của con người trên đất này, tôi có cảm giác gặp những cán bộ và người dân ở đây đều thấy ở họ có tố chất người anh hùng. Không dễ dàng mà giữ vững được vùng đất căn cứ này suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Không dễ dàng mà vùng rùng rậm, kênh rạch, lung đìa chằng chịt, đất đai nhiễm mặn vừa ứ phèn lại trở nên những vùng quê trù phú, với ruộng rẫy tươi tốt, vườn cây trái mát xanh. Và cũng không dễ dàng nơi đây trở thành vùng quê đổi mới khá nhanh từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay.      

Có lẽ cũng từ những liên tưởng và suy tư ấy, anh Đặng Văn An (Tám An), Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, tâm sự:

- Vậy là đã 35 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Long Mỹ đã nhiều đổi thay. Nhưng thực sự chưa thoát nghèo. Xưa, kiên cường đánh giặc. Nay, phải kiên trì trong xóa đói giảm nghèo, kiên nhẫn vượt khó khăn, thiếu thốn. Nhìn lại, sau năm 1975 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện tới gần 40%. Cách đây 20 năm, bắt đầu sự nghiệp đổi mới, hộ nghèo còn 28%, nay chỉ còn 14% (tính theo tiêu chí mới). Cuộc chiến chống giặc đói, xóa nghèo nàn lạc hậu tất nhiên không đổ máu, hy sinh, nhưng cũng rất gian nan, có khi phức tạp hơn cả khi đánh giặc.

Tôi hỏi:

- Nghe nói tỉnh đã giúp huyện làm hàng trăm căn nhà tình nghĩa, hàng nghìn căn nhà tình thương phải không ? 

Tám An khẳng định:

- Đúng thế! Hậu Giang nghèo, nhiều khi muốn có tiền phải chịu khó và biết cách “đi xin”. Không phải xin tiền từ ngân sách Nhà nước, mà xin các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp làm từ thiện, đóng góp vào nguồn kinh phí rất lớn ấy. Những năm qua, toàn tỉnh vận động từ quỹ này được hơn 320 tỷ đồng, xây dựng được hơn 19.000 nhà tình nghĩa và nhà tình thương. Riêng năm 2009 được tỉnh rất quan tâm và huyện tự vận động đã làm được 426 căn nhà tình nghĩa và 427 căn nhà tình thương. Nay toàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc “xóa tranh tre lá” cho các gia đình chính sách trong huyện.

Tám An lý giải với tôi rằng, đó là hình thức xã hội hóa, phát huy sức mạnh cộng đồng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Long Mỹ có gần 80.000ha canh tác lúa, màu, cây ăn trái. Và thêm nữa là diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 30.000ha. Nhưng đất đai từ lâu đời đã là vùng ngập trũng, ứ phèn, xâm mặn. Long Mỹ nghèo, nhưng là huyện anh hùng, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn luôn coi trọng phát huy truyền thống quê hương, không chịu bó tay trước điều kiện, không cam chịu hoàn cảnh, không ỷ lại Nhà nước, nhưng rất coi trong thực hiện và vận hành sáng tạo trong cơ chế thị trường hiện nay.

Theo giới thiệu của Tám An, năm qua, trong bối cảnh tình hình chung gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Mỹ đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nổi bật có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mức đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,76%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/người. Điều đáng phấn khởi trong lĩnh vực nông nghiệp là bố trí sản xuất theo quy hoạch khá rõ nét, như hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn về cây ăn trái đặc sản, vùng trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, vùng trồng cây công nghiệp mía, khóm; thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha/năm với hơn 19.000ha, chiếm gần 80% diện tích đất canh tác.

Trong tâm thức và luồng tư duy của mình, ông Bí thư của huyện Long Mỹ đặc biệt quan tâm công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm qua, huyện đã vận động quỹ “Vì người nghèo” gần 17 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần bằng mức bình quân chung của tỉnh. Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ duy trì được đà phát triển và có nhiều tiến bộ.

Tôi hỏi Tám An:

- Nông dân hai sương một nắng vẫn nghèo, anh thấy thế nào?

- Chủ trương phát triển “tam nông” đang được triển khai đến tận cơ sở. Gọi là “tam nông”: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân, suy cho cùng vẫn là lo cho nông dân. Có nông dân thì nông nghiệp mới phát triển. Nông thôn tiến bộ, văn minh, xóa nghèo nàn lạc hậu cũng là quyền lợi thiết thực mang đến cho người nông dân. Đổi mới, cuộc sống đi lên, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng để nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn thực sự đổi đời, còn nhiều gian nan lắm.

- Mấy năm nay được mùa lắm. Đời sống bà con có khá lên không?

- Có khá chứ. Nhưng thực chất chưa đều, chưa nhanh, nhiều yếu tố thiếu vững chắc.

- Sản phẩm nông nghiệp ở huyện ta vẫn còn cái cảnh được mùa nhưng xuống giá phải không?

- Không riêng ở Long Mỹ, các nơi khác đều thế. Mấy năm gần đây cái nạn mất mùa chưa xảy ra. Nhưng được mùa mà giá cả bấp bênh, khi trồi, khi trụt, lợi nhuận của bà con nông dân sau mỗi mùa vụ còn quá thấp.  

(còn nữa)

Bài và ảnh:  BÙI VĂN BỒNG

Đất và người Long Mỹ (kỳ 1)