Bài 1: Huyền thoại "đảo thép"
Ngày từ hồi còn là học sinh, tôi đã từng được nghe nhiều lần bài thơ của Hồ Khải Đại viết về đảo Cồn Cỏ trong những năm chiến tranh: “Sóng gọi hồn ta về với đảo nhỏ/ Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/ Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/ Mang trái tim vàng ngọc chói ngời!”. Tôi mơ ước một ngày được đặt chân đến Cồn Cỏ để thực mục sở thị địa danh đã từng nổi tiếng với các tên gọi: “Đảo thép”, “Chiến hạm không bao giờ chìm” giữa biển Đông sóng gió, nơi còn lưu truyền những câu chuyện đậm chất huyền thoại từ thủa cha ông đi mở cõi....
Huyền thoại Hòn Mệ
Đến tháng 4-2010, tôi mới có cơ hội lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Cồn Cỏ. Sau gần 20 giờ trên biển, bắt đầu từ cảng Đông Hải (Hải Phòng), hai tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB2007 và CSB2008 đã đến tây nam đảo vào lúc chiều muộn. Mọi người chạy ra boong tàu, reo lên: “Đảo kia rồi!”. Nơi đầu sóng, ngọn gió, Cồn Cỏ sừng sững hiện lên như một pháo đài trên biển. Hòn đảo huyền thoại một thời đang rất gần chúng tôi. Ai cũng háo hức muốn được vào đảo ngay nhưng mệnh lệnh đã được ban ra: “Tối ngủ ở tàu, sáng mai vào đảo!”. Sau bữa cơm chiều, thủy thủ đoàn ra boong tàu hóng gió biển và sôi nổi chia sẻ những câu chuyện, hiểu biết của mình về đảo Cồn Cỏ…
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi đồng chí Trần Đăng Khoa, Chính trị viên phó đảo Cồn Cỏ, ngày 7-8-1965.
|
Thượng úy Bùi Mạnh Hùng, Chính trị viên Tàu CSB2007 tự hào vì đã được nhiều lần đến Cồn Cỏ và hiểu khá kỹ về địa danh này. Anh lý giải về lịch sử xuất hiện đảo Cồn Cỏ bằng câu chuyện đã được lưu truyền trong dân gian đậm chất huyền thoại:
- Thủa khai thiên lập địa có người khổng lồ gánh đất đá đắp dải Trường Sơn để phân chia ranh giới các địa hạt. Một hôm không may đòn gánh gãy, một đầu văng lên đất liền thành hòn núi Lòi Ren thuộc xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bây giờ; một đầu văng ra biển thành đảo Cồn Cỏ. Lại có truyền thuyết khác kể: Cồn Cỏ là do tâm phật từ bi bằng phép biến hóa, đã tạo cho ngư dân hạ giới nơi đây có chỗ trú tránh mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Đã từ bao đời, thuyền cá các làng Tùng Luật, Vịnh Mốc, Cát Sơn, Thủy Bạn… thường xuyên neo thuyền vào đảo tránh bão. Trong những chuyến từ đất liền ra khai thác tranh củi, ngư dân còn lưu lại nhiều ngày trên đảo. Có lẽ vì vậy mà ngư dân còn gọi đảo Cồn Cỏ bằng cái tên thân thương, thành kính, gần gũi: “Hòn Mệ”.
Thượng tá Ngô Bình Minh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Vùng 1 Cảnh sát biển lại đưa ra cách lý giải của các nhà khoa học, đó là Cồn Cỏ được hình thành từ hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi. Trên đảo vẫn còn dấu tích của miệng núi lửa, dải đất đỏ bazan và quanh đảo cũng có rất nhiều bãi đá, sụn cát san hô…
Từ trước và sau khi huyện đảo được thành lập, đã có nhiều đoàn khảo sát ra Cồn Cỏ để khảo cổ và nghiên cứu khoa học. Năm 1994, đoàn của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã tìm thấy một số hiện vật là công cụ săn bắt, hái lượm của người nguyên thủy cách đây trên dưới hai vạn năm. Những hiện vật này có khả năng thuộc về nền văn hóa “cuội gia công” ở phía Bắc Việt Nam, được giới khảo cổ cho là văn hóa Sơn Vi (tên một làng đồi trung du Vĩnh Phú có niên đại từ 1,5 đến 2,5 vạn năm).
Năm 1959, trong khi đào công sự trận địa, bộ đội ta phát hiện một móng nhà đá tổ ong không biết được xây dựng từ thời nào, cùng một thanh kiếm han gỉ và 4 chữ Hán “Việt Nam vạn tuế” được khắc vào một thân cây dầu máu. Tại một giếng hoang, khi nạo vét người ta tìm thấy một xích sắt cùng một bộ xương người. Giả thuyết cho rằng: Có thể đây là một lãnh tụ của nghĩa quân yêu nước bị thực dân Pháp thủ tiêu trong những năm đầu của thế kỷ trước...
“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận”
Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), vắt ngang qua vĩ tuyến 17, cách đất liền 15 hải lý. Đảo nằm ở vị trí trọng yếu, là vọng gác tiền tiêu, con mắt của đất liền. Từ đài quan sát của đảo có thể phát hiện được các hoạt động trên biển từ xa. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, là trạm gác của “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, bảo đảm cho tàu, thuyền ta vận chuyển người và vũ khí vào chiến trường miền Nam.
 |
Lá cờ danh hiệu “Cồn Cỏ anh hùng” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng, được đưa đến động viên từng chiến sĩ tại vị trí chiến đấu, tháng 6-1965. (Ảnh chụp lại)
|
Với vị trí chiến lược ấy và nắm được ý định chiếm đảo của Mỹ-ngụy, ngày 8-8-1959, Trung đoàn 270, Quân khu 4 theo lệnh trên đã điều động một đơn vị bộ đội đổ bộ lên đảo. Hai ngày sau, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa tàu chiến đến vây đảo, quân ta nổ súng cảnh cáo, buộc chúng phải rút lui. Nhưng kẻ thù không từ bỏ âm mưu xâm chiếm, hủy diệt vị trí tiền tiêu này. Đặc biệt từ năm 1964 đến năm 1968 là giai đoạn địch đánh phá cực kỳ ác liệt. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của đảo đã hy sinh, hàng trăm quân, dân Vĩnh Linh khi “tiếp máu” cho Cồn Cỏ đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết lên những câu chuyện đẹp như huyền thoại…
Đại tá Trần Văn Thà, người đã có 930 ngày đêm, từ tháng 5-1965 đến tháng 12-1967, là đảo trưởng đảo Cồn Cỏ, vẫn nhớ như in ký ức một thời lửa đạn. Ông bồi hồi kể:
- Lúc tôi ra đảo là thời điểm địch đánh phá rất ác liệt. Bộ đội thì sống thiếu thốn đủ thứ. Có thời điểm, tàu địch vây đảo liên tục và thời tiết không thuận lợi, nên đảo không nhận được sự tiếp tế của đất liền trong nhiều tháng. Cả đảo bị thiếu Vitamin B1, ai cũng bị phù, bụng bự, tay chân ấn vào lún sâu, mắt híp, người nặng nề… Ngay cả thuốc lá, thuốc lào cũng thành vấn đề nan giải vì gần như 100% anh em đều hút. Ban đầu, để tiết kiệm, chúng tôi lấy thuốc lá bỏ vào điếu thuốc lào, ngày chỉ được hút một lần nhưng rồi cũng hết. Anh em đành lấy nước điếu thuốc lào tẩm vào dâm bào của ống điếu và nõ điếu để hút đến lúc không còn thì thôi. Vậy nên, báo tường của đảo khi ấy có thơ: “Nõ điếu lào, cạo ngược, cạo xuôi/ Một mẩu chia đôi, ôi khoái lạ”. Dù gian khổ, thiếu thốn như vậy nhưng anh em chiến đấu rất dũng cảm…
Trong 1.440 ngày đêm từ 1964 đến 1968, máy bay Mỹ đã ném xuống đảo gần 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két, 172 lần tàu chiến pháo kích gần 4 nghìn quả pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ hứng chịu 39,3 tấn bom đạn, mỗi héc-ta đất trên đảo hứng chịu 22,6 tấn bom đạn.
|
Địa hình của Cồn Cỏ tương đối “lộ thiên” nên khi bị bom, pháo địch rất dễ bị thương vong. Ông Thà và chỉ huy đảo đã phát động toàn đảo đào giao thông hào. Sau này, khi đọc Báo Quân đội nhân dân có nói đến địa đạo Củ Chi, ông triệu tập cán bộ, cho đọc các bài báo trên và nêu câu hỏi: “Địa đạo là gì? Đảo có đào được địa đạo không?”. Mọi người tranh luận sôi nổi, sau đó hạ quyết tâm đào địa đạo trên đảo. Cái khó nhất là dụng cụ đào chỉ có xà beng và cuốc chim trong khi ở đây toàn là đá, nắng thì rát mặt, bỏng lưng, bom đạn địch bắn phá dữ dội. Nhưng không ai nản lòng, 2 kíp trong ngày thay nhau đào liên tục. Trong thời gian gần 11 tháng, công trình mang tên “địa đạo Con Hổ” đã hoàn thành. Ngày 22-12-1966, ngày mở thông địa đạo cũng là ngày đánh dấu một trận đánh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Sáng hôm ấy, biển đảo sương mù dày, ta phát hiện một chiếc tàu chiến của Mỹ, có pháo lớn đang tiến về đảo. Toàn đảo vào vị trí chiến đấu. Khi đến tầm bắn hiệu quả, đảo trưởng Trần Văn Thà hô: “Bắn”. Ngay loạt đạn đầu, tàu địch đã bị trúng ba quả đạn pháo 85mm và DK275 của ta. Tàu bốc cháy dữ dội, vội tăng tốc chạy ra xa. Khoảng hơn một tiếng sau, bốn phản lực A4D của Mỹ từ Hạm đội 7 vào ném bom đảo. Ta bắn cháy một chiếc, rơi cách đảo một ki-lô-mét, phi công nhảy dù xuống biển. Một chiếc thủy phi cơ của Mỹ đáp xuống vớt phi công, ta bắn 2 quả ĐKZ, nó bốc cháy. Dưới biển, ba tàu tuần dương, tàu chiến, trên trời máy bay phản lực của địch liên tục bắn pháo và ném bom vào đảo nhưng nhờ có hệ thống giao thông hào và “địa đạo Con Hổ” mà ta bảo đảm an toàn tuyệt đối trong trận đánh ngày hôm đó.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Thà còn nói nhiều tới những đóng góp và sự hy sinh to lớn của quân và dân Vĩnh Linh đối với đảo Cồn Cỏ. “Trong 4 năm từ 1964 đến 1968, Đại đội C22 và quân dân Vĩnh Linh đã có hơn 4 nghìn lần chuyến thuyền tiếp tế hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo. Gần 200 người đã hy sinh và mất tích trên biển. Có thể nói, một viên đạn, một ki-lô-gam gạo đã phải đổi bằng xương máu của nhân dân Vĩnh Linh”- ông Thà xúc động khẳng định.
1.440 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ đã có 841 trận chiến đấu bảo vệ đảo, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu xuồng của Mỹ ngụy. Hai lần tập thể đảo và 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 5-6-1968, Bác Hồ gửi thư khen và tặng đảo hai câu thơ:
“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.
Bài và ảnh: HOÀNG TIẾN - QUANG THÁI
(còn nữa)
Bài 2: “Mắt thần” giữa biển