Kỳ 1: Bông hoa đẹp của quê hương, đồng đội
LTS: Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-5 đăng bài “Gương anh sáng mãi”, viết về sự hy sinh anh dũng, cùng những chiến công xuất sắc của Đại úy, liệt sĩ Ngô Văn Vinh trên trận tuyến phòng, chống tội phạm, vì bình yên biên giới. Anh ra đi khi đang phơi phới tuổi xuân, tràn đầy nhiệt huyết, cùng bao dự định, hoài bão tương lai, để lại niềm tiếc thương sâu sắc. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong hành trình tìm hiểu, viết về anh, thật sự xúc động trước tình cảm mến thương vô bờ mà gia đình, đồng đội, bạn bè, đơn vị, quê hương... dành cho anh. Và khi bài báo “Gương anh sáng mãi” đến với bạn đọc, tình cảm đó như càng được lan tỏa, nhân lên….
Chúng tôi ngược lên biên giới Lạng Sơn, tìm về Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh sau ngày Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Ngô Văn Vinh, nhân viên Đội phòng, chống ma túy của đồn anh dũng hy sinh. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn cần mẫn thực thi nhiệm vụ, nhưng không ai kìm được niềm tiếc thương, trống vắng trong lòng khi mất một người đồng chí, đồng đội yêu qúy, một trinh sát giỏi, rất "có duyên" đánh án. Nản lòng, "trùng xuống" sao được khi vùng biên giới vốn rất phức tạp, "nóng bỏng" này không thể một ngày, một giờ vắng sắc quân phục xanh màu lá, nhưng trong sâu thẳm những ánh mắt, gương mặt đầy nghị lực của các anh, chúng tôi vẫn cảm nhận được nỗi tiếc thương Vinh vời vợi…
 |
Ngô Văn Vinh (bên trái) cùng đồng đội đầu tháng 5-2010. |
Là Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm ma túy của đồn, chỉ huy trực tiếp của Ngô Văn Vinh, nhưng với Trung úy Lý Văn Tý, Ngô Văn Vinh là người anh đi trước, luôn hết mình vì công việc, rất chu đáo, chân tình. Căn phòng của đội như trống vắng hẳn, dù chiếc giường cá nhân của Ngô Văn Vinh vẫn còn đó, tĩnh lặng. Hướng đôi mắt đượm buồn ra khoảng sân trước nhà, như vẫn ngóng chờ người đội viên của mình trở về như thường nhật, Đội trưởng Tý bùi ngùi:
- Tôi tốt nghiệp Học viện Biên phòng về nhận công tác ở Đồn Tân Thanh, khi anh Vinh đã lăn lộn đánh án ở đây được 4 năm. Biết tôi còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ, lạ lẫm địa bàn, anh dẫn tôi đến từng thôn, bản, giới thiệu từng đồng chí trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ xã, từng quần chúng tốt... để tiện phối hợp công tác, xây dựng cơ sở. Rồi từng đường mòn, lối rẽ, khu vực hiểm trở... bọn tội phạm có thể lợi dụng qua lại biên giới trái phép; những “điểm nóng” về ma túy, an ninh trật tự, anh đều lưu ý với tôi...
Kể đến đây, giọng người đội trưởng như nghẹn lại:
- Quên sao được những lần hai anh em đi bộ cả ngày, có khi mấy ngày liền để vừa nắm tình hình, vừa xây dựng phương án truy bắt tội phạm. Đường đi hiểm trở, lên dốc, xuống đèo, có nơi chưa ai từng đặt chân đến, ăn uống thì kham khổ, phiến đá trải lá rừng làm nơi nghỉ tạm...
Những kỷ niệm của anh em trong đội với Vinh qua nhiều lần cùng “nếm mật, nằm gai”, ngăn chặn ma túy, tiền giả, nạn buôn bán người... ở vùng biên này còn nhiều lắm. Đội trưởng Tý như thẫn thờ khi lật giở cuốn sổ công tác: " Anh Vinh cùng anh em trong đội đang chuẩn bị thực hiện một kế hoạch phá án đã được trên phê duyệt. Vậy mà, anh ấy ra đi đột ngột quá! Tôi mất một cánh tay đắc lực, anh em trong đội và đồn mất một trinh sát giàu kinh nghiệm, một "chủ công" đánh án, một người đồng chí, đồng đội luôn gần gũi, chan hòa, nhưng rất dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm...".
Trung úy Phạm Huy Khánh, người cùng Đại úy Ngô Văn Vinh và Trung sĩ Hoàng Văn Toản tham gia đánh án trưa 21-5 rưng rưng kể lại:
- Thực hiện mệnh lệnh của ban chỉ huy đồn về đấu tranh truy quét tội phạm, tổ công tác chúng tôi tổ chức mật phục tại bản Nà Ngòa để đón lõng đối tượng. Khi đối tượng lọt vào đội hình mai phục, đồng chí Vinh bước ra hô to: “Tất cả đứng im! Chúng tôi, tổ mật phục biên phòng đây!”. Thấy vậy, hai đối tượng lập tức bỏ chạy…
Giọng Khánh lạc đi khi nhớ lại hình ảnh Ngô Văn Vinh ngã xuống:
- Sau khi khống chế Hoàng Xuân Trường, tôi giao đồng chí Toản canh giữ rồi lao về phía Ngô Văn Vinh để hỗ trợ cho anh. Đến đầu suối, bất ngờ Hoàng Văn Thịnh quay ngoắt lại, chĩa súng về phía Ngô Văn Vinh bóp cò. Sau tiếng nổ chát chúa, anh gục xuống. Tôi gắng gọi to: “Vinh ơi! Vinh ơi!”, nhưng anh đã lịm đi. Tôi điện ngay về đồn và trạm để anh em tiếp ứng...
- Trên chuyến xe cấp tốc đưa Ngô Văn Vinh từ Bệnh viện huyện Văn Lãng về Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, cùng với gọi loa xin đường, tôi yêu cầu lái xe mở hết tốc lực, có đoạn chạy tới gần 150km/giờ, mong giành giật sự sống từng giây, nhưng vết thương quá hiểm, đồng chí Vinh đã ra đi - Trung tá, Đồn trưởng Lê Quang Đạo không thể nào quên những phút giây cuối cùng bên người đội viên ưu tú.
Là đội trưởng Đội Vận động quần chúng, tuy khác "mảng" công việc, nhưng Thượng úy Trần Công Huy rất thân thiết, gắn bó với Ngô Văn Vinh trong công tác và cuộc sống thường ngày. Hai anh em rất "tâm đầu ý hợp", bởi anh Huy phụ trách công tác vận động quần chúng, còn Ngô Văn Vinh là một trinh sát không chỉ giỏi đánh án, mà còn giỏi dân vận. Anh Huy kể:
- Người dân ở khắp 26 thôn, 2 khu, thuộc hai xã Tân Thanh, Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) do đồn phụ trách hầu như ai cũng biết về anh Vinh; thôn, bản nào anh cũng xây dựng được cơ sở tin cậy phục vụ công tác. Đáng quý là tuy có quan hệ rộng, nhiều khi "độc lập tác chiến", nhưng anh không hề có biểu hiện vụ lợi hoặc vi phạm quy định, tất cả chỉ vì nhiệm vụ, luôn hết mình xông pha... Hễ nhận được tin báo của cơ sở là Ngô Văn Vinh lên đường ngay, chẳng quản mưa bão, rét mướt; nhiều lần một mình “sục” vào tận các điểm nóng về ma túy, tội phạm...
Cả đồn ai cũng quý Ngô Văn Vinh còn bởi tính anh thẳng thắn, trung thực, vui tính, hòa đồng, biết lắng nghe ý kiến cấp trên, tôn trọng ý kiến của anh em, đồng đội - Đội trưởng Huy lắng lòng hoài niệm. Quên sao được những lần đánh án, thâm nhập địa bàn, bữa ăn có khi chỉ là phong lương khô, bát cháo…tạm qua cơn đói. Nhớ lắm từ điệu cười, dáng đi và cả những lần anh em hàn huyên bên ấm trà. Nhiều hôm làm nhiệm vụ trở về, thấy nhau từ xa, mấy anh em đã bông đùa cho quên đi những vất vả, mệt nhọc. Dáng người nhỏ nhắn, nhưng Ngô Văn Vinh có thể lực rất tốt, từng tham gia nhiều hội thi, hội thao của đồn và cấp trên, trong đó có môn chạy vũ trang 10km, nên khi truy bắt tội phạm, anh thường vượt lên trước đội hình.
 |
Những phần thưởng của Ngô Văn Vinh trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng anh.
|
Trước tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm của anh, kẻ xấu không ít lần dùng “chiêu” hăm dọa. Sau sự ra đi của anh, ngồi lặng trong căn phòng trống trải của con gái, bà Vũ Thị Hoa, mẹ vợ của Ngô Văn Vinh kể với chúng tôi trong nước mắt:
- Nghe con gái tâm sự tôi mới biết, có lần Vinh dặn vợ phải cẩn thận đề phòng, bởi một số đối tượng xấu thường nhắn tin vào máy điện thoại của anh đe dọa: "Chúng tao biết rõ vợ con mày đang ở đâu, làm gì rồi đấy!"
Lo cho mẹ trẻ, con thơ thường ở nhà một mình, công việc của con rể nhiều hiểm nguy, nên ông bà ngoại thường tranh thủ ghé qua, khi thì đón cháu Ngô Thế Quang ở lớp mẫu giáo về, khi ở lại đến tận khuya...
Là người quê tận Bình Phước, đến làm ăn buôn bán ở cửa khẩu Tân Thanh được 7 năm, bác Hoàng Văn Cắm (ở khu 1, xã Tân Thanh), coi Ngô Văn Vinh như người thân trong gia đình. Bác chia sẻ:
- Chú Vinh hiền lành, tốt bụng lắm, ai ở đây cũng nói về chú ấy như vậy. Bà con đau ốm hay có khó khăn gì, nếu biết là thế nào chú Vinh cũng đến thăm hỏi, động viên. Nghe tin chú ấy hy sinh, ai cũng bàng hoàng, xót xa.
"Hơn 10 năm công tác trong lực lượng biên phòng Lạng Sơn, đồng chí Vinh đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Đồng chí ra đi, để lại sự tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng chí, đồng đội. Với những thành tích xuất sắc, đồng chí được Bộ tư lệnh BĐBP truy thăng vượt cấp quân hàm từ trung úy lên đại úy và đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất...", lời điếu của Đại tá Nguyễn Thế Nhất, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tại lễ truy điệu Ngô Văn Vinh khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Chúng tôi lặng người khi nhìn tấm áo của Ngô Văn Vinh thấm máu đào trước ngực; còn đối tượng phạm tội chống trả, sát hại anh, khi được các điều tra viên dẫn giải ra khỏi buồng tạm giam vẫn với vẻ mặt lạnh lùng, gian xảo. Cảm giác căm phẫn trước cái ác trào dâng, nhưng chúng tôi kịp nén lòng, khi nghe giọng nói nhỏ nhẹ, lắng đọng cảm xúc của Đại tá Giáp Văn Tính, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh:
- Một cụ già chân yếu, mắt mờ đi bộ từ bản xa về khóc tiễn anh; một phụ nữ dân tộc thiểu số cùng đứa con gái nhỏ len qua đám đông, đặt bên linh cữu anh bó hoa rừng; đường từ quốc lộ vào sân đồn chật kín người, xe đến viếng... Tất cả những hình ảnh đó đã nói lên rằng, Vinh và đồng đội của anh-những chiến sĩ biên phòng luôn được dân tin, dân quý, dân thương. Đó cũng là lời “tuyên chiến”, là sức mạnh áp đảo của nhân dân, của cái thiện trước cái ác…
Nhiệt huyết, say mê, hết mình vì công việc, nhiều khi anh còn dùng đồng lương ít ỏi của mình để phục vụ công tác nên tuy đã có 13 năm phục vụ trong quân ngũ, nhưng dường như Ngô Văn Vinh chưa dành dụm được gì cho bản thân, gia đình. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ở khối 5, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn là của bố mẹ vợ nhường cho vợ chồng anh ở tạm.
Ngô Văn Vinh và Đỗ Thu Hương xây dựng gia đình năm 2004, khi chị Hương đang theo học đại học. Chị Hương tốt nghiệp ra trường cũng là lúc con trai Ngô Thế Quang chào đời, cuộc sống trông vào đồng lương ít ỏi của chồng, nên khó khăn lắm. Mấy năm sau, chị Hương được bố mẹ cho bán cùng sạp hàng, sau đó chị xin vào làm việc tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Lạng Sơn, cuộc sống của hai vợ chồng mới bớt khó khăn đôi chút.
- Chúng em bảo nhau gắng tích cóp, mua một mảnh đất nhỏ, dựng một mái nhà khiêm tốn làm chỗ đi về. Vậy mà anh ấy đã ra đi... Chị Hương thổn thức gục xuống, ôm chặt con trai vào lòng.
Cuộc sống gia đình tuy vất vả, khó khăn, song hai vợ chồng rất yêu thương nhau. Biết vợ hiểu về công việc, lo lắng cho mình, Ngô Văn Vinh thường gọi điện về động viên. Vào cái ngày định mệnh 21-5 cũng vậy. Buổi trưa anh gọi điện về bảo vợ nhớ nấu cơm, chưa đầy một giờ sau, chuyện dữ đã xảy ra. Anh mãi ra đi khi dũng cảm truy bắt tội phạm trên biên giới.
Cảnh vật trên đường về xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, Bắc Giang, quê hương Ngô Văn Vinh thật thanh bình. Đến thị trấn Cầu Gồ, còn cách nhà anh mấy cây số, thấy chúng tôi mặc quân phục xuống xe, đoán là chúng tôi muốn hỏi đường, mấy người dân nhanh nhảu:
- Các chú về nhà chú Vinh biên phòng phải không? Đi qua trụ sở huyện đội, đến ngã ba Kiểm lâm thì rẽ trái, hỏi về xóm Chùa ...
Thấy chúng tôi mặc quân phục bước vào sân, nỗi xót thương người thân ngã xuống lại cuộn lên, mẹ của Ngô Văn Vinh, bác Nguyễn Thị Vân nấc nghẹn trước bàn thờ con trai: "Vinh ơi, đồng đội vượt đường xa về thăm con, thắp hương cho con. Con có nhận ra các anh không?".
Bố của anh, ông Ngô Văn Vượng, từng tham gia quân ngũ, cứ liên tục gạt nước mắt. Cả nhà mắt đều đỏ hoe, hoài niệm về người con trai cả chăm ngoan, hiếu thảo, là chỗ dựa, niềm tự hào của cả gia đình.
Ngước nhìn lên tường, thấy 4 bằng, giấy khen treo ngay ngắn, bất chợt chúng tôi nhớ đến hơn 10 bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua... trong căn nhà nhỏ của vợ chồng anh ở thành phố Lạng Sơn. Liên tục từ năm 2004 đến nay, năm nào Ngô Văn Vinh cũng được các cấp khen thưởng. Gần đây nhất, ngày 5-4-2010, anh được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích đấu tranh phòng, chống ma túy, pháo nổ.
Chị Ngô Thị Vi, chị cả của Ngô Văn Vinh nghẹn ngào: "Trước khi hy sinh ít ngày, em nó còn gọi điện về, giọng như reo trong máy: “Bố mẹ ơi, con được trên cử đi học chuyển cấp sĩ quan ở Sơn Tây. Lực lượng biên phòng tỉnh có một mình con được các thủ trưởng xét chọn, cử đi học đấy. Cả nhà mừng cho con đi!”.
Vậy mà Ngô Văn Vinh đã ngã xuống khi giấy báo anh về nhập học tại Học viện Biên phòng vừa được trên gửi về Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn.
Bài và ảnh: Quân Thủy, Hoàng Hà
Kỳ 2: Ở nơi “lửa thử vàng”