Những người "chở đò" nhân ái

Trường Hy Vọng nằm trên con phố Trường Lâm, phường Đức Giang, quay về hướng mặt trời mọc, thuận tiện cho việc đi lại. Trường có tương đối đầy đủ phòng học, trang thiết bị hiện đại và thường xuyên được lãnh đạo địa phương cũng như ngành giáo dục quan tâm, giúp đỡ. Số điện thoại 0438772748 của Ban giám hiệu nhà trường đã lưu trong tâm trí nhiều phụ huynh, học sinh, các nhà hảo tâm, những chuyên gia nghiên cứu giáo dục... Không ít cựu chiến binh ghi số điện thoại này để sẵn sàng làm cầu nối, giúp đỡ những đồng đội không may sinh con khiếm thính.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục các em theo chương trình Tiểu học chuyên biệt; tư vấn, hướng dẫn can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính dưới 6 tuổi; hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, Trường Hy Vọng còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập, tham gia các hoạt động xã hội. Năm học 2015-2016, trường có 6 lớp, 82 học sinh.

leftcenterrightdel
 Chuẩn bị tiết mục chào mừng năm học mới 2016-2017 ở Trường Hy Vọng.  

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Hy Vọng gồm 19 người, đủ theo biên chế. 12 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp. Ban giám hiệu đi đầu thực hiện nội quy, quy chế dân chủ, là tấm gương sáng về trách nhiệm, đạo đức, lối sống. Năm học 2015-2016, có 17 cán bộ, giáo viên đạt Lao động tiên tiến và 2 người đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Hiệu trưởng Trần Thị Minh Thảo đã qua gần hai chục năm gắn bó với trường. Chị rất kiệm lời khi nói về bản thân. Nhưng khi chúng tôi hỏi các vấn đề thuộc về nhà trường thì chị mở máy vi tính, giở tài liệu, lục trí nhớ... cung cấp đầy đủ và chính xác. Chị khoe: "Các cô giáo ở đây đều là những người yêu nghề sư phạm và tận tụy với việc dạy dỗ học sinh điếc, tạo cơ hội giúp các cháu nên người".

Sáng ngày 12-8 vừa rồi, nhân việc nhà trường đón các cháu vào năm học mới; chúng tôi đề nghị chị Thảo bố trí cho tham quan 1 hoặc 2 lớp. Chị tươi cười: “Năm học 2016-2017, trường có 7 lớp, thêm một lớp so với năm học trước. Ngay bây giờ, các anh có thể đến thăm bất kỳ lớp nào mà!".

Tôi vào lớp Một, giữa lúc cô giáo Đặng Thị Loan đón các cháu bị điếc hoàn toàn lần đầu tiên đến trường. Dưới sự tổ chức của cô, không khó khăn lắm để 14 cháu nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Lúc giải lao, tôi hỏi cô Loan: "Các cháu câm điếc, lần đầu tiên gặp cô mà như chúng đã yêu cô. Vậy cô có mẹo gì không?". Cô Loan nói tâm đắc: "Các em không nghe được, nhưng các em cảm nhận được bằng các giác quan khác. Nhất là đôi mắt. Vậy nên, ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với các em, mình phải tươi cười, âu yếm, rồi ân cần cầm tay các em... Đó chính là "lời thương" dành cho người điếc! Các cháu thấy cô dễ gần gũi, cũng có nghĩa là mình thành công bước đầu". Ra là thế!

Xem cô Ma Thị Tầm - Tổng phụ trách và các thầy cô dàn dựng tiết mục múa "Mùa Thu ngày khai trường" cho các cháu, tôi nghĩ, đi cày ruộng có lẽ không vất vả bằng. Ở đây, tất thảy phải "cầm tay chỉ việc", làm động tác mẫu. Lạ thay, các cháu tiếp thu rất nhanh! Có lẽ lý do cũng không khác điều cô Loan đã nêu.

Khi đến với các lớp khác, chúng tôi đều được các cô giáo "chinh phục" bằng cách quản lý, dạy dỗ các cháu rất sinh động, đa sắc vẻ, nhưng đều chung một nguyên tắc: Tay nghề sư phạm phù hợp, hòa quyện nhuần nhuyễn với tình yêu thương con người, bắt đầu từ "cái móng" lớp 1, "cái nền" cấp 1, để sau đó có thể tiến tới những "lâu đài".

"Sóng cả, thêm tỏ tay chèo"

100% học sinh Trường Hy Vọng là người khuyết tật về trí tuệ và khiếm thính. Các em có những biểu hiện rất khác thường, dễ bị môi trường tác động làm cho nảy sinh cáu bẳn, không hợp tác với thầy cô. Do năng lực ngôn ngữ rất hạn chế, phải dùng ký hiệu, nên các em không biết "lựa lời" cho vừa lòng người nghe. Nếu cô sơ ý, ra ký hiệu bị nhầm, liền được em ra ký hiệu đáp lại: "Cô dốt". Đã có lần cô khóc, nhưng không phải vì các em không làm theo, mà là cô thương các em, sinh ra làm người mà phải chịu thiệt thòi...

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những sáng tạo phù hợp với yêu cầu dạy học đặc thù của nhà trường, chị Thảo cho biết: "Việc gì có lợi cho các cháu thì chúng tôi quyết tâm làm. Ngay từ đầu, các cháu điếc tham gia can thiệp sớm thì phải được kiểm tra, nhận định chính xác. Cháu nào có khả năng phát triển nói được thì giáo viên hỗ trợ phát triển ngôn ngữ nói, tư vấn đến cơ sở giáo dục hòa nhập. Những cháu không nghe nói được thì phải dạy cháu giao tiếp, học tập bằng ký hiệu ngôn ngữ... Ngoài phương pháp dạy học chung, giáo viên Trường Hy Vọng được tạo điều kiện để phát triển thêm năng lực dạy học chuyên biệt, như: Dự các khóa bồi dưỡng chuyên môn giáo dục trẻ khuyết tật. Mỗi tuần, từng tổ chuyên môn có ít nhất một bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin. Sử dụng bộ băng hình bài giảng hỗ trợ học sinh khiếm thính môn Tiếng Việt và Toán lớp 5 v.v..".

Có một việc chỉ diễn ra ở Trường Hy Vọng! Đó là: Cô giáo "học điếc". Với cái nghĩa "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay", các thầy cô đặt mình vào thân phận người câm điếc và suy nghĩ tìm cách cứu mình! Từ đấy, ra đời các lớp  bồi dưỡng ngôn ngữ ký hiệu dùng động tác cơ thể, dùng các ngón tay... cho giáo viên và cả cha mẹ học sinh. Trong dự án "Can thiệp sớm" năm học 2015-2016, 18 phụ huynh dự tập huấn rất tích cực, hiệu quả. Ban giám hiệu còn tạo điều kiện cho Câu lạc bộ Người điếc quận Long Biên sinh hoạt tại nhà trường để phụ huynh, học sinh có cơ hội tham dự... Nhờ các biện pháp trên đây, cô giáo và phụ huynh có thêm "công cụ" để vừa giao tiếp, vừa ôn luyện cho các em. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận ở phường Ngọc Lâm kể rất vui: "Cháu nội tôi là Đỗ Hoàng Duy sinh năm 2008, điếc hoàn toàn. Khi cháu vào lớp một, tôi cũng dự lớp học giao tiếp bằng ký hiệu tại nhà trường. Về nhà, bà và cháu cùng ôn bài. Khi học qua lớp 2, cháu đã "nói" tốt bằng ký hiệu". Bà Nguyễn Thị Khánh ở đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang - phụ huynh cháu Nguyễn Thị Mai Hương cũng hồ hởi: "Trước khi đi học, Hương vô cảm với mọi thứ và rất nhút nhát. Nay cháu đã tiếp xúc với các bạn một cách thoải mái, biết chào mẹ và thầy cô. Thật không gì bằng...".

Việc thiết kế đồ dùng dạy học phù hợp với học sinh khiếm thính trở thành sở thích của giáo viên Trường Hy Vọng. Các sáng kiến như: Một số trò chơi giúp các em học tập môn đạo đức được dễ dàng của cô Nguyễn Thị Bích Ngọc; Nâng cao hiệu quả giờ học vần cho học sinh khiếm thính lớp 1 qua trò chơi học tập môn Tiếng Việt và Nâng cao hiệu quả giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính lớp 1 của cô Nguyễn Thị Kim Oanh khi đưa vào dạy học đã kích thích sự tò mò và năng lực nhận thức của học sinh khiếm thính.

Có một việc cho tác dụng kép: Vừa cải thiện năng lực nhận biết đối tượng giao tiếp và khả năng giao tiếp xã hội của các em, vừa tạo ra điều kiện để học sinh khiếm thính bộc lộ khát khao thể hiện mình. Đó là đưa các em tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, như các chương trình múa hát mừng khai giảng năm học, tham gia hội hè, dự "Liên hoan nghệ thuật trẻ em thiệt thòi" do Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức... Hoạt động này tác động rất hữu ích đối với tâm lý, phong cách của học sinh câm điếc.

Cảm phục trước tinh thần trách nhiệm và sự hết lòng vì học sinh của Trường Hy Vọng, nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân (trong đó có cán bộ, giáo viên nhà trường) đã giúp đỡ các em học sinh tiền mặt và các dụng cụ học tập, sinh hoạt, khám mắt miễn phí cho 100% học sinh... Tổng giá trị tương ứng hàng trăm triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc-Bí thư chi bộ Trường Hy Vọng, dùng tiền tiết kiệm của mình mua len, rồi tự tay đan 24 chiếc khăn chống rét tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Những bến bờ vui

Nỗ lực của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Hy Vọng đã được bù đắp. Các em học sinh ngày càng gần gũi, gắn bó với thầy cô; hầu hết có tiến bộ về nền nếp sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, chuyên cần học tập; biết chào hỏi thầy cô. Một số bạn biết giúp đỡ các em nhỏ. 100% học sinh có tiến bộ về đọc, viết, làm tính. Học sinh lớp lớn đã biết những kỹ thuật cơ bản của nghề may và hoàn thành tốt nội dung các bài tin học; biết giao tiếp bằng lời nói, ký hiệu và chữ viết. Các em học sinh mắc tật trí tuệ đã có những tiến bộ nhất định về hợp tác với giáo viên, với bạn và tham gia vào bài học. Năm học 2015-2016, cả 6 lớp và 35 học sinh được khen. Tuy khuyết tật, song với sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã bước đầu biết tham gia các phong trào, các hoạt động mang tính xã hội và nhân văn của nhà trường.

Học sinh câm điếc tốt nghiệp Trường Hy Vọng đều có những kiến thức cơ bản, có kỹ năng sống; Đa số có việc làm, thu nhập ổn định, có thể tự lo cho bản thân. Các em có điều kiện đi học tiếp bậc cao hơn. Nhiều em bị khuyết tật, gia cảnh khó khăn đã đến Trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa học may, thêu, làm bánh... được mọi người xung quanh quý mến, giúp đỡ. Các em thường nhắn tin về cho thầy cô Trường Hy Vọng để hỏi thăm và báo cáo kết quả phấn đấu của mình...

Trong số học sinh tốt nghiệp Trường Hy Vọng, có Lê Thị Thúy Đoan, khiếm thính bẩm sinh, đã trở thành Á hậu người điếc thế giới. Đoan  giao tiếp hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu, chữ viết hoặc nhắn tin; ra trường làm nghề may, dạy học cho trẻ em khiếm thính, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người bình thường... Đoan học cả ngôn ngữ ký hiệu quốc tế để có thể đi khắp thế giới. Đoan sử dụng máy tính vào học tập, giao tiếp với bạn bè khắp nơi. Cô tự mình bay sang Cộng hòa Séc dự cuộc thi hoa hậu khiếm thính toàn cầu tháng 7-2015. Vào tuổi 26, Đoan đã có bộ sưu tập thành tích đáng nể: Tốp 10 của cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết được tổ chức năm 2013, Hoa khôi người khiếm thính Việt Nam năm 2015, và Á hậu người điếc thế giới năm 2015...

Tạm biệt Trường Hy Vọng giữa xôn xao cảm xúc về năm học mới đang bắt đầu, tâm trí tôi vang vang câu hát: "Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng/ Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ". Chúng tôi muốn gửi tặng câu hát ấy trước nhất đến các nhà giáo đã gắn cuộc đời mình với sự nghiệp dạy học dành cho những trẻ em khiếm thính, dưới mái trường Hy Vọng thân yêu.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG