QĐND - Những chút "xa" chỉ là thấp thoáng. Vượt lên sự xa cách gia đình và người thân, những người lính Tiểu đoàn đảo Cô Tô sống gần nhau trong tình đồng đội và ngày đêm hăng say luyện tập. Cô Tô cũng luôn gần gũi vì ở đây, quân - dân luôn gắn bó, như người thân trong một gia đình.
Hăng say luyện rèn
Đầu giờ chiều, cái nắng chói chang phả hơi nóng hầm hập trên đảo Cô Tô. Bầu không khí oi nồng và không gian tĩnh lặng bao trùm khắp mọi ngõ ngách trên đảo. Bỗng, tiếng Thượng úy Phạm Văn Bình, Phó đại đội trưởng Đại đội Pháo binh 85 (Tiểu đoàn đảo Cô Tô) vang lên dõng dạc, dứt khoát, xé toang không gian tĩnh lặng: "Dùng pháo!". Gần như ngay lập tức, các pháo thủ Khẩu đội 1, Trung đội Pháo binh 1 (Đại đội Pháo binh 85) đã vào vị trí để đưa khẩu pháo 76,2mm vào vị trí chiến đấu. Những đôi tay thoăn thoắt thực hiện từng động tác một cách nhanh gọn và chính xác. Tiếng lách cách vang lên đều đặn. Tôi bấm giờ. Đúng 1 phút 10 giây, khẩu pháo đã giương nòng về phía biển. Tiếp đó, khẩu lệnh của Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1-Trung sĩ Trần Văn Duẩn vang lên dõng dạc, dứt khoát: “Khẩu đội bắn… Tàu đổ bộ… Khẩu đội 1 chiếc đi đầu… Đạn nổ phá ngòi chậm vừa… Thước tầm…”. Mặc cho cái nắng và hơi nóng bốc lên hầm hập từ mặt bê tông, các pháo thủ vẫn phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác với từng khẩu lệnh của Khẩu đội trưởng Duẩn.
 |
Cô Miến vui vẻ đón Đại úy Nguyễn Văn Hồng đến thăm nhà.
|
Cảm phục trước sự thuần thục của các chiến sĩ, tôi hỏi nhỏ anh Bình:
- Chắc hẳn, các chiến sĩ phải trải qua rất nhiều ngày luyện tập thì mới thực hiện được một cách nhuần nhuyễn, nhanh và chính xác như thế phải không anh?
- Đúng thế đấy đồng chí ạ! Theo yêu cầu, thời gian chuyển pháo từ thế hành quân sang chiến đấu là 1 phút 30 giây, tuy nhiên, sau nhiều ngày luyện tập, rút kinh nghiệm, chúng tôi đã thực hiện được trong khoảng thời gian chỉ từ 1 phút 10 giây đến 1 phút 15 giây.
- Các anh có cách luyện tập gì để đạt được kết quả đó?
- Cùng với sự hướng dẫn của cán bộ trung đội, mỗi chiến sĩ phải tự giác rèn mình để thuần thục các tiêu chuẩn cá nhân. Luyện tập hiệp đồng khẩu đội trưởng phải được thực hiện thường xuyên.
Kết thúc bài thực hành, tôi tranh thủ hỏi chuyện các chiến sĩ. Khác hẳn với sự dõng dạc lúc hô khẩu lệnh, chàng trai tuổi đôi mươi Trần Văn Duẩn vẫn bẽn lẽn trước các câu hỏi của tôi. Đại đội phó Bình phải động viên mãi Duẩn mới gãi đầu gãi tai rồi kể: “Thời gian đầu làm khẩu đội trưởng em chưa tự tin để hô được như thế. Những lúc giải lao hay chỉ có một mình, em phải lẩm nhẩm cho thuộc, cho quen. Thấy em như thế, đồng đội lại trêu đùa. Nhưng em xác định đây là nhiệm vụ nên phải cố gắng. Em thường xuyên phải nhắc nhở các pháo thủ chấp hành nghiêm khẩu lệnh, hiệp đồng chặt chẽ cùng Pháo thủ số 1 và Pháo thủ số 2 chiếm lĩnh trọng tâm để phối hợp nhịp nhàng, ăn ý”.
Mạnh dạn hơn người đồng đội, Pháo thủ số 1-Nguyễn Sĩ Kiên cho tôi biết, thời gian đầu làm quen với kính ngắm còn nhiều bỡ ngỡ nên bắt mục tiêu còn chậm. “Vậy làm sao để bắt mục tiêu nhanh và chính xác?” - tôi hỏi Kiên - “Chỉ có cách rèn luyện thôi anh ạ. Rèn luyện trong giờ huấn luyện và ngoài giờ huấn luyện. Ngoài ra, em còn thực hành bắt mục tiêu qua mô hình bắn ngắm trực tiếp mục tiêu vận động trên biển của đơn vị sáng tạo, dùng rất trực quan, dễ áp dụng vào thực tế ngay được”, Kiên trả lời.
Quân - dân như trong một nhà
Chiều trên đảo Cô Tô, tôi thả bước trên con đường đến khuôn viên tượng đài Bác Hồ. Con đường chạy dọc bãi biển Cột Tàu Đắm này được lát gạch đỏ au, hai bên đường là hai hàng phi lao che bóng mát thật thơ mộng. Đây cũng là con đường trong rất nhiều con đường, công trình được tạo nên bởi những người lính Tiểu đoàn đảo Cô Tô và người dân, thể hiện cho mối đoàn kết quân dân. Một điều nữa, trong những ngày công tác trên đảo, tôi thường đi cùng với cán bộ tiểu đoàn, đến đâu, gặp người dân nào, chúng tôi cũng nhận được tình cảm chân thành như với người thân đi xa trở về. Với người lâu ngày không gặp nhau thì hỏi thăm tình hình gia đình, sức khỏe, công tác. Với người thường xuyên gặp nhau thì đùa vui, trò chuyện về công việc trong ngày. Thấy tôi lạ, mọi người hỏi thăm và mời về nhà chơi. Phải khá khó khăn tôi mới có thể từ chối được những lời mời này. Dù chỉ ở trên đảo ít ngày, nhưng những tình cảm của người dân đã làm tôi thêm yêu hòn đảo nhỏ nơi tuyến đảo Đông Bắc này. Và chính lúc này, tôi lại nghĩ tới cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hương khi ở trên tàu ra đảo với lời tâm sự của chị: “Người dân và anh em bộ đội trên đảo coi nhau như người nhà, thế nên ai là người mới ra chúng tôi biết hết”.
Một sáng, tôi cùng Đại úy Nguyễn Văn Hồng đến nhà cô Phạm Thị Nguyên (tên thường gọi là Miến) ở thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến. Chẳng hẹn trước mà vừa vào đến sân chúng tôi đã thấy cô Miến đứng đó như đang đợi chúng tôi. Lại là những lời hỏi thăm về tình hình gia đình, sức khỏe và công tác nhưng còn thêm cả lời trách anh Hồng vì đã hơn một tháng không qua nhà chơi. Và lại là lời mời ở lại ăn cơm làm chúng tôi phải tìm đủ mọi lý do để từ chối. Cô Miến ra đảo từ năm 1979, khi cô mới 17 tuổi và lúc ấy Tiểu đoàn đảo Cô Tô còn là Trung đoàn đảo Cô Tô. Bao nhiêu người cán bộ, chỉ huy, bao nhiêu lớp chiến sĩ đã đến và rời đơn vị cô đều biết rõ. Ra đảo chưa được bao lâu, chồng cô bỏ đi để lại 5 cô con gái còn nhỏ, mọi việc trong gia đình đều do một mình cô gánh vác. Biết được hoàn cảnh gia đình cô, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường lui tới giúp đỡ. Mùa gặt thì đến gặt giúp, lúc mưa bão thì đến che chắn nhà cửa, khi ốm đau thì đến hỏi thăm… Bởi thế mà:
- Bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, tôi đều coi như anh em ruột thịt trong gia đình. Nhiều anh em khi chuyển công tác vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của tôi. Cưới 5 cô con gái, cũng là nhờ anh em trong đơn vị đến làm cỗ, tiếp khách giúp. - Cô Miến tâm sự.
Ngồi trò chuyện một lúc, chúng tôi xin phép ra về. Giọng cô Miến đầy ngạc nhiên:
- Hai thằng về thật à?
- Vâng! - Chúng tôi đồng thanh.
- Lúc nãy, cô tưởng hai thằng nói đùa. Ở lại ăn cơm với cô đi. Cô ra vườn bắt con gà để thịt chứ không đi chợ mua gì đâu mà ngại.
- Chúng cháu xin phép vì còn công việc. - Tôi trả lời.
- Nếu bận công việc thật thì cô không giữ, nhưng đợi cô bắt con gà mang về cho anh em trong đơn vị.
- Thôi cô ạ, anh em trong đơn vị cũng nuôi được gà mà. - Anh Hồng trả lời.
- Thôi được rồi, đợi cô một tí. - Cô Miến nói rồi chạy vào bếp.
Chúng tôi tưởng như thế là “rút êm” được. Vừa định dắt xe ra về thì cô Miến lại mang nồi măng luộc ra bảo chúng tôi mang về cho anh em. Anh Hồng lại phải từ chối mãi rồi chúng tôi mới về được. Trên đường đi, anh Hồng kể cho tôi: “Lần nào anh em trong đơn vị đến thăm cô Miến cũng thế đấy. Mời ở lại ăn cơm không được thì bắt mang cái này, cái kia về. Anh em từ chối là cô lại giận”.
Rời nhà cô Miến, chúng tôi đến nhà anh Khuất Thành Luân ở thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến. Mặc dù là cuối tuần nhưng ít khách du lịch nên anh Luân tranh thủ sửa lại hàng quán. Thấy chúng tôi đến, anh vội dừng tay ra pha trà tiếp khách. Anh Luân cũng ra đảo từ năm 1979 và chứng kiến nhiều đổi thay trên đảo. Thế nhưng theo anh, có một thứ sẽ không bao giờ đổi thay đó là tình cảm giữa người dân và bộ đội trên đảo. Những năm 1988-1989, anh Luân còn là Bí thư chi đoàn thôn Nam Đồng, xã Cô Tô (trước kia), anh đã cùng tham gia vào các hoạt động giao lưu văn nghệ do Trung đoàn đảo Cô Tô tổ chức. Rồi những lần bộ đội tham gia làm đường trên đảo, thu hoạch mùa màng, giúp người dân phòng, chống bão… anh đều nhớ. Bộ đội với người dân như thế, còn người dân thì sẵn sàng tạo điều kiện về chỗ ăn, chỗ ở cho bộ đội những lần đơn vị hành quân diễn tập dã ngoại. Và có một chuyện dù đã xảy ra 23 năm nhưng anh luôn nhớ như in:
- Đó là ngày 3-7-1992, vợ tôi sinh con gái đầu lòng. Vì khó sinh nên vợ tôi phải vật lộn với cơn đau suốt một đêm. Trong khi đó, điều kiện chăm sóc sức khỏe trên đảo ngày ấy còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cơn đau mỗi lúc một tăng, tính mạng của vợ và con tôi ngày một nguy kịch. Thương vợ nhưng tôi cũng chỉ biết động viên trong nỗi tuyệt vọng và đầy lo sợ. Đúng lúc ấy, các bác sĩ quân y của Trung đoàn đảo Cô Tô biết tin và đến kịp thời nên cứu được cả mẹ lẫn con.
Và bây giờ, Khuất Thị Vân Anh, con gái anh hiện đang công tác tại Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Kết thúc những ngày công tác trên đảo Cô Tô, tôi mang về đất liền những niềm vui đan xen nỗi nhớ hòn đảo thân thương. Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua những con sóng lớn xô chiếc tàu cao tốc, tôi đã có mặt ở cảng Vân Đồn đón những con sóng bình yên của bến cảng và cuộc sống. Tôi biết, những người đồng đội tôi ở Tiểu đoàn đảo Cô Tô đang ngày đêm canh giữ cho sự bình yên ấy...
Ghi chép của NGUYỄN ĐỨC TUẤN
Cô Tô - gần và xa...