QĐND - Sau gần 20 năm liên tục đi tìm mộ và thông tin về bố vợ là liệt sĩ Ninh Xuân Trường, tháng 1-2010, thông qua các nhân chứng là cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5, tôi đã tìm được thông tin chính xác về hành động hy sinh anh dũng của ông trong trận chiến đấu trên đèo Măng Yang (Gia Lai) vào ngày 15-1-1968. Tháng 4-2012, liệt sĩ Ninh Xuân Trường đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Tại trận đánh ác liệt trên đèo Măng Yang năm ấy, Tiểu đội trưởng Ninh Xuân Trường đã cùng với ba đồng đội của mình trong “Tổ chặn đầu” xông lên chặn đứng đoàn xe địch, mở đường cho toàn Trung đoàn 95 tiêu diệt gọn 69 chiếc xe tăng, thiết giáp, ô tô chở vũ khí, cùng 120 tên địch.

Trăn trở với câu chuyện hy sinh vô cùng anh dũng của “Tổ chặn đầu”, tôi đã viết thông tin nhắn tìm liệt sĩ trên Báo Quân đội nhân dân (số ra ngày 19-3-2013): “Ai có thân nhân là liệt sĩ mà Giấy báo tử ghi ký hiệu KT:19 hoặc H:19 và ngày hy sinh là 15-01-1968 hoặc ngày 16-01-1968 thì liên hệ với Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn 95 đóng tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc hoặc tôi là Đặng Quang Huấn, ĐT: 0913237845 để biết thêm thông tin…”.

Vợ chồng bác Phạm Văn Lai hôm nay.

Sau khi thông tin này được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Nguyễn Minh Quyết, Trợ lý chính sách của Quân đoàn 3 điện thoại cho tôi và cung cấp danh sách cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 95 hy sinh trong trận chiến đấu trên đèo Măng Yang ngày 15-01-1968. Căn cứ vào danh sách này, tôi đã viết thư gửi đảng ủy, UBND và hội CCB của các địa phương Cao Bằng, Nghệ An và Thanh Hóa để cung cấp thông tin cho các thân nhân liệt sĩ về địa điểm hy sinh của người thân.

Và điều bất ngờ nhất với tôi sau đó là tôi đã nhận được điện thoại của anh Phạm Văn Trí, Chủ tịch Hội CCB của xã Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa báo tin: “liệt sĩ” Phạm Văn Lai - một thành viên trong “Tổ chặn đầu” năm xưa vẫn còn sống! Hiện “liệt sĩ” đang sống cùng vợ, con và các cháu tại quê hương Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa.

Giấy báo tử "liệt sĩ" Phạm Văn Lai.

Tháng 5-2013, tôi đã thu xếp để có một chuyến đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa tìm gặp người duy nhất ở “Tổ chặn đầu” năm xưa đang còn sống. Cũng như gia đình tôi, gia đình ông đã nhận được Bằng Tổ quốc ghi công và Giấy báo tử của “liệt sĩ” Phạm Văn Lai vào tháng 12-1970. Kể về nhiệm vụ của “Tổ chặn đầu” trong trận đánh giao thông trên đèo Măng Yang, bác Phạm Văn Lai cho biết: “Đại đội 19 đã cân nhắc và tin tưởng cử 4 đồng chí gồm tôi - Phạm Văn Lai (B phó), đồng chí Lâm (A trưởng) cùng với hai đồng chí nữa là Trường và Phùng đảm trách nhiệm vụ dùng bộc phá tự tạo đánh chặn đầu đoàn xe để Trung đoàn phục kích phía sau dễ dàng tiêu diệt. Theo phân công, đồng chí Trường sẽ đánh quả bộc phá đầu tiên, đồng chí Phùng đánh quả thứ hai, tôi đánh quả thứ ba và đồng chí Lâm đánh quả thứ tư. Đồng chí Ninh Xuân Trường đã anh dũng ôm bộc phá xông lên tiêu diệt gọn chiếc xe tăng đi đầu và hy sinh ngay tại chỗ. Tôi cũng bị thương nặng trên mặt đường, chân bị gãy, trúng đạn vào sườn, vào đầu... chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chặn đứng đoàn xe để đồng đội phía sau tiêu diệt địch…”.

Bác Lai cho biết thêm: Trận đánh bắt đầu khoảng 8-9 giờ sáng ngày 15-01-1968 và diễn ra khoảng một giờ thì ngớt tiếng súng. Đến khoảng 11, 12 giờ trưa cùng ngày, quân Mỹ đến tiếp viện, thu gom xác lính Mỹ cũng như thi hài của anh em mình, trong đó có cả thi hài của bố vợ tôi (dù không còn trọn vẹn). Bác Phạm Văn Lai tuy may mắn còn sống nhưng đã lọt vào tay địch. Sau đó là 5 năm trời bác bị cầm tù khổ ải tại khắp các trại giam ở Plei-cu, Quy Nhơn, Biên Hòa, Phú Quốc. Bị địch tra tấn dã man, tàn khốc, bác Lai không ngờ mình còn có ngày trở về với quê hương...

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, tháng 2-1973, bác Lai đã được phía Mỹ trao trả (tại Thạch Hãn, Quảng Trị). Trở về quê hương xứ Thanh, bác được đi nghỉ điều dưỡng. Tháng 10-1978, bác được Nhà nước cho phục viên, hưởng chế độ bệnh binh (trợ cấp 1.840.000 đồng/tháng). Bác xây dựng gia đình vào năm 1974, có hai người con và tiếp tục sống cuộc sống bình dị như bao người nông dân trên quê hương mình.

Lúc gặp tôi, bác Phạm Văn Lai rất phấn khởi vì thông qua tôi, bác được biết nhiều tin tức về đơn vị cũ cũng như các đồng đội năm xưa của mình, trong đó có Đại úy nhà văn Thiên Lương, Trung tướng Ma Thanh Toàn, Đại tá Nguyễn Hữu Hưu, Đại tá Lâm Huế...

Đã gần 70 tuổi, sức khỏe yếu, thương tật khắp người nhưng bác Lai không hề nói đến mong muốn được đãi ngộ gì cho riêng mình. Chuyện trò với tôi đôi mắt bác nhìn xa xăm, bác tâm sự rằng, chỉ ấp ủ một niềm mong mỏi rất bình dị là có điều kiện và sức khỏe để có ngày được trở về thăm Trung đoàn 95 một lần để hồi tưởng về những ngày tháng tuổi trẻ gian lao mà anh dũng cùng đồng đội trên dãy Trường Sơn năm xưa. Bác cũng ước ao được thăm lại chiến trường xưa - đèo Măng Yang, nơi bác và đồng đội đã để lại một phần xương máu và cả tính mạng của mình để góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

ĐẶNG QUANG HUẤN (Bộ Khoa học và Công nghệ)