Đại tá tình báo Lê Văn Trọng sinh năm 1929, quê gốc Đại Lộc (Quảng Nam), là con út trong một gia đình có 12 người con, vì đói ăn nên phải "tha phương cầu thực" nhiều nơi. Nhiều người đã ví cuộc đời tình báo của ông như một dòng nham thạch ngầm trong lòng đất, tưởng như âm thầm, lặng lẽ nhưng lại rất quyết liệt, máu lửa. Trong đời tư, ông có ba đời vợ, trong đó có hai người cũng là chiến sĩ tình báo... nhưng quãng thời gian để ông được hưởng hạnh phúc gia đình chỉ đếm bằng ngày. Những thông tin ấy đã kích thích tôi tìm đến gặp ông...

Kỳ 1: Khúc dạo đầu của tình yêu "lý tưởng"

Ly dị vắng mặt trước ngày lên đường

Con đường đến với nghề tình báo của chàng trai Lê Văn Trọng cũng thật tình cờ. Mùa thu năm 1963, Đại úy Lê Văn Trọng tốt nghiệp khóa Chính trị Trung cao cấp tại Học viện Chính trị-Quân sự. Sau ba năm đèn sách, đồng đội cùng khóa ai cũng được phân công nhiệm vụ, không về bộ đội chủ lực thì làm công tác quân sự địa phương; phần lớn được bổ sung về các quân, binh chủng mới thành lập nên ai cũng sung sướng nói cười. Riêng Lê Văn Trọng thì nhận được chỉ thị của nhà trường: Tiếp tục chờ đợi ý kiến của Ban Tuyển mộ, Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng tham mưu).

Thẻ cử tri của ngụy quyền cấp cho Lê Hiền sử dụng trong thời gian hoạt động năm 1964

Trọng được thông báo sơ bộ: Sẵn sàng chuyển sang chiến đấu trên "mặt trận thầm lặng". Anh thắc mắc: "Tôi là cái anh lính chiến, bản tính thật thà, có biết gì nghề tình báo đâu mà các đồng chí lại chọn". Anh cán bộ tuyển mộ giải thích: "Chúng tôi đã nghiên cứu quá trình công tác của anh. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, anh hoạt động trong vùng địch hậu, làm cán bộ dân vận, rồi chuyển sang quân đội, đã quen cọ xát với địch, bị sa vào tay địch mà vẫn giữ nguyên ý chí chiến đấu. Đó là "vốn" rất lớn để anh bắt đầu nhiệm vụ mới".

"Tình báo? Kể cũng hay hay! Nhất là được Đảng, quân đội tin tưởng!". Trọng nhủ thầm như vậy. Anh vui vẻ nhận nhiệm vụ, tiếp tục miệt mài với khóa học nghiệp vụ, nắm vững lý luận và thực hành thông thạo kỹ thuật nghiệp vụ tình báo.

Đầu năm 1964, trong một căn phòng "mật", ấm cúng thuộc Khu tập thể Kim Liên (Hà Nội), đồng chí Cục trưởng Cục Nghiên cứu và đồng chí Trưởng phòng Điệp báo nội trực tiếp động viên, giao nhiệm vụ cho Đại úy Lê Văn Trọng: "Nhiệm vụ của đồng chí là xây dựng và chỉ huy một lưới điệp báo trên lãnh thổ Vùng I chiến thuật của ngụy. Địa bàn trải dài từ Đà Nẵng - Huế đến vĩ tuyến 17...".

Trước ngày lên đường, cấp trên hỏi Trọng có điều gì còn băn khoăn nữa không? Trọng ngập ngừng một lúc, bày tỏ: "Trước ngày tập kết, tôi đã xây dựng hạnh phúc với một người con gái. Nhưng rồi hai đứa sống hai miền khác biệt, cô ấy không chờ đợi được đã đi lấy chồng. Bây giờ, tôi muốn báo cáo tổ chức làm đơn xin Tòa cho ly dị".

Trọng vừa nói ra nỗi buồn mà anh âm thầm chịu đựng bấy lâu...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đổi đời Lê Văn Trọng. Từ một chú bé đi lang thang kiếm ăn, Trọng tham gia hoạt động trong các đoàn thể quần chúng, trở thành đảng viên cộng sản và trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, anh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng giao cho một đảng viên hoạt động trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, được cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ Trung Cao, rồi được Ban Tuyển mộ để ý... Thế là, anh trở thành cán bộ tình báo.

Đột nhập vào hang ổ địch

Tạm biệt Hà Nội, anh vượt Trường Sơn Đông vào chiến trường Quảng Nam đang ngút ngàn khói lửa chiến tranh. Lợi dụng sơ hở của địch, từ vùng tranh chấp, với tấm căn cước bọc nhựa giả mang tên Lê Hiền, đóng dấu son đỏ chót của Cảnh sát đô thành Sài Gòn, anh mạo hiểm đột nhập vào căn cứ chiến tranh Đà Nẵng ken đầy lính giặc.

Nằm nghỉ ở khách sạn sang trọng mà đầu óc anh nặng trình trịch, lo tính con đường đột nhập vào hang ổ địch sao cho an toàn. Số phận người chiến sĩ tình báo, thật không biết bao nhiêu "bẫy" chờ sẵn trên đường. Mạng lưới phản gián của địch - cả Mỹ và ngụy đều rất tinh vi, xảo quyệt; chưa kể rất nhiều rủi ro khác không lường trước được.

Trong phòng ngủ, anh trải rộng tấm bản đồ của chính quyền ngụy: Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng, địa bàn hoạt động của mạng lưới sẽ do anh gây dựng đang chìm trong không khí căng thẳng, ngột ngạt của chiến tranh... Sau ít ngày, anh vui mừng tìm được cách trụ lại Đà Nẵng nhờ một người bà con tên là Lê Tái, cùng quê Quảng Nam đang làm thư ký tại đồn cảnh sát Hoàng Hoa Thám của thành phố Đà Nẵng.

Một hôm, viên cảnh sát Lê Tái đang ngồi chơi đùa cùng tụi con nhỏ thì bất chợt có người đến nhận họ hàng. Đó là một chàng trai ngoài 30 tuổi, dáng cao gầy, khuôn mặt phúc hậu có tên Lê Hiền. Lê Tái hỏi kỹ thì biết đây chính là người con thứ 12 của người chú họ mình tên là Lê Bôi ở quê, trước năm 1945 vì quá nghèo mà phải dẫn đàn con bỏ đi bạt xứ. Vốn là người trọng tình nghĩa họ hàng, Lê Tái mừng húm, hỏi: "Ủa, sao bao năm rồi mới thấy chú tới đây. Vậy chớ chú thím và mấy đứa nữa đâu".

Lê Hiền thưa: "Nạn đói năm 1945 làm gia đình em tan tác hết anh ơi. Em lớn lên rồi cũng chẳng rõ bố mẹ anh chị mình đi đâu. Điều em nhớ nhất là lời ba dặn, đi đâu cũng phải nhớ lấy họ hàng. Bấy lâu em làm ăn ở Sài Gòn, cũng kiếm được chút vốn giờ tạm đủ ăn nên tính chuyển về quê sinh sống, đặng tìm lại anh em, dòng họ". Lê Tái cảm kích bảo: "Thôi được, trước mắt chú cứ ở nhà anh, rồi ta tính sau".

Lê Hiền mừng rỡ. Ít nhất, người anh em họ đã giúp anh có được chỗ trú chân hợp pháp ở nơi hoạt động. Điều anh lo nhất là tấm căn cước giả, nếu ở trong nhà Lê Tái - một viên cảnh sát - thì chắc ít bị truy vấn.

Ở nhà Lê Tái một thời gian, nhờ nhiều vận may xui khiến đã giúp Lê Hiền xây dựng được một vỏ bọc an toàn. Tên Lê Hiền đã đàng hoàng được kê khai vào sổ gia đình Lê Tái với danh nghĩa bà con từ Sài Gòn lên làm ăn ở cùng. Lê Hiền biết, cũng không nên ở nhà Lê Tái lâu bởi trong số bạn bè của Lê Tái có không ít cặp mắt "cú vọ" vẫn soi mói, nghi ngờ anh. Có lần, một tên còn sơ ý để lộ chiếc máy ảnh Minox là loại máy ảnh chuyên dụng thường chỉ bọn mật vụ mới có.

Nhưng làm sao để tách khẩu ra khỏi nhà Lê Tái mà vẫn có một chỗ trú chân an toàn để hoạt động?

Sau nhiều lần suy tính, Lê Hiền quyết định chọn phương án lấy vợ để che mắt địch.

Lê Hiền và Trà Thanh Tâm (ảnh chụp năm 1969).

Trước mắt, Lê Hiền điện ra căn cứ xin cấp vốn để trở thành một nhà buôn lớn. Một thời gian sau, anh tiếp cận được với vợ của tên Trưởng ban cảnh sát hoạt vụ thuộc Ty Cảnh sát Đà Nẵng. Nhà tên này có mặt tiền rất đẹp, vợ hắn lại chưa có công ăn việc làm nên thấy có người bà con của viên cảnh sát Lê Tái rủ cộng tác mở tiệm vàng, cả hai vợ chồng hắn đều ưng ý. Tiệm vàng Lộc Thành ra đời, vợ chồng tên cảnh sát có chỗ kiếm tiền còn Lê Hiền một lần nữa lọt vào danh sách dễ được bỏ qua mỗi đợt lùng sục, bắt bớ vì là đối tác của ông Trưởng ban hoạt vụ.

Hoạt động dưới danh nghĩa ông chủ tiệm vàng một thời gian, Lê Hiền nhận được điện báo của tổ chức, cho phép anh lấy vợ để tạo vỏ bọc hoạt động lâu dài.

Lấy ai bây giờ! Anh nhờ một cảnh sát thuế vụ có cảm tình mai mối. Lê Hiền đã nghe phong thanh về cô chủ tiệm may Thanh Tâm đẹp người, đẹp nết. "Ông mối" trước khi làm mai cho Lê Hiền đã nói thẳng: "Cô chủ này được lắm đó Hiền ơi, duy có điều hai thằng anh của nó theo Cộng sản, nghe đâu đã bị chết ngoài chiến trường". Trong bụng, Lê Hiền rất lấy làm mừng, nhưng lại giả bộ dửng dưng. Anh nói với Ứng: "Tui làm nghề buôn, cốt lấy cô vợ cho ngoan để chăm sóc gia đình, chứ có cần phấn đấu trên đường quan lộ như anh đâu mà phải chú ý quá đến lý lịch. Thôi, bữa nào rảnh, anh dẫn tui đi xem mặt đi"...

Ít ngày sau, Lê Hiền đã nhanh chóng hoàn tất việc "xem mắt" về cô chủ tiệm may có tên là Trà Thanh Tâm ấy. Đó là cô con gái của một gia đình công chức nhỏ. Là chị cả, Tâm giỏi giang việc nhà và sớm tham gia cách mạng. Tâm thường đi chợ Đà Nẵng mua tạp hóa, lương thực đem về vừa dùng cho nhà mình, vừa tiếp tế cho bộ đội. Mỗi lần đi qua bốt kiểm soát Thanh Khê, Tâm thường bị lục xét rất kỹ. Vì vậy, Tâm tìm cách gây cảm tình với một viên cảnh sát tốt bụng. Nhờ đó mà các chuyến hàng của Tâm thường trót lọt.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại, khói lửa chiến tranh chưa kịp lụi tàn thì đất nước lại lâm cảnh phân ly hai miền Nam - Bắc. Quê Tâm lại chìm trong bom đạn. Bọn mật thám lấy cớ Tâm có người yêu đi tập kết, quy cô vào phần tử "thân Cộng". Tâm sống trong tâm trạng nơm nớp lo âu. Cô cùng gia đình gồng gánh chạy lánh nạn đi Hội An rồi quay về Đà Nẵng. Tâm mở hiệu may Thanh Tâm, lấy đường kim, mũi chỉ làm kế sinh nhai, đồng thời che mắt địch. Mối tình đầu của cô với một chiến sĩ cách mạng đã thoát ly ra Bắc, được Tâm ôm ấp, giữ gìn dù có nghe phong thanh rằng: Do hoàn cảnh, người ấy không còn giữ được lời hẹn ước với cô nữa. Lúc này, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền giám sát chặt chẽ từng nhà, từng người nhưng cũng không ngăn nổi tấm lòng của người con gái trong vùng địch hậu hướng về kháng chiến, bất chấp hiểm họa có thể ập xuống mình bất cứ lúc nào. Tâm cũng không hề biết, cô đang được một chiến sĩ cách mạng có cái tên vỏ bọc là Lê Hiền để ý....

(Kỳ sau: Bi tráng một chuyện tình)

HỒNG HẢI .