 |
Ông Kẻ và người con gái mang tên Ngô Thị Viết Thụy |
Theo lời hẹn, tôi có mặt tại văn phòng Hội Cựu chiến binh huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) để nhận “quà” của đại tá, chủ tịch Hội Nguyễn Văn Dũng. Không để tôi chờ lâu, ông rút trong cặp tài liệu một bức thư, đưa tận tay và dặn: “Quà cho cậu đây, đọc đi …”.
Đây là bức thư viết tay.
Thành phố Thái Bình
10-5-2007
Anh Kẻ “con” ơi, anh em mình đã xa nhau 39 năm rồi. Anh có khỏe không, già lắm rồi thì phải. Còn Viết Thụy của anh hôm nay sắp chết rồi anh ạ. Em bị ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ nói em chỉ còn vài chục ngày là tốt. Những ngày cuối cùng của đời em, em muốn được gặp anh. Anh xuống với em cho em được toại nguyện. Anh ơi, cái ngày 20-12-1971 ấy em không quên được. Em tình nguyện truyền máu cho anh, anh biết không, nằm bên người mình cho máu là một người bộ đội trẻ quá, qua dây dẫn, máu của em chảy sang anh, lúc anh tỉnh lại là lúc em phải cấp cứu. Bác sĩ bảo lượng máu chảy sang anh nhiều quá. Anh nhớ, anh bảo hòa bình anh sẽ cưới em, nhưng em chỉ nhận là em gái thôi, bởi máu của em đang chảy trong cơ thể anh thì phải là ruột thịt, phải không anh.
Có một lần vào năm 1976, anh xuống thăm em và nói là sẽ đặt con anh là tên của em. Cháu nó xinh đẹp như em không? Cám ơn anh, vì em chết rồi nhưng tên em còn mãi trên đời. Kỷ niệm quân ngũ chỉ có duy nhất là lần ấy tại đất Tây Ninh.
Em đã là bà nội, bà ngoại rồi, nhà em mất năm 2004.
Anh ơi, em mệt lắm, em nhớ anh, em muốn thấy anh, anh xuống thăm em thì em toại nguyện, nếu không anh thắp hương cho em, em chết em sẽ phù hộ cho anh. Anh trai ơi, em gái mong anh quá. Em chết sẽ phù hộ anh và máu của em vẫn chảy trong cơ thể anh.
Vĩnh biệt
Em gái
Lê Thị Viết Thụy
Đọc xong, và sau ít phút im lặng, ông Dũng bảo: “Đây là chuyện đưa lên báo được đấy, cậu tìm gặp ông Kẻ mà khai thác thêm tư liệu…”.
Bắt tay chủ tịch Dũng, tôi tìm về thôn Nguyễn Giáo, xã Đồng Nguyên, cùng huyện. Đây cũng là quê vợ của ông Dũng, ông và Kẻ biết nhau đã mấy chục năm.
Gặp ông Kẻ và sau mấy lời gợi mở ông Kẻ kể ngay:
- Tháng 10-1967, tôi tình nguyện nhập ngũ khi đang học năm đầu Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau hơn một tháng huấn luyện, tôi được biên chế về C23, E195, F7 bộ binh, rồi hành quân vào Tây Ninh. Tôi đã đánh nhiều trận, không ít lần bị thương, nhưng nặng nhất là trận ngày 20-12-1972, bị đạn găm vào đầu, ngất xỉu. Lập tức tôi được đưa đến trạm phẫu trung đoàn. Tại đây, y tá Thụy đã truyền máu cho tôi. Sau lần ấy, sức khỏe của tôi giảm sút, nên tháng 5-1972, được chuyển ra Bắc an dưỡng, rồi về phục viên, với thương tật 3/4.
Gia đình tôi ngày ấy cực lắm. Bố mẹ già, còn 10 đứa em đang tuổi ăn, tuổi lớn, một nửa đang đi học. Tôi lấy vợ để trợ giúp gia đình. Năm 1976, tôi xuống thăm Thụy, cô ấy vừa sinh cháu gái, tên là Hòa. Vợ tôi cũng chuẩn bị sinh cháu thứ 2, tôi có bảo với cô ấy, nếu là con gái, sẽ lấy tên là Thụy đặt cho con. Vợ tôi sinh cháu gái thật, tôi đặt là Ngô Thị Bích Thụy. Cũng lần thăm ấy, tôi biết Thụy ra quân cuối năm 1972, lấy chồng 1973, sinh cháu Hải, con trai đầu năm 1974. Chồng Thụy chuyên chạy xích lô, đời sống còn nhiều khó khăn…
Tôicắt ngang: “Thôi, kể đoạn nhận thư và chuyến đi mới rồi!”.
- Vâng. Phải nói thế này đã: từ 1976 đến nay, hơn 30 năm, do mải làm ăn và lo nhiều việc đại sự, vì tôi là con cả mà, nên ít có thời gian để đi lại thăm nom nhau. Mà cũng nghĩ cô ấy đang sống hạnh phúc với chồng con, còn có họ hàng, làng xóm. Ai ngờ đùng một cái, thư về. Mà cũng chẳng hiểu sao, thư viết ngày 10-5 mà mãi chiều 25-5 mới đến tay người nhận. Đọc thư, tôi linh tính có chuyện chẳng lành, vội chuẩn bị để 4 giờ sáng hôm sau, phóng xe máy một mạch, 8 giờ đến nơi. Anh biết không, thấy tôi, cả nhà ùa ra đón, mắt ai cũng đỏ hoe. Tôi giật mình khi thấy trong nhà đã sẵn áo quan và các đồ tang lễ khác. Thụy nằm bất động trên giường, gầy teo, đôi môi thâm đen, mím chặt, tóc bạc và thưa. Tôi lại gần, gọi: “Bà Thụy ơi, Kẻ “con” đây, bà có nhận ra tôi không?”. Phải một lúc lâu, Thụy mới từ từ mở mắt, rồi khó nhọc đưa một cánh tay lên, tôi nắm lấy ngay. Giọng Thụy thều thào: “Em yêu… anh, anh không… biết”. Rồi ngừng lại, như để lấy hơi sức, bảo tôi: “Anh… thay quần… áo… cho … em”. Bao người đứng quanh đều òa lên khóc, bởi việc ấy xưa nay đâu phải của đàn ông. Tôi gọi hai cháu Hải, Hòa lấy nước, quần áo, rồi nhẹ nhàng lau rửa, thay đồ cho Thụy. Phải hơn một tiếng sau và hình như Thụy đã toại nguyện vì sự có mặt của tôi, của người thân, cô ấy mới ra đi ở tuổi tròn 60. Nhưng…
- Nhưng sao? Kể tiếp đi-tôi cổ vũ.
- Vâng. Nhưng anh ạ, không hiểu vì sao mà đôi mắt Thụy không khép lại. Ông bác ruột, rồi hai con Thụy đến vuốt, vẫn không được, chỉ đến khi tôi đặt tay lên vuốt nhẹ, Thụy mới chịu đi về cõi vĩnh hằng…
Ông Kẻ xúc động, cổ họng như nghẹn lại một lúc lâu, rồi mới kể tiếp được: "Chiều, sau khi an táng Thụy, gia đình và đông đảo bà con giáo dân đưa Thụy vào nhà thờ làm lễ.
Tối ấy, cơm nước xong, tôi mới hỏi chuyện hai cháu và biết thêm nhiều điều thương tâm. Năm 1994, chồng Thụy mắc bệnh tâm thần, phải nghỉ chạy xích lô. Một mình Thụy “bao” hết mọi chi phí cho chồng, sinh hoạt trong nhà. Thậm chí còn đi làm thuê để có tiền, có gạo nuôi cả gia đình. Năm 2004, chồng chết. Có lẽ vì quá âu phiền, làm việc quá sức mà Thụy mang bệnh hiểm nghèo. Khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn không thể cứu chữa. Cháu Hải đã có vợ, con, ở đất ông bà nội cho ngoài thành phố Thái Bình, làm nghề xe ôm. Vợ chồng Hòa ở với mẹ, làm ruộng.
Tôi có hỏi các cháu: “Vì sao mẹ bị bệnh rồi và hai lần cưới các cháu, không có tin gì cho bác. Các cháu đều thưa, có nhắc đến bác, nhưng mẹ cháu bảo bác ở xa, đi lại vất vả rồi cả chuyện ơn huệ nữa. (Ý nói tôi sẽ quà cáp mang xuống). Thế đấy, cô ấy chỉ cho, chứ không nghĩ đến nhận của ai. Hèn gì, mấy chục năm trời, cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm, chẳng hay biết gì cả. Vâng, với tôi thì rõ hơn là sai, vì tôi là anh cô ấy, chẳng đỡ được gì cho Thụy, cho các cháu”.
- Việc ma chay hôm ấy, có tốn kém không? Tôi hỏi.
- Cháu Hải nó có thịt con lợn vài chục ki-lô-gam, làm 25 mâm cơm, chỉ họ hàng thân quen ở lại ăn. Sau khi hỏi chuyện, gần khuya, tôi đưa cho Hải 2 triệu đồng, gọi là “thêm thắt” cho cháu, lo việc tang mẹ, nhưng cháu nhất quyết không nhận. Tôi phải thưa với ông bác, nhờ nói hộ, cháu mới cầm 500.000 đồng. Thấy vậy, cháu Hòa òa lên khóc: “Mẹ ơi, vậy là chúng con lại không nghe lời mẹ rồi. Nhưng ông và bác “ép” chúng con. Mẹ tha lỗi cho chúng con”.
Sáng 26-5, tôi trở về nhà, điện cho một số anh em cùng đại đội biết. Ai cũng xúc động, trách mắng tôi vô tâm, thậm chí là bảo tôi vô ơn. Tôi khổ tâm, nhận hết lỗi lầm với bè bạn, với vong linh Thụy. Chỉ một tuần sau, đồng ngũ chúng tôi quyên góp được 51 triệu đồng, một ti-vi, tôi lại một lần đem tiền, quà xuống tận nơi, trao cho các cháu. Số tiền này sẽ được sử dụng vào việc sửa chữa nhà cửa. Khi nào làm, các cháu sẽ tin cho tôi và anh em đồng đội về dự.
Nghe đến đây, tôi bỗng sực nhớ và hỏi:
- Sao lại có tên Kẻ “con”.
- À, đơn vị tôi hồi ấy có anh Kẻ chỉ huy. Chúng tôi gọi là Kẻ “lớn”. Tôi là lính, kêu là Kẻ “con” vậy thôi. Cứ mỗi lần gọi: Anh Kẻ “con” ơi, Thụy lại cười thích thú, có lúc còn trêu đùa tôi nữa".
Tôi cứ nghĩ, bức thư cuối cùng, những mong muốn cuối đời của Thụy đã được đền đáp từ ông Ngô Văn Kẻ. Đồng đội của ông và bản thân ông đã có những tình cảm, việc làm rất có ý nghĩa đối với các con, các cháu của Thụy, dẫu có “chậm” nhưng không phải là đã “muộn”.
Tôi lại nghĩ, dưới suối vàng, Lê Thị Viết Thụy cũng thật thanh thản.
Mùa thu 2007
Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Kỳ