 |
Cô giáo trường nội trú Công ty 78 hướng dẫn học sinh tập viết chữ.
|
Vùng biên giới Ngọc Hồi, Sa Thầy của tỉnh Kon Tum, xưa nay trẻ em dưới 7 tuổi hằng ngày vẫn theo cha mẹ lên nương rẫy, nắng mưa đã có bóng cây... Vào nhà trẻ hay đi học mẫu giáo được coi như là chuyện “xưa nay hiếm”. Với nhiều nội dung, biện pháp phù hợp, Công ty 78 và Công ty 732 (Binh đoàn 15) đã làm nên chuyện cổ tích thời hiện đại, đó là đưa toàn bộ “Akay” vào nhà trẻ, trường nội trú để học tập. Mô hình này đã được nhân rộng trên vùng biên giới tỉnh Kon Tum - Gia Lai.
“Dựng nghiệp” bắt đầu từ cái chữ…
Từ thành phố Plei-cu, tỉnh Gia Lai lên Công ty 78 chỉ gần 200km, nhưng chúng tôi cũng đi mất 6 giờ. Những cung đường đất lầy lội, những suối nước ngăn cách, những rừng le, rừng già nối dài thâm u... là vật cản ngăn cách các cháu đến trường học tập. Để tạo điều kiện cho ba mẹ đi làm và cũng để các cháu có nơi vui chơi, học tập, đến nay Công ty 78 đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng 6 nhà trẻ, một trường nội trú với các trang bị dạy và học đầy đủ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc Công ty 78 cho biết: Những năm đầu, số công nhân tuyển dụng lên đây đa số không bám trụ được vì cuộc sống gian khổ quá. 6 tháng mùa mưa Tây Nguyên cũng là 6 tháng địa bàn xã biên giới Mo Ray như một “ốc đảo” ngăn cách chúng tôi với các địa bàn xung quanh, cuộc sống hoàn toàn tự cung, tự cấp. Ổn định cuộc sống của công nhân và người lao động lúc này được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Bài học kinh nghiệm quý nhất đối với lãnh đạo chúng tôi là biết tôn trọng và chăm lo lợi ích cho người lao động, ưu tiên đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho họ gắn bó ngày càng mật thiết với công ty. Để làm được điều đó, một mặt chúng tôi liên tục mở rộng diện tích thâm canh, tích cực hướng dẫn và vận dụng kỹ thuật để tăng năng suất các loại cây trồng. Cùng với đó, chúng tôi tập trung xây dựng các nhà trẻ khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và đồ dùng để các cháu vui chơi, học tập. Các cô giáo được tuyển dụng đều nhiệt tình, trách nhiệm, thực sự coi các cháu là con em trong gia đình… Có như vậy người lao động mới yên tâm khi gửi “Akay” vào nhà trẻ và tập trung cho lao động sản xuất… Như vậy, đến nay có thể khẳng định, chuyện “lập nghiệp” của Công ty 78 trên vùng biên giới Sa Thầy bắt đầu từ những “Akay” đi học cái chữ, con số đã thành công.
“Akay” hát giữa vùng biên
Cách Trường mẫu giáo Đội 3 chừng 500m, chúng tôi đã nghe tiếng hát bập bẹ của các cháu “Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo”. Đến nơi, các cháu như đàn chim non vòng tay chào. Cháu nào cũng sạch sẽ, ngộ nghĩnh rất dễ thương.
Cô giáo Vũ Xuân Lộc, người có thâm niên giữ trẻ lâu nhất ở đây cho biết: Để có trường, lớp đàng hoàng, nền nếp như bây giờ, các cô giáo ở đây đã trải qua thời gian công tác hơn 7 năm, tổng cộng phải đi bộ hơn 1.000km để vận động các cháu đến lớp. Thời gian đầu vận dụng phương pháp: Sáng đến nhà đón cháu, chiều đưa cháu về nhà, thế mà mãi cũng chỉ được gần 10 cháu, từng bước lên 15 rồi 20 cháu. Nhiều lúc các cô cũng nản, muốn chuyển vị trí công tác khác, nhưng nghĩ đến việc các cháu thất học, dãi nắng dầm mưa ngoài trời, da đen cháy, bệnh tật, nhiều cái chết thương tâm, vậy là lại tiếp tục công cuộc “vận động quần chúng”. Ba mẹ các cháu gửi con đến trường được miễn phí hoàn toàn, lại được ưu tiên trong công việc. Nhờ sự chăm ẵm, dạy bảo tốt của các cô nên chỉ sau một tháng, các “Akay” đều mập mạp, trắng trẻo dễ thương, hát được nhiều bài hay, múa đẹp; biết chào hỏi, nhiều cháu đã nhanh chóng làm quen với chữ viết, con số… Đó là điều mà từ trước đến nay ở vùng biên giới này trẻ em chưa bao giờ có. Từ đó, các gia đình có trẻ nhỏ đều gửi con vào nhà trẻ.
Giã từ đỉnh núi Chư Mon Ray, chúng tôi đến vùng biên giới Ngọc Hồi, khi bóng chiều đã ngả ngang qua những cây Kơnia xanh tốt. Cùng chúng tôi đến thăm các “Akay” ở Trường mẫu giáo, Đại tá Võ Văn Nguyên, Giám đốc Công ty 732 cho biết: “Quan điểm của công ty là ưu tiên cho con em cán bộ, công nhân, người lao động, tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập. Đến nay, Công ty 732 đã đầu tư xây dựng 8 nhà trẻ, 11 lớp học với 367 cháu. Năm 2009, đã đầu tư xây dựng, sửa chữa và mua sắm thiết bị cho các cháu học tập với tổng kinh phí hơn 465 triệu đồng, hỗ trợ các cháu mỗi ngày 5.000 đồng tiền ăn thêm”.
Bế con gái trên tay, chị Y H’Mý vui vẻ tâm sự: “Vợ chồng mình cưới nhau hơn 3 năm mới được bé A Kiên đây. Lúc đầu mình không muốn gửi nó đâu, sợ đông người nó ốm đau thì buồn lắm. Nhưng nghe lời cô giáo nói và thấy các cháu nhỏ học tập ở đây đứa nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thế là vợ chồng mình yên tâm gửi bé. Mới gần 3 tháng đi nhà trẻ mà cháu lớn rất nhanh, lại ngoan ngoãn, hát hay, múa đẹp. Chiều nào về cũng bi bô kể chuyện Bác Hồ…”.
Chiều biên giới vùng bắc Tây Nguyên tím vàng trong hương sắc cúc quỳ, đu mình đùa giỡn với từng cơn gió. Chia tay các cô giáo mầm non Công ty 732 và các “Akay” dân tộc thiểu số, vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi câu hát ngộ nghĩnh, ngây thơ: “Cháu lên 3 cháu đi mẫu giáo…”.
Bài và ảnh: Lê Quang Hồi