QĐND Online - Phiên chợ vùng cao bắt đầu với những dòng người hối hả khắp nơi từ Tủa Sín Chải, Tả Ngảo cho đến Hồng Thu, đổ về chợ huyện. Trên lưng của những phụ nữ dân tộc đầy ắp: ngô, lúa, các loại rau quả trong những chiếc lu cở.

Chất nông sản vùng cao

Người phụ nữ trạc 25 tuổi, vành khăn hồng toả sáng khuôn mặt trái xoan, đôi má ửng hồng, in đậm nét duyên người con gái Mông, vừa bày các mặt hàng ra chào khách, vừa vui vẻ nói: “Mỗi lần đi chợ phiên phải chuẩn bị hàng cả tuần, dậy từ 5 giờ sáng, đi bộ từ bản Ha Chá (Tủa Sín Chải – Sìn Hồ – Lai Châu) về đây phải mất 3 giờ đồng hồ. Khi đi thì lạnh cóng, đến chợ thì vã cả mồ hôi. Không thấy mệt, chỉ thấy vui thôi!”. Giàng Thị Phình – tên người phụ nữ dân tộc ấy. Những củ khoai sọ nặng đến 5kg “phơi mình” trên chiếc lu cở, xếp thành dãy dài. Để có được những sản phẩm này, bà con trồng trên chân ruộng lúa một vụ, đất vườn, đất đồi tơi xốp nên khoai không bị sần sùi, vỏ rất mỏng. Đây cũng là mặt hàng được rất nhiều người chọn mua tại chợ.

Chợ phiên vùng cao không giống các chợ trung tâm, người bán hàng không có thói quen chào hàng hay giành khách mà nếu muốn lấy lòng khách phải bày hàng thật ngay ngắn, đẹp mắt để khách hàng đến chọn lựa. Nếu khách không vừa ý có thể đi mua ở hàng khác. Xen lẫn với những củ khoai sọ, là xâu chuỗi những nhánh gừng. Gừng là loại cây phù hợp với vùng đất khô nên trồng ở Sìn Hồ rất tốt, vỏ mỏng, mọng nước, trắng bóng. Đây là loại nông sản phổ biến ở các chợ phiên nhưng ở mỗi vùng lại có mùi vị riêng. Gừng trồng ở đất Sìn Hồ thơm, cay nồng và rất đậm đà. Người nông dân mỗi khi đi làm nương thường kho một chút gừng với muối để ăn với cơm nắm, vừa lành, vừa ấm bụng. Đây cũng được xem là một vị thuốc chữa các bệnh cảm lạnh, tiêu hóa. Có những gia đình làm mứt gừng tiếp khách mỗi khi Tết đến.

Chọn mua váy tại chợ phiên

Cùng dãy các mặt hàng với khoai sọ, gừng là các sản phẩm dược liệu bà con lấy từ trên rừng như: tam thất (làm thuốc bổ), dứa dại (chữa bệnh tiểu đường) và một số loại lá cây dùng vào các thang thuốc quý và làm thuốc tắm rất hữu hiệu cho sức khoẻ cũng được bày bán ở chợ phiên. Nhưng đắt khách nhất vẫn là các mặt hàng: gạo, lạc, đậu tương, đậu xanh, đậu trắng, đỏ… vì các sản phẩm đều được phơi cất cẩn thận, sàng sẩy sạch sẽ mới đem ra chợ bán. Có lẽ đây là một nét đẹp trong lối sống của bà con vùng cao vì khi đem bất cứ mặt hàng đi bán cũng được trân trọng, dù có những mặt hàng giá trị sản phẩm không cao. Điều đó còn thể hiện thái độ tôn trọng khách mua hàng.

Một mặt hàng không kém đậm đà bản sắc là các loại quả rừng, được người dân chế biến làm gia vị trong các món ăn. Quả mắc có, mắc khén được chế biến cùng với một số thực phẩm khác làm nước chấm rau sống, tạo một hương vị riêng, độc đáo mà chỉ ở vùng miền núi mới có. Các loại quả chua chát (còn có tên gọi khác là táo Mèo) hay mắc coọp vừa ăn như một loại hoa quả nhưng cũng là vị thuốc tốt. Sau những gian hàng kiên cố bằng bê tông là nghi ngút khói thuốc lào. Lại gần chúng tôi mới biết đó là các vị khách đang thử món thuốc lào, mua để phục vụ ngày Tết. Vì thế, người bán cũng như người mua, ai cũng muốn đi chợ sớm để bán được hàng, những người mua thì tìm được mặt hàng tươi ngon, độc đáo.

Quà vùng cao

Ngay từ sáng sớm, cổng chợ đã xếp dãy dài, la liệt các loại bánh như: bánh dày đỗ, bánh chưng, bánh rán tẩm bột, bánh quẩy, bánh chưng xanh, bánh lá để khách tha hồ lựa chọn. Nhiều loại bánh còn nóng bốc hơi giữa tiết trời lạnh, khiến thực khách ai đi qua cũng phải dừng lại lựa chọn vài thứ gọi làm quà. Đây là các loại bánh được làm bởi bà con nhân dân xung quanh thị trấn vì thuận đường vận chuyển, nguyên liệu làm bánh cũng dễ mua hơn so với đồng bào các dân tộc vùng cao. Người dân ở đây cho biết, để chuẩn bị bánh bán ở chợ phiên, phải chuẩn bị lá gói, gạo nếp, đỗ xanh từ nhiều ngày trong tuần. Gói xong là nấu luôn, vớt ra cho ráo nước là đem ra chợ bán ngay khi còn nóng. Bánh ăn nóng trong tiết trời giá lạnh mới ngon và ấm bụng. Thế nên, sau khi vừa mới mở hàng của hàng đã chật khách và chẳng mấy chốc đã không còn chiếc nào.

Đặc biệt tại chợ phiên Sìn Hồ còn có bán cả loại cua đá bắt từ dưới các khe suối. Càng cua đá to, chắc hơn cua đồng và có màu trắng. Ăn cua đá bằng cách hấp hoặc luộc, thịt chắc, thơm và rất ngọt. Ngoài các loại cá nước ngọt như: cá trắm, mè, chép, trôi… do dân địa phương nuôi thả ở ao, hồ, còn có cả các loại cá biển được đưa từ miền xuôi lên phục vụ nhân dân nhưng giá cả gấp đôi, gấp ba giá gốc.

Rực rỡ sắc màu cao nguyên

Cả tuần mới có một buổi chợ phiên nên lúc nào cũng chật cứng người. Có những quầy chỉ tập trung phụ nữ dân tộc, xếp thành hàng ngay ngắn. Tuy chật, song không ai chen lấn, xô đẩy nhau mà khi đứng, họ dành cho nhau một khoảng nhất định. Đó cũng là ấn tượng khó quên của bao người đến với chợ phiên. Các cô bé mới chỉ hơn 10 tuổi cũng rủ nhau xuống chợ tìm mua chỉ thêu. Váy áo người Mông, Dao thường có màu sặc sỡ nên các mặt hàng chỉ thêu lại càng phong phú về màu sắc. Thường những đường nét, hoa văn trên thân váy đều được trang trí bởi bàn tay các bà, các mẹ, các chị, các em. Các cô gái tự ướm váy cho nhau còn các bà mẹ thì mua váy cho con gái. Các cụ già thì mua chàm về nhuộm. Đất cao nguyên lạnh nên chợ phiên bán những chiếc chăn bông dày cộp, vỏ chăn nhung trang trí với đủ các gam màu nóng.

Chợ phiên cũng là nơi đón mời, hội tụ các vị khách nước ngoài đến tham quan và thưởng lãm. Được chứng kiến cảnh bà con vây quanh lấy Julia và Ana (tên 2 cô gái trẻ người Anh) và ra những cử chỉ để mời mua hàng, tôi thấy sự thân thiện dường như không còn khoảng cách giữa 2 bên. Đâu đó tại những góc chợ hay bên lề đường, bà con giao lưu, trò chuyện với nhau vì lâu lắm mới có dịp gặp gỡ. Ngày thường ai cũng những công việc riêng của gia đình, nay gặp nhau mới có thời gian thăm hỏi, sẻ chia, tâm sự với nhau câu chuyện của gia đình, anh em họ hàng. Người Mông, người Dao gặp gỡ nhau ở chợ phiên cũng tâm tình rất cởi mở, trao đổi với nhau những thông tin ở các vùng, miền.

Chợ phiên trên cao nguyên Sìn Hồ là trung tâm thương mại, nơi bà con các dân tộc trong và ngoài huyện hội tụ về đây buôn bán, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế. Song, cũng có rất nhiều mối tình được nảy nở tại chợ phiên và xe duyên cho các chàng trai, cô gái nên vợ nên chồng. Phàn Tà Mẩy – một phụ nữ trẻ trung duyên dáng đến từ xã Hồng Thu đứng đợi chồng mua thêm một số đồ dùng về dựng nhà: “Nhà tôi quê ở xã Pu Sam Cáp cơ, xa lắm. Lấy nhau được nhà nhờ phiên chợ này đấy! Yêu nhau mấy năm mới lấy được vì gia đình 2 nhà xa nhau quá!”.

Trời đã ngả về chiều, những đám mây vẫn còn lưu luyến quấn quanh sườn núi. Trên khắp các ngả đường, những phụ nữ Mông, Dao... vừa đi vừa nói cười vang vang. Họ hẹn đến phiên chợ sau sẽ lại gặp nhau để cùng khoe những tấm áo, những chiếc váy mới được thêu.

Bài, ảnh: Văn Tuấn