Đội chó nghiệp vụ đang xác định vị trí nạn nhân trong đêm

Vụ tai nạn tại công trường thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) làm chết 18 công nhân, trong đó có 10 công nhân bị vùi sâu trong các khối đất đá lớn, rất khó tìm kiếm. Sự xuất hiện của đội chó nghiệp vụ Trường đào tạo chó nghiệp vụ 24 (Bộ đội Biên phòng) tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân đã góp phần làm vợi bớt nỗi đau mất mát. Đây cũng là đội ngũ chó nghiệp vụ chuyên tìm kiếm cứu nạn đầu tiên ở Việt Nam đã được Quân đội ta chủ động huấn luyện từ mấy năm trước…

Bản Vẽ - niềm xúc động giữa đau thương

Nửa tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn, hai nạn nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể. Đó là nỗi đau canh cánh bên lòng những người có mặt tại công trường thủy điện Bản Vẽ. Việc tìm được 16/18 thi thể kỹ sư, công nhân, trong đó có 9 thi thể tìm được nhờ sự góp sức của đội chó nghiệp vụ để lại niềm xúc động sâu sắc trong lòng những người có mặt tại nơi đây. Ông Đào Duy Tân, Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện 2 xúc động nói: “Cảm ơn Bộ đội Biên phòng, cảm ơn đội chó nghiệp vụ đã giúp chúng tôi tìm kiếm được thi thể các nạn nhân chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, vừa giảm bớt nỗi đau của các thân nhân, đơn vị nạn nhân, vừa giảm được sức người, sức của của lực lượng tìm kiếm".

Sáng 26-12, khi thi thể nạn nhân thứ 16, kỹ sư Nguyễn Văn Trực được tìm thấy, đồng chí Trần Văn Huyên, Giám đốc công ty Sông Đà 5 có mặt tại hiện trường đã xúc động thốt lên: “Tôi biết ơn những chú chó nghiệp vụ nhiều lắm vì chúng đã giúp tìm được rất nhiều đồng đội của chúng tôi”.

Chuyến hành quân đầy tình nghĩa

“Đó là một quyết định đúng đắn, đầy nghĩa tình” - Đại tá Phan Văn Quang, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ tư lệnh Biên phòng) xúc động kể với chúng tôi về sự có mặt của đội chó nghiệp vụ tại Bản Vẽ. Là người lính đã nhiều năm chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khi nghe tin về vụ sập núi đá ở Bản Vẽ, anh nghĩ ngay đến việc sử dụng đội chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đại tá Đỗ Xuân Thanh, Hiệu trưởng trường đào tạo chó nghiệp vụ 24, nơi trực tiếp huấn luyện, quản lý đội chó này cũng điện thoại, đề xuất với anh Quang ý tưởng ấy. Hai anh nhanh chóng thống nhất báo cáo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đưa chó nghiệp vụ vào Bản Vẽ. Nhận báo cáo, Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn rất hoan nghênh, ủng hộ đề xuất đó. Lệnh của trên: Trường 24 tổ chức cho đội chó nghiệp vụ hành quân vào Bản Vẽ ngay trong đêm 17-12-2007.

23 giờ đêm ngày 17-12-2007, hai ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, Trung tá Nguyễn Văn Chiến, Trưởng khoa chuyên ngành huấn luyện chó nghiệp vụ (Trường huấn luyện chó nghiệp vụ 24 - Bộ đội Biên phòng) cùng 3 huấn luyện viên và hai chó nghiệp vụ nhận lệnh lên đường vào Bản Vẽ. Suốt đêm hành quân vượt quãng đường hơn 600 km, 6 giờ sáng hôm sau, họ đã có mặt tại Nghệ An, được Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa lên hiện trường. Chưa bao giờ hành quân xa thế nhưng hai chú chó Cô-ma và An-phốc dưới sự chỉ huy của tổ công tác nhanh chóng làm quen địa hình và bắt đầu công việc tìm kiếm. Đúng 13 giờ 20 phút ngày hôm ấy, 7 vị trí đã được xác định có hơi nạn nhân và được cắm cờ đánh dấu. Đặc biệt, tại vị trí số 01, chỉ đào sâu 5 mét đã thấy có một máy trắc địa, một chiếc ủng và một hòn đá có dính máu. Những người lính xúc động lặng người...

Ngày hôm sau, tại vị trí số 5, số 6, khi đào sâu 5 mét và 14 mét, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân. Rồi lần lượt, cả 7 vị trí cắm cờ đều tìm thấy các nạn nhân ở độ sâu ngày một sâu hơn. Riêng trường hợp thi thể anh Vũ Văn Mười quê ở Hải Lộc, Hải Hậu, Nam Định được tìm thấy ở độ sâu tới 20 mét. Trường hợp thi thể anh Hoàng Anh Vũ, lực lượng tìm kiếm đã đào tới độ sâu 7 mét và tưởng như không tìm thấy, định san lấp vị trí đã đánh dấu. Tuy nhiên, khi chó nghiệp vụ đến vẫn xác định nguồn hơi ở khu vực này. Quả nhiên, khi đào sâu thêm 2 mét nữa, thi thể anh Vũ đã được tìm thấy. Đến nay, đội chó tìm kiếm cứu nạn đã giúp tìm thấy 9 nạn nhân, 2 nạn nhân còn lại đang tiếp tục được tìm kiếm.

Cần đào tạo chó “chuyên nghiệp” tìm kiếm cứu nạn

Đại tá Đỗ Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường đào tạo chó nghiệp vụ 24 - Bộ đội Biên phòng cho chúng tôi biết: “Cho đến nay, đội chó nghiệp vụ tham gia công tác ở Bản Vẽ cũng là đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, chó nghiệp vụ được sử dụng vào tìm kiếm cứu nạn, khẳng định chủ trương đúng của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) và Bộ tư lệnh Biên phòng trong việc chủ động thử nghiệm huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn". Từ năm 2005, Trường đào tạo chó nghiệp vụ 24 - Bộ đội Biên phòng đã được giao bước đầu đào tạo loại hình chó nghiệp vụ này với 2 đội chó ban đầu, đến nay đã phát huy tác dụng rõ rệt. Hai chú chó Cô-ma và An-phốc là những “học viên” đầu tiên được lựa chọn, huấn luyện và đã “tốt nghiệp” xuất sắc. Tại cuộc diễn tập do Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia tổ chức tại Kim Quan, Thạch Thất, Hà Tây năm 2005, hai chú chó này đã hoàn thành xuất sắc tình huống phát hiện và đào bới, tìm kiếm người bị nạn. Ở Bản Vẽ, các nạn nhân ở độ sâu hơn rất nhiều nhưng chó nghiệp vụ vẫn tìm được.

Trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, chó nghiệp vụ có thể tham gia tìm kiếm, cứu người, tài sản trong điều kiện bị vùi lấp, nhà cửa, công trình bị đổ sập, chìm dưới nước…Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta, chó nghiệp vụ chuyên tìm kiếm cứu nạn vẫn là “của hiếm”. Chúng tôi được biết, vừa qua, Bộ Quốc phòng đã đồng ý giao cho Trường đào tạo chó nghiệp vụ 24 phát triển huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Một khoa chuyên ngành đào tạo chó tìm kiếm cứu nạn và chương trình đào tạo mới đang được hoàn thiện. Hi vọng rằng sau đó, lực lượng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn sẽ hùng hậu hơn, thật sự là “binh chủng” đặc biệt của công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH –TRUNG KIÊN