Bệnh viện Quân y 5 cấp túi thuốc gia đình cho nhân dân xã Gia Lạc

Đã sang ngày thứ năm, kể từ khi hai huyện Gia Viễn và Nho Quan ngập chìm trong bể nước, đời sống của người dân vẫn đầy khó khăn. Gạo, rau, nước đều thiếu, cuộc sống bị đảo lộn. Mưa lũ kéo theo rác rưởi, chất thải, xác động vật chết, cá chết… nổi lềnh bềnh. Chừng ấy ngày vật lộn với thiên tai, thanh niên trai tráng cũng thấm mệt, nói gì đến các cụ già, em nhỏ, thế nên không ít người xuống sức, lâm bệnh. Cùng với bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản thì việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đặt ra bức thiết. Ngay trong đêm 5-10, khi nước tràn đập Gia Lạc (huyện Gia Viễn), nhận lệnh của thủ trưởng BTL Quân khu 3, Bệnh viện Quân y 5 đã cơ động 2 đội công tác về vùng lũ, bám trụ trong từng ngõ xóm, thân đê cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đứng chân trên địa bàn, đảm nhận khu vực hữu ngạn sông Hồng và nam Thanh Hoá nên việc triển khai của bệnh viện rất kịp thời. 1 giờ 30 phút ngày 6-10 (tức là chỉ sau vài giờ xả lũ) sau khi vượt sông Hoàng Long, đội cơ động đã cấp cứu những ca bệnh đầu tiên và cho đến chiều 9-10, riêng điểm chốt trên đê Gia Lạc, đã có gần 300 người dân được cấp cứu, chữa bệnh.

4 xã Gia Phong, Gia Minh, Gia Sinh, Gia Lạc của huyện Gia Viễn bị ngập nặng nhất, thiệt hại nhiều nhất, lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện 5 quyết định chia lực lượng thành các tổ công tác xung kích, lên xuồng, lên thuyền đến với bà con. Quyết tâm của các anh là không để ai bị bệnh nặng, không để xảy ra tình huống xấu, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách phòng bệnh ngay khi nước chưa rút, hạn chế, tránh phát sinh bệnh tật. Trong mỗi nhà dân, nước vẫn còn ngập ngang thắt lưng, đường liên huyện, liên xã vẫn là lối đi của những chiếc thuyền, mảng. Mái nhà, trường học, thân đê-những nơi cao- trở thành nơi “chung sống” của cả người và gia súc, gia cầm…và cả các loại côn trùng. Tôi lên chiếc xuồng sắt của Ban CHQS huyện Gia Viễn chở tổ quân y cơ động của Bệnh viện 5 cùng đại tá, bác sĩ Vũ Hữu Dũng, giám đốc bệnh viện, mang theo thuốc, dụng cụ y tế, phèn chua len lỏi vào các thôn xóm. Những chiếc thuyền cắm cờ quân y thật sự “tả xung, hữu đột” trong bể nước mênh mông, mong góp phần giúp bà con bớt khó khăn. Sau mấy ngày ngâm trong nước, cỏ cây bắt đầu héo úa, tan trong nước, xác động vật, cá chết bốc mùi khó chịu. Đây chính là nguyên nhân gây nên các loại bệnh đường tiêu hoá, hô hấp và bệnh ngoài da. Tỷ lệ người dân bị đau mắt, thậm chí bị các vết thương khi chạy lũ tăng đột biến. Giao thông chia cắt và phải lo giữ gìn tài sản nên người dân không thể đến các trung tâm y tế, đành phó mặc cho số phận. Có những gia đình, gần như cả nhà đều bị ốm. Điển hình như gia đình cụ Trần Văn Phát, 87 tuổi ở xóm Quang Tân (Gia Lạc). Cụ Phát cao tuổi, không có củi nấu cơm, mấy ngày chỉ uống sữa hộp, nên bị cảm, đột quỵ. Sau khi cấp cứu hồi tỉnh, bác sĩ Vũ Hữu Dũng đã quyết định dùng xe cấp cứu “hộ tống” cụ về tuyến sau. Con dâu cụ, bà Trần Thị Bang (54 tuổi) cũng phải chuyển đến cấp cứu tại chốt quân y. Có trường hợp cấp cứu thật thương tâm do ngộ độc hoá chất như cháu gái Nguyễn Mạnh Giang, 13 tuổi, ở xã Gia Minh. Thượng tá, TS Nguyễn Văn Giang, Chủ nhiệm khoa gây mê-phẫu thuật giọng lạc đi vì suốt mấy ngày đêm liên tục vừa khám, vừa hỏi, vừa giải thích cho từng người dân. Nhiều người, vì vội, vì lội trong bùn nước giẫm phải vật sắc hoặc tiếc của, đi mò lúa bị liềm cắt vào chân, tay, không được chăm sóc nên nhiễm trùng. Chị Nguyễn Thị Đa, 39 tuổi, chồng đi làm ăn xa, có mẹ chồng 90 tuổi, hai con nhỏ. Chị Đa bị vết thương xẻ bàn chân, nhiễm trùng, sốt cao, đáng lẽ phải đi viện, nhưng chị không đành để mẹ chồng, để con nhỏ ở nhà, một mực “nhờ bác sĩ quân y” chữa. Thế là hằng ngày đội công tác tiêm kháng sinh, rửa vết thương, nay chị đã hết sốt, vết thương bắt đầu khô miệng. Chị Đa rất xúc động “Không có các anh thì em chết mất”.

Càng trong khó khăn mới thấy quý nhường nào sự sẻ chia nghĩa đồng chí, tình đồng bào. Bác sĩ Bình, các y sĩ Khắc, Huệ, Trung… mệt nhoài nhưng vẫn cẩn thật khám, cấp thuốc cho những người dân có nhu cầu. Mấy ngày nay, họ không đêm nào ngon giấc bởi khi đồng bào gọi, họ lại xách túi lao đi. Cùng với 5 cơ số thuốc, Đội công tác được Bệnh viện 5 chuẩn bị “cơ số” mì tôm, lương khô, nước uống khá chu đáo, nhưng họ cũng chỉ dùng cho qua bữa, dành một phần đáng kể san sẻ cho các gia đình. Bà Nguyễn Thị Thông ở đường Thống Nhất (xã Gia Lạc) nói: Hầu hết bà con lên đê chỉ kịp chạy người, không gạo, không muối, không nước. Cơm không đủ ăn, bà con vay tạm nhau và chống chọi bằng nguồn hàng cứu trợ. May mà quân y viện 5 mang phèn chua, thuốc lọc nước đến chi viện nên không phải múc nước sông mà dùng nữa.

Hiện tại, nhiều làng xã của Ninh Bình vẫn ngập chìm trong nước. Theo đánh giá của các cụ cao tuổi, nếu nhanh (và trời không mưa) thì chừng 10 đến 15 ngày nữa nước mới có thể rút. Nghĩa là, phía trước cuộc sống của nhân dân vùng lũ còn rất nhiều thử thách. Sau lũ, bà con phải đối mặt với sự ô nhiễm môi trường, nếu không chủ động phòng ngừa dễ lây lan thành dịch bệnh. Đại tá Vũ Hữu Dũng đã đề nghị thủ trưởng Cục Hậu cần và Bộ tư lệnh Quân khu 3 tiếp tục tăng cường thêm lực lượng y, bác sĩ, thuốc thiết yếu (kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc chống bệnh đường ruột, phèn chua, viên lọc nước…) để cung cấp cho nhân dân, góp sức cùng ngành y tế địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân vùng ngập lũ.

Bài, ảnh: NGÔ ANH THU