Trong đó, không thể không nhắc đến chiếc máy quay phim hiệu BOLEX H16 Reflex, sản xuất tại Thụy Sĩ, do Cục Điện ảnh cấp cho Trường 105 trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là hiện vật gắn liền với cuộc đời làm báo đầy kỷ niệm của Nhà báo Nguyễn Trưng.
Khát vọng tuổi trẻ
Nhà báo Nguyễn Trưng, sinh năm 1944 tại Bình Định, nguyên phóng viên điện ảnh chiến trường khu V, sau khi khu V giải thể, ông về công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình Quy Nhơn.
 |
Nhà báo Nguyễn Trưng tại chiến trường Khu V trong kháng chiến chống Mỹ |
Năm 1954, chàng thanh niên Nguyễn Trưng tập kết ra miền Bắc, sau đó theo học Báo chí. Sau khi tốt nghiệp, với lý tưởng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những mong được cống hiến một phần sức lực của mình cho quê hương, đất nước, nhà báo Nguyễn Trưng tình nguyện viết đơn xin đi B.
Để trang bị cho những kiến thức cơ bản cho chuyến đi, nhà báo Nguyễn Trưng được huấn luyện tại Trường 105 (hay còn gọi là trường huấn luyện đi B) để chuẩn bị cho chuyến quay trở lại chiến trường khu V tác nghiệp.
Cuối năm 1969, Nguyễn Trưng được cử vào chiến trường khu V với vai trò phóng viên quay phim. Đồng hành cùng ông trong chuyến công tác này, còn có phóng viên Nguyễn Văn Giá (cùng cơ quan). Phóng viên Giá là một người anh, đã có kinh nghiệm học ngành Điện ảnh 5 năm tại Nga. Anh đi bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp nên có nhiều kinh nghiệm và là người kèm cặp thêm cho Nguyễn Trưng. Hai người phóng viên lên đường với khí thế sôi sục, đầy quyết tâm của một nhà báo, chiến sĩ. Tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết với hy vọng được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho nền báo chí nước nhà, đó là động lực giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, vất vả trên con đường vào chiến trường khu V.
Buổi chiều định mệnh
Điểm tác nghiệp đầu tiên của họ là chiến trường Quảng Ngãi, khi đó rất khốc liệt. Không biết có phải “điềm báo” hay không, nhưng trong hồi ức của nhà báo Nguyễn Trưng, ông vẫn nhớ như in câu nói của một người anh, người bạn đồng hành Nguyễn Văn Giá vài ngày trước lúc anh hy sinh: "Anh Giá có dặn dò tôi rằng: "Nếu chẳng may anh hy sinh tại đây, sau này nếu có dịp ra Bắc, em nhớ qua gia đình báo giúp anh để bốc mộ anh mang về". Và đúng như câu nói mang một điềm báo chẳng lành đó, tác nghiệp ở đây chưa được lâu, nhà báo Nguyễn Trưng đã vĩnh viễn mất đi người bạn đồng hành của mình.
Câu chuyện xúc động, mất mát bắt đầu vào một buổi chiều, đầu năm 1970. Sau hơn nửa ngày tác nghiệp, phóng viên Nguyễn Trưng và Nguyễn Văn Giá đang nghỉ chân tại một nhà dân, bỗng thấy có một người bán thuốc lá dạo vào mời chào họ mua, phóng viên Nguyễn Trưng có chút thận trọng với người này bởi vì nhìn ánh mắt của anh ta, ông thấy ánh lên một vẻ gian xảo.
 |
Máy quay phim hiệu BOLEX H16 Reflex của nhà báo Nguyễn Trưng được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam Ảnh: Ngọc Hân |
Tuy nhiên, khoảng chừng hơn 10 phút sau, bất ngờ nghe tiếng máy bay trực thăng của địch vọng lại, không lâu sau đó, nó ập xuống ngay cạnh sân của gia đình nơi hai đồng chí đang nghỉ. Quá bất ngờ, họ dường như không kịp trở tay, khi đó phóng viên Nguyễn Văn Giá chỉ kịp mang theo chiếc máy ảnh còn phóng viên Nguyễn Trưng mang theo chiếc máy quay phim BOLEX H16 Reflex để trong một chiếc gùi. Hai người vòng ra sau nhà và chia ra 2 hướng để chạy. Phóng viên Nguyễn Trưng sau đó kịp nấp trong một bụi cây cách gia đình người dân đó không xa. Theo trí nhớ của ông, khi đó vào khoảng 3 đến 4 giờ chiều, và ông đã phải ngồi im ở đó cho đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau. Ngồi trong bụi cây, ông nghe rõ tiếng bước chân của quân Mỹ đang sục sạo ráo riết lùng bắt mình. Ông nín thở chờ đợi từng phút qua đi và cũng không khỏi lo cho người đồng đội của mình không biết có kịp chạy thoát không.
Nhà báo Nguyễn Trưng hồi tưởng lại thời khắc đó: "Cũng may cho tôi hôm đó là quân Mỹ đổ bộ đi lùng chứ phải bọn ngụy thì chắc tôi đã chết rồi. Bởi vì, bọn ngụy thường có thói quen bừa bãi xả súng vào những nơi mà chúng nghi ngờ có mục tiêu ẩn nấp, mà tôi nấp ở bụi cây gần đó thì tránh sao được đạn của chúng. Còn với quân Mỹ, thường chỉ khi nào phát hiện mục tiêu thì chúng mới bắn".
Đến hôm sau, sau khi quân Mỹ rút đi, phóng viên Nguyễn Trưng mới hay tin đồng chí Nguyễn Văn Giá đã hy sinh trong lúc chạy trốn. Người phóng viên quả cảm đã không may mắn như đồng nghiệp của mình, phóng viên Nguyễn Văn Giá đã bị trúng đạn của quân địch bắn từ trực thăng trong lúc chạy. Ông đau xót vô cùng, nước mắt không ngừng rơi, quỳ trước mộ bạn và tự hứa: Sau này hòa bình, sẽ đón bạn về an táng tại quê nhà.
Sau này, khoảng năm 1982, người con trai của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá đã tìm vào Quy Nhơn gặp nhà báo Nguyễn Trưng để bày tỏ tâm nguyện muốn đi tìm hài cốt của cha đưa về quê hương. Nhà báo Nguyễn Trưng đã không quản ngại khó khăn, cùng con trai của nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá trở lại chiến trường Quảng Ngãi năm xưa, cố gắng tìm lại địa danh cụ thể ngày trước người dân đã chôn cất đồng đội mình. Trời không phụ lòng người, hài cốt của người bạn chiến đấu, người cha cuối cùng cũng được tìm thấy và đem về quê hương an táng trong niềm xúc động khôn xiết của gia đình, đồng nghiệp.
Nhắc đến chiếc máy quay phim, một vật chứng đầy kỷ niệm gắn liền với những ngày tháng hào hùng, sôi nổi của thời thanh niên nhưng cũng đầy sự mất mát, hy sinh, trên đôi mắt của người phóng viên chiến trường năm xưa bỗng rớm lệ. Những giọt nước mắt đó là niềm tiếc thương cho người đồng đội anh dũng, đã cùng ông "vào sinh, ra tử", cùng chứng kiến biết bao kỷ niệm của một thời làm báo hào hùng, nhiệt huyết.
Bài, ảnh: NGUYỄN BA