Kỳ 4: Cần vinh danh những người anh hùng
QĐND - Côn Đảo hôm nay đang phát triển mạnh mẽ, các di tích lịch sử cách mạng được bảo tồn, tôn tạo khá tốt. Tuy nhiên, riêng với sự kiện ngày 12-12-1952, dường như chưa được đặt đúng tầm mức và giải quyết thỏa đáng. Ra Côn Đảo vào dịp kỷ niệm 60 năm cuộc vượt ngục, đến những địa danh lịch sử gắn liền với trận đánh đặc biệt của các chiến sĩ cách mạng, trong tôi vẫn trĩu nặng suy tư, day dứt…
Bản anh hùng ca bất tử
Cuộc vượt ngục đã không thành công. Giá như hôm ấy, gió chướng không bất ngờ đổi chiều; mũi Đầu Mom bắt gọn tốp địch; giá như ta vẫn quyết tâm đánh vào trung tâm đảo như kế hoạch đã định… thì diễn biến và kết cục đã có thể hoàn toàn khác. Trong trận chiến đấu hôm đó, phía ta mới sử dụng 1/10 lực lượng, còn 9/10 chưa sử dụng đến. Nếu như 9/10 lực lượng của ta trên toàn đảo đồng loạt hành động, chắc chắn việc chiếm đảo, cướp tàu, giải phóng tù nhân sẽ thắng lợi hoàn toàn. Nhưng lịch sử không có từ “giá như”, “nếu như”. Cuộc vũ trang giải thoát đã được chuẩn bị chu đáo, công phu vẫn bị tổn thất nặng nề, như một chương trong bản anh hùng ca còn dang dở.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong tham luận gửi hội thảo khoa học và kỷ niệm 60 năm vượt Côn Đảo đã khẳng định: “Những chiến sĩ cách mạng bị tù, tay không cướp súng địch, bắt sống được địch, đây là một dấu son quý báu trong trang sử giữ nước của dân tộc ta, quân đội ta”. Cuộc vượt ngục đã góp phần “chia lửa” với các chiến trường trên cả nước vì sau ngày 12-12-1952, quân đội viễn chinh Pháp đã phải huy động 2 trung đoàn trong lực lượng cơ động chiến lược của chúng, có không quân và hải quân Pháp ở Viễn Đông phối hợp làm nhiệm vụ tăng cường phòng vệ Duyên hải và ngoài khơi Côn Đảo suốt 3 tháng liền. Trong khi đó, quân ta liên tiếp mở những cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Đông Dương. Sau cuộc chiến đấu này, toàn thể bộ máy cai trị từ tên quan tư chúa đảo Giắc-ty đến các sĩ quan thuộc quyền và binh lính địch đều bị kỷ luật, thải hồi và thay thế bằng một lực lượng khác. Nguyên Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành cho rằng, cuộc vũ trang giải phóng Côn Đảo ngày 12-12 xảy ra ở một nơi mà kẻ thù cho là an toàn nhất trên chiến trường Đông Dương đã trực tiếp giáng một “quả đấm thép” vào ý chí xâm lược của bộ não gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam khiến chúng hoang mang, càng hoang mang hơn. Sau ngày 12-12-1952, những tờ báo lớn ở Pháp như: Le Figaro, Pari-Marth, L’Echo, L’humanité… đã đăng tải các bài viết về cuộc vượt ngục này, làm chấn động dư luận Pháp và thế giới. Tháng 10-1953, Hội đồng Thập tự Quốc tế đã phải cử một phái đoàn đến Côn Đảo để kiểm tra tình hình nơi “địa ngục trần gian”.
 |
Bãi cát Cỏ Ống - nơi có 75 hài cốt được cho là của các chiến sĩ vượt ngục ngày 12-12-1952. Ảnh: Trần Hoàng. |
Cuộc “vũ trang giải phóng” đảo được chỉ đạo mọi mặt như một trận đánh lớn, một cuộc tổng khởi nghĩa trên một địa bàn rất đặc biệt, từ việc chuẩn bị quân nhu, quân khí tự tạo, đến chiến thuật cướp súng giặc… Đảo ủy với vai trò nổi bật của Bí thư Lê Văn Hiến (tức Văn) đã đề ra chủ trương và lãnh đạo công tác chuẩn bị rất sáng tạo và hiệu quả. Bên cạnh kỳ tích làm thuyền và tay không bắt gọn trung đội Âu Phi ở Bến Đầm thì công tác giữ bí mật và làm công tác binh địch vận là một nghệ thuật rất độc đáo. Trong quá trình tìm hiểu về trận đánh này, tôi cứ thắc mắc là tại sao một kế hoạch có quy mô toàn đảo, chuẩn bị nhiều tháng, trong khi lực lượng địch cài cắm khắp nơi mà vẫn giữ được bí mật đến phút chót? Các nhân chứng mà tôi gặp đều cho rằng, sở dĩ ta giữ được bí mật là do công tác tổ chức kỷ luật rất chặt chẽ, với nguyên tắc: Ai giao làm việc gì biết việc ấy, không liên quan đến mình thì tuyệt đối không cho ai biết việc mình làm. Ông Phạm Quý Tuyển kể: Riêng chuyện họp Đảo ủy cũng được thực hiện rất linh hoạt và hiệu quả. Có thể chỉ là hội ý nhanh lúc đi tắm, hay ăn cơm, hoặc trao đổi qua đường dây liên lạc đặc biệt; khi cần thiết phải họp thì được anh em ngồi vòng ngoài cảnh giới, bảo vệ… Ông Đoàn Duy Thành khẳng định: Một trận đánh “tay không bắt giặc” có quy mô toàn đảo mà giữ được tuyệt đối bí mật cho đến phút cuối cùng - nổ súng là một “nghệ thuật” chiến tranh nhân dân trong lòng địch - dựa vào dân, vào chính nghĩa…
Cuộc vượt ngục còn thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, anh hùng của các chiến sĩ cách mạng. Đó là những tấm gương bị địch bắt và tra tấn dã man vẫn không khai báo, bảo toàn cho cuộc nổi dậy hay như tấm gương của đồng chí Bí thư Đảo ủy trước khi nhảy xuống biển đã để lại phao của mình và đã cứu sống được ba đồng chí, hàng chục đồng chí khác nhảy xuống biển để nhường phần sống cho đồng đội…
Cần vinh danh những người anh hùng
Côn Đảo hôm nay đang phát triển mạnh mẽ, các di tích lịch sử cách mạng được bảo tồn, tôn tạo khá tốt. Tuy nhiên, riêng với sự kiện ngày 12-12-1952 dường như chưa được đặt đúng tầm mức và giải quyết thỏa đáng. Ra Côn Đảo vào dịp kỷ niệm 60 năm cuộc vượt ngục, đến những địa danh lịch sử gắn liền với trận đánh đặc biệt của các chiến sĩ cách mạng, trong tôi vẫn trĩu nặng suy tư, day dứt. Vào đền thờ Côn Đảo, đọc trong danh sách các liệt sĩ đang được mô phỏng để khắc bia tới đây không hề thấy tên 81 người con ưu tú đã bỏ mình trong ngày vượt ngục. Chị Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Đảo thành thật nói rằng, trong tay chị mới có tên của 53 liệt sĩ. 28 liệt sĩ còn lại phải chờ thu thập và thẩm định rồi mới đưa vào. Theo ông Hoàng Văn Tiễn, việc để sự kiện đã qua 6 thập kỷ mà chưa có đủ danh sách các liệt sĩ là chúng ta có lỗi. Khoảng 30 nhân chứng cùng vượt ngục hôm ấy đến nay vẫn sống, hoàn toàn có thể cung cấp để bổ sung đầy đủ. “Ở nhà tôi lập đài tưởng niệm các chiến sĩ Côn Đảo và có một danh sách cơ bản đủ những người hy sinh, đã mất và đang sống. Nhưng cũng không thấy ai hỏi, vả lại ra Côn Đảo lần này tôi mới biết, cơ quan chức năng chưa có đủ danh sách 81 đồng đội của tôi. Nếu được yêu cầu, trong ngày hội thảo, kỷ niệm tới đây, tôi sẽ mang gửi ban tổ chức tư liệu của cá nhân, góp phần bổ sung hoàn chỉnh danh sách các liệt sĩ” - ông Tiễn chia sẻ.
Cùng các nhân chứng, chúng tôi đến Bến Đầm, Đầu Mom, nơi diễn ra trận đánh “tay không bắt giặc” năm nào. Những người chỉ huy dày dạn, bản lĩnh can trường năm nào hôm nay rưng rưng nhớ về kỷ niệm, về đồng đội một thời trai trẻ. Các ông cũng tâm tư vì hai địa danh này chưa được quan tâm, đầu tư đúng với ý nghĩa của sự kiện. Bến Đầm mới chỉ có một nơi thắp hương và bức tượng đài sơ sài, cũ kỹ. Vị trí lán tù nhân, nơi có hầm và cất giấu 5 chiếc thuyền vượt biển vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đầu Mom, nơi xảy ra cuộc vận lộn giáp lá cà của các chiến sĩ ta với địch, nơi hy sinh của đồng chí Hãn - liệt sĩ đầu tiên cuộc vượt ngục hoàn toàn không có chứng tích gì ghi lại. Chuyến đi này, tôi mang theo một ý nguyện là tìm đến và thắp hương cho liệt sĩ Hãn. Trong tài liệu mà tôi có được, khi còn sống ông Nguyễn Đình Điệp, người cùng tiểu đội với liệt sĩ Hãn đã chứng kiến toàn bộ diễn biến tinh thần chiến đấu và hy sinh của anh Hãn. “Anh em cùng địa phương chúng tôi đã giành lấy phần chôn cất anh Hãn. Chúng tôi đã chọn một vạt đất dưới ngọn núi đá ở Đầu Mom, dưới chân sườn núi quay về Bến Đầm, nhìn về phía Cà Mau, gió chướng thổi về đó, phía chúng tôi sẽ dùng thuyền về với đất liền, để chôn cất anh. Mấy chục năm rồi, chắc rằng anh còn nguyên vẹn nằm đó. Thế mà, chưa một lần, tôi được thắp nén hương cắm tại nơi anh nằm” - tài liệu của ông Nguyễn Đình Điệp viết. Tôi cố gắng tìm nhưng không thấy dấu vết nào. Hỏi ông Tuyển, người chỉ huy trực tiếp kíp Đầu Mom, ông cũng khẳng định, anh Hãn hy sinh và được đồng đội chôn cất tại đây nhưng đến giờ thì ông cũng không biết hài cốt anh ở đâu nữa?
Còn một điều rất day dứt và trăn trở nữa của tôi cũng như các nhân chứng và các nhà báo khác đi theo đoàn, đó là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ vượt ngục. Theo như ông Đoàn Duy Thành và nhiều cựu tù thì các liệt sĩ của cuộc vượt ngục hy sinh ngoài biển, 75 người trôi dạt vào bờ được những người dân "đặc biệt" ở Côn Đảo âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ. Sau 44 năm (1996) những “công dân đặc biệt” này mới báo cáo với chính quyền địa phương và dựng tấm bia và sửa lại ngôi đền khá hơn. 75 thi hài vẫn nằm rải rác trong khu bãi cát rộng khoảng hơn 500m2. Đoàn chúng tôi đến thắp hương, chứng kiến cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm, rào chắn sơ sài, ai cũng chạnh lòng, xót xa. Còn day dứt hơn khi tôi bất ngờ được các chị ở Ban Quản lý di tích Côn Đảo nói rằng, chưa có đủ cơ sở để khẳng định đây là phần mộ của các chiến sĩ vượt ngục ngày 12-12. “Có thông tin truyền lại đây là phần mộ tập thể của các tù nhân bị địch thảm sát để trả thù cho những thắng lợi của quân ta trên các chiến trường vào năm 1952. Nói đây là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ vượt ngục có lẽ là do các bác cựu tù suy luận từ thời điểm an táng và số hài cốt có ở đây chăng?” - lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Đảo đặt giả thiết. Có lẽ từ những nhận định này mà trong dự án xây dựng khu tưởng niệm tại đây mà đồng chí Châu Anh Kiệt, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cung cấp cho chúng tôi cũng mang nội dung: “Khu tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị thực dân Pháp sát hại năm 1952”. Như vậy, đối tượng của dự án không phải là các chiến sĩ cách mạng hy sinh trong cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952. Điều này làm các nhân chứng của cuộc vượt ngục chưa đồng tình. Họ cho rằng, năm 1952 không có cuộc thảm sát tù nhân nào lớn như thế. Mặt khác, theo chiều gió trong những ngày tù nhân vượt ngục thì thi thể các liệt sĩ trôi về phía Cỏ Ống và được an táng tập thể với số lượng 75 hài cốt là phù hợp với thực tế.
Sự hy sinh oanh liệt và tinh thần cách mạng của các tù binh trong cuộc vượt ngục 60 năm trước là một “dấu son” như lời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói trong trang sử của dân tộc. Tuy nhiên, tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện bi hùng này vẫn chưa được đặt đúng vị trí xứng đáng, để góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thông qua loạt bài viết về sự kiện này, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng một số nội dung sau:
1. Thẩm định và kết luận chính xác khu mộ 75 hài cốt ở bãi cát Cỏ Ống có phải là các liệt sĩ vượt ngục ngày 12-12-1952 không? Nếu đúng thì phải điều chỉnh nội dung, đối tượng của dự án xây dựng đài tưởng niệm và xây mộ cho các liệt sĩ tại đây.
2. Bổ sung, nâng cấp địa danh Bến Đầm, Đầu Mom nơi diễn ra trận đánh. Cụ thể nên nâng cấp khu tưởng niệm Bến Đầm và đặt bia tại Đầu Mom. Xác minh đủ danh sách 81 liệt sĩ vượt ngục ngày 12-12 và bổ sung vào bia trong Đền thờ Côn Đảo.
3. Xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể tù chính trị trong trận chiến đấu giải phóng đảo ngày 12-12-1952 và truy tặng danh hiệu này cho đồng chí Bí thư Đảo ủy Lê Văn Hiến.
--------------
Kỳ 1: Những ý tưởng bất thành và thời cơ giải phóng đảo
Kỳ 2: Bí mật đào hầm, âm thầm làm thuyền
Kỳ 3: Khúc tráng ca trên biển
TRẦN HOÀNG TIẾN