LTS: Trong hồi ký của mình, ông Đoàn Duy Thành, cựu tù Côn Đảo, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ viết: “Ngày 12-12-1952 đã đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy, các cựu tù đã bắt sống hơn một trung đội lính Âu Phi mạnh nhất đảo, tước toàn bộ vũ khí. Song cuộc vượt đảo vẫn không thành. Hai thuyền và 117 anh em bị bắt lại, 3 thuyền đắm, 81 đồng chí hy sinh”. Câu chuyện mà ông nhắc đến là cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu” trong 113 năm tồn tại dưới chế độ thực dân, đế quốc ở Côn Đảo, từng gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. 60 năm, những người anh hùng của cuộc vượt ngục như huyền thoại ấy, ai còn, ai mất, diễn biến và tầm vóc của sự kiện đó như thế nào? Theo dấu chân người xưa, phóng viên Báo Quân đội nhân dân tìm về với câu chuyện bi hùng một thủa...
Kỳ 1: Những ý tưởng bất thành và thời cơ giải phóng đảo
“Vượt ngục là vấn đề thường xuyên nung nấu trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên khi bị tù. Ở Côn Đảo, người tù trốn ra khỏi trại giam thì có thể nhưng làm gì để về được đất liền thì vô cùng khó. Cách duy nhất là đồng tình cướp trại, cướp phương tiện vận chuyển để thoát tù…” - ông Phạm Quý Tuyển, chỉ huy trưởng quân sự toàn đảo trong cuộc vượt ngục ngày 12-12-1952 mắt đăm đăm, tay nắm chặt khẳng định.
Từ Hỏa Lò đến “Địa ngục trần gian”
Theo đoàn cựu tù Côn Đảo, tôi vào TP Hồ Chí Minh gặp ông Phạm Quý Tuyển chuẩn bị cho hành trình trở lại chiến trường của cuộc vượt ngục 6 thập kỷ trước. Năm nay đã 84 tuổi, sức khỏe yếu nhiều, nhưng nghe nói về Côn Đảo, ông Tuyển như khỏe ra. Cuộc gặp hôm nay có đủ 3 cán bộ cốt cán của 3 mũi xung kích cuộc vượt ngục ngày 12-12: Ông Phạm Quý Tuyển, chỉ huy trưởng quân sự toàn đảo, phụ trách kíp Đầu Mom; ông Hoàng Văn Tiễn, chỉ huy trưởng đại đội quyết thắng là mũi xung kích 1 kiêm chỉ huy phó quân sự Bến Đầm và ông Phạm Bạt Tụy, chỉ huy trưởng khu trại lính và dinh chúa đảo. Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó trưởng ban liên lạc cựu tù Côn Đảo TP Hà Nội dẫn đoàn đi, xúc động nói: “60 năm rồi mà 3 chỉ huy trưởng vẫn “đủ bộ” thế này thật là quý”.
- Mấy năm nay bị bệnh, tôi như người cấm cung, mỗi tháng chỉ ra khỏi nhà một lần để đến viện khám, nay có đồng đội và nhà báo đến hỏi cái chuyện tưởng như đã rơi vào quên lãng ấy, mừng lắm. Chuyện cũ kể lại, nhiều bạn trẻ không thể tin nổi đâu, nó ly kỳ, hấp dẫn hơn cả truyện trinh thám - ông Tuyển mở đầu câu chuyện.
Theo dòng ký ức của người cựu tù thì ông Tuyển bị bắt vào tháng 3-1950 ở Mặt trận Hà Nội khi vừa tròn 22 tuổi. Lúc đó ông là Liên chi ủy viên, Tiểu đoàn phó. Ông bị khép vào nhóm tội phạm nguy hiểm, giam biệt lập trong xà lim tử hình của nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Dù bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, nhưng ở Hỏa Lò, ông vẫn được các đồng chí trong chi bộ thăm hỏi, trao đổi tình hình nhà tù và bàn kế hoạch vượt ngục. Cửa các xà lim ta mở được, hai lần song sắt ở phòng giam và chòi canh thông ra phố đã được cưa đứt (dùng nhựa đường chít lại để ngụy trang). Kế hoạch đã được xác định, chỉ đợi thời cơ khi đêm trời mưa là thoát ra ngoài. Nhưng hơn một tháng trôi qua, trời không mưa nên chưa thực hiện được kế hoạch. Đột nhiên, địch đưa ông Tuyển và gần chục anh em xuống căng Đoạn Xá, Hải Phòng. Ít ngày sau đó, chúng đưa ra Côn Đảo.
Những hình ảnh của buổi đầu đặt chân lên Côn Đảo, ông không thể nào quên. Lần nào cũng vậy, nhớ đến ông vẫn thấy rùng mình…
“Sà lan vừa cập bến, bọn giám thị, cai tù mặt đằng đằng sát khí với súng ống, dùi cui, mấu sắt, roi da, roi song lao đến, quất vào mặt, vào lưng chúng tôi. Vừa đánh chúng vừa la hét, chửi rủa: “Coi chừng, liệu hồn. Đây là Côn Đảo, chúng mày bậy bạ sẽ rũ xương ở chuồng cọp”. Chúng thúc chúng tôi về phòng giam, vừa đánh vừa la hét. Người nào cũng đều sưng đầu, toạc máu, trên người hàng trăm vết đòn roi, quần áo tả tơi. Đánh cho đến lúc nát roi song, tù nhân lọt vào khám giam mới thôi. Sau đó chúng bắt tù nhân cởi hết quần áo, ai chậm chạp hoặc chống đối thì lại tiếp tục hứng đòn mưa roi. Nhiều ngày ăn uống, bữa có bữa không; cơm đen đa phần là thóc đựng trong thùng gỗ, một chậu nhỏ cá khô có mùi thum thủm. Ai không ăn thì phải chịu đói”… - ông Tuyển kể.
 |
Phục dựng cảnh tra tấn tại nhà tù Côn Đảo. Ảnh tư liệu.
|
Cũng từng bị giam ở Hỏa Lò, sau đó địch đưa ra Côn Đảo, ông Phạm Bạt Tụy kể: Chúa đảo lúc này là Giắc-ty rất tàn ác. Tay hắn lúc nào cũng cầm gậy bằng song, gặp tù nhân nào không vừa mắt là hắn đánh đập không thương tiếc. Đánh nhiều đến nỗi, hắn phải thay gậy liên tục vì nó đã giập nát và đẫm máu tù nhân. Hắn còn đưa ra quy định cho lính đảo: Ai đánh được nhiều tù nhân vỡ đầu, chảy máu thì sẽ được ăn ngon, có rượu uống; không hăng hái đánh thì sẽ bị phạt. Với đội Rờ-sẹc (chuyên truy tìm tù trốn), nếu giết được tù trốn trại thì chặt đầu mang về và sẽ được lĩnh thưởng.
Bị tra tấn và khủng bố dữ dội nơi “địa ngục trần gian” như vậy nhưng những chiến sĩ cách mạng vẫn đoàn kết và nung nấu quyết tâm vượt ngục để trở về đất liền.
Thuyền nan, ván gỗ: Những ý tưởng bất thành
Theo ông Tuyển, thời kỳ đầu ông mới ra thì kế hoạch vượt ngục hầu hết do từng bộ phận bí mật thực hiện. Nhưng từ cuối năm 1951, 1952, lực lượng tù binh bị đày ra Côn Đảo tăng nhiều, Đảng bộ nhà tù được bổ sung nhiều cán bộ trung kiên, có trình độ và nắm vững đường lối, chủ trương kháng chiến. Tổ chức được kiện toàn, củng cố. Chủ trương vượt ngục nhỏ lẻ trước kia được thay bằng phương án vũ trang giải thoát và đặt dưới sự chỉ đạo của Đảo ủy.
Từ đây, các phương án vượt ngục bắt đầu được triển khai…
Theo hồi ức của ông Hoàng Văn Tiễn thì vào đầu năm 1952, nhà tù đưa một kíp tù binh xẻ gỗ ở phía Cỏ Ống và một bộ phận tăng cường để chuyển ván đã xẻ về nhà lao. Kíp thợ xẻ lúc đầu có 10 người, sau tăng lên 30 người do 4 tên lính quản lý, canh giữ. Kíp thợ xẻ được Đảo ủy giao chuẩn bị phương tiện cho một chuyến vượt biển, người đi cụ thể do Đảo ủy bố trí. Một bộ phận được phân công vào tổ đi kiếm rau cải thiện với nhiệm vụ bí mật chặt tre, vót nan đan thuyền. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì đột nhiên kíp thợ xẻ bị rút về xẻ gỗ tại Bản Chế vì máy cưa hỏng. Phương án vượt ngục bằng thuyền nan tre bị bỏ dở.
“Với lực lượng hơn 2000 tù nhân, trong đó có hàng trăm người đã thành thạo chiến đấu thì việc chiếm đảo tự giải phóng là có thể làm được nhưng phải chờ thời cơ cướp luôn tàu thuyền địch để đưa tù nhân về đất liền”. (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhà tù Côn Đảo tháng 1-1952)
|
Sau đợt xẻ gỗ ở Bản Chế, kíp thợ xẻ bị điều đi xẻ gỗ trên rừng phía cầu Ma Thiên Lãnh. Nhận được lệnh tiếp tục chuẩn bị vượt ngục, kíp thợ xẻ đề xuất phương án đi thuyền ván vì ở Ma Thiên Lãnh rất hiếm tre. Hằng ngày, bộ phận này cử vài người luồn sâu vào trong núi hạ gỗ, xẻ ván giấu đi, chuẩn bị đóng thuyền. Một thời gian sau, địch nghi ngờ, đã tổ chức truy lùng và phát hiện ra khu vực để ván gỗ, đóng thuyền vượt ngục. Kíp xẻ 8 người ở đây bị bắt về tra khảo. Theo chỉ đạo của Đảo ủy, 5 trong số 8 người đứng ra nhận là chủ mưu để khỏi lộ phương án giải thoát. 5 người phải trải qua đủ mọi cực hình nhưng không ai khai báo, ngoài việc nhận chủ mưu vượt ngục. Anh Qua (tức Mậu), quê ở Hoành Bồ, Quảng Ninh bị đánh rất dã man nhưng không nao núng. Anh không trả lời câu hỏi về tổ chức, phương tiện mà còn hỏi lại bọn chúng: “Các ông còn cách đối xử nào dã man hơn nữa không?”. Khí phách can trường của anh làm bọn chúa ngục phải kiêng nể, lau máu mặt cho anh và thôi không đánh nữa. Chúng kết thúc hồ sơ 5 người.
Thời cơ “có một không hai”
Khi phương án giải thoát bộ phận bằng thuyền nan tre và ván gỗ chưa thành, Đảo ủy vẫn chủ trương nghiên cứu các phương án khác và chờ thời cơ để giải thoát. Cho đến tháng 5-1952, chúa đảo Giắc-ty đã quyết định cho một lực lượng tù binh lao động khổ sai để nâng cấp hệ thống giao thông trên đảo từ Sở Đá đến Đầu Mom (mũi Cá Mập) và ra Bến Đầm. Âm mưu của địch là nối trung tâm Côn Đảo với vịnh Bến Đầm trước mùa gió chướng. Bến Đầm là vịnh duy nhất mà tàu bè của chúng có thể ra vào được trong mùa gió chướng để cung cấp lương thực, thực phẩm cho toàn đảo. Con đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địch kiểm soát toàn bộ phía Tây hòn đảo, là điểm xuất phát phần lớn các cuộc vượt ngục.
 |
"Bộ ba" chỉ huy trưởng 60 năm ngày gặp mặt (từ trái qua phải: Phạm Bạt Tụy, Phạm Quý Tuyển và Hoàng Văn Tiễn). Ảnh: Sài Tiến. |
Thực hiện âm mưu này, địch đưa một kíp tù binh hơn 100 người ra mở đường từ Đầu Mom ra Bến Đầm. Vì ở xa trại chính, chúng cho tù binh lập án trại ngay tại thung lũng để ăn, ở và bóc lột sức lao động tối đa lực lượng này. Đồng thời, điều một lực lượng lính Âu Phi mạnh nhất của đảo canh giữ, bố phòng nghiêm ngặt. Cũng trong thời gian này, địch đưa một kíp tù binh thứ hai gồm 100 người làm lao động khổ sai với nhiệm vụ rải đá từ Sở Đá ra mũi Cá Mập. Kíp này khác với kíp trên là sáng có xe ô tô vận tải đưa đi làm và tối xe đưa về banh ngủ.
Khi kẻ địch đưa 200 tù binh đáng kể ra khỏi trại giam đi làm đường đã mở ra thời cơ “có một không hai” cho một cuộc giải thoát lớn. Đảo ủy đã chỉ đạo khối tù binh nhanh chóng thảo luận và khẳng định thời cơ cho một cuộc vượt ngục trên quy mô toàn đảo đã xuất hiện. Đảo ủy đã phác thảo phương án vũ trang bạo động chiếm đảo, giải phóng toàn bộ tù nhân. “Lúc ấy chúng tôi tranh luận dữ lắm. Người đưa ra tình huống này, người bàn cách xử lý kia, có người lúc đầu cũng băn khoăn về khâu bảo mật, hiệp đồng, về phương tiện… Sau Đảo ủy đã thống nhất phương án chi tiết được cho là táo bạo nhưng khả thi. Cụ thể: Kíp làm đường ở Bến Đầm là lực lượng chủ công, có nhiệm vụ bí mật làm thuyền bè và cất giữ. Khi có mệnh lệnh thì bắt sống toàn bộ binh lính tại chỗ. Sau đó đưa toàn bộ phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng hạ thủy. Kíp rải đá ở Đầu Mom sẽ phối hợp với kíp ở Bến Đầm bắt sống bọn lính. Sau đó, hai kíp cải trang lên ô tô về trung tâm đảo, phối hợp với tù án đánh chiếm dinh Chúa đảo, trại lính và Đài vô tuyến điện, chiếm các loại phương tiện vận chuyển. Các đơn vị còn lại có nhiệm vụ tiêu diệt, khống chế bọn cai ngục, binh lính tại chỗ. Nếu tình huống không thuận lợi cho việc giải phóng toàn đảo thì tổ chức giải thoát từng bộ phận”-ông Phạm Quý Tuyển nhớ lại.
Sau khi có phương án giải phóng đảo, một quá trình chuẩn bị đã được khẩn trương tiến hành trong các khám tù và kíp làm đường, tới từng người, từng bộ phận. Đặc biệt kíp tù binh ở Bến Đầm đã làm thuyền, giữ bí mật những con thuyền vượt biển…
-----------
Kỳ 2: Bí mật đào hầm, âm thầm làm thuyền
TRẦN HOÀNG TIẾN