 |
Vợ chồng chị Lê Thị Riêng và hai con |
Những dòng cuối cùng trong cuốn nhật ký của mình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân “Hai Riêng” (tên thật là Lê Thị Riêng, nguyên Trưởng ban Phụ vận Khu Sài Gòn-Gia Định, Phó hội trưởng Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) viết: “Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly…”.
Chiến đấu để không còn tang tóc chia ly...
Bà sinh năm 1925, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. 16 tuổi, bà đã được giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sĩ cách mạng với tên “Hai Riêng”. Tháng Tám năm 1945, Việt Minh nổi dậy, thị xã Rạch Giá, cờ đỏ rợp trời, người dân nô nức kéo nhau đi cướp chính quyền. Trong dòng người đó có bà. Bà đã trưởng thành trong phong trào phụ nữ của miền Nam, được bầu là Phó hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc miền Đông những năm 50.
Năm 1954, ông, bà thành hôn ở chiến khu Đ. Lễ cưới có mặt đông đủ các đồng chí lãnh đạo trong phân khu và bạn bè. Cuối năm 1961, sau đợt đi công tác dài ngày, bà trở lại khu rừng cũ nơi đã chia tay với chồng. Đến nơi, bà nhận được câu trả lời của đơn vị “Anh ấy đi công tác chưa về”. Bà nhẫn nại đợi. Một ngày chờ như thể mấy năm, bà càng đợi, càng biệt tăm. Biết không thể giấu được, đơn vị đành báo tin ông đã hy sinh…
Với nỗi niềm ấy, bà đã đau đớn viết vào cuốn nhật ký: “Ngày 28 tháng 10 năm 1960, vợ chồng tôi chia tay nhau và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi xa nhau mãi mãi.
Chúng tôi đã nhiều lần hợp tan như thế nhưng chuyến đi này tôi cảm thấy quyến luyến xót xa vì mới xa con lại phải xa chồng…
Sáu tháng sau, sau khi đi công tác trở về khu rừng cũ, tôi nuôi hy vọng đầu tiên là sẽ gặp chồng. Đến nơi, tôi được biết anh đi công tác chưa về… Phải kéo dài thời gian chờ đợi, cứ thế mà mỗi ngày một biền biệt xa. Ai đã trải qua tất sẽ thông cảm đầy đủ tình cảnh lo sợ, nhớ mong của vợ đối với chồng của tôi lúc bấy giờ.
Mãi tới ngày 29-4-1961, được các đồng chí cấp ủy mời đến, câu nói đầu tiên của các anh mà tôi bắt buộc phải nghe, mãi đến nay, mỗi khi nhớ đến tôi còn thấm sợ: “Xin báo cáo chị một tin buồn, anh ấy đã hy sinh”. Tôi phải nhắm mắt lại để tránh một sự thật đau thương, mong rằng tất cả những người đàn bà trên thế gian này, không ai phải nghe câu nói ấy đến với mình”.
…
Sau những ngày hốt hoảng, tôi nghe các đồng chí thuật lại rằng: “Đêm 4-12-1960, nhằm đêm rằm tháng 11-1960, trên đường công tác, không may anh bị phục kích, chống cự đến viên đạn cuối cùng và cũng đêm ấy anh không bao giờ trở lại với vợ con”.
Xóm mộ Đông Yên, xã Đông Hòa (Dĩ An) là nơi an nghỉ cuối cùng. Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn chưa tìm đến được nắm đất thân yêu, nơi chồng tôi gửi xác.
Bảy năm trời chung sống, từ ngày 3-5-1954, đến tháng 4 năm 1960, bao tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ chùn bước. Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc chia ly…”.
Bài thơ “Ước mơ” và nỗi niềm của người mẹ
Ước mơ
(Gửi tặng hai con: Minh Chánh, Chí Công)
Tôi ước mơ một ngày nào đâu đó…
Hà Nội ơi! Cho tôi đến Thủ đô
Gặp lại hai con, tôi ôm cả vào lòng
Tôi siết mãi, không bao giờ buông ra nữa.
Nhớ lắm rồi, bao năm trời chất chứa
Bóng hình con cứ lảng vảng đêm ngày
Bữa tiệc đời sao lắm vị chua cay
Mẹ đã chịu, trong những ngày xa cách.
Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất
Được gặp con, được ôm ấp vỗ về
Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ
Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả.
Nhưng con hỡi, nước non còn chia cắt
Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên
Bao gia đình tan nát điêu linh
Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử.
Màu đen tối sẽ lùi về dĩ vãng
Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên
Mẹ nguyện làm, một chiến đấu viên
Mẹ chiến đấu, cho ngày mai tươi sáng.
Cho Bắc Nam thống nhất
Cho đất nước hòa bình
Cho mọi người được no ấm quang vinh
Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.
Anh hùng-Liệt sĩ LÊ THỊ RIÊNG |
Chồng hy sinh, để bảo đảm an toàn cho hai con và tiện công tác, sau nhiều đêm đấu tranh với bản thân mình, bà quyết định gửi con ra Bắc. Không có người mẹ nào trên đời này muốn xa con. Bà đã chấp nhận chọn cho mình con đường đi làm cách mạng.
Ngày đó, để ra được Hà Nội, Minh Chánh và Chí Công - hai người con của Hai Riêng được tổ chức đưa qua Cam-pu-chia, sang Hồng Công rồi ra Hà Nội an toàn. Bà yên lòng khi biết chúng được gửi tới mẹ Mai Khanh chăm nom, được đồng chí Phạm Hùng đỡ đầu. Thỉnh thoảng, có người ra Bắc, nhớ con, bà viết thư cho mẹ Mai Khanh hỏi thăm tình hình. Trong một lá thư bà viết: “Tuy vừa qua gặp chuyện đau lòng, nhưng không đến nỗi nào làm mình nản bước đâu. Nhưng luôn luôn phải tự động viên mình, chỉ có một con đường này mới có tương lai… Nhớ con, đau nhói cả ruột gan, chị ơi!”.
Khi đó bà Riêng được cử vào nội thành công tác, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng ở Biên Hòa - Chợ Lớn. Bà tham gia đóng góp tích cực cho tờ báo Phụ nữ Giải phóng và là một trong những người trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ đấu tranh, biểu tình chống Mỹ Diệm ở nội đô. Một lần vừa từ xe lam bước xuống, bà bị một tên chiêu hồi nhận ra. Tên Ca Vĩnh Phối đã chỉ điểm để 3 tên mật vụ khác đón bắt bà. Hôm đó vào ngày 9-5-1967. Trong tù, bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục bà. Chúng đánh đập, tra điện, đốt cháy trụi những ngón tay của bà. Những ngón tay ngày nào bà từng dệt vải, viết báo, viết thư nay đen tím, phồng rộp, đau đớn, nhức nhối đến nỗi bà không cầm nổi được chiếc lược, búi được mớ tóc của mình. Hàng trăm ngày đêm, địch tra tấn, đánh đập tàn khốc nhưng chúng không lấy được một lời khai của bà. Bất lực trước tinh thần bất khuất của bà, đêm mồng 2 Tết Mậu Thân, khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đồng loạt nổ ra, bọn địch đã đưa bà cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác trên chiếc xe bịt kín đi thủ tiêu.
Ở Hà Nội, một hôm, Má Thùy - Cô Hiệu trưởng và thầy chủ nhiệm xuống tận lớp học đón Minh Chánh và Chí Công lên phòng hiệu trưởng để báo tin “Má Hai Riêng của các con đã hy sinh”. Hai anh em ôm nhau khóc ròng, sưng cả mắt, mãi mãi không còn được đọc những dòng thư đằm thắm yêu thương từ miền Nam gửi ra: “Con viết nhiều chữ, mẹ mừng quá, chữ con viết đẹp và sạch sẽ. Mẹ nhớ con, nhớ cái gối con nằm, cái mền con đắp, cái áo con mặc, cái bô con tiêu. Mẹ mong nước nhà thống nhất để được rước con về nuôi. Mẹ hôn hết hai con và bạn bè của con”.
Vĩ thanh
Chính những dòng chữ nắn nót, ghi lại những dòng tâm sự đầy xúc động trong cuốn sổ nhật ký của nữ anh hùng Hai Riêng đã khiến tôi quyết tâm đi tìm những người thân của chị.
Chí Công - người con trai đầu của anh hùng Hai Riêng- hiện đang công tác tại Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất. Tay run run đưa cho tôi cuốn sổ nhật ký của mẹ, giọng nghẹn ngào anh nói: “Sau hai năm ba tôi hy sinh, ngày 9-12-1962, mẹ tôi đã viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt này”.
Nói đến đây, anh Công nhìn vào khoảng không xa như nghĩ điều gì? Rồi anh nói: “Đọc những dòng của Má, tôi hiểu sâu sắc hơn vì sao Má tôi đã chọn con đường bất chấp sự hy sinh, đau khổ của riêng mình và vì sao Má lại yêu ba như vậy, sự chịu đựng cũng khôn cùng như vậy”.
Anh Công kể: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai anh em chúng tôi được bác Phạm Hùng - Bí thư Trung ương cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh và bà Đỗ Duy Liên đưa về thăm miền Nam và đến viếng nghĩa trang Đô Thành, ở đó có 3 tấm bia nhỏ ghi: “Nơi an táng 37 nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân 1968”.
Bà Phùng Ngọc Anh nguyên là cán bộ tự vệ thành, người chứng kiến cái đêm bọn địch đem đi thủ tiêu những chiến sĩ cách mạng đã kể lại tấm gương hy sinh bất khuất của liệt sĩ Lê Thị Riêng: Hôm bọn địch đưa tù nhân đi thủ tiêu, trên xe có chị Lê Thị Riêng, anh Trần Văn Kiểu, tôi và một số đồng chí khác. Đi sau là một chiếc xe chở bọn lính trang bị đầy súng ống. Hai chiếc xe lăn bánh từ Tổng nha cảnh sát chạy vô hướng Chợ Lớn. Ngồi trên xe, chị Riêng nói với tôi: “Lực lượng ta nổ súng tấn công. Chúng đang tìm cách hãm hại mình, Ngọc Anh phải sẵn sàng đối phó, nghe em. Trong tình huống này phải xứng đáng là một người Cộng sản”. Anh Chín Kiểu dự đoán: “Bên ngoài ta tấn công vô, bên trong bắn ra. Thế là nó tìm cách thủ tiêu mình một cách hợp pháp”. Đúng như dự đoán, chiếc xe đột nhiên dừng lại ở bốt Bà Hòa. Bọn lính trên chiếc xe sau hò nhau nhảy xuống. Biết có điều chẳng lành, tất cả mọi người trên xe đồng thanh hô: “Đả đảo tàn sát, đả đảo khủng bố”, “Hồ Chí Minh muôn năm”… Bọn địch dàn hàng ngang sau xe, đồng loạt nổ súng vào xe. Khói thuốc mù mịt…
Bà Ngọc Anh xúc động: “Lúc đó tôi bị thương vào đùi, máu thấm ướt. Chị Riêng còn chút sức lực vừa hô, vừa đạp cửa xe định xông ra nhưng không nổi. Bọn địch nghe tiếng động, chúng bắn tới tấp. Tôi ngất đi, khi tỉnh dậy thấy xung quanh im lặng, tất cả đã hy sinh. Tôi thấy chị Riêng đang nằm đè lên che đạn cho tôi...”.
Câu chuyện của những người bạn tù, những dòng nhật ký còn đang viết dở trong đó lấp lánh một câu chuyện huyền thoại về mẹ, là thông điệp của quá khứ gửi tới thế hệ sau về một tấm gương hy sinh cao cả của người nữ liệt sĩ anh hùng. Gần 40 năm trôi qua, anh hùng Hai Riêng đã đi xa… nhưng những kỷ niệm về bà vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Tên bà được đặt cho một đường phố, một chung cư, một công viên tại TP Hồ Chí Minh để chúng ta luôn nhớ đến bà, nhớ về quá khứ và những gì thế hệ trước đã ngã xuống để có được ngày tươi sáng như hôm nay.
Bài và ảnh: TRẦN THANH HẰNG