 |
Những cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc 40 năm trước.
(Tư liệu Bảo tàng Đồng Lộc) |
Là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc XHCN, là nơi tập kết lực lượng, vật chất kỹ thuật đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào, Cam-pu-chia, cho nên ngay từ trận đầu 5-8-1964 cho đến hết cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, giao thông vận tải đã trở thành một mục tiêu đánh phá quyết liệt, dai dẳng, là nơi đọ sức của ý chí, trí tuệ, lực lượng và thế trận giữa quân và dân ta với sắt thép, vũ khí hiện đại và bộ máy điều hành chiến tranh khổng lồ của Lầu Năm Góc.
Đế quốc Mỹ đã gọi vùng đất trung chuyển khu 4 là "Vùng cán xoong" và đã sử dụng các loại máy bay (kể cả B52 rải thảm), sử dụng tất cả các loại vũ khí (kể cả chất độc đi-ô-xin), Mỹ dùng tất cả các chiến thuật đánh phá (ban ngày, ban đêm, trời nắng, trời mưa, ồ ạt, đánh liên tục, tốp nhỏ, chiếc lẻ… để hòng "chặt đứt cán xoong", "chặn họng" con đường vào Nam. Trên địa bàn nam Nghệ An, bắc Hà Tĩnh chúng đã hình thành "Tứ giác lửa" gồm: Bến vượt Bến Thủy, Cổ Ngựa (Tiến Lộc, Can Lộc), đường 1A và Linh Cảm (Đức Thọ), Đồng Lộc (Can Lộc), đường 15A tạo nên "4 cửa tử" ngăn chặn lực lượng và phương tiện vận tải tiếp tế chiến trường từ miền Bắc vào miền Nam. Chúng đã băm nát hàng chục ki-lô-mét đường 15A và 1A, đánh sập hoàn toàn hệ thống cầu cống lớn nhỏ. Diện tích của khu 4 bằng 2/6 diện tích miền Bắc nhưng đế quốc Mỹ đã ném vào đây một mật độ bom đạn gấp 20 lần so với 4/6 diện tích còn lại. Bình quân 1km2 phải hứng chịu 18,5 tấn bom đạn.
Với khát vọng Không có gì quý hơn độc lập, tự do, tất cả vì miền Nam ruột thịt, quân-dân Quân khu 4 trên các trọng điểm giao thông vận tải đã nêu cao khí phách Địch đánh một thì ta làm mười, Tim còn đập con đường vào Nam còn thông suốt, Xe chưa qua nhà không tiếc. Từ trong cuộc chiến đấu sinh tử quyết liệt này, Ngã Ba Đồng Lộc trở thành một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của khoa học và nghệ thuật, của chiến tranh nhân dân trên mặt trận giao thông vận tải và hơn nữa như nhà thơ Huy Cận đã viết Trở thành ngã ba thời đại, ngã ba soi đường cho thế kỷ phong ba.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng tiến công cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đặc điểm cụ thể của chiến trường, vào tình hình đảm bảo giao thông trên chiến trường khu 4, phương châm hành động Tìm địch mà đánh, đến trọng điểm mà tiêu diệt địch, chủ động đánh địch để đảm bảo giao thông đã trở thành mệnh lệnh tiến công ở Đồng Lộc trong những năm tháng này. Thế trận phòng không nhân dân 3 thứ quân gồm Phòng không-Không quân, Trung đoàn 210 pháo cao xạ của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân, trung đoàn 283 pháo cao xạ Quân khu 4, tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh và các trận địa trực chiến bắn máy bay bằng súng bộ binh của dân quân các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc, Quang Lộc, Thượng Lộc, Nga Lộc, Vĩnh Lộc… đã tạo nên một lưới lửa dày đặc, hiệu quả. 16 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, hàng chục chiếc khác bị thương, hàng ngàn lượt máy bay Mỹ không thể ném bom đúng mục tiêu, đã minh chứng cho điều đó. Tất cả các lực lượng phòng không 3 thứ quân trên ngã ba này, với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu đều đã trở thành đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Nói đến những hy sinh trên Ngã Ba Đồng Lộc phải nói đến sự hy sinh của Trung đoàn 210. Hơn 120 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại với ngã ba anh hùng.
Khẩu hiệu của Trung đoàn 210 lúc ấy là Thi đua với dũng sĩ miền Nam, bám thắt lưng địch diệt địch, lực lượng phòng không bám thắt lưng phi công Mỹ mà bắn máy bay đã được thể hiện thành hành động.
Đánh thắng ngay khi chúng chuẩn bị ném bom của lực lượng phòng không ở Đồng Lộc đã góp vào kho tàng lý luận quân sự nhiều bài học về tổ chức đánh máy bay địch trong bảo vệ mục tiêu, bảo vệ yếu địa, bảo vệ giao thông vận tải.
Tháng 8-1973, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã vào thăm Đồng Lộc. Đồng chí đã ngợi khen: Đồng Lộc là ngày hội lớn của toàn dân, của các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đội bom ra mặt đường để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Là một Địa chỉ Đỏ, trong phong trào Xô-viết, nhân dân Đồng Lộc trẻ, già, trai, gái đã sát cánh bên các lực lượng để làm nên Huyền thoại Đồng Lộc. Nhân dân đã tự giác huy động hàng triệu ngày công để san lấp hố bom, bứt bổi (các loại cây rừng) để chống lầy cho xe qua trọng điểm. Từ gương sáng cụ Nguyễn Năm, một thương binh trong kháng chiến chống Pháp dỡ nhà mình ra lát đường cho xe qua, hàng chục gia đình trong xã đã dỡ nhà mình ra lát đường. Xe chưa qua nhà không tiếc, Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe, đó là khẩu hiệu của người dân Đồng Lộc. Mỗi người dân Đồng Lộc là một dũng sĩ. Cụ Nguyễn Bính gần 70 tuổi vẫn bám tuyến cùng các lực lượng phá bom, tháo gần 100 quả bom các loại. Chiến sĩ dân quân Vương Đình Nhỏ đã trở thành Kiện tướng phá bom trên ngã ba này. Hơn 2.000 ngày Vương Đình Nhỏ đã cùng đồng đội tháo gần 1.800 quả bom giặc Mỹ thả, trong đó có hàng trăm quả bom tấn. Tổ công an nhân dân do Nguyễn Tiến Tuẩn chỉ huy đã bám sát trọng điểm, bảo đảm an toàn trật tự, góp phần điều vận xe qua lại. Hàng chục lần bị bom vùi, bom lấp sống đi chết lại nhưng anh vẫn không rời vị trí. Chiến sĩ lái máy ủi Cao Bá Tuyết và Uông Xuân Lý (công nhân giao thông) đã bám tuyến gần 200 đêm, 64 lần bị bom vùi, bom lấp nhưng với "Chiếc máy ủi thần kỳ" các anh đã san lấp hàng trăm hố bom, góp phần phục hồi hàng chục ki-lô-mét đường thông tuyến đúng thời gian cho xe qua trọng điểm. Các đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn (công an nhân dân), Cao Bá Tuyết, Uông Xuân Lý (công nhân giao thông) đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong 4 tháng cao điểm địch đánh phá năm 1968, 16 cán bộ, chiến sĩ đơn vị biệt phái của Bộ tư lệnh công binh vừa trực tiếp giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật rà phá bom mìn cho dân quân tự vệ, các anh vừa trực tiếp hủy 1.944 quả bom các loại ngay tại Ngã Ba Đồng Lộc.
Trưởng thành từ phong trào "3 sẵn sàng", "3 đảm đang", tổng đội TNXP Hà Tĩnh đã xây dựng các đại đội thép "Gan vàng dạ sắt" để bám trụ Đồng Lộc. Giữa mịt mù khói bom, trên một điểm cao, La Thị Tám (đại đội 2 giao thông huyện Can Lộc) vẫn bình tĩnh, tự tin đếm từng quả bom rơi chưa nổ, cắm tiêu bom để đồng đội kịp thời phá hủy. Chị liên tục có mặt ở Đồng Lộc, Thượng Gia, Cổ Ngựa đánh dấu 703 quả bom, 23 lần bị bom vùi khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh dũng cảm của tiểu đội Võ Thị Tần, 10 cô gái TNXP tuổi xuân xanh ngày 24-7-1968 đã trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm của phụ nữ Việt Nam, thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh này của dân tộc. La Thị Tám và tập thể tiểu đội Võ Thị Tần đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Những tập thể anh hùng đã làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại với khẩu hiệu Địch đánh một thì ta làm mười. Hàng chục tuyến đường phòng tránh đã được mở, được ngụy trang bằng đất, bằng lá cây công phu. Phương châm tác chiến đưa ra Điểm có thể tắc nhưng diện luôn luôn thông suốt đã được thực hiện. Nhân dân các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc… đã huy động hàng triệu ngày công, mỗi xóm tổ chức từ 1 đến 3 đội ứng trực giao thông sẵn sàng lên mặt đường ngay khi ngớt tiếng bom rơi. Sức mạnh tổng lực của cuộc chiến tranh nhân dân, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã được phát huy cao độ. Hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật khắc phục mặt đường đảm bảo giao thông đã ra đời trong chiến đấu. Mặt đường là trận địa, người người là dũng sĩ, thế trận nhân dân Đồng Lộc đã trở thành sức mạnh kỳ diệu nhất trên một tọa độ mà sắt thép, đạn bom quân xâm lược không thể khuất phục ý chí của con người Việt Nam.
Bài học về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên Ngã Ba Đồng Lộc đã góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận quân sự Việt Nam vô cùng quý báu cho hôm nay và cả mai sau.
Trong khói lửa chiến tranh, tình làng nghĩa xóm, tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào, sự hợp tâm hợp lực giữa bộ đội, công an, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, công nhân gắn kết theo nhịp sống sôi động của cuộc kháng chiến. Đó chính là văn hóa giữ nước của con người Đồng Lộc, cuộc sống Đồng Lộc trong những năm chiến tranh, là sức mạnh không gì thắng nổi của Đồng Lộc trong những năm chiến tranh.
Trong chuyến về thăm Đồng Lộc năm 1973, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã căn dặn cấp ủy, chính quyền nhân dân Hà Tĩnh: Phải làm cho Đồng Lộc nhanh chóng được tươi xanh, phải làm cho Đồng Lộc nhanh chóng trở thành "một địa chỉ Đỏ".
Về Đồng Lộc hôm nay, lời căn dặn đó đã thành sự thật. Từ hoang tàn, đổ nát, Đảng bộ và nhân dân Đồng Lộc đã biến quê hương mình trở thành một vùng đất trù phú. Tổng thu nhập năm 2007 đã gấp 10 lần năm 1985 và 16 lần năm 1964. Khu di tích lịch sử Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ ngày ngày nườm nượp bạn bè đồng chí trong tỉnh, trong nước và quốc tế đến thăm.
Một sức sống mới đang bừng lên từ tư chất anh hùng, từ lòng kiên gan dám chiến thắng mọi kẻ thù, chiến thắng đói nghèo lạc hậu đang làm nên những đổi thay trên quê hương Đồng Lộc anh hùng. Dù vậy vẫn mong nơi đây sẽ có một ngôi đền tầm cỡ để thờ chung các liệt sĩ đã ngã xuống tại Ngã ba anh hùng này vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Sáng mãi biểu tượng Đồng Lộc
Sáng mãi khát vọng Đồng Lộc
(Bài báo này đã sử dụng các tư liệu: "Tổng kết chống chiến tranh phá hoại của Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh", "Lịch sử Đảng bộ Can Lộc" và một số tài liệu hội thảo về Đồng Lộc).
Thiếu tướng HOÀNG TRỌNG TÌNH
Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó chính ủy Quân khu 4