 |
Người dân xã Đức Long đi nhận hàng cứu trợ |
Sáng ngày 8-10, dù mặt đường của tỉnh lộ 477 vẫn còn chìm sâu dưới nước gần một mét, sau phút chần chừ, lái xe Phạm Trung Trực vẫn quyết định nhấn ga chiếc u-oát rẽ nước thẳng tiến để đưa chúng tôi vượt qua cầu Đế sang bên kia sông Hoàng Long-nơi có tới 17 xã của huyện Nho Quan bị ảnh hưởng của cơn lũ…
Đường chính đã thông, nhưng hàng nghìn hộ dân vẫn bị cô lập
Sau khi đạt mức đỉnh lũ là 5,3m, đến trưa 8-10, nước lũ đã rút xuống dưới 4m, ở mức báo động cấp 3, tuyến đường tỉnh lộ 477 đã cơ bản thông xe, nhưng nước lũ vẫn còn ngập trắng hai bên đường, hàng nghìn ngôi nhà của huyện Nho Quan vẫn bị cô lập, ngập sâu trong nước lũ.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Nho Quan, cơn bão số 5 đã khiến 339ha lúa, 973ha hoa màu và gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản và 10.315 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ.
Buổi trưa, trời vừa hửng nắng, người dân các xã Gia Tường, Đức Long, Lạc Vân, đã dùng thuyền nhỏ chở gạo, ngô bị ngâm nước lên mặt đường bê tông để phơi. Trên suốt tuyến đường, nặng mùi ẩm mốc, chua chua của lương thực bị ngâm nước. Chị Đinh Thị Nhị, ở xã Lạc Vân vừa canh lúa vừa thở dài nói với chúng tôi: “Nước lũ lên nhanh quá, nhà tôi còn có hơn 2 tạ lúa, chưa kịp chuyển đi. Phải phơi lại để chống đói”.
Trao đổi với thượng tá Đinh Xuân Nghinh, Chỉ huy trưởng ban CHQS huyện Nho Quan, chúng tôi được biết, toàn huyện có 17 trên tổng số 27 xã bị ngập lụt, trong đó nhiều xã hiện vẫn bị cô lập hoàn toàn, như: Đức Long, Gia Tường, Gia Sơn, Thanh Lạc, Thượng Hòa…
Trong buổi họp ngày 8-10 của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Nho Quan, đồng chí Lê Tiến Lực, quyền chủ tịch huyện Nho Quan, Trưởng ban, cho biết: Thời điểm hiện tại vẫn còn 21 trường học bị ngập hơn một mét nước. Một số trường không bị ngập, hoặc nước đã cạn, nhưng học sinh vẫn không thể đến trường vì vẫn bị cô lập về giao thông. Tính đến nay vẫn còn khoảng gần một vạn học sinh chưa thể đến trường.
Khi chúng tôi đến xã Đức Long, đồng chí Đinh Quang San, Bí thư Đảng ủy xã, đang đi kiểm tra ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở của xã. Cả hai ngôi trường này vẫn còn ngập hơn một mét nước. Ông San nói giọng buồn buồn: “Ở vùng xả lũ như Đức Long, nước lũ lên thì nhanh, còn xuống thì chậm lắm. Với mức nước này, nhanh thì cũng phải 10 hôm nữa học sinh mới có thể trở lại trường học”. Theo nhẩm tính của ông San, riêng xã Đức Long đã có hơn 1.200 học sinh từ cấp phổ thông cơ sở trở xuống phải nghỉ học do trường vẫn bị ngập và đường sá bị chia cắt do nước lũ.
Lo nhất là phòng, chống dịch bệnh
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Dương Thanh Phong, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khi đến kiểm tra tại Ninh Bình, hiện nay, cùng với việc làm tốt công tác cứu trợ, ổn định cuộc sống cho các gia đình đang phải đi sơ tán, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh và 2 huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường sau lũ, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh”.
Công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ cũng là nội dung chính được đề cập nhiều trong cuộc họp của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Nho Quan sáng hôm qua. Với 17/27 xã trong huyện bị ngập sâu, 2/3 dân số trong huyện ở vùng lũ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh nên cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự huyện xác định, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh sau lũ phải được đặt lên hàng đầu.
Cùng chúng tôi xuống xã Đức Long, nơi bị ngập nặng nhất trong đợt lũ này, Thượng tá Đinh Xuân Nghinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nho Quan, kể: “Hiện tại, hầu như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn đang trực tiếp ở các xã giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho anh em phải đặc biệt chú ý tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Thực hiện nước rút đến đâu phải vệ sinh sạch sẽ đến đó, đồng thời huy động lực lượng y tế tại chỗ cấp thuốc khử trùng nước cho nhân dân sinh hoạt”.
Theo quan sát của chúng tôi, tại những tuyến đường nước lũ đã rút, LLVT cùng với nhân dân đã dọn sạch rác bẩn, nhiều gia đình đã mang lúa gạo ra phơi. Trên những vùng còn bị ngập nước, đội vệ sinh phòng dịch của huyện, xã đang đi vớt những xác động vật bị chết. Ba ngày nay, huyện Nho Quan đã vận động nhân dân ở các xã không bị ngập mang nước sạch đến cho nhân dân vùng bị ngập.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ, chúng tôi thấy hiện vẫn có khá nhiều gia đình vẫn phải dùng nước ngập lũ để sinh hoạt. Do thiếu chất đốt và không có địa điểm đun nấu, một số gia đình vẫn phải ăn mì tôm sống… Với diện tích bị ngập lớn và thời gian ngập kéo dài (dự kiến khoảng hơn 2 tuần nước lũ mới rút hết) thì công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay có tới 6 trạm y tế xã ở hai huyện này vẫn đang bị ngập sâu trong nước… Công tác vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh ở vùng rốn lũ Ninh Bình rất cần sự chỉ đạo, hỗ trợ thêm của ngành y tế.
Những ánh sao trên sóng nước
Hơn 30 phút chiếc thuyền nhỏ chèo bằng tay mới đưa chúng tôi đến được thôn Cổ Định. Anh Thành - người chèo thuyền - cho biết: “Ngày thường đi bộ cũng chỉ mất 5 phút là tới nơi”.
Từ trên cầu Nho Quan, chúng tôi quan sát chiếc tàu cứu hộ mang ký hiệu FT 660 do thiếu úy Nguyễn Hải Phú điều khiển đang luồn lách qua những vật cản nổi trên mặt nước để mang từng thùng mỳ tôm, nước ngọt cho các hộ dân thôn Bình An, xã Lạc Vân. Chỉ chiếc tàu, Thượng tá Đinh Xuân Nghinh nói: “Cả Ban CHQS huyện chỉ có một chiếc tàu cứu hộ. Do vậy, từ đêm 5-10 đến nay, ngày nào đồng chí Phú lái tàu cũng phải trực để kịp đưa cán bộ đi kiểm tra, vận chuyển lương thực, nước uống cho nhân dân vùng lũ và đưa người bệnh đi cấp cứu. Có hôm tàu chạy liên tục từ sáng đến tối, ăn ngủ đều trên tàu cả…”.
Hơn 19 giờ ngày 8-10, khi chiếc xe chở nhóm phóng viên báo Quân đội nhân dân rời huyện lỵ Nho Quan, theo tỉnh lộ 477 ra quốc lộ 1A, thì gặp đoàn xe của Binh chủng Công binh đem theo 6 chiếc xuồng để bổ sung phương tiện cứu hộ cho Ban CHQS huyện Nho Quan. Đại tá Dương Trọng Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, cho biết: “Sáng nay (8-10), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh chủng Công binh và Cục Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đến Ninh Bình và Thanh Hóa thị sát, kiểm tra và bổ sung phương tiện cho những địa phương còn bị cô lập. Sau khi thị sát, chúng tôi quyết định cấp ngay cho Ban CHQS huyện Nho Quan 6 chiếc xuồng cứu hộ để làm phương tiện vận chuyển lương thực cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng lũ. Quyết tâm không để người dân nào vì điều kiện lũ lụt mà bị đói, bị rét”.
Bài và ảnh: PHÚ SƠN - HUY QUANG - MINH TRỰC