Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh Internet
Những cuộc đấu trí, đấu lực đánh thắng chiến dịch tập kích đường không bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đã khẳng định bản lĩnh trí tuệ, niềm tin chiến thắng của quân và dân ta. Bộ đội tên lửa, pháo cao xạ, không quân-lực lượng nòng cốt làm nên chiến thắng lịch sử ấy hẳn ai cũng biết. Nhưng không thể không nhắc tới những nhà khoa học, các lực lượng ra-đa, thông tin, công binh, hải quân, những chiến sĩ dân quân tự vệ và cả những người dân bình thường đã âm thầm cống hiến trí tuệ, xương máu vào chiến thắng chung của dân tộc. Khiêm nhường, thầm lặng nhưng phải khẳng định rằng, chính họ là bệ phóng của những chiến công.

Chủ động vượt khó để chiến thắng

Một trong những cái khó nhất với lực lượng phòng không ta trong “Điện Biên Phủ trên không” là khắc phục nhiễu. Để đánh thắng máy bay chiến lược B52, ngoài việc nghiên cứu cách đánh, từ giữa những năm 60 thế kỷ trước, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã chỉ đạo và tổ chức lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật tập trung nghiên cứu tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B52 và các loại máy bay hiện đại của địch, đặc biệt là nghiên cứu về nhiễu. Máy bay B52 giống như một “nhà máy điện tử” trên không. Mỹ đã nghiên cứu phát triển khí tài có khả năng gây nhiễu với công suất lớn trên hầu hết các dải tần số của các đài ra-đa, đài thông tin vô tuyến. Nghiên cứu chống nhiễu máy bay B52 là một cuộc đấu trí lớn giữa các nhà khoa học quân sự của ta với các “bộ óc điện tử” và nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến của Mỹ.

Thiếu tướng, TS Trần Thúc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự kể: Chống nhiễu là mối quan tâm hàng đầu và thường xuyên của các cơ quan khoa học-kỹ thuật quân sự của Quân chủng Phòng không-Không quân, của các đơn vị tên lửa. Đối với Viện Kỹ thuật quân sự, ngay từ năm 1968, cán bộ nghiên cứu đã theo dõi sát sao những thành tựu mới về chiến tranh điện tử, những thủ đoạn gây nhiễu mới của Mỹ, biên soạn tài liệu, thông tin cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các quân chủng, binh chủng tham khảo. Tháng 4-1972, khi địch sử dụng máy bay B52 đánh phá các tỉnh miền Trung, Viện đã cử một số cán bộ tham gia đoàn nghiên cứu của Phòng Khoa học quân sự, Quân chủng Phòng không-Không quân. Đoàn đã đội “mưa bom, bão đạn” vào chiến trường Quảng Trị tìm hiểu về nhiễu B52, quay phim các hình ảnh nhiễu B52 trên các đài ra-đa của ta. Khi nhận được một mẫu máy gây nhiễu ALQ-87 trang bị cho các máy bay chiến thuật, cán bộ khoa học của Viện đã nghiên cứu khảo sát, đo đạc tỉ mỉ, phân tích chính xác dải sóng gây nhiễu, công suất nhiễu và các dạng nhiễu; xác lập được sơ đồ cánh sóng, các hướng bức xạ lớn nhất, bé nhất, các “vùng mù” được tạo ra ở từng độ cao của máy bay. Từ kết quả nghiên cứu, cán bộ khoa học của viện và quân chủng đã đưa ra những giải pháp kỹ thuật, khoét vào mặt yếu của khí tài gây nhiễu để vận dụng phát hiện máy bay địch, tìm phương pháp bắn có hiệu quả nhất. Sau này khi bắn rơi tại chỗ máy bay B52, các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu cả 15 loại máy gây nhiễu trang bị trên máy bay B52; khẳng định kết luận những biện pháp chống máy gây nhiễu ALQ-87 vẫn có khả năng chống nhiễu máy bay B52 hiệu quả.

Những chiến công thầm lặng

Góp phần vào chiến thắng vang dội “Điện Biên Phủ trên không” còn có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo đảm kỹ thuật, chuẩn bị tên lửa, máy bay tốt và thông tin thông suốt. Trong căn hộ chung cư bình dị bên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Đại tá Đỗ Đức Dục, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật tên lửa xúc động kể với chúng tôi về những ngày gian khổ, khó khăn nhưng tràn đầy vinh dự, tự hào. Những ngày ấy, cán bộ kỹ thuật của phòng luôn có mặt ở các tiểu đoàn kỹ thuật để sản xuất, sửa chữa đạn và vận chuyển đạn kịp thời cho các tiểu đoàn hỏa lực. Lực lượng kỹ thuật tên lửa chủ động bảo quản, sửa chữa, cải tiến kỹ thuật và đồng bộ khí tài tên lửa nên khi bước vào chiến đấu, mặc dù mở máy nhiều, có lúc gấp từ 1,5 đến 2 lần, nhưng cơ bản khí tài của các đơn vị vẫn hoạt động tốt, không để lỡ thời cơ chiến đấu. Khi các trận địa tên lửa bị trúng bom địch, lực lượng kỹ thuật đã dồn sức khắc phục nhanh nhất khí tài bị hư hỏng đưa trở lại chiến đấu. Do đã nghiên cứu, xác định đúng thủ đoạn gây nhiễu của địch nên ta đã chủ động phòng tránh, cải tiến khí tài SAM-2 chống nhiễu rãnh đạn thành công. Thực tế cho thấy, các trận đánh của bộ đội tên lửa diễn ra trong điều kiện bị nhiễu đậm đặc, nhưng không quả đạn nào bị nhiễu rãnh đạn mà không điều khiển được. Thành công trong cải tiến khí tài tên lửa phòng không và trong nghiên cứu chống nhiễu đã nâng cao niềm tin của bộ đội vào vũ khí, khí tài của ta, từ đó khích lệ bộ đội dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, tìm các biện pháp để đánh địch đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy không trực tiếp chiến đấu với B52 trong 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” nhưng Đại tá Trương Đình Hiệp đã từng chỉ đạo, tổ chức lực lượng thuộc Trung đoàn phòng không 275 bắn rơi B52 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và đánh B52 “nhảy cóc” ra bầu trời bắc miền Trung tháng 4-1972. Do có chút kinh nghiệm đánh B52 nên Đại tá Trương Đình Hiệp đã được Quân chủng Phòng không mời tham dự cuộc họp lịch sử ngày 6-10-1972 để bàn cách đánh B52. Giờ đây tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Đại tá Trương Đình Hiệp vẫn nhớ như in hình ảnh Thiếu tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng nắm chặt bàn tay, mắt trường trừng nhìn lên bản đồ, nghiến răng nói: “B52... B52 mày sẽ rơi ở đâu? Nếu liều lĩnh đánh phá Hà Nội, mày sẽ phải rơi tại chỗ trên đất Thăng Long này”. Sau cuộc họp lịch sử ấy, các đơn vị phòng không đã dồn sức ngày đêm luyện tập thuần thục, sẵn sàng lập công.

Tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng Chạp 1972 cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân, còn có các lực lượng hải quân, công binh, thông tin liên lạc và các lực lượng bảo đảm khác. Sau các trận oanh kích của địch vào các sân bay, bến cảng, trận địa tên lửa và các mục tiêu kinh tế, kỹ thuật, bộ đội công binh và dân quân, tự vệ lại khẩn trương san lấp hố bom, bảo đảm giao thông để các phương tiện quân sự, vũ khí, khí tài cơ động chiến đấu. Từ ngày 18 đến 29-12-1972, Bộ đội Hải quân âm thầm, nhẫn nại vượt mọi gian khổ, hy sinh để rà phá, quét sạch thủy lôi trên sông, trên biển thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh... bảo đảm an toàn cho các tàu vận tải của ta và của các nước bè bạn. Bộ đội Công binh cùng với các lực lượng địa phương khôi phục đường băng để máy bay của không quân ta cất cánh đánh địch; củng cố nhanh hệ thống công sự, trận địa tên lửa, pháo phòng không để duy trì khả năng chiến đấu...

Cuộc đấu trí với kẻ thù diễn ra quyết liệt từng phút, từng giây. Kể về những chiến công mà lực lượng tên lửa, pháo cao xạ và không quân đã trực tiếp lập nên không thể không nhắc đến những cánh sóng ra-đa thầm lặng. Mỗi máy bay rơi là một nguồn lực động viên tinh thần, tạo niềm tin cho bộ đội ra-đa chiến đấu và quyết thắng. Ông Trần Văn Bài, nguyên là trắc thủ ra-đa đo cự ly đại đội 1, phân đội 57 kể: “Ngày ấy, đại đội xe P của ông ở trận địa Tó (Đông Anh, Hà Nội). Khi được tin Phân đội 59 bắn rơi tại chỗ B52 bằng vũ khí, khí tài hiện có, toàn đại đội vô cùng phấn chấn. Sau chiến công này, sự tự tin và quyết tâm chiến đấu của bộ đội lên rất cao. Qua các đợt rút kinh nghiệm, các trắc thủ ra-đa đã bình tĩnh thao tác, đo đạc, xác định chính xác cự ly, bảo đảm cho tên lửa bắn trúng. Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, Phân đội 57 của ông đã bắn rơi 4 máy bay B52.

Sáng mãi tình đồng đội

Tình đồng đội là một trong những yếu tố quan trọng để bộ đội ta lập công trong các cuộc chiến đấu nói chung và trong “Điện Biên Phủ trên không” nói riêng. Không chỉ trong chiến đấu, trở về đời thường tình đồng chí, đồng đội của những chiến sĩ “Điện Biên Phủ trên không” vẫn sáng mãi. Trong các cuộc gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” các đại biểu nhắc nhiều đến tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57 Nguyễn Văn Phiệt - người sau này trở thành Anh hùng LLVT nhân dân, Trung t­ướng - Phó t­ư lệnh về Chính trị Quân chủng PK-KQ. Hiện nay, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã nghỉ h­ưu như­ng ông vẫn rất tâm huyết với sự phát triển của lực l­ượng PK-KQ nói chung và bộ đội tên lửa nói riêng. Những ngày này Trung tư­ớng Nguyễn Văn Phiệt bận như người có con mọn. Lịch gặp mặt truyền thống, giao lưu, kể chuyện đánh B52 cho học sinh các trường... khép kín nhưng ông vẫn dành thời gian đi thăm hỏi đồng đội cũ. Cựu chiến binh Quân chủng PK-KQ nói chung và Đoàn phòng không Hà Nội nói riêng sẽ còn nhớ mãi người Trưởng ban liên lạc tận tình, giàu lòng nhân nghĩa.

Cũng giống như Trung tướng Phiệt, dù bận rộn đến mấy Thiếu tướng Lê Huy Vinh, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ (Phó trưởng ban liên lạc bạn chiến đấu Đoàn phòng không Hà Nội) cứ vài ngày một lần tới bệnh viện thăm một người đồng đội cũ mắc bệnh hiểm nghèo đó là Trung tá Nguyễn Huy Thiện, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị 44. Không chỉ cắt cử người thường xuyên đến chăm nom, Ban liên lạc bạn chiến đấu Đoàn phòng không Hà Nội còn quyên góp hỗ trợ tiền thuốc men điều trị những mong kéo dài sự sống cho đồng đội. Còn nhiều nữa những nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ “Điện Biên Phủ trên không” mà chúng tôi không thể ghi hết được. Chỉ biết rằng, những người lính 35 năm trước kề vai sát cánh làm nên “Điện Biên Phủ trên không” thì nay họ vẫn nghĩa tình bên nhau trên trận tuyến mới.

KIM NGỌC và HƯƠNG HỒNG THU