 |
Khánh thành chặng Hà Nội - Luông Phra-băng |
Khi chiếc Fokker 70 của Vietnam Airlines ngóc đầu và cất mũi hướng về phía tây, một cảm giác xốn xang chợt ùa về trong tôi. Tôi đang bắt đầu chuyến bay xuyên Đông Dương, một ước mơ lâu nay giờ đã thành hiện thực...
Nụ cười Luông Phra-băng
Từ thủ đô Hà Nội tới Luông Phra-băng, cố đô của Lào chỉ khoảng 55 phút bay, vừa đủ cho một bữa ăn nhẹ của Vietnam Airlines. Mới thấy sông Hồng thấp thoáng như một dải lụa màu dưới cánh máy bay, đã thấy trập trùng đồi núi của nước Lào bát ngát một màu xanh. Rồi Luông Phra-băng đón chiếc máy bay chở tôi với khoang hành khách đầy ắp khách du lịch nước ngoài trong cái nắng thu muộn rực rỡ dát vàng trên những triền đồi.
Tới đây, du khách sẽ bắt gặp một Luông Phra-băng trầm mặc, với nhịp sống hầu như ngưng đọng, chậm rãi. Chầm chậm những đám mây trôi trên bầu trời thành phố, nơi du khách có thể lặng ngắm cảnh mặt trời mọc treo lơ lửng như một quả cầu đỏ rực trên đỉnh núi Phou Si. Chậm rãi như nhịp thời gian trôi trên mái chùa Vàng Xieng Thong. Có cảm giác như ngay cả ngọn nước đổ xuống từ thác Kuang Xi cũng chậm...
Nhưng chậm nhất có lẽ là bước chân của những nhà sư đi khất thực trên các con phố của Luông Phra-băng. Cảnh biếu xôi cho các nhà sư đi khất thực ở đây có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới. Muốn chứng kiến quang cảnh này, du khách phải dậy thật sớm, chừng 5 rưỡi sáng đã có mặt trên phố để chuẩn bị lễ biếu xôi. Trước đấy, những người bán xôi đã gánh những giỏ xôi đi bán, chừng 5 kíp một giỏ. Bất cứ ai cũng có thể mua những giỏ xôi này để biếu các nhà sư. Dọc theo phố, người ta đã trải sẵn những tấm chiếu để những người phụ nữ hoặc trẻ nhỏ có thể quỳ lên đó. Đàn ông thì có thể đứng. Rồi các nhà sư xuất hiện, chậm rãi đi theo một hàng dọc, tấm áo khoác trên người màu vàng nghệ càng trở nên sậm sang màu da cam trong ánh nắng buổi sớm. Tôi không đủ khả năng để phân biệt được họ thuộc tiểu thừa hay đại thừa, mong muốn giải thoát cho mỗi cá nhân hay cho toàn thể chúng sinh, chỉ thấy những gương mặt bình thản cùng bước chân chậm rãi, chậm rãi vô cùng trong cuộc viễn li bất tuyệt mà họ đã lựa chọn cho đời mình. Người phụ nữ quỳ, một tay đỡ giỏ xôi, một tay bốc xôi dâng lên nhà sư. Hình như trong một ngày, các nhà sư chỉ ăn hai bữa, sáng và trưa...
Đó là một cảnh tượng khó quên đối với bất cứ một du khách nào từng tới Luông Phra-băng.
Ở Luông Phra-băng, tôi đã bắt gặp những nụ cười. Đấy là nụ cười của ông Boun Heung Duongprachanh, tỉnh trưởng Luông Phra-băng, khi ông chứng kiến lễ cắt băng khánh thành đường bay xuyên Đông Dương 2, đoạn Hà Nội - Luông Phra-băng. Ông cười tươi trả lời khi tôi hỏi cảm tưởng về sự kiện này: “Các bạn Việt Nam đã tới đây để làm chúng ta gần nhau hơn!”.
Đó cũng là nụ cười của Sopha, cô gái Lào gốc Việt xinh đẹp mà tôi đã gặp ở sân bay Luông Phra-băng. Sopha, mang tên Việt là Vân Anh, lấy chồng cũng người Lào gốc Việt, có cơ ngơi bề thế trên Viên Chăn. Từ nhiều năm nay, Sopha đã nhận làm đại lý cho Vietnam Airlines, bán vé, đặt tour du lịch. Vietnam Airlines nối tuyến từ Hà Nội qua Luông Phra-băng để tới Xiêm Riệp, Sopha vui lắm vì chắc chắn lượng khách đặt chỗ trên các chuyến bay sẽ tăng lên. Cô cũng sẽ có điều kiện hơn để thi thoảng có thể về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi cô đã nhiều năm sinh sống và trưởng thành. Và Hà Nội nữa chứ, tại sao không?
Nhiều lắm, những nụ cười gần lại nhờ cánh bay của Vietnam Airlines.
Gặp một người anh hùng trên đường bay
Một sự tình cờ, trên chuyến bay thông đường xuyên Đông Dương lần này, tôi đã có may mắn đi cùng với một con người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử: Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung.
Sáng ngày 8-4-1975, trung úy Nguyễn Thành Trung, khi ấy là phi công không đoàn 540 Thần Hổ thuộc sư đoàn 3 không quân quân lực Việt Nam cộng hòa đã thực hiện thành công kế hoạch ném bom vào dinh Độc lập.
Trong suốt 5 năm trời, tôi chỉ tập trung nghĩ có mỗi một việc, đó là làm thế nào để đánh cắp được một chiếc máy bay! - Nguyễn Thành Trung nói với tôi như vậy.
Bằng óc quan sát tinh tế và sự mưu trí tuyệt vời, Nguyễn Thành Trung đã tìm thấy một kẽ hở li ti trong cái hệ thống bảo vệ tưởng chừng như kiên cố của không quân ngụy.
Vào buổi sáng 8-4-1975 ấy, Nguyễn Thành Trung đã chấp nhận một phương án “half-and-half”, năm ăn năm thua, như anh nói với tôi. Khi cùng với hai máy bay khác trong biên đội lăn ra đường bay sân bay Biên Hòa để chuẩn bị cất cánh đi đánh Phan Rang, Nguyễn Thành Trung đã sử dụng tín hiệu bằng tay, một cách mà các phi công trong phi đội vẫn thường sử dụng, để thông báo cho tên chỉ huy biên đội khi ấy cũng đang lăn máy bay ra, là máy bay của Nguyễn Thành Trung có chút trục trặc, sẽ cất cánh chậm sau vài giây. Tên chỉ huy đồng ý rồi cùng với chiếc máy bay kia cất cánh bay về hướng Phan Rang. Do Nguyễn Thành Trung ra tín hiệu bằng tay mà không dùng vô tuyến điện nên đài chỉ huy không lưu của địch cũng không biết “lý do” máy bay của Nguyễn Thành Trung cất cánh chậm sau vài giây. Bởi vậy nên khi máy bay của Nguyễn Thành Trung cất cánh, chúng vẫn yên tâm là Nguyễn Thành Trung sẽ đuổi theo hai chiếc kia, trong khi tên chỉ huy phi đội thì vẫn yên trí là máy bay của Nguyễn Thành Trung bị “trục trặc” nên không thể cất cánh được.
Ném bom dinh Độc Lập xong, bay về đến sân bay Phước Long, Nguyễn Thành Trung đã khéo léo hạ được máy bay xuống đường băng 1.000 mét rồi ngập tràn hạnh phúc trong vòng tay đồng chí, đồng đội.
Giờ đây, Nguyễn Thành Trung là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Ông phải lo đủ thứ chuyện, nhưng một trong những điều khiến ông lo lắng chính là việc phải gấp rút đào tạo một đội ngũ phi công trẻ, lành nghề để có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ mới mà ngành hàng không của đất nước đang đi vào hội nhập, đặt ra. Ông thổ lộ với tôi: Đào tạo một phi công mất khoảng 4 năm mới có thể bay được. Nếu không làm sớm thì chắc chắn sẽ bị hẫng hụt.
Lần này, Nguyễn Thành Trung không ngồi trong buồng lái. “Nhiệm vụ” của ông: là đại diện cao nhất của Vietnam Airlines đi cắt băng khánh thành đường bay này.
 |
Đón khách ở sân bay Xiêm Riệp |
Từ một di sản đến một di sản
Từ Hà Nội tới Luông Phra-băng, tôi đã bay từ Thành phố vì hòa bình tới một di sản văn hóa thế giới.
Từ Luông Phra-băng tới Xiêm Riệp, nơi có khu đền Ăng Co thần thánh, tôi bay từ một di sản tới một di sản.
Đang là mùa nước Biển Hồ tràn bờ, từ trên máy bay nhìn xuống vùng ngoại vi Xiêm Riệp chỉ thấy mênh mông trắng một màu nước. Đây đó có những bụi cây lúp xúp nhô lên khỏi mặt nước như để chứng tỏ rằng phía dưới mặt nước kia là những lớp đất vững chãi; khi nước rút đi, sẽ để lại những lớp phù sa màu mỡ cho người dân Khơ-me cày cấy.
Thành phố Xiêm Riệp trầm mặc hiền hòa trong nắng chiều với những con đường rộng rãi, khá nhộn nhịp xe cộ qua lại. Thi thoảng, ở mỗi góc đường lại có một bệ thờ xây trên trụ đứng, hình ngôi đền hoặc thần bốn mặt, với một bệ cắm hương để người dân có thể tiến hành lễ thờ cúng. Cũng giống như Băng-cốc, phương tiện đi lại khá phổ biến ở đây là xe tuk tuk, một loại xe kiểu như xe lôi ở miền Tây Nam Bộ, dùng xe máy nối vào một khoang có hai dãy ghế đặt đối nhau để kéo đi.
Về đêm, Xiêm Riệp dường như thoát khỏi cái vẻ trầm mặc ban ngày để trở nên sôi động hơn trong nhịp sống của một đô thị du lịch. Trên con phố chính Shivat của Xiêm Riệp, những hàng quán mở cửa suốt đêm nhấp nháy xanh đỏ đèn màu, nhộn nhịp khách du lịch. Nếu thích, du khách cũng có thể yên lặng ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng hay tận hưởng một cốc bia Angkor mát rượi trong những quán vỉa hè Xiêm Riệp, với những chiếc ghế bành tiện nghi được đặt ngay trên hè phố.
Cái thị xã Xiêm Riệp trầm mặc này đã để lại trong tôi một dấu ấn khó phai mờ vào năm 1993, khi tôi tới Cam-pu-chia để đưa tin về cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức tại đất nước Chùa Tháp sau những biến cố kinh thiên động địa trong lịch sử. Khi ấy, nơi đây còn đầy rẫy bom mìn do chiến tranh để lại và Khơ-me đỏ vẫn còn đánh phá tứ tung để phá hoại bầu cử. Sáng sớm tinh mơ, máy bay trực thăng quân sự của UNTAC, cơ quan đại diện của LHQ chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử, bốc đám phóng viên lỉnh kỉnh những máy móc, đèn chiếu, cùng với mấy anh lính quân cảnh kềnh càng trong chiếc áo chống đạn màu xanh nước biển, bay từ Phnôm Pênh tới Xiêm Riệp. Một cuộc họp báo được vội vã tổ chức trong căn nhà tuềnh toàng với những ụ bao cát chống đạn bao quanh, nơi người phát ngôn của LHQ thông báo về tình hình ở các điểm bỏ phiếu, các điểm mà Khơ-me đỏ phá hoại. Sau đó tất cả lại lỉnh kỉnh bay về Phnôm Pênh. Mới thế mà đã 14 năm qua rồi...
Đã tới Xiêm Riệp, không thể không tới khu đền Ăng Co kỳ vĩ, cách trung tâm Xiêm Riệp chỉ khoảng 15 phút xe hơi.
Đứng trước Ăng Co, tôi mới hiểu vì sao các pha-ra-ông của Ai Cập lại xây Kim Tự tháp hay Tần Thủy Hoàng cho xây Vạn Lý Trường Thành bằng đá! Cho dù là bậc minh quân hay bạo chúa, những con người đó đều hiểu rằng chỉ có đá mới có thể mang họ lại gần với vĩnh cửu!
Cả một khu đền đài được liên tục xây dựng, bồi đắp, phá hủy rồi lại xây dựng lại thời đế chế Ăng Co, trong khoảng 600 năm, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13. Rồi những cuộc chiến tranh liên miên với người Xiêm đã buộc các vương triều Ăng Co phải lùi dần thủ đô về phía sau, về tới nơi mà ngày nay là Phnôm Pênh. Rừng rậm đã nuốt chửng khu đền trong suốt gần 500 năm. Cả một khu đền rộng lớn như vậy mà đã tuyệt tích trong vòng 5 thế kỷ! Mãi cho đến năm 1863, một nhà tự nhiên học người Pháp tên là Henri Mouhot mới “phát hiện” lại khu đền và kể từ đó, nó đã ngày càng phát lộ và trở thành một “kỳ quan” không chính thức của thế giới.
Đến đây, điều duy nhất mà tôi thấy đáng làm là nghiêng mình trước sức lao động bền bỉ ghê gớm cùng với sự sáng tạo vô biên của con người. Toàn bộ khu đền, Ăng Co Vát, Ăng Co Thom, Bay-on... với hằng hà sa số những bức phù điêu trên đá miêu tả một đời sống rộng lớn của con người, từ tâm linh cho tới phồn thực một cách đủ đầy, mê mải. Những trận đánh lớn, những cảnh sinh hoạt bình dị của người Khơ-me xưa được các nghệ nhân vô danh thể hiện lại trên mặt đá với một nghệ thuật điêu khắc trác tuyệt.
Tôi đã lặng ngắm những nàng vũ nữ áp-sa-ra, được hình thành từ hơi bốc lên khi con rắn thần nhiều đầu Na-ga cọ mình vào ngọn núi để đun sôi Biển Sữa, giờ đây ngưng đọng trên mặt đá, toàn thân mềm như ngọn lửa trong vũ điệu bất tuyệt vĩnh cửu.
Có những bất ngờ nho nhỏ khi ở Ăng Co Vát, ở một góc khuất hẻo lánh, trong số khoảng 1.800 nàng áp-sa-ra ở khắp các khu đền này, tôi đã bắt gặp một nàng vũ nữ áp-sa-ra duy nhất mỉm cười để lộ nguyên cả hàm răng! Có lẽ người nghệ nhân xưa, khi sáng tạo nên nàng áp-sa-ra này đã có một niềm vui nào đấy quá lớn không thể ghìm nén được nên muốn để lại cho hậu thế chiêm ngưỡng cảm xúc của mình chăng?
Có cả nỗi kinh ngạc lớn khi ở khu đền Ta Prohm, tôi đã chứng kiến cảnh tượng những cây spung mọc trùm cả bộ rễ vĩ đại lên toàn bộ cả một ngôi đền. Một đế chế Ăng Co hùng mạnh giờ đây chỉ còn lại những chứng tích hoang tàn bằng đá qua dằng dặc thời gian.
Tôi cứ tưởng tượng và cảm phục vô cùng những người thợ, những nghệ nhân Khơ-me xa xưa, giữa rừng rậm và mịt mùng bóng đêm với tiếng gầm của thú dữ vây quanh, đã cần mẫn tạc những nét khắc vào đá, để lại cho đời sau một tài sản vô giá và trác tuyệt không bút nào tả xiết.
Trong cái nắng buổi chiều hắt sáng từ hướng tây, cả khu đền Ăng Co rực lên như những thỏi vàng óng ánh giữa đại ngàn xanh. Đó là một cảnh tượng diễm lệ mê hồn mà bất cứ ai đã có dịp chiêm ngưỡng Ăng Co chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được, một vẻ đẹp trường tồn như nụ cười đá trên những tượng tháp Bay-on.
*
* *
Ba quốc gia, một điểm đến! Tuyến bay Đông Dương 2 mà tôi có cơ may đi thông đường, cùng với tuyến Đông Dương 1 nối Hà Nội với thủ đô Viên Chăn của Lào, qua Phnôm Pênh của Cam-pu-chia rồi quay về TP Hồ Chí Minh, đã giúp những du khách có thêm những nẻo đi về xuyên Đông Dương, trên đôi cánh bay của Vietnam Airlines!
Hà Nội-Luông Phra-băng-Xiêm Riệp
Bài và ảnh: YÊN BA