QĐND Online - Con đường từ quốc lộ 1A, (đoạn qua tỉnh lộ 38 sang Hưng Yên) vào đến làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) dài chừng hơn 10 cây số. Làng Chều nổi tiếng khắp vùng cả trong và ngoài nước với sản phẩm bánh đa nem truyền thống có lịch sử hàng trăm năm.
Làng nghề 700 tuổi
Chúng tôi về làng Chều khi trời đã xế chiều, từng phên bánh đa nem trắng phau được người dân phơi kín quanh các đường làng, ngõ xóm. Vào những ngày nắng, không riêng gì làng Chều mà 11 trong 20 xóm của xã Nguyên Lý làm bánh đa nem, đâu đâu cũng thấy từng phên bánh đa trắng phau như thế, khắp đường làng, ngõ xóm như có hội vậy. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được người dân nơi đây cho biết, làng Chều với nghề làm bánh đa nem truyền thống đã có lịch sử trên 700 năm.
 |
Ông Trần Văn Tường giới thiệu các công đoạn làm bánh.
|
Tại đình làng Chều, chúng tôi được các bậc cao niên trong làng kể lại câu chuyện về cụ tổ nghề. Nghề làm bánh đa nem xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XIV (năm 1314) do cụ tổ nghề là Trần Đình Hán chế biến từ hạt gạo, rồi đem truyền dạy lại cho dân làng. Ngày 8-2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ nghề đồng thời là ngày hướng kỵ Thành Hoàng tại đình Chều. Qua 700 năm thăng trầm, người dân làng Chều vẫn lưu giữ và duy trì và ngày càng phát triển nghề truyền thống.
Nem làng Chều được làm từ gạo tẻ, lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Trải qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre và đoạn cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc bánh đa nem dưới bàn tay của người “nghệ sĩ” làm bánh được làm ra với màu bánh trắng, mềm và có độ dẻo cao, thơm mùi gạo. Bí quyết làm bánh đa nem được người dân trong vùng truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Từ nhỏ những đứa trẻ làng Chều đã được làm quen với nghề, đây có lẽ là lý do chính để nem làng Chều vẫn được duy trì, không bị thất truyền.
Bên cạnh hai vụ lúa hằng năm thì nghề làm bánh đa nem được coi là một ngành kinh tế đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Trước đây, nghề làm bánh đa nem được làm thủ công nên năng suất và thu nhập thấp. Nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hiện nay làng Chều có khoảng 150 máy áp suất. Những lúc cao điểm, mỗi ngày cả làng bình quân làm được 4,5 tấn - 6 tấn gạo (1kg gạo cho ra từ 0,8 - 0,9 kg bánh đa nem). Thu nhập bình quân của người dân trong làng hiện nay đạt 10 triệu đồng/tháng/một hộ gia đình. Đó có thể coi là một thu nhập “khủng” ở một vùng quê chiêm trũng hai vụ lúa. Nếu như trước đây, trong làng có nhiều hộ gia đình tự sản xuất và tự tiêu thụ thì nay đã trở thành những chủ thu mua, đóng gói thành phẩm rồi cung cấp ra thị trường qua các đại lý thu mua hoặc các công ty. Nhờ vào nghề truyền thống mà đời sống người dân làng Chều thay đổi từng ngày.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bánh đa nem khi đem phơi cần có đủ nắng. Nếu không, bánh sẽ ỉu và thiếu độ trắng cần thiết, nhưng nếu dư nắng, bánh sẽ cứng và nứt. Vì vậy công đoạn phơi bánh đa nem là một công đoạn khá công phu, cầu kỳ. Nghề làm bánh đa nem cũng có nhiều những khó khăn nhất định. Người dân làng Chều thường làm bánh đa nem quanh năm và thường vào những ngày nắng, tận dụng nhiệt độ ngoài trời để có thể phơi bánh đa nem.
Ông Trần Văn Tiến, chủ một cơ sở sản xuất và thu mua trong làng cho biết:
- Bánh đa nem làng Chều trước khi đưa vào sử dụng về cơ bản có hai loại là bánh đa nem vuông và bánh đa nem tròn. Loại vuông được chủ yếu tiêu thụ trong vùng và lân cận, loại tròn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều các thành phố lớn, các siêu thị trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Hằng năm, vào tháng 11 âm lịch là thời điểm bánh được chuyển đi khắp mọi miền đất nước để người dân sắm sửa, chuẩn bị cho những món ăn ngon trong dịp Tết.
Tìm lại chính danh
Trò chuyện với người dân trong làng, chúng tôi được biết, để phát huy hơn nữa và đưa nghề làm bánh đa nem trở thành một nghề kinh tế chính, ngày 24-1-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Sở Khoa học Công nghệ Hà Nam, quyết định thành lập Hiệp hội sản xuất bánh đa nem làng Chều do ông Trần Văn Tường làm chủ tịch Hiệp hội.
Tại nhà ông Trần Văn Tường, cũng là một cơ sở sản xuất bánh đa nem có tiếng của làng Chều, chúng tôi được ông đưa đi tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm cũng như khó khăn của nghề.
Ông Tường cho biết: “Sản phẩm bánh đa nem làng Chều nổi tiếng khắp các vùng và có mặt trên mọi miền đất nước, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Thế nhưng trước đây, người dân làng Chều chưa có ý thức về xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu do mình làm ra mà chỉ mong làm sao bán được nhiều hàng. Hầu hết, các sản phẩm được những công ty trong vùng như: Công ty Hiệp Long, Chiến Hương, Hương Việt… thu mua và gắn nhãn hiệu của công ty rồi đóng gói đưa ra tiêu thụ các vùng trong nước và cả nước ngoài”.
- Từ khi thành lập Hiệp hội làng nghề, chúng tôi đã thông qua quyết định đăng ký và quản lý nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể để bánh đa nem làng Chều được trở về chính danh bấy lau nay của mình, ông Tường chia sẻ tiếp với chúng tôi.
Chia tay làng Chều khi những tia nắng cuối ngày vừa tắt. Nhìn những ngôi nhà tầng san sát nhau đã lên đèn sáng trưng khiến chúng tôi cũng vui lây trước sự đổi thay ở vùng quê nghèo nhờ vào nghề truyền thống. Càng vui hơn khi người dân đã có ý thức xây dựng thương hiệu với sản phẩm mình làm ra để làng nghề 700 năm tuổi tìm lại được chính danh và không bị mai một theo thời gian.
Bài và ảnh: Minh Mạnh