Nằm trong một căn ngõ nhỏ của Hà Nội, Mơ Phố mang vẻ yên bình và lắng đọng, có chút thơ mộng với giàn hoa giấy xanh mướt và tiếng nhạc Trịnh du dương.

Với diện tích chỉ chừng hơn 40m2, quán nhỏ đơn sơ với vài chiếc bàn cũ dường như vốn dành cho học sinh, không đèn nến lung linh, chỉ có vài tấm ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp với các em nhỏ vùng cao làm tiêu điểm ghi dấu ấn.

Ở đó hiện lên ánh mắt trong veo của những đứa trẻ đen nhẻm, lem luốc vì đất cát. Các em, với hơi thở của núi rừng và cái ánh mắt hồn nhiên ấy, đã thắp sáng không gian quán nhỏ lặng lẽ nép mình giữa mảnh đất kinh kỳ nhộn nhịp.

Những người chơi nhạc bằng trái tim

Quán cà phê đặc biệt nên mọi thứ ở đây đều đặc biệt. Vào đêm nhạc duy nhất trong tuần, nhóm nhạc biểu diễn cũng gồm những người khiếm thị. Không nhìn rõ được từng phím đàn nhưng tất cả các thành viên đều thể hiện khả năng âm nhạc tuyệt vời.

Được biểu diễn và mang tình yêu âm nhạc đến cho mọi người là nguồn cảm hứng bất tận khiến những con người ấy chơi đàn và hát bằng cả trái tim chứ không chỉ dừng lại ở những ca từ, hay kỹ năng thuần thục vốn có thể rèn luyện được ít nhiều qua thời gian.

Anh Nguyễn Văn Linh chơi sáo trúc tại Mơ Phố. 

Từ tháng 3-2017, đồng hành cùng Hội bác sĩ tình nguyện với chương trình chung sức vì sức khỏe cộng đồng đầu tiên tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ chưa bao giờ thiếu ban nhạc đặc biệt ấy. Qua hơn 4 năm hoạt động, ban nhạc của những nghệ sĩ Mơ Phố đã vượt rất nhiều chặng đường xa xôi đến với các vùng quê nghèo khó ở Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Mỗi chuyến đi là một lần các anh được cống hiến và cháy hết mình cho âm nhạc, cho đam mê của cuộc đời mình.

Anh Quốc Hoàn, người chơi guitar, bộc bạch: “Cảm xúc được đứng trước mọi người, đặc biệt là người dân miền núi nó khác lắm. Mình hạnh phúc khi được góp sức mình cho các hoạt động tình nguyện, được giúp đỡ mọi người. Khi ấy chỉ có mình và âm nhạc, hòa vào với niềm vui chung và tinh thần phấn khởi của tất cả mọi người”.

Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ban nhạc Mơ Phố khó có thể tập hợp được đầy đủ các thành viên. Ở Hà Nội hiện tại, chỉ có anh Nguyễn Văn Linh và anh Quốc Hoàn còn thường xuyên qua chơi nhạc và dạy học. Các thành viên còn lại, người thì ở xa, người thì điều kiện khó khăn không cho phép.

Là người đảm nhiệm chơi sáo trúc, khuôn mặt hiền và sáng lên mỗi khi có người hỏi về âm nhạc, anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ rằng mỗi tối được đến quán cà phê Mơ Phố biểu diễn là niềm vui lớn. Tuy không thể nhìn thấy nụ cười của mọi người nhưng những tràng pháo tay của khán giả đủ để anh biết mình đã làm tốt.

“Dù bản thân tôi khiếm khuyết nhưng tôi cảm thấy mình vẫn vô cùng may mắn vì có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc. Đó là động lực sống, là tình yêu và là niềm tự hào mà mình có”, anh Linh nói.

Khi tạo hóa lấy đi của chúng ta đôi mắt, đổi lại chắc chắn ta sẽ có một đôi tai nhạy cảm. Đôi tai ấy giống như một cánh cửa giúp người nghệ sĩ có thể chạm vào từng nốt nhạc, từng âm điệu của lời ca, của cuộc đời. 

“Nếu mỗi người ai cũng như ai, sống và cảm nhận những điều xung quanh bằng hình ảnh, bằng những âm thanh, bằng niềm vui và cảm xúc, còn người như tôi thì tất cả được lưu lại trong ký ức. Những người bình thường có hình ảnh, nhưng tôi thì cũng có hình ảnh nhưng là hình ảnh do mình tưởng tượng thôi. Mọi hình ảnh, sự vật mình chỉ cảm nhận bằng đôi tai, cảm nhận bằng mùi hương”, anh Linh chia sẻ trên chương trình Điều ước số 7.

Có lẽ chính sự mộc mạc, giản đơn và tình yêu hết mình cho âm nhạc đó đã gắn kết tất cả lại với nhau. Từ nghệ sĩ đến công chúng, khách đến quán café và cả những người kém may mắn khác, tất cả đều có chung một trái tim, một tấm lòng dành cho cộng đồng, cho những điều cao đẹp.

Album của tấm lòng và giấc mơ về ánh sáng

Khi mới đến đây, có nhiều người thắc mắc, tại sao Mơ phố chủ yếu chọn hát và chơi những bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nói về điều này, anh Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội trưởng Hội Bác sĩ Tình nguyện cho biết: “Nhạc Trịnh là dòng nhạc tôi rất yêu thích, cũng là một thể loại âm nhạc đặc biệt, mang dấu ấn riêng. Các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn gửi gắm thông điệp về tình yêu con người, đề cao lòng nhân ái. Đó cũng là mục đích mà Mơ Phố và Hội Bác sĩ Tình nguyện hướng tới, chung sức vì sức khỏe cộng đồng, lan tỏa lòng nhân ái đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Bởi vậy, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, những bản nhạc da diết, những âm điệu đẹp thuần khiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn vang lên trong một góc phố nhỏ vào mỗi tối thứ 6 hằng tuần. Vậy đấy! Không phải ngẫu nhiên mà nhạc Trịnh hợp với ban nhạc Mơ phố một cách lạ lùng.

Anh Linh và anh Hoàn bên những dụng cụ để thu âm. 

Năm nay, dù dịch Covid-19 hạn chế nhiều hoạt động của Hội bác sĩ tình nguyện nói chung, và ban nhạc Mơ phố nói riêng, nhưng có một tin vui: Album thứ hai của ban nhạc Mơ phố về nhạc Trịnh đã được thực hiện và sẽ ra mắt vào ngày 27-11 tới. Đây là lần đầu tiên, album độc tấu các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng sáo trúc và đàn bầu xuất hiện trên thị trường âm nhạc. Người yêu nhạc Trịnh sẽ được đón nghe những bản độc tấu các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Đóa hoa vô thường, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Để gió cuốn đi… qua tiếng sáo của anh Văn Linh và tiếng đàn bầu của anh Quốc Hoàn.

Chia sẻ về kế hoạch ra album, anh Quốc Hoàn cho biết: “Chúng tôi lên kế hoạch làm album từ đầu năm 2021. Sau đó, do dịch Covid-19 nên công việc thực hiện cũng chậm lại. Giai đoạn giãn cách ngồi nhà, hai anh em gần như không làm được gì. Chỉ đến khi thành phố dỡ bỏ quy định giãn cách, chúng tôi mới tiếp tục làm”.

Nếu ca sĩ, nhạc sĩ bình thường làm một album đã tốn rất nhiều công sức thì việc này với người khiếm thị càng khó hơn gấp nhiều lần. Ròng rã nhiều ngày, anh Văn Linh được bố đưa đến quán, anh Hoàn tranh thủ ngoài các giờ dạy và chơi nhạc để làm album. “Studio” chẳng hề có công cụ thu âm đặc biệt. Tất cả chỉ gồm một chiếc laptop đã cũ, chiếc mic thu âm bình thường và hai người nghệ sĩ cặm cụi. Tiếng thu âm đôi khi lẫn cả tiếng rao đi qua, tiếng gió xào xạc, tiếng mưa – những âm thanh rất đời! Có lẽ bởi vậy mà các bản nhạc ấy thân thương, mộc mạc, và cũng đẹp thuần khiết.

Album sẽ được phát hành dưới dạng USB, rất tiện để người nghe mang theo bên mình, hay để nghe trên ô tô. Đó cũng là món quà nhỏ xinh mà Ban nhạc gửi đến những người hâm mộ bây lâu đã đồng hành và ủng hộ, đồng thời là thông điệp mà Mơ Phố và Hội Bác sĩ Tình nguyện muốn truyền tải: Những điều nhỏ nhoi trong đời khi góp lại sẽ lan tỏa một sự ấm áp lớn lao!

Nhiều người cứ nghĩ hạnh phúc là một điều gì đó xa xôi, nhưng hóa ra hạnh phúc đơn giản là khi chúng ta có thể chia sẻ đam mê, tình yêu và hạnh phúc của mình đến với người khác để họ cũng cảm nhận được đam mê ấy, tình yêu ấy, và động lực cống hiến cho đời ấy.

Hơn mọi thứ ánh sáng hữu hình nào khác, hạnh phúc đó chính là ánh sáng từ trái tim!

Ban nhạc Mơ Phố ra đời từ khi quán cà phê Mơ Phố được Trung tá, Bác sĩ Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thành lập năm 2017 tại số 54, ngách 82/15, phố Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội. Quán là nơi gây quỹ cho các chương trình “Chung sức vì sức khỏe cộng đồng” của Hội Bác sĩ Tình nguyện. 

Bài và ảnh: LÊ ANH