 |
Đoàn Hội Doanh nghiệp CCB-CQN TP Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm trước nhà lưu giữ kỷ vật đồng đội tiểu đoàn Cát Bi. |
Cách Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40km, tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi có một căn nhà lưu giữ kỷ vật đồng đội của Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Đoàn Cát Bi Hải Phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây đã ghi lại những chiến công chói lọi của tiểu đoàn Cát Bi Hải Phòng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trưng bày những kỷ vật của liệt sĩ, mà suốt hơn ba mươi năm qua những người còn sống đã đi tìm, sưu tập được về đồng đội mình.
Bản hùng ca thấm đẫm máu đào
Theo đoàn Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh-Cựu quân nhân Thành phố Hồ Chí Minh về đền Bến Dược thắp hương cho các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì đất nước, chúng tôi ghé thăm nhà lưu niệm của tiểu đoàn Cát Bi Hải Phòng. Cảm phục trước việc bác sĩ Trần Văn Bản, Phó chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Đoàn Cát Bi đã hàng chục năm lăn lộn đi tìm mộ liệt sĩ, hiến cả nhà, cả đất để làm nơi lưu giữ các kỷ vật liệt sĩ, tôi đã tìm đến nhà ông ở đường Trần Hưng Đạo, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Không ngờ tại đây tôi lại được gặp cả ông Phạm Hùng Ca, Chủ nhiệm CLB, một trong những chiến sĩ kiên trung của tiểu đoàn Cát Bi năm xưa. Hai ông đang bàn bạc để tổ chức đi tìm đồng đội hy sinh trong trận đánh với sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ năm 1969 tại ấp Bầu Me, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đó là khí thế của thanh niên Hải Phòng cùng cả nước lên đường đánh Mỹ. Ngày 25-3-1967, tiểu đoàn 342, trung đoàn 42, Sư đoàn 350, Quân khu 3 ra đời theo hào khí của nữ tướng Lê Chân, tiếp bước truyền thống cha anh. Tiểu đoàn gồm 665 thanh niên ở nội thành Hải Phòng, huyện An Lão, Kiến Thụy, nhiều nhất là huyện Vĩnh Bảo. Họ rời gia đình, trường học, bè bạn vào rừng tập leo đèo lội suối để chuẩn bị đi bộ vượt Trường Sơn. Rèn luyện ở bãi Đá Trắng chưa thích hợp, đơn vị chuyển đến chân núi Yên Tử để đọ sức với dốc đá tai mèo, muỗi ve dày đặc giống điều kiện khắc nghiệt của Trường Sơn. Những chàng trai măng tơ mới rời ghế nhà trường, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đeo đá tăng dần từ 10kg, 20kg rồi 30kg, leo dốc dựng đứng, liên tục khổ luyện, mọi lúc mọi nơi vượt qua những thử thách này mới hy vọng vượt được dãy Trường Sơn. Tập bắn đạn thật khá, giỏi, leo đèo lội suối, lên đỉnh đèo mây phủ quanh năm với gió rít và nhà sàn cheo leo trên sườn núi, những chiến sĩ tiểu đoàn 342 đã luyện tập ròng rã 8 tháng trời để đạt được “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”, da vai dày thêm, chân chai sạn với núi rừng. Nhiều quyết tâm thư xin mau chóng vào Nam đánh Mỹ.
Ngày tiểu đoàn làm lễ xuất quân, 16-11-1967, tại núi rừng Yên Tử, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành
phố Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 trao cờ và danh hiệu “Cát Bi” cho D342 vào chia lửa với đồng bào Sài Gòn kết nghĩa. Phát huy truyền thống trận đánh sân bay Cát Bi năm 1954, tiêu diệt 59 máy bay, tiêu hủy nhiều kho xăng dầu của giặc Pháp chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ, núi rừng vang lên tiếng hô “quyết tâm” đón mừng danh hiệu Cát Bi, biểu hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ Hải Phòng lên đường cứu nước. Từ núi rừng Yên Tử, tiểu đoàn hành quân qua Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi sang Lào, tiến vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vai mang súng đạn, thiết bị đè nặng lên đôi chân phồng rộp, rớm máu, các chiến sĩ đi đêm, ngày nghỉ lại các binh trạm, để tránh máy bay địch oanh tạc. Ông Phạm Hùng Ca đã cho tôi xem nhật ký mà ông ghi tỉ mỉ từng ngày cuộc hành quân lịch sử: “Vai mang nặng, chân sưng tấy, chảy máu, chúng tôi vẫn đi giữa núi cao vời vợi, cây rừng âm u bạt ngàn. Người sau cứ bám chân người trước mà ngửa cổ bước lên cao mãi, từ sáng tới chiều mới lên đỉnh núi. Ngày sau lại bước xuống ngang lưng đồng đội, trọng lượng toàn thân và chiếc ba lô, súng đạn cùng dồn xuống đôi chân sưng tấy, nhức nhối. Suốt 5, 6 tháng trời không có rau tươi, chúng tôi thỉnh thoảng lắm mới kiếm được ít lá bứa chua hay rau tàu bay. Mùa khô, gió nóng thiêu đốt cả cây rừng. Nước suối cạn kiệt, chiến sĩ mặt hốc hác. Những vũng nước còn sót đục ngầu, nòng nọc bám đen ngòm, lọc để lấy nước uống cũng không hết hôi. Nồi cơm nấu lên vàng khè, chúng tôi phải bịt mũi, cố ăn để lấy sức còn đi”. Đúng 5 tháng 16 ngày, tiểu đoàn Cát Bi đã đi bộ từ Yên Tử vượt hàng nghìn cây số tới vùng đất thép Củ Chi-Trảng Bàng. Tại đây tiểu đoàn được mang bí danh là K2, nằm trong đội hình trung đoàn 268 phân khu 1 (phân khu Sài Gòn–Gia Định), chiến đấu tại vùng tam giác sắt, cùng các đơn vị chống Mỹ-ngụy phản kích, làm thất bại âm mưu “đẩy Việt Cộng ra xa thành phố” của chúng.
Trận đầu ra quân ngày 6-5-1968, tiểu đoàn Cát Bi chặn đánh đoàn xe tăng Mỹ ở suối Sâu, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi. Ngày ấy ông Phạm Hùng Ca là đại đội phó đại đội 2, trực tiếp chỉ huy tổ hỏa lực ở mũi chặn đầu. Ông còn nhớ rõ, ngày đầu tiên ra trận anh em hừng hực khí thế, những đồng chí không được đi đánh thì khóc rưng rức, đòi đi bằng được. Đơn vị hành quân suốt đêm tới địa điểm phục kích đào công sự, do lúc đó là mùa khô nên đất cứng, đào đất hết sức khó khăn, tay anh nào anh nấy phồng rộp, sáng ra công sự ngồi chưa che kín người. Đoàn xe tăng Mỹ đi về Sài Gòn lọt vào ổ phục kích của ta, đúng tầm bắn, cả đơn vị đồng loạt nổ súng, 3 chiếc xe trúng đạn B41 bốc cháy tại chỗ. Những chiếc xe khác vội chạy lùi ra xa và cụm lại chống trả. Máy bay phản lực Mỹ thay nhau bắn phá và ném bom xăng, bom phạt xuống đội hình của quân ta để mở đường cho xe chạy. Các chiến sĩ ta không hề nao núng, bám chắc công sự. Sau những trận bom, tưởng quân ta đã bị tiêu diệt, đoàn xe địch hùng hổ xông vào trận địa. Lập tức các tay súng chống tăng của quân ta nhả đạn, những khối lửa trùm lên xe giặc. Một số xe tăng bị tiêu diệt, một số bỏ chạy, các chiến sĩ dũng cảm đuổi theo trèo lên ném thủ pháo vào khoang lái của chúng. Trực thăng UH1 của địch đến chi viện cũng bị các tay súng của ta bắn trả quyết liệt. Kết quả trận đầu ra quân, tiểu đoàn tiêu diệt 8 xe tăng địch và bắn rơi hai máy bay trực thăng. Đơn vị cũng có những tổn thất đáng tiếc, 21 đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Tháng 6-1968, một bộ phận K2 do đồng chí Mai Văn Hiệu, Tham mưu trưởng chỉ huy đã đánh công kiên tiêu diệt bốt cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Đây là trận diệt đồn trong đêm. Từ 3 giờ chiều, bộ đội đã bí mật rời khu rừng Bời Lời, ém lực lượng tại ấp Bầu Điều, phía trong là một trung đội nguỵ với súng cối đại liên. Hai trung đội bộ binh của ta cùng tiểu đội cối 82 áp sát hàng rào, quan sát rõ sở chỉ huy của địch đèn còn sáng. Sau 15 phút ta phát hỏa, địch bị bất ngờ, tê liệt, bộ binh ta xông lên. Chỉ trong 40 phút, quân ta đã tiêu diệt gọn bốt địch, phía ta không có thương vong.
Cũng trong tháng 6-1968, khi K2 đóng quân ở ấp Bầu Me, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh thì bị địch phát hiện. Chúng dùng lữ đoàn 101 thuộc sư đoàn Anh cả đỏ, đơn vị thiện chiến của quân đội Mỹ đổ bộ bằng đường không, bao vây tiêu diệt tiểu đoàn. Chúng sử dụng máy bay ném bom, pháo kích vào trận địa rồi đổ quân xuống. Chiến sĩ của tiểu đoàn đào 2 tuyến công sự phòng ngự dưới các bụi tre. Giặc tràn được qua tuyến thứ nhất, tới tuyến thứ hai, bị quân ta bắn trả quyết liệt và xông lên chiếm lại tuyến phòng ngự thứ nhất, giữ xác giặc để giặc Mỹ không thể giội bom hủy diệt. Hàng chục đợt tấn công của Mỹ đều bị bẻ gãy. Tiểu đội trưởng Đinh Văn Hùng đã sử dụng khẩu đại liên hạ gục hơn một trăm tên giặc. Khẩu đại liên của anh bắn đến đỏ nòng, phải lấy nước trong bi đông tưới cho nguội. Bốn bề lửa đạn, không quân, pháo binh yểm trợ, nhưng quân Mỹ không sao tiến vào ấp được. Đêm xuống, quân ta bí mật tìm đường rút lui. Đây là trận đánh khá tiêu biểu cho lối đánh “bám thắt lưng địch mà đánh“ của quân ta, đặc biệt tại chiến trường Củ Chi-Tây Ninh. Đây là một trận làm quân Mỹ khiếp vía, kinh ngạc, hơn 300 tên Mỹ bị tiêu diệt. Còn quân ta, hơn 30 đồng chí đã hy sinh anh dũng.
Trận đánh phản kích Mỹ đổ bộ đường không xuống ấp Cỏ Ống, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh vào tháng 8-1968 là trận đánh thật khó quên. Một ấp nhỏ, nhà dân chạy dài khoảng 350m, rộng chừng 90m, xung quanh ấp lúa đang lên xanh. Hai đại đội và tiểu đoàn bộ K2 đang trong đó. Giặc đổ quân từ Đồng lớn Củ Chi và mũi khác từ Bố Heo đánh qua. Do rất nhiều lần tấn công mà không vào được ấp, bọn giặc rút quân ra cánh đồng, dùng bom, pháo hủy diệt. Tất cả các trận địa pháo của khu vực tam giác sắt trút cấp tập đạn vào ấp Cỏ Ống suốt từ 10 giờ sáng ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau. Tính ra 11.000 trái bom, pháo đã đổ xuống ấp này. Báo chí trong nước và thế giới phải lên án lối đánh dã man của quân Mỹ. Nhân dân các vùng xung quanh nhìn đạn đỏ trời, khóc thương bộ đội vì không ai nghĩ bộ đội còn sống. Vậy mà thật kỳ diệu, hầm hào công sự quê hương đã che chở thực sự những đứa con, chỉ có 3 đồng chí hy sinh, ta tiêu diệt 26 tên Mỹ.
Trận đánh công kiên bốt cầu Ván, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng do Tiểu đoàn trưởng Ngô Mậu Hằng và Chính trị viên Nguyễn Văn Dung chỉ huy đã đi vào sử sách. Từ nhiều năm, bốt này án ngữ đường số 6 hướng tiến quân của ta. Nhiều đơn vị tổ chức đánh bốt nhưng không được. Bốt cầu Ván được xây dựng kiên cố với công sự vũng chắc từ thời Pháp, sau này được Mỹ, nguỵ củng cố và trang bị thêm hỏa lực, hệ thống hào, hàng rào xung quanh rất hiểm trở. Nhận nhiệm vụ, tiểu đoàn tổ chức trinh sát rất tỉ mỉ, làm sa bàn trận địa. Chiều ngày 21-8-1968, cả tiểu đoàn hành quân. Đúng 21 giờ, tiểu đoàn trưởng Ngô Mậu Hằng ra lệnh tấn công. Ta bắn cấp tập 20 phút vào đồn địch. Đồng thời chủ công hai hướng C1 và C3 dùng mìn DH10, bộc phá mở rào. Trận chiến đấu quyết liệt đến 4 giờ sáng hôm sau ta giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay chiều đó, Mỹ đã cho máy bay mang bom đến hủy diệt, xóa hẳn đi dấu vết một cuộc bại trận.
Trận đánh tiêu diệt 4 tàu chiến Mỹ trên sông Sài Gòn, mãi là chiến công chói lọi của tiểu đoàn Cát Bi. Bọn Mỹ thường dùng các tàu chiến tuần tra trên sông, phát hiện, ngăn cản các đường vượt sông của lực lượng ta sang tiểu khu Dầu Tiếng. K2 triển khai nhiệm vụ đã chọn khúc quanh hẹp nhất gần rừng Bà Nhã, xã Đôn Thuận, Trảng Bàng để tổ chức 2 tuyến công sự, một ở sát bờ sông, một ở phía xa hơn gần bìa rừng. Ngày 10-11-1969, 4 tàu giặc đi từ Sài Gòn lên Dầu Tiếng, đi đến đâu, máy bay yểm trợ bắn đạn dọc hai bên bờ. Quân ta phục kích chờ ngày chúng về, chắc chắn sẽ chủ quan. Lương thực, thực phẩm mang theo hết, anh em phải đào củ mài, củ sắn ăn tạm chờ tàu giặc. 10 giờ sáng ngày 12-11-1969, 4 chiếc tàu thủy địch chạy từ Dầu Tiếng về Sài Gòn lọt vào tầm phục kích của quân ta. Khẩu đội DKZ nổ phát súng đầu tiên, khiến chiếc đi đầu bốc cháy. Ba chiếc tàu còn lại cùng nổ súng bắn vào bờ, vừa bắn vừa rút chạy. Nhưng không kịp, mỗi tàu đã có hai xạ thủ B41 nổ súng tiêu diệt. Bốn con tàu của giặc rừng rực cháy, tên nào nhảy xuống sông cũng bị các tay súng của ta tiêu diệt. Không một tên nào sống sót.
Tính đến năm 1970, tiểu đoàn Cát Bi đã đánh Mỹ 48 trận, 4 trận đánh nguỵ, trong đó có 4 trận đánh công kiên, 29 trận đánh phản kích, 11 trận đánh tập kích, 6 trận phục kích, 2 trận đánh phục kích nhử máy bay. Tiểu đoàn đã tiêu diệt 1.346 tên Mỹ, 460 tên nguỵ, 4 tàu chiến, 96 xe tăng và xe bọc thép, 7 máy bay trực thăng và thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng. Đơn vị đã bổ sung quân 4 lần. Đồng bào Củ Chi-Trảng Bàng coi K2, trung đoàn 268 như con em trong gia đình, địa phương mình. Ở Cầu Ván, Bầu Me, Phú Hòa Đông, đồng bào lập miếu thờ cán bộ, chiến sĩ Cát Bi hy sinh, đến nay vẫn còn. Quân số ngày càng hao hụt có lúc đại đội chỉ còn 10 đồng chí. Năm 1970, trung đoàn 268 rút gọn thành tiểu đoàn 268, một thời gian sau giải thể chia làm 2 bổ sung cho huyện đội Củ Chi và Trảng Bàng. Một tiểu đoàn chỉ tồn tại 3 năm, song đã để lại những chiến công chói lọi góp phần vào trang sử vàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những chiến công đó đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng 1 huân chương quân công giải phóng hạng nhì, 5 huân chương chiến công giải phóng hạng ba và rất nhiều huy chương, bằng giấy khen, dũng sĩ các loại. Hơn 500 cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh tại chiến trường, số còn lại hơn 100 người đều là thương binh đã thực sự là một bản hùng ca thẫm đẫm máu đào.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG