Tượng đài chiến thắng Long Khánh (Đồng Nai)-một trong những địa chỉ về nguồn của du khách.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), nguyên Phó giám đốc Học viện Lục quân nói: “Có những chuyện xảy ra đã mấy chục năm rồi, nhưng bây giờ nhắc lại vẫn thấy rất mới. Cái mới không phải từ sự kiện lịch sử mà mới về bài học. Những bài học không có giới hạn về thời gian”...

Tâm nguyện của hai vị tướng

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 30-4, người dân ở khu vực Tàu Ô – Xóm Ruộng – Tân Khai, tỉnh Bình Phước lại bắt gặp hai vị tướng già tóc bạc trắng tìm về những khoảnh rừng, thửa ruộng, nương rẫy, tần ngần tìm lại những dấu tích chiến tranh. Đó là Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2 và Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn-TCCT, nguyên Phó giám đốc Học viện Lục quân. Dù tuổi cao sức yếu, lại đang vào mùa mưa, nhưng hai vị tướng vẫn về thăm chiến trường xưa. Tàu Ô là địa điểm ghi dấu chiến công vang dội của chiến dịch Nguyễn Huệ, chốt chặn đường 13, con đường máu lửa huyết mạch của toàn chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua 150 ngày đêm chiến đấu khốc liệt, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh, biến Tàu Ô trở thành một “địa chỉ đỏ” trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Đơn vị chủ lực lập nên chiến công ấy là Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Trung tướng Lê Nam Phong thời kỳ đó là Sư đoàn trưởng, còn Trung tướng Nguyễn Văn Thái là Phó chính ủy sư đoàn. Về thăm đơn vị cũ, được hỏi về những ký ức một thời khói lửa, Trung tướng Lê Nam Phong nói:

- Bây giờ mình còn kể cho các cậu nghe được, nhưng sau này khi lớp người như chúng mình “về với đất”, thì các cậu sẽ hỏi ai? Cần phải có một câu trả lời vĩnh cửu dành cho các thế hệ sau. Di tích Tàu Ô đang được các cấp thẩm quyền hoàn thiện thủ tục xếp hạng di tích cấp quốc gia. Việc xây dựng một tượng đài chiến thắng xứng đáng với ý nghĩa lịch sử, không chỉ để ghi nhớ công ơn của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng tại đây, mà chính là “lời kể” để lại cho muôn đời...

Vào ngưỡng bát thập, cái tuổi cần được nghỉ ngơi, hưởng sự an nhàn, nhưng hai vị tướng vẫn không mấy lúc nghỉ ngơi. Hai ông dành thời gian đi thăm đồng đội cũ, vận động giúp đỡ những gia đình đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nhiều chương trình hoạt động của hội cựu chiến binh (CCB). Các CCB và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 hôm nay coi hai ông như những bậc cha, anh trong một đại gia đình. Đó là điều ân nghĩa hai ông coi như món quà vô giá. Nhưng trong sâu thẳm tâm can, hai ông vẫn luôn đau đáu một món nợ đối với hàng vạn đồng đội, đồng bào đã ngã xuống. Với tâm nguyện những người còn sống tri ân đồng đội đã hy sinh, hai vị tướng cùng Hội CCB Sư đoàn 7 đã tổ chức quyên góp, phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tổ chức xây dựng Tượng đài chiến thắng Tàu Ô. Cảm phục nghĩa cử của hai vị tướng, người chủ đất ở khu vực được chọn dựng tượng đài đã tự nguyện hiến một phần diện tích đất. Dự kiến tượng đài sẽ được khởi công trong năm nay. Thế hệ trẻ Sư đoàn 7 nói riêng và cả nước nói chung có thêm một “địa chỉ đỏ” về nguồn khi nhắc đến Chiến thắng lịch sử 30-4-1975.

Sự kiện cũ, bài học mới

Ngồi tâm sự với các vị tướng, các chiến sĩ quân giải phóng ngày ấy, chúng tôi chợt nhận ra, dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng có những chuyện đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. “Có những điều phải đến cả chục năm sau ta mới hiểu hết ý nghĩa của vấn đề” - Trung tướng Nguyễn Văn Thái tâm sự như vậy.

Chiều 30-4-1975, Sư đoàn 7 nhận bàn giao từ Quân đoàn 2, thực hiện nhiệm vụ quân quản tại Dinh Độc Lập và các quận: 1, 2, 4, Bình Thạnh và một phần quận 3. Ngày 2-5-1975, Sư đoàn 7 được Quân đoàn 4 và Ủy ban Quân quản giao nhiệm vụ tổ chức việc trả tự do cho nội các Dương Văn Minh. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong và Phó chính ủy Nguyễn Văn Thái trực tiếp tổ chức sự kiện này. Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể: “Trong buổi lễ trả tự do cho Dương Văn Minh và nội các của ông ta, đồng chí Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã nhấn mạnh vai trò hòa hợp dân tộc, kêu gọi các lực lượng ủng hộ chính quyền giải phóng xây dựng lại đất nước. Phải đến hơn 10 năm sau, chúng tôi mới thấm thía hết ý nghĩa bài phát biểu của đồng chí Trần Văn Trà, cũng là phương châm hành động của chính quyền giải phóng.

Một số CCB nguyên là cán bộ Trung đoàn 141 kể: Khi đưa các thành viên thuộc nội các Dương Văn Minh trở về nhà, gia đình họ xúc động lắm. Họ không thể ngờ thân nhân của mình lại được chính quyền giải phóng đối xử một cách ôn hòa như vậy. Đến gia đình nào họ cũng mang trái cây, đồ uống ra tiếp đãi, thành thử đến 3 giờ sáng ngày 3-5 các anh mới hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị. Ngày thống nhất đất nước, không chỉ là ngày vui của những người chiến thắng, mà gia đình, thân nhân của phía bên kia cũng được sống trong không khí sum họp khi cha, chồng, con của họ được chính quyền giải phóng trả tự do về đoàn tụ gia đình. Những hình ảnh đẹp ấy đã được một số hãng thông tấn, báo chí quốc tế khi ấy viết rằng: Hiếm có một cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà khi kết thúc, kẻ bại trận được đối xử như những vị khách. Đó là nét đẹp, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc rất sâu sắc.

Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần ấy là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc...

Bao la tình mẹ

Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện cảm động về các bà má Nam Bộ đã đem hết lòng yêu thương, đùm bọc, chở che cho cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh. Tình thương yêu bao la của người mẹ Việt Nam trở thành mạch nguồn truyền thống, tiếp sức, thổi bùng lên khí thế chiến đấu, chiến thắng của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Cũng vì thế, hình ảnh người mẹ trở nên thiêng liêng, gần gũi, trìu mến hơn bao giờ hết. Thiếu tá Phùng Thăng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo cao xạ, Sư đoàn 312 kể: Trong một trận chiến đấu, đồng đội của ông là Nguyễn Văn Thưởng bị thương rất nặng. Khi được đưa về tuyến sau, anh Thưởng được cô y tá Nguyễn Thị Cân chăm sóc. Mỗi khi tỉnh táo giữa những cơn đau mê man, anh Thưởng luôn nhắc đến mẹ, khao khát được gặp mẹ. Do vết thương quá nặng nên anh Thưởng biết không thể vượt qua được. Buổi sáng hôm ấy, khi chị Cân đến chăm sóc, anh Thưởng gượng dậy nói: “Xin chị hãy làm mẹ tôi, coi tôi như một đứa con”. Chị Cân nước mắt giàn giụa cúi xuống ôm lấy anh. Anh Thưởng gục đầu vào lòng chị như một đứa con ngoan, cất tiếng gọi yếu ớt “Mẹ ơi!”, mắt anh ánh lên lần cuối cùng rồi đi vào cõi vĩnh hằng. Chiến tranh kết thúc, chị Cân tìm về nhà anh Thưởng, kể cho mẹ anh nghe câu chuyện cảm động ấy và xin bà nhận chị làm con nuôi. Người mẹ ôm chầm lấy chị Cân nghẹn ngào: “Nó đã gọi chị là mẹ, làm sao tôi dám coi chị như con được. Tôi là người mẹ sinh ra nó, còn chị là người mẹ tiễn nó vào lòng Tổ quốc. Có hai người mẹ, hẳn ở nơi chín suối, nó cũng yên lòng”. Hai người đàn bà, hai người mẹ trở nên thân thiết như ruột thịt kể từ đó...

Khi được nghe kể chuyện này, các chiến sĩ và sinh viên Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị kết nghĩa với Sư đoàn 7 rất xúc động.

Trong dịp nghỉ lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4 và 1-5 năm nay, nhiều tổ chức cơ sở Đoàn ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình về nguồn cho các bạn trẻ, thăm các khu di tích, viếng tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, động viên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Chúng em muốn tìm lại những giá trị tinh thần từ những bài học thực tiễn lịch sử sống động để bổ sung cho lẽ sống của mình” – Sinh viên Hoàng Thị Mai Anh, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh xúc động bày tỏ như vậy.

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN