 |
Những bút ký, trang tin trong tù vẫn nóng hổi tính thời sự. |
Từ bóng tối nhà lao với 1001 thủ đoạn kìm kẹp hà khắc, những tù nhân chính trị vẫn xuất bản hơn 10 số báo, có số dày hàng trăm trang - thật là một kỳ tích! Nhưng gần 40 năm trôi qua, nhìn lại câu chuyện làm báo trong nhà tù Côn Đảo, chúng ta còn thấy thêm nhiều kỳ tích của ý chí, lý tưởng, sự can trường của “những trái tim như ngọc sáng ngời”…
Kỳ tích có một không hai trong lịch sử báo chí
Kỳ tích ấy, thật tuyệt vời, lại mang tính… truyền thống của những người cộng sản. Bởi theo những cứ liệu lịch sử còn lưu giữ được, việc làm báo trong tù không phải chỉ có ở những tù nhân chính trị từ thời chống Mỹ mà chỉ riêng ở Côn Đảo, nó là dòng chảy liên tục, chia làm 3 giai đoạn khác nhau. Theo ông Bùi Văn Toản, việc làm báo trong tù ở Côn Đảo được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn tiền khởi nghĩa từ cuối năm 1935 – 1936 đã có những tờ Ý kiến chung, Tiến lên mà một trong những người thực hiện là giáo sư Trần Văn Giàu (đến nay chưa tìm thấy bản lưu các số báo này). Trong hồi ức của mình, giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Trong lúc mở lớp học chủ nghĩa Mác – Lê-nin (trong tù – TG) thì bọn tôi còn “xuất bản” một tờ báo, nói đúng hơn là một tạp chí lấy tên là Ý kiến chung. Khi đó ở Côn Lôn còn có tờ báo Tiến lên, khổ nhỏ bằng cái blốc lịch…”.
Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, ít nhất đến nay còn lưu được 2 tập Địa ngục trần gian và Bản án xâm lược Pháp.
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, việc làm báo trong tù phát triển mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức. Một trong những “trung tâm báo chí” phát triển nhất phải kể đến trại giam 6B, nơi giam giữ những tù chính trị kiên trung nhất bị đày ra Côn Đảo từ năm 1957. Chỉ trong vòng cuối năm 1972 đến giữa năm 1973 đã có chừng hơn một chục đầu báo với khoảng 40-50 số báo ra đời ở trại tù này. Trong khi đó, số tù nhân chỉ khoảng 500 – 800 người mà làm được bằng ấy số báo, quả là một kỳ tích.
Trong tù, càng gần kề những ngày lễ kỷ niệm và lịch sử của giai cấp vô sản, kẻ thù càng tăng cường đàn áp dã man. Nhưng các số báo tù vẫn gấp rút ra, nóng hổi tính thời sự. Hiệp định Pa-ri được ký kết ngày 21-1-1973, trùng dịp Tết Nguyên Đán và kỉ niệm ngày thành lập Đảng. Cả trại giam như bừng dậy, gấp rút ra số báo đầu năm “mừng Xuân dâng Đảng”… Thiết nghĩ đó cũng là một kỳ tích.
 |
Những bút ký, trang tin trong tù vẫn nóng hổi tính thời sự. |
Triết lý làm báo trong tù
Tròn 35 năm trôi qua, ông Lê Tú, Trưởng ban biên tập của nội san Xây dựng tại nhà lao 6B Côn Đảo nhớ về những số báo ngày ấy với niềm tự hào, hạnh phúc: “Nhờ báo, những người tù, trăm ngàn người như một, cảm thấy mình đang sống trong thế giới của con người, không còn cảm thấy chết chóc, cô độc. Bản thân tôi và anh em đều không phải là những nhà báo chuyên nghiệp nhưng đã nhận sự phân công thì quyết tâm làm và luôn hào hứng tự hỏi: “Bao giờ báo ra? Bao giờ đến lượt phòng mình…”. Tôi còn giữ mãi bức thư của một anh bạn trẻ từ Sài Gòn gửi ra Huế cho tôi ngay sau ngày giải phóng có đoạn: “Các anh đói rách xơ rơ, xác rác vẫn làm nhiệm vụ của con tằm, biến nhà tù của địch trở thành trường học cách mạng. Làm báo tù ở cuối đời tù, viết để giữ vững năm tháng đấu tranh đằng đẵng không sờn, chúng tôi đã thực hiện trọn vẹn khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Có lật giở lại những bài viết trong hơn 10 số báo ngày ấy mới hiểu được những cảm xúc thẳm sâu như thế. Thiếu tướng Châu Văn Mẫn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục III - Bộ Công an, người bị địch bắt và lưu đày ra Côn Đảo khi mới tròn 20 tuổi và chính là người thuộc bộ phận trình bày tờ Nội san Xây dựng ngày ấy kể: “Không phải là những nhà báo chuyên nghiệp, chỉ làm báo trong tù nhưng chúng tôi đã được học không ít “nguyên lý” của nghề báo ngay từ chính những bài báo in trên nội san. Đơn cử như một đoạn trong bài viết dưới đây, dạng thư trao đổi, có truyền thụ rất nhiều những vấn đề cơ bản của nghề báo:
 |
Chiều trong nghĩa trang Hàng Dương. |
“Lá thư gửi bạn T.S: "Bạn T.S! Trong
Rèn luyện bạn có ý muốn cùng chúng tôi trao đổi giải đáp một vài thắc mắc về vấn đề viết báo. Viết để làm gì? Quan trọng như thế nào? Tôi xin kể một vài mẩu chuyện cũ.
Trước, tại nhà lao Sơn La, anh Trần Huy Liệu đã cùng các đồng chí trong tù ra một tập báo Suối reo được 17 số. Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội cũng ra tập: Lao tù được 3 số. Các tập báo này hiện còn lưu giữ ở Viện Bảo tàng Hà Nội. Ở Lao Trà Kê, Ban Mê Thuột cụ Hồ Tùng Mậu cũng đã đấu tranh rất nhiều ngày với nội bộ và nhóm chính trị phạm khác để ra được một tờ báo. Chúng ta cũng thừa hiểu các người đi trước cũng đã khắc phục rất khó khăn mới làm được như vậy. Do đó ta thấy rằng, viết báo không phải là một việc làm chỉ để trang trí hay giải trí mà là một công tác cách mạng trong nhà tù. Như chúng ta hiểu trong năm bước công tác cách mạng, công tác tuyên truyền huấn luyện rất quan trọng:
"Tuyên truyền là phân nửa công tác cách mạng". Báo chí là một phương tiện, một hình thức tuyên truyền rất đắc lực. Ví dụ một người cách mạng đi tuyên truyền miệng trong quần chúng lăn lộn suốt ngày phỏng được bao nhiêu người? Nếu biết vận dụng phương tiện báo chí, cán bộ này có thể tuyên truyền cho hàng trăm ngàn người, có thể thâm nhập vào những nơi chốn không bước đến được như trại lính chẳng hạn v.v..
Bạn đặt ra câu hỏi "làm thế nào để viết báo"? Thực ra chúng tôi không phải là nhà văn, nhà báo chuyên môn nhưng chúng ta vừa làm vừa học. Bác Hồ kể chuyện Bác tập viết báo lần đầu tiên ở Pháp. Bác viết bài rồi đưa cho một đảng viên xã hội Pháp sửa chữa góp ý.
Lúc đầu Bác viết sai cả văn phạm nhưng ý tứ thật sâu sắc. Bác đem về nghiên cứu rồi viết lại. Sau nhiều lần sửa, bài của Bác được đăng. Kiên nhẫn học tập, Bác trở thành một người viết báo được các đảng viên xã hội Pháp hoan nghênh. Rồi tự Bác biên tập, xuất bản, phát hành tờ báo Le Paria còn truyền tụng đến giờ v.v..
Về đề tài, chính bạn cũng đã tự mình giải quyết thắc mắc đó. Chúng tôi góp ý thêm: Đề tài không ở đâu xa xôi mà ở ngay trong chúng ta, mỗi người bạn ta, tập thể ta, qua 18 năm lao tù cho đến ngày hôm nay. Cuộc đấu tranh chống địch 18 năm qua thật đầy khí phách anh hùng, hiên ngang lẫm liệt v.v.. Biết bao đề tài phong phú chỉ cần lắng tai nghe lòng mình, lòng bạn, cách xử lý quyền lợi cá nhân trong tập thể… là ta có thể viết lên năm, bảy dòng thơ, mẩu truyện ngắn ca ngợi tô điểm cho cuộc sống giúp nhau học tập rèn luyện… "Thiên tài chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài". Kiên nhẫn rèn luyện chúng ta sẽ viết được và viết hay, trở thành những nhà báo giỏi"… Thân ái. X.D
Ông Bùi Văn Toản là họa sĩ trình bày kiêm “chuyên gia chế biến mực” để làm báo suốt mấy năm trời nhưng sau này không đi theo nghề báo. Trở về đời thường với công việc bình dị ở phường rồi nghỉ hưu, ông chuyển qua công việc sưu tầm, nghiên cứu đồng thời là cộng tác viên của nhiều tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ… Nhìn lại công việc của những “nhà báo tù nhân” ở Côn Đảo, ông tâm sự: “Chuyện làm báo trong tù hoàn toàn không phải vì thành tích. Họ tự nguyện dốc mọi nỗ lực chỉ để phục vụ cho tập thể. Đói, bệnh không làm họ bận lòng, miễn báo ra mắt đúng ngày dự định. Một hình ảnh quen thuộc nhiều người từng chứng kiến: “Trong một góc phòng giam với ánh sáng lờ mờ, người chép báo căng mắt, còng lưng bên chiếc thùng các-tông đựng quần áo và đồ dùng, chăm chú nắn nót từng con chữ, đôi lúc phải dừng lại vì cơn ho rồi khạc ra một búng máu tươi vào chiếc lon. Đồng đội khuyên nên nghỉ nhưng anh không dừng tay mà xin gắng làm cho nhanh để báo ra đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng… Người tù chính trị làm báo không chỉ để giải trí, học tập mà còn để đấu tranh, đấu tranh với chính những chao đảo trong tư tưởng của mình. Đó là nguồn vui, là mặt trời dẫn đường để họ vượt qua đêm dài nghiệt ngã của đời tù…”.
Báo ra mắt bạn đọc. Trong giờ nhà lao mở cửa, từng nhóm quây quần lắng nghe người đọc vì không đủ thời gian cho từng người đọc riêng. Bên ngoài, từng nhóm vừa “gác”, vừa thảo luận, đánh giá những bài đăng trên báo. Không khí ngày ra báo sôi nổi không khác không khí sau một hội diễn văn nghệ. Anh em đều hân hoan đón nhận. Đó là phần thưởng vô giá của người cầm bút trong tù ngục…”.
Đọc và nghe những “triết lý làm báo” của những người làm báo trong nhà tù Côn Đảo năm xưa, dù họ không phải là những nhà báo chuyên nghiệp, nhưng có lẽ mỗi lời tâm huyết ấy vẫn còn nóng hổi tính thời sự, vẫn là bài học chưa bao giờ cũ cho những người làm báo, hôm nay, và mai sau…
(còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH
Bài 1: Làm báo trong... ngục tốiBài 2: Những tờ báo trở về từ… lòng đất