QĐND - Không chỉ đồng hành cùng người dân ở Ba Điền đương đầu với bệnh tật, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ còn giúp đồng bào chiến thắng “giặc đói, giặc dốt”, không nghe theo kẻ xấu, tìm lại niềm tin sống.
“Gieo” niềm tin
Ngoài giúp dân phòng, chống dịch bệnh, bộ đội còn chủ động ra đồng, thu hoạch hơn 5 héc-ta lúa đã quá vụ, vào thời điểm sau đại dịch. Thượng tá Bùi Tá Tuân, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:
- Xác định người dân mắc “bệnh lạ” sẽ khó có thể thu hoạch lúa, bắt tay gieo sạ vụ lúa mới, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Ba Tơ tập trung giúp dân hoàn thành dứt điểm công việc này. Chúng tôi xác định: Đây là hoạt động giúp dân, cũng là đợt rèn luyện, giáo dục ý thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, hết lòng phục vụ nhân dân.
 |
Bộ đội sạ lúa giúp dân. |
Sau khi giúp dân đưa lúa về nhà, bộ đội còn chủ động mang rạ ra phơi, chở về chất thành cây dự trữ thức ăn cho đàn gia súc của bà con làng Rêu, Gò Nghênh… Tiếp đó, những người lính Cụ Hồ lại bắt tay gieo sạ mùa lúa mới. Những ngày ấy, cứ khoảng 5 giờ 30 phút, khi những cánh đồng của làng Rêu còn chìm trong sương sớm, tiếng còi tập trung cán bộ, chiến sĩ ra đồng vang lên khắp không gian yên ả của núi rừng. Xếp thành hàng dọc, lần lượt từng chiến sĩ xắn quần xuống cào ruộng, khỏa bùn… giúp dân. Ông Phạm Văn Thoát ở thôn Làng Rêu, nhớ lại:
- Thửa ruộng nhà tôi được 5 cán bộ, chiến sĩ giúp gieo sạ giống. Khi đám ruộng hoàn thành lòng tôi niềm vui như mở hội.
Được biết, nhà ông Thoát có 5 người bị “bệnh lạ”. Thời điểm đó, cả 5 người đều đang nằm điều trị ở bệnh viện. Cánh đồng đành bỏ không ai chăm nom. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thu hoạch lúa cho gia đình, rồi lại tự tay cày xới, xuống giống...
Nở nụ cười gượng gạo, anh Phạm Văn É nói như thể chuộc lỗi:
- Ngày đó, đúng là mình rất sợ chết, vì quá tuyệt vọng nên đôi tay không muốn lao động, cái chân không muốn đi. May mà có các anh bộ đội về giúp, không thì vợ chồng mình chưa biết xoay xở thế nào với đám ruộng nữa. Thấy các anh lao động vất vả, mình cũng thấy ngượng, nên đã ra làm cùng. Đến lúc ra đồng cày cấy thấy cái bụng vui hơn, rồi quên luôn cái bệnh.
Bà Phạm Thị Nga, Phó chủ tịch UBND xã Ba Điền cho biết: Bộ đội của huyện đã giúp làm đất gieo sạ cho 10 gia đình có người bị mắc “bệnh lạ” và giúp làm đất, sạ lúa cho gần chục gia đình neo người khác. Có hạt lúa mới trong nhà, có mầm giống mới nảy xanh ngoài đồng người dân Ba Điền như có lại niềm tin.
Còn ông Phạm Văn Hiền, ở làng Rêu nói:
- “Cái bụng” của bộ đội tốt lắm, cái đầu lại có nhiều chữ, nên lời nói bộ đội rất đúng. Bây giờ, bà con bảo với nhau, nghe theo bộ đội thì mới no cái bụng, vui cái đầu, quên cái bệnh!
Giúp dân tin vào khoa học
Nằm bên dòng suối róc rách dưới chân núi Cà Bia, xa xa là ngọn đồi V’Rang cao ngất, làng Rêu yên bình với những hàng cau xanh mướt. Chúng tôi đi qua con đường làng quanh co, rồi nán lại bên mép nhà sàn của già Đang để được nghe già kể về những câu chuyện ít người biết đến.
Thời điểm đó, nhân lúc đồng bào đang hoang mang vì “bệnh lạ” thì một số tổ chức, cá nhân lén lút xâm nhập lừa phỉnh, lôi kéo người dân thiếu hiểu biết bằng cách chữa bệnh phản khoa học; truyền đạo trái pháp luật, nói xấu, chống đối Đảng, Nhà nước. Theo già Đang thì trước những lời đường mật của kẻ xấu, ngay cả những người lớn tuổi cũng ít nhiều bùi tai, còn lũ trai làng thiếu chữ thì thậm thụt cử người liên hệ với những kẻ “có khả năng siêu nhiên” để được “giải cứu”. Người dân ở Ba Điền còn nhận không ít thư tín, điện thoại của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi, kêu gọi bà con bị bệnh hãy tin vào tâm linh, "chúa trời sẽ cứu thoát".
Anh Phạm Văn Đếch (sinh năm 1987) có vợ và con mất do căn “bệnh lạ” năm 2012, kể:
- Họ bảo đồng bào phải cúng bái, mua thuốc tiên của chúng. Đồng bào phải đi khỏi làng, vào tận rừng sâu, tìm ra ánh sáng thần linh mới đuổi được con ma rừng. Bởi thế, một vài người đã nghe và làm theo để mong cứu lấy buôn làng.
Thế nhưng, tất cả những thủ đoạn đó đã bị lực lượng công an và quân đội phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, không để người dân trong lúc lo sợ “bệnh lạ”, bị kẻ xấu lợi dụng. LLVT phối hợp với Phòng Y tế huyện kịp thời thu giữ một số thuốc đông y, tây y từ nơi khác gửi về Ba Điền không rõ nguồn gốc. Hầu hết thuốc này đều được bào chế từ các loại rễ, lá cây và củ rừng, đóng gói thành phẩm theo dạng bột, lá khô rồi bán cho bà con. Bộ đội cũng cùng chính quyền địa phương ra thông báo cho người dân biết phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế kiểm tra, giám sát thuốc men ở nơi khác gửi về bảo đảm nguồn gốc và chất lượng. Chính từ sự bám sát địa bàn cùng ăn, cùng ở với người dân, vùng bệnh của bộ đội đã giúp người dân không bi quan, hoảng loạn.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ tập trung làm tốt công tác giáo dục, vận động đồng bào. Nắm rõ tâm lý của đồng bào là thường rất tin vào các vấn đề tâm linh, nên nhắc đến ánh sáng mặt trời thì người H’re thường nghe theo, tin theo. Bấy giờ bộ đội lấy việc làm và những ví dụ cụ thể để minh chứng cho dân hiểu rằng: "Đường đến mặt trời" là phải chiến thắng được bệnh tật, không để cái đói bám víu, phải đóng góp công sức xây dựng quê hương theo đường lối, chủ trương của cấp ủy và chính quyền xã. Đại úy Phạm Văn Lối, Trợ lý Dân vận giải thích:
- Bằng những ví dụ sinh động, chúng tôi dẫn chứng rằng, có người tổ chức cúng bái rất to, nhưng vẫn chết vì bệnh, trong khi người đi bệnh viện chữa trị thì bớt bệnh. Chúng tôi cũng kể tên, vạch rõ “lý lịch đen” của những đối tượng xấu để đồng bào cảnh giác, nhận diện. Chúng tôi cũng tuyên truyền về những nỗ lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân cả nước đang hướng về Ba Điền bằng những việc làm thiết thực, nhằm giúp đồng bào vượt qua cơn “đại dịch”.
Và hơn hết, chính hành động của bộ đội, cán bộ các cấp khi thực hiện “4 cùng” với mỗi hộ gia đình, đã cảm hóa được đồng bào, giúp người H’re hiểu được: Việc cúng bái, mê tín dị đoan là hoàn toàn sai lầm...
Tất cả vì dân
Giúp buôn làng làm nhiều việc ý nghĩa, nhưng khi hỏi, mỗi các bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ đều không nhắc nhiều về thành tích. Các anh tâm niệm việc làm đó là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ với nhân dân. Hơn thế nữa, các anh còn mạnh dạn trăn trở nhiều điều để Ba Điền không còn “bệnh lạ”, vì một quê hương phát triển ổn định. Thượng tá Tống Phi Long, Chính trị viên Ban CHQS huyện chia sẻ:
- Khi về Ba Điền giúp dân vượt qua căn “bệnh lạ”, chúng tôi xác định rõ dù nhiệm vụ khó khăn đến đâu cũng sẽ phấn đấu làm việc hết mình. Chúng tôi đã coi Ba Điền như chính quê hương mình, coi đồng bào như những người thân trong gia đình.
Cũng theo anh Long, niềm vui của cán bộ, chiến sĩ đơn vị là được chứng kiến cuộc sống bình yên trở về với đồng bào. Ba Điền hôm nay đã dần đi vào ổn định với nhiều sự đổi thay trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, cũng còn nhiều trăn trở về một quê còn nghèo khó, về những nếp nhà sàn với những mảnh đời bất hạnh mất đi người thân, khi “cơn đại dịch” quét qua. Trung úy QNCN Trần Văn Kim, y sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ trăn trở:
- Mấy năm rồi, ngành y tế đi tìm nguyên nhân gây bệnh mà chưa có kết quả rõ ràng. Người dân vì thế sống trong thắc thỏm. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, trả lời được câu hỏi về căn nguyên của căn bệnh và cách phòng, ngừa triệt để nhất.
Còn Trung úy Phan Tiến Sỹ, với giọng nói trầm buồn, anh lại kể cho tôi nghe hàng loạt trường hợp về những mảnh đời bất hạnh, đáng thương ở Ba Điền: Em Phạm Thị Trên ở làng Rêu, đã mất đi người chị - mất đi nơi nương tựa cuối cùng, vì bố mẹ em mất sớm từ khi em mới vào lớp 1. Cháu Phạm Thị Thu Hạ (25 tháng tuổi), cũng ở làng Rêu phải chịu cảnh côi cút khi mẹ của bé là chị Phạm Thị Phin qua đời vào năm ngoái…
Lời anh Sỹ dài như con suối Gầm trước mặt. Đó là những ngôn từ thấm đẫm tình cảm về một bản danh sách những người chết do “bệnh lạ”; về những đứa trẻ mồ côi cha mẹ bởi căn bệnh lạ tai ác, như các cháu: Phạm Ngọc Nhi (2 tuổi), Phạm Văn Thuận (5 tuổi), Phạm Văn Sâm (4 tuổi), đều ở làng Rêu; Phạm Thị Oanh (9 tuổi) ở làng Gò Nghênh... Và còn nhiều nữa, nhiều nữa những phận đời cần sự hỗ trợ của cộng đồng!
Và rồi chúng tôi còn thấy cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Ba Tơ trăn trở về mái trường mầm non trên vùng "bệnh lạ" còn quá tạm bợ; về những chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ; những con đường chưa được bê tông hóa, về những ngôi làng cách trở, xa xôi như “ngăn bước chân” lũ trẻ đến trường. Hiện nay, Ba Điền vẫn còn hơn 35% hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ 6,2 triệu đồng/người/năm… Những vấn đề đề xuất giúp dân khá dài, nhưng các anh lại không nói gì về chính mình; không đề xuất bất kỳ hình thức khen thưởng nào cho những đóng góp của đơn vị.
Nghe các anh nói, một cảm xúc trào dâng cứ thôi thúc tôi cầm bút viết về những người lính đã “quên thân, vì dân phục vụ” trên vùng đất có “bệnh lạ” này!
Bài và ảnh: TẤN TUÂN - MINH MẠNH
Bài 1: Những người lính về Ba Điền