Thấm thoắt, 70 năm đã trôi đi với biết bao biến cố, đổi thay vĩ đại trên quê hương Việt Nam. 70 năm trước, vào một ngày xuân năm 1941 (ngày 28-1), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng một số cán bộ thân cận từ nước ngoài trở về đến Pác Bó, một bản biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Sau ngót 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, Người trở về đúng thời điểm lịch sử, vạch ra phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lãnh đạo cách mạng đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công…
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa có cuộc hành quân về nguồn Pác Bó, thấy như đâu đây, đất rừng Pác Bó quê hương vẫn còn ấm dấu chân Người.
Bài 1: Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
QĐND - Chúng tôi quyết định thực hiện chuyến hành quân về nguồn Pác Bó khi tâm trạng còn lâng lâng hạnh phúc với niềm vui vừa có gần chục ngày tham gia tuyên truyền về diễn biến và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Niềm vui ấy, khiến chúng tôi quên khuấy nỗi lo đặt ra khi khởi bước lên đường là cả tổ phóng viên, chưa có ai biết đường lên Pác Bó. Xe đến thị xã Cao Bằng, đứng trước bốn năm ngã rẽ, chúng tôi mới bối rối thực sự. Đành gọi điện, hỏi thăm các đồng nghiệp ở Báo Cao Bằng. Đúng là “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, vì Ban biên tập Báo Cao Bằng vui vẻ cử hẳn nữ phóng viên Hoàng Hồng Xiêm, một người con Pác Bó, rất am hiểu lịch sử quê hương, làm người dẫn đường kiêm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi về với mảnh đất cội nguồn cách mạng.
Ban đầu, Hồng Xiêm tỏ ra bẽn lẽn trước các “nhà báo lính” mà cô chưa quen. Thấy cô họ Hoàng, chúng tôi hỏi câu chuyện làm quà: “Nghe nói ở Pác Bó có hai dòng họ là họ Hoàng và họ Dương. Trong thời gian Bác Hồ về đây, họ Dương nổi tiếng với những chiến công bảo vệ Bác khỏi những đợt đi càn của lính Tây, lính dõng; còn họ Hoàng thì đùm bọc, chở che, đưa cơm nuôi dưỡng cán bộ các lớp học do Bác Hồ mở trong hang?”. Nghe câu hỏi ấy, Hồng Xiêm hào hứng hẳn lên, hỏi lại: “Các anh đã tìm hiểu về Pác Bó, có nghe tên nữ lão thành cách mạng Hoàng Thị Hoa bao giờ chưa?”. “Cụ Hoàng Thị Hoa, cô chị cả của ba chị em Hoa, Khìn, Bách hằng ngày vẫn đưa cơm cho Bác Hồ?”. “Đúng, chính xác, em chính là cháu nội bà Hoàng Thị Hoa”.
 |
Tranh sơn dầu "Bác Hồ về nước" của hoạ sĩ Trịnh Phòng (ảnh chụp lại). |
Trời đất! Chúng tôi nghe nữ nhà báo Hồng Xiêm trả lời mà như một tiếng reo mừng thắng lợi. Ba chị em nhà cụ Hoàng Thị Hoa chính là những lão thành cách mạng từng nuôi dưỡng, bảo vệ Già Thu (tên Bác Hồ khi về Pác Bó) còn sống. Và trong thâm tâm, chúng tôi hy vọng chuyến đi về nguồn lần này sẽ được gặp ba chị em, ba cụ bà lão thành cách mạng đã tham gia nuôi dưỡng Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong buổi đầu cách mạng còn trứng nước ấy. Không ngờ, người dẫn đường cho chúng tôi lại chính là cháu gái của cụ Hoa. Cô cháu gái là niềm tự hào của cả họ vì đã tốt nghiệp hai trường đại học, nay đang là một trong những phóng viên xông xáo của Báo Cao Bằng. Càng đặc biệt hơn, Hồng Xiêm rất thích thú với công việc sưu tầm tư liệu lịch sử về vùng quê cách mạng Cao Bằng.
“Các anh có biết vì sao Bác Hồ chọn đất Cao Bằng để về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên?”, nữ đồng nghiệp Hồng Xiêm “kiểm tra” chúng tôi. Cái này thì chúng tôi cũng đã được đọc hồi ký của một số lão thành cách mạng. Đại thể, từ cuối năm 1940, trong nước bắt đầu những ngày cách mạng sục sôi, tình thế cách mạng phát triển thuận lợi, khởi nghĩa giành chính quyền đã trở thành khả năng thực tế. Trong năm bùng nổ ba cuộc khởi nghĩa: Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. Hai cuộc do đảng bộ địa phương lãnh đạo, một cuộc do binh sĩ yêu nước tự nổi dậy, thể hiện ý chí quật khởi của dân tộc, tinh thần tiến công cách mạng quả cảm của những người cộng sản. Các cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học quý về tổ chức và chỉ đạo đấu tranh vũ trang. Thời gian này cũng là lúc Thế chiến II đã bùng nổ, thực dân Pháp tham chiến nhưng chính phủ ở chính quốc phút chốc đầu hàng làm tay sai cho phát xít Đức; ở Đông Dương, chúng mở cửa rước quân Nhật vào. Nhân dân ta một cổ giữa hai tròng dưới gót giày đàn áp của đế quốc. Tình hình cấp bách đó, Bác Hồ đi đến quyết định sẽ về hẳn trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bác đã chọn, quyết định về Cao Bằng và điểm dừng chân sẽ là Pác Bó…
“Không! Nếu thế thì đơn giản quá. Để Bác đi đến quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về lãnh đạo cách mạng, tổ chức Đảng và nhân dân Cao Bằng đã có cả một quá trình vận động, tạo nên các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành địa điểm được Bác chọn đấy các anh ạ” - Hồng Xiêm giải thích và không hề giấu giếm vẻ tự hào. Sự thực là từ cuối tháng 2-1940, được tin Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), Trung ương Đảng cử một số cán bộ như: Phạm Văn Đồng (bí danh là Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh là Dương Hoài Nam), Đặng Văn Cáp (bí danh là Đặng Văn Linh), Hoàng Văn Lộc và một số đồng chí khác sang Trung Quốc để tìm gặp, báo cáo tình hình trong nước và xin chỉ thị của Người. Sau gần 3 tháng, đến tháng 5-1940, đồng chí Phùng Chí Kiên dẫn đồng chí Đặng Văn Cáp đến Côn Minh gặp Bác. Sau khi trao đổi, Bác đồng ý phương án về nước bằng đường Côn Minh-Lào Cai, qua huyện Khai Viễn. Bác phái 2 cán bộ về Hồ Kiều (một thị trấn của tỉnh Vân Nam sát địa phận tỉnh Lào Cai nước ta) để thăm dò đường xá.
Nhưng cuối tháng 6-1940, xảy ra sự kiện quân Nhật ném bom khiến đường giao thông Côn Minh-Lào Cai bị tắc nghẽn. Bác Hồ đóng vai thầy cúng đi kiểm tra tình hình thì thấy phong trào cách mạng của quần chúng ở khu vực giáp biên này chưa cao, nên đề nghị các đồng chí trong đoàn tìm hướng khác. Đầu tháng 1-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng từ Việt Nam sang Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Bác để báo cáo kết quả thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xây dựng và củng cố an toàn khu Cao Bằng. Sau khi báo cáo kết quả việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua lối Cao Bằng, vì trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân dọc biên giới tương đối cao và đội ngũ cán bộ ở đây khá vững vàng.
Năm 1961, khi trở lại thăm Cao Bằng, Bác Hồ đã viết những lời đầy xúc động: “Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta, cùng mấy đồng chí trong tỉnh trèo đèo lội suối, ở núi, nằm hang. Khi thì cùng 5, 7 anh chị em bí mật tuyên truyền, huấn luyện tổ chức; khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian; anh em no đói có nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên những ngày gian nan cực khổ đó”. Thăm lại hang Pác Bó, Bác viết bài thơ: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.
|
Nghiên cứu báo cáo của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bác Hồ nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi; nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào giữa Thái Nguyên với toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Từ nhận định đó, ngày 6-1-1941, Bác Hồ cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường về bản Nậm Quang (Tĩnh Tây, Trung Quốc). Tại đây, Bác đã mở lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho hơn 40 cán bộ từ trong nước cử sang. Lớp học kết thúc đúng vào ngày 30 Tết Tân Tỵ năm 1941. Cũng trong ngày hôm đó, Bác bàn kế hoạch về nước. Người quyết định đi qua cột mốc 108 về Pác Bó (Cao Bằng). Lúc này, ở dọc biên giới, quân Pháp cho bọn lính dõng tay sai tăng cường lùng sục, bắt bớ. Để chắc chắn, Đoàn cán bộ về nước chia làm ba nhóm. Hai nhóm về trước nắm tình hình địch và tổ chức khảo sát đường đi. Ngay khi hai nhóm này lên đường thì nhóm thứ ba, trực tiếp bảo vệ Bác cũng đi về bản Nậm Tẩy (Quảng Tây, Trung Quốc) để chờ tin, sẵn sàng xuất phát khi điều kiện thuận lợi.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, khi về nước, hành lý mà Bác mang theo hầu như chẳng có gì. Chỉ một chiếc va li nhỏ được đan bằng mây tre để đựng quần áo và một chiếc máy chữ xách tay. Những người bảo vệ trực tiếp và đi theo Bác Hồ về nước, ngoài đồng chí Phùng Thế Tài, đồng chí Lê Quảng Ba còn có các đồng chí: Hoàng Văn Lộc, một cán bộ người dân tộc Tày, có kinh nghiệm hoạt động bí mật ở vùng Cao Bằng; Đặng Văn Cáp là một thanh niên rất khỏe, giỏi võ và biết chữa bệnh bằng thuốc nam; Thế An cũng là một cán bộ người dân tộc Tày, rất thông thạo đường rừng, đường tắt.
Trong bức tranh “Bác Hồ về nước” nổi tiếng của họa sĩ Trịnh Phòng, chúng ta thấy Bác Hồ mặc bộ quần áo đặc trưng của đàn ông dân tộc Nùng thường mặc trong dịp Tết: quần áo chàm, đầu đội mũ kiểu bê-rê cũng bằng vải màu chàm, chân đi đôi giày vải đen, quàng khăn để vừa ấm vừa che kín bộ râu. Hồi ký của đồng chí Vũ Anh sau này kể rằng: Đó chính là sự ngụy trang rất tinh tế của Bác Hồ. Trước hôm về nước, Bác phân tích: “Vùng này có nhiều người dân tộc Nùng. Họ có phong tục, cứ đến Tết là các chàng rể (già cũng như trẻ) đều phải mang đồ lễ về “cúng ma” ở nhà bố mẹ vợ. Vì vậy, cả nhóm ăn mặc như những chàng rể người Nùng đang trên đường về nhà bố mẹ vợ”. Bác cũng tự lo cho mình một bộ trang phục của “chàng rể già người Nùng”.
Sáng sớm 28-1-1941, tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ, cả đoàn xuất phát từ bản Nậm Quang. Sau 8 giờ đi đường, khoảng 12 giờ trưa thì đến dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc biên giới số 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng). Dừng chân ở cột mốc, đứng bên phía khắc dòng chữ An Nam (Pháp) với số hiệu 108, Bác lặng người vì xúc động. Tổ quốc đây rồi! Mảnh đất quê hương mà trong suốt 30 năm qua, Người luôn nghĩ đến không ngừng nghỉ, dù chỉ một phút giây. Đứng trên đỉnh núi, nhìn hai bên biên giới chỉ cách nhau bước chân, cùng màu xanh thẳm mà sao lòng Người nôn nao, bồi hồi, xúc động.
Nhà báo Hồng Xiêm dẫn đường đưa chúng tôi vượt qua hàng nghìn bậc đá, đến bên cột mốc cũ 108, sát cạnh đó là cột mốc mới mà ta và bạn vừa tiến hành cắm. Cột mốc mới mang số hiệu 675. Bất chợt, bốn câu thơ Tố Hữu vang lên trong mỗi chúng tôi: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi”.
-------------------
Bài và ảnh: Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT
Bài 2: Đây suối Lê-nin, kia núi Mác