QĐND - Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nụ cười hiền hậu dễ mến, nhưng đằng sau con người bình dị đó là một Ái Liên mạnh mẽ, vẫn tràn đầy nhiệt huyết, một tấm lòng nặng nghĩa với quê hương xứ sở.
Trần Thị Ái Liên đã sống và làm việc 20 năm ở Mỹ, hơn 6 năm là cố vấn chính sách của Project Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ; giảng viên Trường Đại học Berkeley, Mỹ và Trường Đại học Hoa Sen Việt Nam. Ở Niu Yoóc, chị làm việc cho Morgan Stanley, sau đó là Capital Group với mức lương 78.000USD/năm, một trong 3 hãng tài chính nổi tiếng nhất ở Mỹ, nhưng chị lại đột ngột bỏ việc về Việt Nam làm thiện nguyện, đem màu nhiệm đến với trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa và theo đuổi mục tiêu đem đến một phương pháp nuôi dạy trẻ tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, góp phần xây dựng thế hệ tương lai Việt Nam bằng cách hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy trẻ với thông tin khoa học, tạo môi trường cho trẻ em học hỏi qua chơi đùa.
 |
Chị Ái Liên.
|
Trở về để mang niềm vui, nụ cười tới trẻ em sau những năm tháng gặt hái thành công trên đất khách, việc trở về làm một cái gì đó cho quê hương luôn là một ao ước thường trực của chị. Lý do đơn giản của việc trở về là: “Lúc đó tôi làm việc cho ngành tài chính lương rất cao nhưng không cảm thấy có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình phục vụ cho những người giàu có nhất trong khi tuổi thơ mình thì nghèo khổ nên muốn giúp người nghèo hơn…”. Ái Liên bỏ công việc mà nhiều người ao ước, lương cao ở Mỹ, về Việt Nam sáng lập và điều hành Công ty Bạn của Bé (Bancuabe), đây là công ty phi lợi nhuận với tôn chỉ thiện nguyện, với những nỗ lực không ngừng để đem kiến thức chuyên môn cùng với trái tim đầy tâm huyết nhằm xây dựng nhận thức và cung cấp kiến thức khoa học dạy con cho các bậc cha mẹ quê nhà.
Mặc dù Bancuabe mới thành lập từ tháng 6-2010, nhưng công ty đã kết hợp cùng với các tổ chức, cùng với các nhà tài trợ thực hiện hàng loạt hoạt động thiện nguyện mang màu nhiệm đến với hơn 12.000 trẻ em ở khắp vùng miền của Tổ quốc, đặc biệt đến với các em ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Hoạt động thiện nguyện hướng đến xây dựng khu vườn tuổi thơ lành mạnh và đong đầy hạnh phúc cho thế hệ trẻ em Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Tham gia chương trình, các em được giao lưu với bạn bè, được tặng quà… Đặc biệt, các chương trình còn hướng dẫn kỹ năng sống, kích thích sự sáng tạo của các em qua những trò chơi... Mỗi chương trình rất nhiều trò chơi rèn luyện kỹ năng thương lượng, hợp tác và lắng nghe tích cực. Và nhiều trò chơi khác cũng mang tính giáo dục và rèn luyện nhiều kỹ năng khác nhau.
Việc làm thiện nguyện, công ty hoạt động phi lợi nhuận, vậy dựa vào nguồn tài chính nào đảm bảo hoạt động của công ty? Ái Liên cho biết: “Tôi tằn tiện vì biết có ngày này. Về Việt Nam tôi “cày” như trâu. Dạy học tại Trường Đại học Hoa Sen, xây dựng chương trình tư duy phản biện, dạy tiếng Anh cho một số doanh nhân, dạy kỹ năng thương lượng, giải quyết vấn đề - dành cho doanh nghiệp đa quốc gia. Mở các lớp học khác. Tham gia viết báo… Tất cả khoản thu từ việc tổ chức các khóa đào tạo của Bancuabe, tôi đều dùng vào các hoạt động từ thiện”.
Nổi bật hơn cả là chương trình từ thiện “Ánh trăng xanh yêu thương”, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Bancuabe muốn mang đến cho các em một mùa Trung thu thật trọn vẹn và ý nghĩa, rước đèn, nhận quà là bánh Trung thu, đèn lồng... Mở rộng tấm lòng và cùng lắng nghe nhịp đập con tim, Bancuabe với mong muốn mang đến cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa cơ hội vui chơi và tận hưởng thật đầy đủ ý nghĩa của Trung thu, cùng chung tay góp phần tạo nên một đêm trung thu lấp lánh tình thương dành cho các bé thơ tại những mảnh đất còn lắm bộn bề và khó khăn. Hy vọng để lại những kỷ niệm đẹp khó quên trong ký ức tuổi thơ và phần nào lấp đầy những thiệt thòi trong cuộc sống khó khăn ngày thường của các bạn nhỏ. Nuôi dưỡng ước mơ và ý chí vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn để xây dựng hạnh phúc cho bản thân và gia đình mà không tổn hại đến mọi người và môi trường xung quanh.
“Ánh trăng xanh yêu thương năm 2010" tổ chức vào ngày 20-9-2010 tại Làng trẻ SOS, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 300 trẻ em.
“Ánh trăng xanh yêu thương năm 2011" tổ chức vào ngày 3-9-2011 ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ. Tại những giây phút màu nhiệm của một Tết Trung thu đúng nghĩa, nơi mà hơn 3000 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 9 chưa bao giờ có được một lễ hội Trung thu, nhưng năm ấy, các em có một Trung thu thật vui vẻ, phần quà nhiều hơn rất nhiều, mà còn được vui chơi trò chơi giáo dục, nghe ca nhạc, đố vui, xem clip về gương phấn đấu của Nick Vujicic.
“Ánh trăng xanh yêu thương 2012" tổ chức vào ngày 29-9-2012 ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, 1.900 trẻ em nơi đây trong niềm háo hức đón chờ một đêm trăng rằm của trẻ nhỏ thật hiếm hoi. Cuộc sống khó khăn, chật vật với những lo toan cơm áo gạo tiền và bươn chải của cuộc sống mưu sinh, phụ giúp gia đình đã làm cho những mùa Trung thu trước đây của các em chưa được trọn vẹn.
Tiếp nối thành công của chương trình “Ánh trăng xanh yêu thương 2010-2011-2012” Bancuabe sẽ tiếp tục tổ chức “Ánh trăng xanh yêu thương năm 2013" tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum - một trong 62 huyện nghèo nhất Việt Nam vào ngày 14 và 15-9- 2013 dành cho 1.500 trẻ em, chủ yếu là người dân tộc Xơ-Đăng.
Hàng loạt chương trình thiện nguyện Bancuabe đã được thực hiện cùng với các tổ chức, các nhà tài trợ, các chương trình dành riêng cho trẻ em được tổ chức khắp mọi nơi nhằm nhắc nhở mọi người về Quyền của trẻ em, cũng như khuyến khích các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Trong dịp hè, dành cho các em thiếu nhi có hoạt động ý nghĩa, Bancuabe và các cá nhân tâm huyết với hoạt động giáo dục và phát triển trẻ em cùng đứng ra tổ chức các hoạt động vì mục đích phi vụ lợi.
Để tổ chức thành công các chương trình thiện nguyện có phần đóng góp không nhỏ của các tình nguyện viên là sinh viên nhiều trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Qua các chương trình thiện nguyện, các tình nguyện viên là cơ hội cho sinh viên phát triển kỹ năng và kinh nghiệm làm việc từ công tác cộng đồng. Giờ đây, nét mạnh nhất của Bancuabe là văn hóa doanh nghiệp, nhiều tình nguyện viên giỏi vào đây được rèn luyện, thử sức, được sử dụng nguồn lực của Bancuabe để thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Nếu thành công, trở thành dự án, chương trình sẽ hoạt động chính thức.
Với hơn 20 năm sống và làm việc ở Hoa Kỳ và hơn 6 năm làm việc cùng Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, chị lĩnh hội được tinh túy của cả 2 nền văn hóa Đông - Tây, chị dành trọn tâm trí và tài năng để bảo đảm phụ huynh có kiến thức và thực hành giúp con phát triển tốt, thành công sau này.
Trong vòng 2 năm qua (2012-2013), hàng trăm buổi thảo luận “Kỷ luật không nước mắt” đã được thực hiện miễn phí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Kỷ luật không nước mắt”, một phương pháp nuôi dạy trẻ do chị diễn thuyết đã khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Chương trình đã đến với gần 20.000 phụ huynh trong cả nước và số lượng người nghe chương trình này ngày càng tăng.
Nhiều cha mẹ đã lên facebook của Liên chia sẻ rằng, sau khi tham dự chương trình, họ sẽ không dùng bạo lực để dạy con nữa mà bằng phương pháp khoa học hơn và hầu như tất cả đều có những cách thức giáo dục con tốt hơn. Cốt lõi của phương pháp là giúp trẻ chủ động theo đuổi cái tốt, tránh xa cái xấu. Khi đứa trẻ có được điều này, bố mẹ sẽ bớt đi thời gian theo dõi, dạy dỗ, thầy cô không phải la rầy nhiều, làm cho cuộc sống gia đình bớt nặng nề hơn, lớp học thoải mái hơn. “Kỷ luật không nước mắt” chỉ có tác dụng khi mình có lối sống dựa trên nền tảng triết lý “từ chối bạo lực”, đó là không dùng bạo lực với người khác và cũng không đồng ý việc người khác dùng bạo lực với mình.
Những chương trình thiện nguyện, những hoạt động đào tạo là tất cả tấm lòng của Ái Liên với trẻ thơ. Mỗi hoạt động, mỗi chuyến đi có lẽ chị thêm một lần tự hào, là động lực, là niềm vui của chị cũng như những người thực hiện Dự án Bancuabe.
Bài và ảnh: VŨ THỊ KIM ANH