Giữa tháng 3 - 1958, tôi cùng các bạn sinh viên Trường sư phạm tỉnh Hà Nam về Bình Lục quê tôi thực tập. Dịp ấy, quê tôi đang có phong trào làm thủy lợi để chống hạn cứu lúa. Thế là lớp thực tập chúng tôi cũng hăng hái tham gia.

Ông Nguyễn Quốc Bảo.

Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi cùng với khoảng hơn 500 dân công của các xã tập trung khai sâu một đoạn đê sông Sắt để thông dòng chảy và lấy đất đắp lên thân đê. Suốt chiều dài công trường chừng 500 mét, không khí làm việc thực sự sôi động cả một vùng. Từng dòng người xếp thành dây chuyển đất lên đê, nhìn từ xa giống như hàng trăm con trăn khổng lồ uốn lượn từ đáy sông lên thân đê. Cờ, biểu ngữ tung bay phơi phới trong gió, như ngày hội. Không khí làm việc trên công trường đang vui nhộn thì bỗng có tiếng reo vang: “Bác Hồ! Bác Hồ về bà con ơi!”.

Như phản ứng dây chuyền, hàng trăm người hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm; Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”. Cả công trường náo nhiệt khác thường. Người nào người nấy quần áo ướt sũng, bùn đất lấm lem, đua nhau chạy nhanh để được gần Bác.

Tôi nhanh chân chạy đến gần, đứng lặng người ngắm Bác: Vừng trán rộng, đôi mắt sáng trên khuôn mặt hiền từ, đôn hậu của Bác làm tôi ngất ngây đến lặng người. Bác mặc bộ đồ ka-ki màu vàng nhạt, đầu đội chiếc mũ cát, chiếc khăn tay vắt vai, bước đi khoan thai, nét mặt tươi vui rạng rỡ như người cha xa nhà đã lâu, nay có dịp về thăm con cháu.

Cùng chạy trên đê hôm ấy còn có anh Sum, thợ cắt tóc dạo. Anh đang hớt tóc dở cho khách, vội vã xách đồ nghề chạy theo Bác. Bác đang rảo bước, bỗng quay lại tươi cười giơ tay vẫy chào bà con và vẫy anh Sum lại gần. Anh mừng quýnh, chân tay luống cuống chưa hiểu chuyện gì. Cái hòm thợ cạo há ngoác miệng ra, vì cái chốt khóa đã rơi lúc nào không biết. Khuôn mặt tươi vui, Bác nở nụ cười, nắm tay anh Sum. Anh mừng vui, xúc động, mặt đỏ bừng, mồ hôi túa ra, không nói nên lời. Mọi người đứng lặng quây quần bên Bác. Với giọng ấm áp, Bác hỏi:

- Chú tên chi?

- Thưa Bác, cháu tên Sum.

- Chú làm nghề hớt tóc?

- Thưa Bác, vâng ạ!

Vẫn giọng chậm rãi, vui vui, Bác nói to cho mọi người cùng nghe:

- Chú Sum, Bác “sợ” chú lắm!

Anh Sum giật mình, ngơ ngác không hiểu ý Bác ra sao, mọi người cùng im lặng. Bác nói tiếp:

- Chú có biết vì sao Bác sợ chú không?

Anh Sum tuy đã hơi trấn tĩnh, song vẫn lúng túng không nói được. Bác liền nói ngay:

- Chú hớt tóc cho Bác, chú lấy tay đẩy đầu Bác sang phải, Bác phải nghiêng sang phải. Chú đẩy sang trái, Bác phải ngả người sang trái; thậm chí ấn đầu Bác xuống, Bác phải cúi xuống, kéo ngửa Bác lên, Bác phải ngửa mặt lên trời. Đó có phải là chú đã điều khiển Bác?

Mọi người hiểu ý Bác đùa vui, cười ồ lên, vỗ tay rào rào như sấm dậy. Tình cảm của Bác nhanh chóng hòa quyện cùng nhân dân thật tự nhiên, gần gũi. Thế rồi Bác cùng đoàn người tiến về khoảng đất rộng trên thôn Cát Tường. Bác đứng giữa, bà con vòng trong vòng ngoài đứng vây quanh, lặng im nghe Bác nói chuyện. Tôi vẫn nhớ những lời Bác hôm ấy.

Trước hết, Bác nói chuyện về truyền thống cách mạng của nhân dân Bình Lục, có chi bộ Cộng sản từ những năm 1928 – 1929; có tiếng trống Bồ Đề đi vào lịch sử của cách mạng dân tộc, một phong trào nông dân do Đảng lãnh đạo chống lại bọn cường hào, ác bá…

Rồi Bác nói: “Ta vừa đánh giặc Pháp thắng lợi, ra khỏi cuộc chiến tranh, nhân dân ta còn nghèo. Ta phải tích cực thi đua kiến quốc. Bình Lục là nơi đồng chiêm trũng, bà con phải tích cực làm thủy lợi. Làm thủy lợi gian khổ một vài năm để sung sướng muôn đời. Hiện nay ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đang ra sức phá hoại cuộc tổng tuyển cử, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam để trả thù người kháng chiến cũ. Bọn can thiệp Mỹ lăm le nhảy vào miền Nam. Chúng ta phải xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam đấu tranh thắng lợi”...

Ngay sau ngày Bác ra đi về cõi vĩnh hằng, quê tôi trồng một cây đa tại nơi Bác đứng nói chuyện với nhân dân.

Năm mươi năm đã qua, cây đa tán đã xòe rộng cả khu đất, màu lá xanh biếc quanh năm đón luồng gió mới, rì rào ngày đêm như nhắc người dân quê tôi thực hiện lời dạy ân cần của Bác, nguyện sống và làm việc theo tấm gương đạo đức của Người.

NGUYỄN QUỐC BẢO