 |
Nhạc sĩ Xuân Hồng. Ảnh: Internet |
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật cha mẹ đặt trong khai sinh là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Tây Ninh.
Hồi tuổi học trò Hồng Xuân thường bị các bạn trai giễu gọi là “cô”. Ai ngờ, lớn lên đi theo kháng chiến, không ít người chưa một lần được gặp gỡ cũng ngỡ Nguyễn Hồng Xuân là người của... phái đẹp. Nhiều thư Nguyễn Hồng Xuân nhận được, ngoài bì có cái đề: “Kính gửi... chị Hồng Xuân”. Có bì lại ghi “Đến với... cô Hồng Xuân”. Thậm chí có bì còn “Mến gửi... Hồng Xuân”. Lúc đầu, nhạc sĩ thấy cũng hay hay, chẳng hại gì cho “hòa bình thế giới”, nhưng “bé cái nhầm” này cứ kéo dài, “đương sự” phát bực mình đã tự sửa khai sinh là Xuân Hồng.
Từ Hồng Xuân đổi thành bút danh Xuân Hồng còn vì lẽ nữa, nhạc sĩ rất có duyên nợ với mùa xuân. Trong gia tài nhạc phẩm của nhạc sĩ Xuân Hồng, đông đảo quần chúng mê nghe, thuộc lòng các nhạc phẩm “Xuân chiến khu” (1963), “Gương mặt mùa xuân” (1965), “Mùa xuân bên cửa sổ” (1985), “Bức ảnh mùa xuân” (1988), còn “Thành phố vườn hoa bốn mùa”, “Nắng Sài Gòn” cũng sáng tác vào mùa xuân và về mùa xuân.
Bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” ra đời như thế nào?
Bài hát là cảm hứng của nhạc sĩ Xuân Hồng trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Nghĩ đến đâu, nhạc sĩ nhẩm hát đến đấy. Cứ thế bài hát ra đời.
Có biết bao sự kiện xảy ra dồn dập trên đường “Thần tốc-Thần tốc hơn nữa. Táo bạo-táo bạo hơn nữa” tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Xuân Hồng là nhạc sĩ thuộc rất nhiều làn điện dân ca Nam Bộ nên ông quyết định sáng tác trên nền làn điệu dân ca cho dễ nhớ. Và để khỏi quên, ông đã lấy một loại lá rừng để ghi lời bài hát lên đó. Đó là lá cây “trung quân”. Đây là một loại lá phổ biến ở rừng miền Đông Nam Bộ có đặc tính không cháy, rất bền, giữ được lâu. Khi Sài Gòn giải phóng hoàn toàn, dù công việc bộn bề, nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã có được những phút bình tâm và điều kiện chỉnh sửa hoàn thiện bài hát: “Mùa xuân này về trên quê ta... Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói... Lưu danh đến muôn đời”. Ấy thế mà mấy ai có biết, bài hát là bước đi của anh giải phóng quân từ chiến khu miền Đông Nam Bộ về với Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh phải ròng rã ba năm trời bài hát mới hoàn thành (1975-1978).
Bài hát “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” cùng với “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Đăng Trung-Cao Việt Bách) và rất nhiều bản hùng ca khác của Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn... còn sống mãi với thời gian, đặc biệt hằng năm vào dịp kỷ niệm 30-4 giải phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước bài hát lại vang lên khắp TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Năm 2006 là cái giỗ thứ 10 nhạc sĩ Xuân Hồng (ông mất ngày 14-5-1996). Nhiều văn nghệ sĩ lại kéo đến nhà nhạc sĩ để thắp hương tưởng niệm, là dịp để bạn bè ôn lại những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa, thông minh, dí dỏm. Theo nhạc sĩ Thái Bảo: “Xuân Hồng nói chuyện rất có duyên và hóm hỉnh. Anh đúng là mẫu người “đa hệ”! Xuân Hồng có thể tiếp chuyện thoải mái, từ một trí thức uyên bác đến những người nông dân chân chất hay em bé thơ ngây. Xuân Hồng rất ham học, ham hiểu biết. Ông đọc nhiều, ghi chép cẩn thận và có một kiến thức bách khoa thật đáng nể. Đậm nét hơn cả là vốn truyền thống dân gian sâu sắc, đã làm nên một nhạc sĩ Xuân Hồng tài năng”.
Hôm nay có ai về Sóc Bom Bo, hỏi về Xuân Hồng đều được bà con thi nhau kể cho nghe bao nhiêu chuyện hay về người nhạc sĩ với tấm lòng yêu thương, trìu mến, cảm phục người nhạc sĩ-chiến sĩ đã làm cho Sóc Bom Bo một bài hát hay. Nhờ có bài hát mà cả nước biết đến một sóc (xóm) nhỏ, nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu nước, một lòng đi theo cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ. Còn đó, một ngôi trường tiểu học của xã đã được mang tên “Trường tiểu học Xuân Hồng”.
Đức An