QĐND Online - Là nạn nhân, đồng thời là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Nha Trang (Khánh Hòa), cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đông, 65 tuổi ở thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, TP Nha Trang luôn nỗ lực vượt qua bệnh tật, cùng người vợ hiền nén nỗi đau để chăm sóc, nâng niu người con trai tật nguyền, vươn lên làm giàu chính đáng và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khó khác tại địa phương.

Ông Đông và người con trai bị nhiễm chất độc Dacam/dioxin.

Năm 1968, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Đông rời quê hương Hải Hậu (Nam Định), lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Một năm sau, ông có mặt tại chiến trường Nam Trung bộ, trực tiếp chiến đấu tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong những năm tháng chiến tranh, Khánh Hòa có nhiều địa danh là căn cứ địa cách mạng của quân giải phóng, vì vậy thường xuyên phải hứng chịu nhiều cuộc càn quét, lùng sục của địch và còn chịu nhiều đợt phun chất độc hóa học của đế quốc Mỹ nhằm chặn đứng nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống của bộ đội ta. “Cứ sáng sớm hay chiều tối, từng tốp máy bay Mỹ bay ngay trên đầu, phía sau hai cánh máy bay phun ra những dải chất độc như sương mù trắng đục bay trên những rừng cây, bụi cỏ, nương ngô… thậm chí ngay trên đầu nơi đơn vị đóng quân”, ông Đông nhớ lại.

Chúng tôi đã có dịp đến thăm gia đình ông ở ngoại thành TP Nha Trang. Nhìn cảnh vợ chồng người cựu chiến binh tuổi đã cao nhưng vẫn phải gồng mình bế, ẵm cậu con trai Nguyễn Trường Việt (33 tuổi) chỉ nằm một chỗ, không ai có thể cầm được nước mắt. Dù không thể nghe được, nói được, nhưng đôi mắt Việt cứ rưng rưng nhìn cha như thể mình đang nặng lỗi với mọi người. Tất cả mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải nhờ đến sự chăm sóc, nâng niu của bố mẹ và người thân. Ông Đông chia sẻ: “Nhìn con, nhiều lúc mình nghĩ không còn muốn sống nữa. Nhưng nếu mình chết thì ai lo cho con?! Vì thế vợ chồng chỉ biết động viên nhau chăm sóc cho con. Không chỉ mình Việt mà hai cô con gái của ông cũng đang có dấu hiệu của sự phơi nhiễm chất độc da cam”…

Cuộc đời của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đông cũng nhiều nỗi gian truân. Sau ngày giải phóng, ông chuyển ngành ra ngoài và làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng cái nghèo vẫn cứ bám đuổi theo ông. Cho đến năm 2000, ông mới xin vào làm việc tại Công ty TNHH trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy Cát Phú (Nha Trang), phụ trách đội bốc xếp của công ty. Và cuộc đời ông chỉ thật sự hết nghèo kể từ khi công ty tạo điều kiện cho ông tách đội bốc xếp để thành lập công ty riêng. Năm 2005, vợ chồng ông quyết định bán nhà, gom tiền mua một chiếc máy ủi và thành lập Doanh nghiệp tư nhân Xuân Đông, chuyên bốc xếp hàng hóa, san ủi mặt bằng.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đông (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm chế biến nguyên liệu gỗ, giấy của Doanh nghiệp.

Chưa đầy 10 năm sau, từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực và phẩm chất của người lính Cụ Hồ, doanh nghiệp tư nhân Xuân Đông do ông làm chủ đã phát triển vững chắc; đến nay đã có 2 chi nhánh tại Thành phố Nha Trang và Thành phố Cam Ranh với 5 xe múc, xe san ủi và một xưởng chế biến nguyên liệu giấy; thường xuyên tạo công ăn, việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương chủ yếu là bộ đội xuất ngũ, các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách ở địa phương. Anh Hoàng Việt Sơn (thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, đang trong lúc khó khăn thì được ông Đông nhận vào làm việc với mức lương bình quân hơn 4 triệu đồng. Nhờ thế, gia đình tôi đã dần thoát được nghèo, con cái được đi học…”.

Nói về những nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải chịu đựng, CCB Nguyễn Xuân Đông trăn trở: “Mặc dù việc công ty rất bận rộn, nhưng tôi cố gắng nhận làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Nha Trang. Tôi mong muốn các cấp chính quyền, các tổ chức cá nhân hảo tâm cần quan tâm hơn nữa, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, nhất là những gia đình có đến 2 và 3 thế hệ bị nhiễm chất độc hóa học, qua đó động viên, giúp họ vượt qua những khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống...”.

Bài, ảnh: MAI ĐÔNG-CÔNG THI