Buổi tối, bố tôi bảo: Nói về học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ, không câu nệ việc lớn hay nhỏ. Bởi có khi là việc rất nhỏ nhưng ý nghĩa lại rất to lớn và sâu sắc.
Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà bố tôi nói đến vấn đề "hệ trọng" này. Nguồn cơn là từ việc xảy ra giữa tôi và Lâm (đều là cán bộ lớp). Do lâm có sai sót nên trong buổi họp, tôi đã phê phán Lâm rất gay gắt. Sau buổi họp ấy, tôi, đem chuyện kể cho bố tôi nghe với vẻ mặt hả hê vì đã "dạy cho Lâm một bài học". Khi tôi chỉ trích "nó" ngay trước mặt tất cả các bạn trong lớp, "nó" chỉ biết cúi gằm mặt mà không thanh minh được lời nào.
Bố tôi lắng nghe "thắng lợi" của tôi và chậm rãi nói: "Con làm như vậy là không đúng rồi. Đành rằng là bạn có những khuyến điểm nhưng cả hai đứa đều là cán bộ lớp nên trước hết phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Thêm nữa là, ai cũng có lòng tự trọng cả. Con đã cất nhắc bạn không đúng nơi, đúng chỗ. Con chỉ nhìn thấy khuyết điểm của bạn mà không thấy ưu điểm của bạn".
Rồi bố tôi bảo: "Sinh thời, Bác Hồ đã dạy, đại thể: Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin thì là vô dụng. Vì vậy, con phải xem xét kỹ trước khi nhận xét về một ai đó. Phải biết giúp đỡ, khuyên người ta gắng sức, khích lệ lòng tự tin, tự trọng của bạn bè. Con không nhận thấy là bạn ấy đã đứng ra tổ chức buổi sinh hoạt cho các bạn nữ nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), trong khi con không dám làm điều đó. Như vậy là lòng tự tin của bạn hơn con nhiều. Lâm có gan làm, có gan chịu trách nhiệm nên đáng khen hơn là đáng trách, dù rằng bạn vẫn còn một số khuyết điểm nhỏ".
Bố tôi nói, đây là phép dùng người của Bác Hồ khi xưa. Bác từng nhắc nhở: Phải biết vun trồng lòng tự trọng, tự tin cho cán bộ, giúp họ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Có như vậy ta mới có những cán bộ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”.
Lời bố nói tuy tôi vẫn chưa hiểu sâu xa nhưng tôi cũng đã nhận ra được khuyết điểm của mình và rút ra bài học thấm thía. Tôi biết mình phải làm gì để cho Lâm và tôi là hai cán bộ lớp vừa học tập, công tác giỏi, vừa đoàn kết tốt./.
Lê Duy Trang
(Kim sơn - Hoằng Tiến - Hoằng Hoá - Thanh Hoá)