QĐND - Là Đội trưởng Đội S20 (Đội Giao thông chiến của Tỉnh đội Hải Dương trong kháng chiến chống Pháp), Nguyễn Huy Trường đã làm cho kẻ thù bao phen kinh hồn bạt vía. Chỉ tính từ đầu năm 1953 đến tháng 7-1954, ông cùng đơn vị đánh gần 200 trận, phá hủy 145 xe các loại, tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Nguyễn Huy Trường là tác giả của nhiều sáng kiến như “mìn sờ”, “mìn hở”, “hố không mìn”, “ta và địch cùng đánh… địch” đạt hiệu suất chiến đấu cao, nổi tiếng khi ấy. Sau hơn nửa thế kỷ, người được mệnh danh là "vua mìn" đó, vẫn chưa được quan tâm vinh danh xứng đáng...

Ông Nguyễn Huy Trường thời kỳ làm Chính ủy Tàu viễn dương (VOSCO). Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Nguyễn Huy Trường tên thật là Nguyễn Văn Thư; sinh tại làng Bất Nạo, xã Đại Đồng xưa, nay là xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình nông dân gốc.

Ngày 30-10-1949, chưa đầy 18 tuổi, Trường đã xung phong vào bộ đội thuộc đơn vị của huyện Kim Thành. Anh làm đủ các việc: Liên lạc viên, cứu thương, văn phòng và cầm súng trực tiếp chiến đấu. Dần dần, anh được đề bạt làm Tiểu đội phó, rồi Tiểu đội trưởng. Qua nhiều trận chiến đấu, anh đã cùng đồng đội lập công xuất sắc trong phong trào thi đua giết giặc lập công (1951-1952) được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952; được Nhà nước thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17-1-1952, lúc anh vừa tròn 20 tuổi.

Ngày 2-3-1951, anh đánh trận đầu tiên bằng mìn dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Quyền, (tại ngã ba làng Mân Lộc-Kim Thành). Trận ấy, đoàn tàu quân sự của địch từ dưới Hải Phòng lên bị quả “mìn điện có người điều khiển” do Trường  đảm nhiệm, lật đổ hơn 10 toa chở đầy bom, đạn của giặc Pháp. Đến trận đánh thí điểm bằng “mìn điện tự động” ngày 28-12-1951, Trường  chịu trách nhiệm đặt “cạm điện” và đấu điện vào mìn. “Cạm điện” mới nghiên cứu có hai ngòi, cách nhau chừng một hạt gạo. Chỉ cần tác động một lực rất nhẹ từ trên xuống, mạch điện được nối liền, mìn nổ tức thì. Đấu điện vào mìn là công đoạn cuối cùng của trận đánh thí điểm này không kém phần nguy hiểm; chỉ một sơ suất nhỏ, mìn sẽ nổ tung. Cách đánh này do Trường-Tiểu đội phó cùng Tiểu đội trưởng nghiên cứu và thực hành. Đúng 8 giờ sáng, đoàn tàu quân sự của địch chở vũ khí, lương thực từ  Hải Phòng lên Hà Nội bị quả “mìn điện tự động” nổ trúng đầu, hàng chục toa bị lật đổ. Từ đó trở đi, “mìn điện tự động” được dùng đánh vào đường sắt một cách phổ biến ở bất cứ đoạn đường nào có điều kiện đặt mìn thuận lợi; địch không phát hiện được.

Cuối năm 1952, Nguyễn Huy Trường được điều lên Ban Tham mưu-Tỉnh đội Hải Dương, làm Đội phó Đội Giao thông chiến (biệt danh S20). Nguyễn Văn Tuy (Tân) làm Đội trưởng.  Đến tháng 5-1953, Đội trưởng Nguyễn Văn Tân về nhận công tác trên cơ quan Tỉnh đội, Trường được đề bạt làm Đội trưởng, chỉ huy đơn vị đánh địch trên đường số 9 (Ninh Giang), đường 17 (Gia Lộc), đường 20 (Bình Giang), đường 5 (đoạn qua huyện Cẩm Giàng)… Với nhiều chiến thuật do anh đề xuất như “mìn sờ”, “mìn hở”, “hố không mìn”, “ta và địch cùng đánh… địch” đạt hiệu quả cao; làm cho địch bao phen kinh hồn, bạt vía, thất điên, bát đảo.

Vào một đêm cuối tháng 12-1953, anh em mang quả “mìn sờ” do Trường chế tạo lên đường làm nhiệm vụ. So với lúc còn thử nghiệm ở nhà, thực tế có những điểm cần phải chú ý hơn. Cả ba bộ phận của một hệ thống là mìn, cạm điều khiển, ống pin đều đặt chung trong một hố. Quá trình đặt mìn, nếu để xảy ra một sự nhầm lẫn dù rất nhỏ, lập tức mìn nổ. Người đặt mìn sẽ hy sinh. Để bảo đảm chắc thắng cho trận đánh thí điểm trong đêm nay, Trường đảm nhiệm toàn bộ công việc đặt ổ mìn. Sáng sớm hôm sau, toán quân dò mìn của địch phát hiện có dấu hiệu khả nghi (do tổ đánh mìn cố tình để lộ) liền nổ súng báo động. Năm tên lính ngụy, thằng đứng, thằng ngồi xúm xít vây quanh. Một tên xăng xái xọc xà beng xuống định đào. Một cột khói đen tức thì bốc lên, dựng đứng. Tiếng nổ đanh gọn phát ra từ quả đạn cối 81mm, làm tan xác cả năm tên lính đứng, ngồi xung quanh. Trận đầu thắng lợi, Trường rất vui, một mặt cùng đơn vị rút kinh nghiệm; một mặt tiếp tục hoàn thiện cách đánh mới, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người đặt mìn; hoặc khi phải gỡ mìn đem về cũng không xảy ra sự cố nguy hiểm.

Từ đó, “mìn sờ” được đánh rộng ra trên các con đường có địch tuần tiễu, nổ liên tục tại đường 17, đường 20 và cả trên đường 5. Người sáng chế ra nó đã trực tiếp đánh 7 quả, diệt 32 tên lính dò mìn…

Trong lúc đang đánh địch trên đường 20, S20 được lệnh của Tỉnh đội, về Ninh Giang, đánh cầu Bía trên đường 17 – con đường hành lang quan trọng nối thị xã Hải Dương với thị xã Ninh Giang. Cầu Bía có 4 nhịp, bắc ngang qua sông Quảng Bí (còn gọi là sông Gồm), dài hơn 100m. Mặt cầu rộng bốn mét, lát bằng sắt; đặt trên những rầm sắt cỡ lớn. Cột cầu là những cây gỗ lim to. Mỗi cột 12 cây, có chốt đóng liên kết, tạo thành một khối vững chắc. Các cột cầu đều có lưới thép loại cứng bao bọc từ đỉnh cầu xuống sâu dưới mặt nước 2-3m. Mố cầu ở hai đầu đặt trên hai lô cốt xây kiểu boong-ke, có lỗ châu mai quan sát và bắn thẳng dưới gầm cầu. Mặt sông ở hai phía đầu cầu, chúng rải 3 hàng rào thép gai, có gắn phao nổi trên mặt nước (nối liền với hàng rào của hai vị trí trên bờ). Do vậy, đoạn sông và chiếc cầu lọt thỏm vào giữa một căn cứ. Để bảo vệ cầu, địch chốt quân ở hai đầu cầu. Mỗi bên, có một trung đội lính da đen và lính ngụy thay nhau canh gác.

… Sáu ngày trôi qua kể từ khi nhận nhiệm vụ, Trường đã dành trọn 5 đêm cùng anh em chiến sĩ lần mò vào vị trí địch trinh sát một cách tỉ mỉ, kỹ càng.  Ngày N. đã được ấn định vào đêm thứ bảy-đêm cuối cùng mà Tỉnh đội trưởng đã quyết định. Vũ khí do anh em công binh lo liệu chu đáo. Bốn quả bộc phá được chế tạo theo kiểu đúc sẵn, vỏ bằng sắt, không ngấm nước. Mỗi quả chứa 20kg thuốc nổ, lắp kíp điện sẵn được buộc vào một chiếc phao; giữ ở giới hạn không chìm mà cũng không nổi; chỉ lập lờ dưới mặt nước. Để giữ bí mật, lực lượng tham gia trận đánh này chỉ có 4 chiến sĩ với trang bị gọn nhẹ làm nhiệm vụ vận chuyển bộc phá đến nơi tập kết. Sau đó, hai đồng chí làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ vòng ngoài; bắn yểm trợ khi cần thiết. Hai đồng chí phụ trách dây điện và hòm điện. Bộ phận đột nhập căn cứ có 4 người (mỗi người phải mang một quả bộc phá 20kg thuốc nổ) do Trường chỉ huy… Chiếc cầu sừng sững bắc qua sông hiện rõ trong tầm nhìn xuyên qua bóng đêm. Các chiến sĩ lần lượt vượt qua các trở ngại, tiếp cận mục tiêu, đặt bộc phá và đấu điện…

2 giờ 15 phút đêm 14-6-1953, một tiếng nổ kinh hoàng vang trời, dậy đất khiến nhân dân các vùng phụ cận thuộc ba huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc giật mình thức giấc. Trước mắt các chiến binh dũng cảm là một ánh chớp khổng lồ xé toang màn đêm, soi sáng cả một đoạn sông. Chiếc cầu đã bị cắt phăng nhịp giữa. Các nhịp còn lại đều gục đầu xuống nước. Nhiệm vụ đánh phá cầu Bía hoàn thành đã cắt đứt đường 17, góp phần cùng quân, dân trong tỉnh thực hiện tốt kế hoạch chống địch càn quét, đánh phá khu căn cứ của ta.

Sau này, với nhiều sáng kiến cải tiến vũ khí và chiến thuật đánh địch đem lại hiệu quả cao, Nguyễn Huy Trường còn được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng ba. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, anh được thưởng Huân chương Chiến thắng hạng ba.

Hòa bình được lập lại trên miền Bắc, cuối năm 1954, Nguyễn Huy Trường được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 554 (Hải Dương). Năm 1956, ông là quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo vệ đường sắt cung Hà Nội – Hải Phòng. Sau đó, ông Trường đảm nhiệm nhiều cương vị ở các đơn vị khác nhau. Ông nghỉ hưu năm 1989, cư trú tại số nhà 229, phố Trường Chinh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

Xét thành tích xuất sắc của ông Nguyễn Huy Trường, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đầu năm 2000 các cơ quan, đoàn thể của địa phương (tỉnh Hải Dương, quê ông Trường), nơi cư trú hiện nay (quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) và nhiều đồng đội đã đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Trường. Các văn bản này đã được gửi lên Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương. Tiếp đến, cấp ủy, chính quyền của quận Kiến An, thành phố Hải Phòng cũng có các ý kiến nhận xét về Nguyễn Huy Trường và đề nghị cấp trên vinh danh ông...

Hơn 15 năm sau các cuộc họp và các văn bản kiến nghị về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Nguyễn Huy Trường đến nay vẫn chưa có kết quả và hồi âm chính thức. Đồng chí, đồng đội và nhân dân từng sống, chiến đấu và công tác với "vua mìn" không khỏi băn khoăn, thắc mắc. Thiết nghĩ, với những chiến công, thành tích đã được ghi trong lịch sử, cùng sự đồng thuận tín nhiệm cao của nhiều tập thể, cá nhân, rất cần được các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương nghiêm túc xem xét và đề nghị cấp có thẩm quyền vinh danh xứng đáng cho ông Nguyễn Huy Trường.

LÊ HOÀI THAO