QĐND - Tháng 6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu để cùng các nhà cách mạng Việt Nam dựng bia cho liệt sĩ Phạm Hồng Thái nhân giỗ đầu, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt tại ga Bắc Trạm, Thượng Hải. Chúng liền đưa ông về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội với một tên giả là Trần Văn Đức nhằm bí mật thủ tiêu ông mà không gặp sự nổi giận của người dân Việt một thời yêu mến ông. Nhưng sự bưng bít đó không thành. Số là trước khi xuống tàu thủy ở bến Thượng Hải, cụ đã kịp viết một lá thư ngắn báo tin mình bị mật thám Pháp bắt gửi cho Lâm Lượng Sinh, chủ bút tờ Binh sự tạp chí ở Hàng Châu mà lâu nay cụ cộng tác. Lâm Lượng Sinh liền cho công bố thông tin đó trên báo chí Thượng Hải. Người Trung Quốc đã biết tin đó. Ở Việt Nam, tờ báo đầu tiên loan tin cụ Phan bị mật thám bắt là tờ báo hằng ngày Le Courrer d’Hai Phong. Vậy là ý định ban đầu không thực hiện được nên chính quyền thuộc địa Đông Dương quyết định đưa cụ Phan ra xét xử tại Tòa Đại hình Hà Nội.
 |
Cụ Phan Bội Châu (1867-1940).Ảnh tư liệu |
Tin Phan Bội Châu bị đưa ra xét xử công khai trong hai ngày cuối tháng 11-1925 tại Tòa Đại hình Hà Nội được báo chí trên cả nước trước sau giật tít bắt mắt bằng in đậm loan đi khắp cả nước. Người Việt Nam, đặc biệt lớp Nho sĩ cấp tiến đã từng trăn trở với vận nước và lớp trẻ được đánh thức bằng những vần thơ hào sảng của cụ, đã một thời ngưỡng mộ cụ, cơm đùm cơm nắm về Hà Nội để được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan “người anh hùng, vị thiên sứ” đã xả thân vì đại nghĩa suốt 20 năm nay. Cả phố Hàng Tre, nơi mở phiên tòa xét xử cụ, chật cứng người. Một hiện tượng không mấy khi có trên đất Hà thành vốn bình lặng và yên ả. Chắc cụ Phan khi bị đưa từ Nhà tù Hỏa Lò tới đây đã cảm nhận được chỗ dựa tinh thần to lớn của đám đông dân chúng ngưỡng mộ cho cuộc chiến đấu mất còn của cụ trước pháp đình của kẻ thù tàn bạo.
Tại phiên tòa, chẳng trông mong gì vào hai trạng sư mà Pháp chỉ định bào chữa cho mình, cụ đứng thẳng dậy với chất giọng Nghệ, hùng hồn tự bào chữa bằng những lời hào sảng, đanh thép: “Tôi là người Nam, tôi biết yêu nước Nam, tôi muốn đánh thức dân tộc Việt Nam. Nếu mà trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến có, tàu bay có, thì có lẽ tôi hạ chiến thư, đường đường chính chính đánh lại Chính phủ thuộc địa” (Thực Nghiệp Dân Báo, số ra ngày 24-11-1925).
Những ai chứng kiến phiên tòa hôm đó đều thấy hả lòng hả dạ với những lời nói chí tình chí nghĩa của nhà chí sĩ suốt một đời nặng lòng với nước với dân mà cả dân tộc ta một thời ngưỡng mộ và đặt kỳ vọng nơi ông. Dẫu vậy, tòa án vẫn khép cụ Phan Bội Châu vào án tử hình.
Cả hội trường chùng xuống và nghẹn ngào. Bỗng từ dưới góc xa của hội trường vang lên một lời đanh thép, nhưng rất cảm động: “Hỡi quan tòa, tôi xin được chết thay cho cụ Phan!”. Cả hội trường rưng rưng nước mắt, dồn mắt nhìn về phía góc xa, nơi vọng ra tiếng kêu như đại diện cho tiếng lòng dân tộc. Người vừa thốt lên những lời dũng khí đó là một nhà Nho đã có tuổi mà hôm sau báo chí đưa tin là cụ Nguyễn Khắc Doanh, người rất ngưỡng mộ Phan Bội Châu xưa nay đã cơm đùm cơm nắm từ Nam Trực, Nam Định lên dự phiên tòa để được một lần trong đời nhìn thấy dung nhan cụ và may ra được nắm lấy bàn tay để hơi ấm của cụ truyền sang mình…
Lời nói của Nguyễn Khắc Doanh bay khắp đất nước như một lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam xuống đường tranh đấu giành sự sống cho Phan Bội Châu, người đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho độc lập tự do của dân tộc.
Cuộc đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu bắt đầu bằng sự vào cuộc của báo chí thời đó. Người Hà Nội vẫn còn nhớ như in tờ báo đi tiên phong và theo đuổi đến tận cùng vụ việc là tờ Thực Nghiệp Dân Báo của Nguyễn Hữu Thu. Tờ báo đã đăng tải một chùm 29 bài về nhà chí sĩ Phan Bội Châu, bao gồm tiểu sử, sự nghiệp cách mạng trước khi bị bắt, tường thuật chân thật về phiên tòa đề hình xử cụ và đặc biệt là những bài bình luận nhiều chiều về vai trò của cụ đối với vận mệnh đất nước. Điều đáng nói là những bài viết này ngay sau đó được Thực Nghiệp Dân Báo tập hợp lại và xuất bản thành hai tập sách mỏng là Tập án Phan Bội Châu và Những tin tức và dư luận về Phan Bội Châu, như là phụ trương của bản báo. Hai tập sách mỏng này nhanh chóng trở thành những ấn phẩm bán chạy nhất lúc đó. Chẳng hạn, Tập án Phan Bội Châu đã phải tái bản đến lần thứ 3, mỗi lần 5000 bản, truyền đi trên khắp đất nước tấm lòng yêu nước nồng đượm và khảng khái của cụ và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống cường quyền, đòi tự do dân chủ trong nhân dân Việt Nam. Bấy giờ, người Việt Nam mỗi sáng thức dậy, cầm tờ Thực Nghiệp Dân Báo trên tay, đọc và suy ngẫm những bài viết về Phan Bội Châu, chắc không thể vô cảm, mà phải nhập cuộc vào phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu. Trong Những tin tức và dư luận về Phan Bội Châu, lý giải một cách rõ ràng tại sao nhiều người Việt Nam xin ân xá cho ông Phan: “Thấy ông vì yêu nước thương dân mà quên đi mọi sự ở đời, hơn hai mươi năm lưu lạc quê người, xa lìa nhà cửa, chỉ một niềm mưu ích cho nước, mưu lợi cho dân; ông yêu nước thì nước yêu ông, ông thương dân thì dân thương ông, nghĩa đời phải vậy”.
Phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu là một phong trào công khai, được châm ngòi từ thành thị, trước tiên ở Hà Nội, như một dòng điện cực mạnh truyền nhanh khắp các đô thị và lan tỏa về nông thôn, kết thành một phong trào rộng lớn trên quy mô cả nước với đầy đủ những lớp người Việt Nam tham gia, từ trẻ tới già, đẩy lùi kẻ thù từng bước một, từ tử hình xuống khổ sai. Chưa dừng lại ở đó, phong trào tiếp tục dâng cao, dồn kẻ thù đến tận chân tường. Một tờ báo của Pháp, tờ Minh Trí, số ra ngày 12-12-1925 tường thuật không khí Toàn quyền Va-ren đến Hà Nội được tiếp đón bằng những đoàn người với những đơn thỉnh cầu trên các đường phố: “Khi quan Toàn quyền đi tới cuối phố Hàng Đường thì có một đám người 100 bà già quỳ mọp giữa đường để trình ngay lên một bức thư xin tha tội cho ông Phan. Đứng đầu là một bà lão đáng 70 tuổi, đầu tóc bạc phơ. Thư kêu xin này lời lẽ gọn gàng và cảm động lắm”.
Hội Phục Việt, một tổ chức chính trị vừa mới được thành lập gồm trí thức, sinh viên như Phạm Thiều, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai… cũng nhập cuộc. Họ viết truyền đơn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp ký tên Hội Phục Việt, cho rải khắp đường phố Hà Nội, gửi cả sang Pháp và Hội Quốc Liên. Trong những tờ truyền đơn rải trên đường phố Hà Nội, Hội Phục Việt đã tung ra những lời hiệu triệu xung trận: “Kìa coi dân Ấn Độ, họ không chịu để cho Cam Địa (Gandhi) bị đày đọa. Vậy mà cụ Phan Bội Châu đối với chúng ta còn có ơn đức hơn là Cam Địa đối với dân Ấn Độ. Các con cháu Rồng Tiên của chúng ta quyết không chịu ngồi nhìn cho chúng làm tội cụ Phan Bội Châu”.
Từ Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu cho báo Le Paria (Người Cùng khổ) bên Pháp. Thông qua một câu chuyện tưởng tượng, Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra một cuộc chạm trán, một cuộc đối mặt, một tấn kịch giữa hai nhân vật đối lập nhau về nhân cách: một bên là Toàn quyền Đông Dương Va-ren, con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình và nhân vật đối diện là Phan Bội Châu “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập” của nhân dân Việt Nam.
Không chịu ngồi nhìn thì phải hành động và hành động kiên quyết. Suốt trong vòng hơn một tháng, cả nước xuống đường, tiến công kẻ thù, đẩy chính quyền thuộc địa đến tận chân tường. Toàn quyền Đông Dương Va-ren vừa ra Hà Nội nhậm chức đã chứng kiến sự phẫn nộ của dân chúng trước vụ án Phan Bội Châu và cũng là tấm lòng của người dân Việt Nam đối với nhà chí sĩ yêu nước. Va-ren nhanh chóng quyết định sử dụng thủ pháp ứng xử hạ nhiệt bằng cách “rút bớt củi”. Ngày 25-12-1925, Toàn quyền Va-ren ký Sắc lệnh tha Phan Bội Châu có điều kiện, nghĩa là cụ Phan Bội Châu được quyền chọn một nơi trên dải đất Trung Kỳ, trừ Nghệ An, quê ông, để sinh sống trong sự giám sát của chúng. Dẫu sao, đó vẫn là thắng lợi to lớn của sức mạnh cố kết chính trị của dân ta cả bên trong và bên ngoài. Cả nước hân hoan vì đã giành lại sự sống cho Phan Bội Châu từ lưỡi hái tử thần của kẻ thù. Tờ Thực Nghiệp Dân Báo, số ra ngày 30-12-1925, đã phản ánh niềm vui không kìm nén được trong dân chúng khi nghe tin Phan Bội Châu được trả lại tự do: “Tin ông Phan Bội Châu được ân xá làm khắp quốc dân nhà quê, kẻ chợ không ai là không vui mừng. Có người mới được tin đã reo lên, vỗ tay ầm ĩ, lại có kẻ đọc báo xong, sướng quá rủn cả người, nói không ra tiếng”.
Phan Bội Châu chọn Huế làm nơi sinh sống và hoạt động cuối đời, vì Huế là trung tâm của xứ Trung Kỳ bảo hộ. Phan Bội Châu với biệt danh Ông già bến Ngự sống những năm cuối đời và vào năm 1940, từ đây ông đi vào cõi vĩnh hằng.
Sự chung sức đấu tranh của toàn dân tộc đòi chính quyền thuộc địa ân xá Phan Bội Châu thắng lợi đã khích lệ dân tộc ta thừa thắng xốc tới. Lúc đó, lớp trí thức tân học trăn trở với vận nước như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai… tìm mọi cách để biểu dương sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh chống cường quyền, đòi tự do dân chủ. Chính họ là những người đã đẩy phong trào đòi tự do dân chủ lên đỉnh điểm trong những năm 1925-1926 với các cuộc ra quân rầm rộ tiếp sau phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu như phong trào truy điệu và để tang Phan Chu Trinh, trả tự do cho Nguyễn An Ninh và đón Bùi Quang Chiêu từ Pháp về… Và đó là những trang hào hùng trong lịch sử Việt Nam cận đại của chúng ta.
PGS, TS Phạm Xanh