Ông Lê Văn Hưng (giữa) kiểm tra sản phẩm tại Xí nghiệp nước mắm Thiên Hương.

Nằm bên bờ sông Mã, cách chân cầu Hàm Rồng chỉ hơn 300m về phía tây nam, Nhà máy phân lân Hàm Rồng (NMPLHR) đã từng chia lửa và trụ vững với cầu Hàm Rồng suốt những năm chiến tranh ác liệt.

Trong cơ chế thị trường đã có lúc đứng chênh vênh bên bờ vực phá sản, còn bây giờ nó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và đang phát triển với tốc độ phi mã trong cái tên mới: Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng (TCTCPHR). Tất cả là nhờ ở nỗ lực chèo lái của người thuyền trưởng "dám nhảy vào lửa" Lê Văn Hưng.n Vọng Thanh

"Hưng liều", "Hưng hâm"

Năm 1997, dư luận Thanh Hoá xôn xao khi NMPLHR bị liệt vào danh sách giải thể với món nợ khổng lồ gần 2 tỉ đồng. Để phá sản một cơ sở công nghiệp đã từng gắn bó với di tích Hàm Rồng lịch sử thì quả là nghiệt ngã. Mọi giải pháp tình thế đưa ra lúc ấy hầu như đều dẫn vào ngõ cụt. Các ngân hàng đóng băng với nhà máy. Chủ nợ đến gõ cửa hàng ngày. Nhiều người tặc lưỡi: "Cơ chế thị trường mà. Đành phải chấp nhận thôi!".

Nhưng có một cựu chiến binh không chịu chấp nhận sự thật nghiệt ngã ấy. Đó là nhân vật chính của bài viết này. Cái tin Lê Văn Hưng rời ghế Phó Trưởng phòng kế hoạch Sở Công nghiệp tỉnh về làm Giám đốc NMPLHR đã khiến không ít người bất ngờ đến ngỡ ngàng. Bạn bè xúm lại khuyên can anh. Rằng "đừng làm thân dã tràng xe cát...", rằng "coi chừng xôi hỏng bỏng không..." đến nỗi anh phát cáu: "NMPLHR nó đã gắn liền với di tích lịch sử Hàm Rồng - nó-không-thể-chết-được!".

Việc cần làm ngay đầu tiên mà Hưng kiên quyết làm bất chấp cả dư luận là giải tán toàn bộ lao động gián tiếp ở các phân xưởng, tinh giản bộ máy hành chính từ 37 người xuống còn 15 người. Gần bốn chục lao động dôi dư được xung vào đội quân tiếp thị mới toanh do đích thân giám đốc điều hành. Để đổi mới tư duy cho đội quân quan trọng này, Hưng mở lớp đào tạo tại chỗ với những bài học cơ bản "biến không thành có", "biến lỗ thành lãi", "từ ghét đến yêu"... rút ra từ cuốn "99 cách làm giàu" của Trung Quốc. Anh nói với mọi người: "Cuốn sách này mách bảo nhiều điều về kinh doanh và văn hoá ứng xử. Muốn kinh doanh có hiệu quả, chúng ta phải học cách ứng xử có văn hoá. Tôi sẽ đọc cho các anh, chị nghe. Chừng nào tôi mỏi miệng, đến lượt các anh, chị đọc, tôi nghe".

... Cho đến lúc anh quyết định thế chấp căn nhà 2 mặt tiền ở trung tâm thị xã Thanh Hoá để vay tiền ngân hàng ứng lương cho công nhân thì "nội chiến" xảy ra. Vợ anh "cấm vận", cả tháng không hỏi chồng một câu. Còn mẹ vợ thì mát mẻ: "Sao anh liều thế. May thành công, không nói làm gì. Rủi thất bại, vợ con anh ra đê mà ở à!". Đó là xuất xứ của cái tên "Hưng liều", "Hưng hâm".



Trong thâm tâm, anh hiểu, mẹ thương anh, thương vợ, con anh. Nhưng thói quen chia sẻ có từ thời bộ đội cứ trăn trở, day dứt, mình có ăn đàng hoàng mà hàng trăm gia đình công nhân nghèo lao đao vì chậm lương, đã khiến anh không thể làm khác được. ƯÂ thì liều, thì hâm đấy. Cũng được. Chết ai đâu!

Giám đốc bán hàng rong

Thời gian đã lùi vào quá khứ đến hàng chục năm rồi, nhiều công chức ở thành phố Thanh Hoá vẫn còn lưu giữ trong ký ức mình hình ảnh một anh chàng bảnh trai lóc cóc đạp xe đến từng công sở trong thị xã hồi ấy. Đó là Giám đốc Lê Văn Hưng. Quần áo, càvạt phẳng phiu, ngực đeo biển giám đốc sáng loá, vai khệ nệ vác bao phân to xù, Hưng tiếp thị với mọi người: "Anh (chị, cô, bác...) làm ơn dùng thử phân lân bón cho vườn hoa cây cảnh. Nếu hiệu quả, tháng sau em quay lại xin tiền. Không hiệu quả thì... xin biếu không vậy".

Rồi một mình anh lầm lũi phi xe máy vào tận Nghệ An, để vừa tiếp thị phân lân ra tỉnh bạn, vừa tìm hiểu xem Công ty hoá chất Nghệ An làm ăn cách chi mà có doanh thu tới 10 tỉ đồng mỗi năm?

Sự cần mẫn, nỗ lực đến mức xả thân khác người của anh đã khiến không ít người bĩu môi: "Ôi dào, đúng là một thứ giám đốc... bán hàng rong"! Những người nông nổi, sĩ diện hão ấy, họ không hiểu được rằng chỉ 2 năm sau đó, ông "giám đốc hàng rong" cùng với đội quân tiếp thị của ông đã bán được một lượng phân bón đủ để tiền lãi của nó trả hết món nợ khổng lồ gần 2 tỉ đồng và nâng mức lương công nhân từ 150.000 đồng lên 700.000 đồng/người/tháng.

Họ còn bất ngờ hơn nữa khi biết rằng trong 2 năm 1998-1999, với 6 sáng kiến và giải pháp kỹ thuật làm lợi hơn 500 triệu đồng, trong đó có 2 sáng kiến được tặng bằng sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hưng đã đưa NMPLHR trở thành doanh nghiệp địa phương duy nhất trong cả nước 2 năm liền được trao Giải chất lượng Việt Nam, với 20 loại sản phẩm được Bộ NNPTNT đưa vào danh mục "Các loại phân bón được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam".

Trả xong nợ ngân hàng, mua được BHXH cho hơn 20 CBCN; chuộc lại được nhà cho vợ, giám đốc Hưng bắt đầu tính kế làm ăn lâu dài. Chủ trương bán phân trả chậm cho nông dân được triển khai đại trà. Đội quân kỹ thuật lành nghề từ nhà máy tràn về tận đồng ruộng, hướng dẫn, tư vấn cách dùng phân bón tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất đến từng người nông dân. Ông Đỗ Đức Nghiên - Thường vụ Hội Nông dân Việt Nam - khẳng định: "Chính sách bán phân trả chậm không thu lãi của CTPLHR đã tạo điều kiện giúp cho hàng ngàn gia đình nông dân Thanh Hoá thoát khỏi cảnh đói nghèo".

Thành công của nông dân cũng chính là thành công của doanh nghiệp. chỉ sau hơn 2 năm "chia lửa" với nông dân, với quyết sách vừa đúng với xu thế phát triển của cơ chế thị trường, vừa trúng với nhu cầu bức thiết của người nông dân, NMPLHR đã hội đủ điều kiện để trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên cổ phần hoá thành công ở Thanh Hoá

.Lúc ấy nhiều giám đốc đã tìm mọi cách, lách mọi cửa để trốn cổ phần hoá. Vì cổ phần hoá DN nghĩa là... "tự treo" chức giám đốc. Cổ phần anh phải lớn, tài năng anh phải cao, cổ đông mới bầu anh vào chức giám đốc. Thiếu một trong hai thứ đó mất chức lúc nào không hay.

Nhưng với Hưng... một năm sau cổ phần hoá, doanh thu đạt 10 tỉ đồng, tăng gần 4 lần so với 2 năm trước đó, lợi tức cổ phần lớn gấp 3 lần lãi tiết kiệm ngân hàng. Đây là những yếu tố tiên quyết thúc đẩy Hưng âm thầm chuẩn bị mọi nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho những bước bứt phá lớn sau này.

Viết tiếp bản hùng ca Hàm Rồng

Khi giới thiệu Lê Văn Hưng với tôi mấy năm về trước, ông Đinh Viết Ba - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá - đã có một nhận xét rất tinh tế: "Việc vực dậy một NMPLHR khỏi hoạ phá sản không đơn giản chỉ là tạo việc làm cho công nhân, mà quan trọng hơn còn là cách gìn giữ, bảo tồn một góc của di tích Hàm Rồng" (NMPLHR và cầu Hàm Rồng đều nằm trong quần thể du lịch văn hoá sinh thái Hàm Rồng).

Bây giờ, khi mà mọi khó khăn, cơ cực và cả điều tiếng nữa đã phải nhường bước cho cái "liều", cái "hâm" của Hưng, anh mới chậm rãi bộc bạch: "Trong chiến tranh, họ đã hy sinh xương máu để làm nên lịch sử. Vậy mà giữa hoà bình lại cam chịu đói nghèo. Là một người lính không chịu nổi nghịch lý, tất cả mọi gắng gỏi của mình, chỉ là để hoá giải cái nghịch lý đó thôi".

Quá trình hoá giải nghịch lý chính là những nỗ lực nâng cấp hoá thân một NMPLHR thành một TCTCPHR đa chức năng bao gồm các vệ tinh NMPLHR, Xí nghiệp nước mắm Thiên Hương (thành lập năm 2002), NM gạch tuynen Sơn Trang (thành lập năm 2004), tạo việc làm cho hàng ngàn lao động vốn là nông dân đã một thời sống chết với Hàm Rồng.

Tuy nhiên, khi lập 2 vệ tinh mới Thiên Hương và Sơn Trang, thêm một lần nữa, Hưng lại phải thế chấp nhà vay vốn cho nó hoạt động. Nhưng không có chiến tranh xảy ra, vì đây là lần thế chấp đã được vợ... cho phép.

Với "giấy phép đặc biệt" ấy, tổ hợp phân - gạch - mắm đã mang lại cho TCTCPHR 43 tỉ doanh thu (năm 2007 tăng 18,7% so với năm 2006). Sau nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương công nhân (bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng) và tái sản xuất mở rộng, Hưng vẫn không quên dành hàng trăm triệu đồng cho Quỹ Xã hội từ thiện.

Theo ông Đỗ Đức Nghiên, "hàng trăm triệu đồng từ thiện mỗi năm so với các doanh nghiệp "đại gia" là một con số khiêm tốn, nhưng với những người nông dân nghèo, thì ý nghĩa vô cùng. Nó không chỉ là tiền, mà còn bao hàm cả văn hoá nữa!".
Vì người nghèo! Vâng. Phải là một người dũng cảm lắm mới dám thế chấp nhà mình để lo bữa ăn cho người khác! Phải là người chu toàn lắm, có tâm lắm mới nghĩ đến góc độ văn hoá, lịch sử trong mỗi việc làm hôm nay!

Với Hưng, không đơn giản chỉ là kinh doanh và lợi nhuận - tôi rất hiểu - tự đáy lòng mình, Hưng còn đang ấp ủ, còn muốn làm nhiều hơn nữa cho vùng đất đã một thời là "chảo lửa" chiến tranh này. Và đó, chính là cách viết tiếp bản hùng ca Hàm Rồng cho con cháu mai sau...

Theo Vọng Thanh (Lao Động)