QĐND - Thăm lại chiến trường Xuân Lộc (Đồng Nai), dưới bóng hàng cây mát rượi, vị tướng già dạn dày trận mạc không khỏi nao lòng, nhớ về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trong 12 ngày đêm diễn ra trận đánh ác liệt mở toang “cánh cửa thép” phía đông bắc Sài Gòn. Nơi đây giờ đã thành một vùng nông thôn mới điển hình của cả nước với những vườn cây trĩu quả, đường làng sạch đẹp, đời sống người dân yên bình, sung túc. Dấu tích của chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng với ông, chiến trường Xuân Lộc ngày đó vẫn vẹn nguyên trong ký ức…

Thắng lợi từ sự thay đổi cách đánh

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ, vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi từng vị trí triển khai đội hình chiến đấu của đơn vị trong chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc-Long Khánh 40 năm trước. Thời gian cùng sức vươn của đất và người nơi đây đã che phủ dấu tích chiến tranh, hàn gắn vết thương do bom đạn cày xới. Cùng chúng tôi tới Khu tưởng niệm Chiến thắng Xuân Lộc-Long Khánh, ông đứng lặng tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống trước ngày toàn thắng. Địa điểm đặt tấm bia này chính là nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất. Giờ đây, một công viên xanh đã mọc lên cùng những tuyến phố khang trang, sầm uất, thay thế cho sự hoang tàn, vụn vỡ năm xưa. Niềm vui ánh lên trên gương mặt vị tướng già, nhưng cũng không làm ông nguôi ngoai nỗi nhớ. Ông cho biết:

- Chính tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã cùng tôi xông pha trận mạc, đập tan chiến lũy án ngữ cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn và đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chiến tranh khốc liệt gắn liền với mất mát, đau thương và những chiến công vang dội…

Trung tướng Lê Nam Phong trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc và các bạn trẻ về trận Xuân Lộc.

Trong ký ức của vị tướng trận mạc, cuộc chiến Xuân Lộc là cuộc đọ sức sinh tử của Sư đoàn 7 và các đơn vị Quân đoàn 4 với kẻ thù hung hãn do đế quốc Mỹ tạo dựng ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Cứ điểm Xuân Lộc được trang bị đầy đủ, quân số đông và được chi viện hỏa lực tối đa, bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa xác định: Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại:

- Ngày 3-4-1975, tại Sở chỉ huy Quân đoàn 4 ở đông cầu La Ngà (Định Quán, Đồng Nai) diễn ra cuộc họp bàn về phương án đánh Xuân Lộc. Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng Bộ tư lệnh Quân đoàn đã đi đến kết luận: Dùng sức mạnh để giải phóng Xuân Lộc, tập trung lực lượng gồm 3 sư đoàn, 1 lữ đoàn pháo binh đánh nhanh vào các mục tiêu then chốt. Theo đó, quân đoàn giao cho Sư đoàn 7 tiến công hướng chủ yếu, đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy. Sư đoàn 341 đảm nhiệm hướng quan trọng, đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. Sư đoàn 6 (Quân khu 7) ngăn chặn địch từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con. Thực hiện phương án, tôi tổ chức lực lượng trinh sát nắm địch, xây dựng quyết tâm, triển khai đội hình sẵn sàng đợi lệnh.

Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được một nửa thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt bên trong. Riêng hướng Sư đoàn 7 không đột phá được, quân số bị tiêu hao phải đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu. Trung tướng Lê Nam Phong hồi tưởng:

- Do lúc đầu ta đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng tuyến phòng thủ Xuân Lộc và sự chống trả quyết liệt của địch nên quá trình tiến công gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Bởi vậy, Bộ tư lệnh Miền và Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo thay đổi cách đánh mới là chia cắt và cô lập lực lượng địch tác chiến ở Xuân Lộc với Biên Hòa. Quân ta ngừng tiến công các mục tiêu, chuyển sang đánh cắt Đường 1 để cô lập Xuân Lộc. Sư đoàn 7 phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, Trảng Bom, bẻ gãy các đợt phản kích của quân ngụy… Có một chi tiết khá thú vị, khi các đơn vị của ta bắt đầu dãn ra khỏi Xuân Lộc để thực hiện cách đánh mới, đối phương hý hửng, tưởng đã đánh bại ý đồ tiến công của ta. Chúng rêu rao, thách thức quân ta phá được tuyến phòng thủ kiên cố Xuân Lộc. Nào ngờ, đúng ngày 15-4, pháo tầm xa loại 130mm của Quân đoàn 4 nã đạn bắn phá, khống chế Sân bay Biên Hòa liên tục ngày đêm không cho máy bay tiêm kích của địch cất cánh yểm trợ, làm giảm sức kháng cự của chúng. Tận dụng thời cơ, Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 95 của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18 ngụy) tại Kiệm Tân, Dầu Giây; đồng thời, đánh chiếm cao điểm Núi Thị, tách Xuân Lộc khỏi sự chi viện của địch từ hướng tây. Địch tại Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Thừa thắng xông lên, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục chiến đấu, đánh tan tác hai Chiến đoàn 43 và 48 cùng một bộ phận quân dù. Trước nguy cơ bị tiêu diệt và không còn khả năng phòng thủ, ngày 18-4, quân địch rút khỏi Xuân Lộc, chỉ để lại một bộ phận nhỏ nhưng cũng tháo chạy nốt vào đêm 20. Rạng sáng 21-4, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan hoàn toàn. Thị xã Long Khánh được giải phóng.

Kể đến đây, ánh mắt vị tướng già tràn đầy niềm vui và tự hào của người chiến thắng. Lịch sử đã ghi nhận, chính sự thay đổi cách đánh sáng tạo, phù hợp, kịp thời đã giúp cho các đơn vị liên tiếp giành thắng lợi. Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, nguyên Phó giám đốc về Chính trị Học viện Lục quân, lúc đó là Phó chính ủy Sư đoàn 7, kể:

- Tôi còn nhớ, trong trận Xuân Lộc, khi đơn vị tổ chức đánh lữ đoàn dù của địch đến tiếp viện, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong đã lệnh cho một tiểu đoàn bí mật ngụy trang kỹ dưới lớp lá cao su rồi đột nhiên xuất hiện chặn đứng việc chuyển quân của lữ đoàn dù ngụy đến chi viện cho Xuân Lộc. Do bị đánh quá bất ngờ, hàng trăm tên địch bỏ mạng tại chỗ, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng. Số còn lại hoang mang, co cụm chống đỡ yếu ớt, thương vong lớn không thể vào cứu viện cho Xuân Lộc. Thắng lợi này đã góp phần không nhỏ làm cho quân địch thất bại hoàn toàn.

“Tiếp lửa” cho thế hệ hôm nay

Trung tướng Lê Nam Phong trở về với đời thường sau hơn 50 năm quân ngũ. Nói là nghỉ hưu nhưng dường như ông chẳng nghỉ chút nào. Với danh tiếng của vị tướng trận mạc, mặc dù đã gần tuổi 90 nhưng ông vẫn minh mẫn, tinh tường và thường tham gia các chương trình giao lưu, nói chuyện truyền thống để bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Còn nhớ, trong một chương trình giao lưu với những học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ, khi kể về trận chiến Xuân Lộc, bất chợt Trung tướng Lê Nam Phong hỏi: “Địch mạnh, giằng co mãi không dứt, ta phải làm gì?”. Nhiều bạn trẻ xung phong trả lời. Người nói phải kiên trì tiến công, người đưa ra phương án khích lệ chiến sĩ. Có ý kiến cho rằng, phải huy động tổng lực, tiến công từ nhiều hướng, mũi, thọc sâu tiêu diệt mục tiêu chủ yếu… Vị tướng già mỉm cười, bảo: “Ở từng phương diện, các ý kiến đều đúng. Nhưng trong trường hợp cụ thể cần sự sáng tạo. Cái cốt lõi là nắm chắc địch, đánh giá đúng đối phương để có phương án thích hợp, lựa chọn cách đánh tối ưu nhất mới hạn chế được tổn thất và giành thắng lợi”. Nói rồi, ông lấy dẫn chứng từ chính trận Xuân Lộc, nêu lên cả hạn chế của ta và sự sáng suốt thay đổi chiến thuật chia cắt địch. Câu chuyện của ông hấp dẫn, chân thực, sinh động và có sức thuyết phục cao đã “tiếp lửa” cho những sĩ quan tương lai phấn đấu học tập, luyện rèn, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn trên từng cương vị công tác. Bỗng nhiên, tôi nhớ đến lần giao lưu mới đây, Trung tướng Lê Nam Phong kể chuyện truyền thống cho tuổi trẻ quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nơi ông sinh sống. Một bạn trẻ hỏi, điều gì đã thôi thúc ông tự nguyện cống hiến cho cách mạng ngay từ khi mới tuổi thiếu niên, dù biết đó là con đường vô cùng gian khổ, hiểm nguy? Trung tướng Lê Nam Phong trả lời mộc mạc: Đó là lòng căm thù giặc và ý thức tự tôn dân tộc. Ông lý giải: Đất nước mình nhưng quân thù xâm chiếm; đồng bào mình bị nó phỉ báng, khinh khi; nhà của mình nhưng nó đập phá tan tành, đổ nát; mồ mả tổ tiên mình bị nó giẫm đạp, cày xới… Chứng kiến những điều phi lý, đau thương ấy, dòng máu Lạc Hồng nổi lên sẽ tạo ra những con người xả thân vì Tổ quốc, đồng bào. Chân lý ấy tồn tại hiển nhiên, ở thời kỳ lịch sử nào cũng vậy…

Câu chuyện ông kể đã khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm trong thế hệ trẻ Thành phố mang tên Bác, gieo vào lòng họ một niềm tin mãnh liệt về sức mạnh quật cường tiềm ẩn trong mỗi con dân đất Việt; đồng thời, giúp họ có cái nhìn chân thực về những sự kiện lịch sử của dân tộc và thêm kính trọng, tự hào đối với lớp lớp thế hệ cha anh đã viết nên những chiến công hiển hách.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH