Như chúng ta biết: trên đường đi Trùng Khánh (Trung Quốc) gặp Chu Ân Lai, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh Chính phủ TƯ Quốc dân đảng (Quốc Cộng hợp tác lần thứ 2), để phối hợp phong trào cách mạng hai nước và phong trào cách mạng thế giới; ngày 27-8-1942, khi vừa tới thị trấn Túc Vinh (Quảng Tây), Hồ Chí Minh đã bị nhà cầm quyền Quốc dân Đảng (QDĐ) bắt giữ trái phép. Từ ngày đó, họ lưu đày Người trên chặng đường dài hơn 1.000 cây số, qua 13 huyện, thị, 18 nhà ngục (trong đó có ngục đá Phan Long nằm lưng chừng núi đá vôi, như một địa ngục trần gian).
Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của các đoàn thể Cách mạng trong nước, của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều nhân sĩ tiến bộ trong hàng ngũ chóp bu QDĐ, dư luận Liên Xô và thế giới; Tưởng Giới Thạch buộc phải trả lại tự do cho Hồ Chí Minh ngày 9-8-1943.
Thời gian này, ở Liễu Châu, đại bản doanh đệ tứ Chiến khu do tướng Trương Phát Khuê làm Tư lệnh đang rầm rộ triển khai kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" đánh Nhật. Họ cũng đang ra sức lôi kéo, tập hợp các "chính khách Việt Nam" lưu vong hoặc mới chạy sang đây để làm những con bài chính trị trên chính trường Việt Nam sau này. Đó là những "Việt cách", "Việt quốc", "Việt Nam giải phóng đồng minh Hội", "Việt Nam phục quốc quân" v.v.. với những cái tên người Việt Nam đã quá quen Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trương Bội Công, Trần Báo, Trần Văn An... Những "chính khách" này đang xúm xít quanh hầu bao của đệ tứ chiến khu, nhưng lại ra sức tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, đả kích nhau thậm tệ. "Việt..." nào cũng khoe mình là người cách mạng chân chính.
Tưởng Giới Thạch buộc phải trả lại tự do cho Hồ Chí Minh nhưng không để Người tự do về nước. Bởi như thế, theo ông ta: khác nào chắp thêm cánh cho đại bàng! Tưởng đã chỉ thị cho tướng Trương Phát Khuê giữ khéo Người ở lại Liễu Châu, lợi dụng uy tín, tài trí của Người để ổn định các vị "chính khách" kia. Hồ Chí Minh bị giữ lại Liễu Châu, quan hệ với các nhóm này sẽ gieo rắc sự nghi ngờ trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam!
Đòn hiểm của Tưởng phóng ra, những tưởng một mũi tên trúng nhiều đích!
Hồ Chí Minh hiểu rằng: nếu cứ nằng nặc yêu cầu họ phải trả Người về Việt Nam thì Tưởng và Trương sẽ không khoanh tay để Người an toàn trên con đường hơn 600 cây số đến biên giới Việt-Trung. Người còn được biết, tổng tư lệnh du kích vượt biên Sái Đình Khải và đại tá Trương Bội Công (người Việt Nam) đã rải hơn 10.000 lính biên phòng giáp biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng. Với Tưởng và Trương chẳng mấy khó khăn ngụy tạo chứng cớ để hạ đối thủ như họ đã từng làm. Cộng sản Trung Quốc là đối thủ của họ. Cộng sản Việt Nam cũng là đối thủ của họ. Với những con người xảo quyệt, mạnh hơn ta về nhiều mặt, người Cách mạng không thể mạo hiểm, phiêu lưu trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và hiểm nghèo. Người Cách mạng phải biết tạo ra thời cơ để thúc đẩy Cách mạng tiến lên. Hồ Chí Minh đã "dĩ bất biến, ứng vạn biến", chấp nhận lời mời của Tưởng, nhưng có điều kiện...!
Dao vọng nam thiên ức cố nhân
(Trông vời trời nam nhớ bạn xưa)
Câu thơ cuối trong bài thơ "Mới ra tù tập leo núi" Người ghi lại trên lề tờ "Quảng Tây nhật báo" cùng những bức thư gửi cho hai ông Phạm Văn Đồng và Vũ Anh đang hoạt động ở Nam Ninh (cách Liễu Châu 300 cây số) đã nói lên tâm trạng của Người, cùng là những chỉ thị cho các đồng chí ở trong nước về những công việc cần phải làm ngay để đẩy mạnh Cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới.
Vào một ngày tháng 12-1943, sau khi Người đã dời về ngôi nhà số 2-123 đường Liễu Thạch, khu Ngư Phong; nhân một dịp gì đó, tướng Hầu Chí Minh, bí thư QDĐ, chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu đã mở đại yến trọng thể chiêu đãi các vị khách quý. Trong số khách mời có Hồ Chí Minh với danh nghĩa thượng khách. Ngoài ra còn một số "chính khách Việt Nam" như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh... cùng các tướng lĩnh chóp bu đệ tứ chiến khu.
Khi cốc rượu khai vị và những lời chúc sức khỏe Hồ Chí Minh và mọi người của chủ tiệc vừa cạn, Nguyễn Hải Thần nhìn ông chủ họ Hầu như có ý xin phép. Ông ta hắng giọng:
- "Ngộ" xin ra một vế đối cho vui bữa tiệc của hầu tướng quân. (Nguyễn Hải Thần nói tiếng Việt như một người Tiều Chợ Lớn).
"Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh"
Xong, ông ta nhìn về phía Hầu Chí Minh đang đứng cạnh Hồ Chí Minh bộc lộ sự trung thành với ông chủ. Ông ta nhìn mọi người, thách thức:
- Chư vị nào có tài xin "tối" (đối) cho!
Ông ta xoa hai tay vào nhau, liếc xéo sang Hồ Chí Minh.
Đối, phú là loại hình văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, là kiểu "chơi chữ" tinh tế, bộc lộ trình độ học vấn và xã hội uyên bác của người ra đối và người đối.
Hai phút đã trôi qua!
Mọi người nhìn nhau, không biết nên đối như thế nào? Cái khó và hóc hiểm của câu ra đối là hai chữ "Chí" và "Minh" đều trùng với chữ đệm và tên của chủ tiệc và thượng khách trong đại yến. Nguyễn Hải Thần còn mánh khóe đổ đồng Hầu Chí Minh và Hồ Chí Minh là hai đồng chí của nhau:
"Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng"
Phải đối thế nào để không mất thể diện Hầu Chí Minh?
Vế đối lại phải mang ý nghĩa sâu sắc, nhân cách cao thượng! Và dứt khoát, tôi không phải là đồng chí của các vị.
3 phút đã trôi qua!
Nguyễn Hải Thần càng dương dương tự đắc với trình độ Hán học của mình.
Bỗng Hồ Chí Minh bước lên một bước, tách khỏi Hầu Chí Minh; rồi Người quay lại nói với cả hai:
- Tôi xin phép được đối!
- "Ngộ" piết (biết) mà. Các vị hãy nghe ngài Hồ Chí Minh trổ tài!
Hồ Chí Minh nâng cốc chúc sức khỏe Hầu Chí Minh và các vị khách.
Mọi người nín lặng chờ đợi. Bỗng giọng Người vang động, tự tin và khúc triết:
- "Nhĩ cách mạng, ngã cách mạng, đại gia cách mạng, mạng tất cách"
Vế ra của Nguyễn Hải Thần có 13 chữ. Vế đối của Hồ Chí Minh cũng có 13 chữ, vế ra của Nguyễn Hải Thần có 4 chữ Chí. Vế đối của Hồ Chí Minh có 4 chữ Cách. Cách mạng đối với Chí Minh. Vế ra của Nguyễn Hải Thần có 2 chữ Hai vị. Vế đối của Hồ Chí Minh có 2 chữ Mọi người.
"Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách".
Hồ Chí Minh không lấy tên một cá nhân nào để đối lại mà ý tứ rất chỉnh, tính tư tưởng cao, nghĩa là quan điểm chính trị của các anh phải thay đổi đi, phải cách đi.
Nghe xong vế đối của Hồ Chí Minh, cả phòng đại yến rộ lên những tràng vỗ tay tán thưởng. Cử tọa không ngờ Hồ Chí Minh thông minh, tài trí như vậy. Những lời bình luận của cử tọa râm ran mãi không dứt. Tướng Hầu Chí Minh phải phác một cử chỉ xin mọi người yên lặng. Ông ta nói rất trịnh trọng:
- Thưa ngài Hồ Chí Minh! Tôi chỉ còn biết nói rằng vế đối của Ngài thật là tuyệt, thật là tuyệt...!
Nguyễn Hải Thần đứng như trời trồng. Một lần nữa ông ta hiểu rằng: Ông ta đã gặp một đối thủ lớn hơn mình một cái đầu. Nguyễn Hải Thần tiếp lời ông chủ họ Hầu:
- Hồ tiên sinh thật là người tài giỏi, thật là người tài giỏi! Tôi xin "pội" (bội) phục! Xin "pội" (bội) phục.
Ta cũng nên biết qua về Nguyễn Hải Thần.
Nguyễn Hải Thần theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc từ rất sớm. Sau này khi phát hiện nhân cách kém cỏi và ý chí bạc nhược của ông ta, Phan Bội Châu đã kiên quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ Việt Nam Quang phục hội. Từ đó, Nguyễn Hải Thần lang thang kiếm sống bằng nghề xem tử vi và đoán tướng số.
Ở Trung Quốc quá lâu, ông ta quên gần hết tiếng mẹ đẻ!
Khi Phan Bội Châu bị bắt, bị đưa về Huế với cái án "An chí chung thân", Nguyễn Hải Thần đã lợi dụng uy tín của nhà chí sĩ yêu nước họ Phan, nhảy ra khôi phục Việt Nam Quang phục hội. Người Việt ở trong nước cũng như ở ngoài nước biết rất rõ chân tướng Nguyễn Hải Thần nên chẳng ai theo! Ông ta lại cắp tráp ngồi trên lề phố Liễu Châu xem tử vi và đoán tướng số. Vì thế, ông ta quen rất nhiều tướng lĩnh QDĐ, kể cả tư lệnh.
Khi Tưởng Giới Thạch (trong phe đồng minh chống phát xít) rục rịch triển khai kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" đánh Nhật thì Nguyễn Hải Thần lại rời hè phố Liễu Châu nhảy ra làm "chính trị". Theo sắp xếp của Tưởng Giới Thạch; ông ta cùng với Trương Bội Công, Trần Báo thành lập ra cái gọi là "Việt Nam cách mệnh đồng minh hội" do ông ta làm Chủ tịch. Hai người kia làm phó chủ tịch. Chỉ vài ngày sau, bộ ba này chửi bới nhau không tiếc lời. Hội rã đám. Nguyễn Hải Thần nằm dài hút thuốc phiện ở trụ sở hội và hàng tháng đến nhận lương ở đệ tứ chiến khu.
Khi chúng ta vừa giành được chính quyền Cách mạng ở Hà Nội thì Nguyễn Hải Thần chạy theo tướng Lư Hán và tướng Tiêu Văn cùng 26 vạn quân Quốc dân đảng vào bắc Việt Nam tước khí giới quân Nhật bại trận.
Thực hiện chính sách đoàn kết, đại đoàn kết, Hồ Chí Minh đã mời Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch Chính phủ lâm thời mở rộng. Ngày 2-9-1945, ông ta được mời lên kỳ đài Ba Đình dự lễ Độc lập.
Sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cả biển người ở quảng trường dậy lên những tràng vỗ tay và tung hô "Hồ Chí Minh muôn năm", "Việt Nam độc lập muôn năm".
Đợi ngớt tiếng vỗ tay, Hồ Chí Minh giới thiệu Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần với những người dự mít tinh. Tưởng mọi người sẽ hoan hô mình như đã hoan hô Hồ Chí Minh. Nhưng cả quảng trường yên lặng như không có gì xảy ra. Ông ta buột một câu cửa miệng như từ trước tới nay ông ta vẫn thế:
- "Tìu... cái tồng pào!"
Đầu năm 1946, 26 vạn quân Tưởng rút về nước. Nguyễn Hải Thần vội vã cao chạy xa bay. Năm 1955, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gửi Chính phủ ta một công hàm hỏi ý kiến Chính phủ ta nên đối xử với Nguyễn Hải Thần như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc chu cấp cho ông ta tiền gạo để ông ta đủ sống những năm tháng còn lại của cuộc đời một "chính khách lưu vong".
PHẠM QUÝ THÍCH
(Theo "Hồ Chí Minh và Trung Quốc" NXB QGPNDTQ- Bắc Kinh 1984)
Bài viết có tham khảo và đối chiếu tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội