QĐND - Dù biết rằng đó là quy luật của tạo hóa, nhưng nghe tin chú Hai Tân từ trần, tôi vẫn thấy chông chênh. Lại thêm một con người tử tế nữa ra đi. Những kỷ niệm về chú - một con người cộng sản chân chính phấn đấu, học tập suốt đời đối với tôi thật khó phai mờ.

Dấn thân vì lý tưởng

Do tính chất công việc, tôi đã gặp chú Hai Tân cách đây gần 40 năm. Đặc biệt từ khi về công tác tại Ban đại diện phía Nam - Báo Quân đội nhân dân (QĐND) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, những lần gặp chú đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Một trong những ấn tượng ấy là tấm gương về sự dấn thân của một con người cho lý tưởng mà mình đã lựa chọn.

Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Ảnh: Thế Anh

Sinh ra trên đất Quảng Trị giàu truyền thống cách mạng, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ là một trong những chiến trường khốc liệt nhất cả nước, chú Hai Tân đã sớm giác ngộ cách mạng. Vào Đảng năm 20 tuổi, bốn năm sau (1950), chú trở thành Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, có lúc được giao làm tỉnh đội trưởng. Năm 25 tuổi chú vinh dự được gặp Bác Hồ. Bài nói chuyện của Bác về đạo đức của người cộng sản đã thành bài học tuyên huấn đầu tiên đã theo chú suốt cuộc đời làm cách mạng và làm công tác tư tưởng văn hóa của Đảng. Năm 1961, chú được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn công tác tăng cường cho Trung ương Cục Miền Nam. Vào Nam, chú được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban.

Chuẩn bị cho Tổng Công kích xuân Mậu Thân 1968, chú Hai Tân được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban chỉ đạo phối hợp các lực lượng đấu tranh chính trị ở nội thành Sài Gòn và phát hiện nhân sĩ giới thiệu cho Trung ương Cục chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Tháng 11-1969, chú bị địch bắt giam ở khám lớn Chí Hòa rồi đầy ra Côn Đảo cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Sau giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), chú Hai Tân tham gia 2 khóa Trung ương, được phân công làm Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa của Đảng rồi về làm Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Vào sinh ra tử, nhiều năm trong nhà tù đế quốc, lúc nào chú Hai Tân cũng thể hiện rõ phẩm chất của một người đảng viên Cộng sản: Dấn thân, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng và đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện thoái hóa, biến chất, mất dân chủ.

Tôi nhớ lại mỗi lần nói chuyện với thanh niên, chú Hai không tự nói về mình mà chỉ kể về những kinh nghiệm của người Cộng sản đã phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng. Đó cũng chính là một đề tài rất hấp dẫn đối với tôi. Đã từng chỉ đạo, có lúc trực tiếp làm Tổng biên tập các tờ Cờ Giải phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ; Tạp chí Lý luận Tiền Phong của Trung ương Cục Miền Nam… chú Hai Tân biết rõ vai trò vị trí của báo chí, truyền thông. Dù bận bịu công tác quản lý, chú vẫn giành thời gian góp ý cho các cơ quan báo chí và trực tiếp viết bài mang tính chỉ đạo tư tưởng.

Vẫn còn mãi trong tôi hình ảnh một ông già có mái tóc bạc như cước, giọng nói trầm ấm, truyền cảm trong mỗi cuộc giao ban báo chí. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng chú không rời trận địa tư tưởng, luôn lắng nghe, chia sẻ với những người làm báo, nhất là thời kỳ bùng nổ thông tin, công nghệ truyền dẫn phát triển đa dạng.

Bước vào tuổi bát tuần, chú vẫn tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương, là Phó ban chỉ  đạo và trực tiếp làm chủ biên Lịch sử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1930-1975.

Suốt đời vì công tác tư tưởng

Như một người sinh ra để làm công tác tư tưởng, dấn thân từ thực tiễn phong phú và đa dạng của cách mạng, chú Hai Tân luôn tìm tòi suy nghĩ tổng kết thực tiễn, đúc kết những bài học kinh nghiệm. Tôi không bao giờ quên, cách đây không lâu khi tôi còn công tác ở Cục Báo chí - Bộ Văn hóa thể thao, chú Hai Tân đến tận cơ quan chúng tôi góp ý về công tác quản lý báo chí. Chú nói rất sâu sắc về mối quan hệ giữa quản lý và phát triển. Quản lý vì sự phát triển. Đặc biệt, khi tôi về làm Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, chú đã đến tận nơi gợi ý nên tổ chức những vệt bài mang tính tổng kết thực tiễn phong phú của Đảng ta, đặc biệt Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

Có lúc hai chú cháu ngồi bàn thảo hàng giờ liền. Chú nói về việc xây dựng mục tiêu lý tưởng, lòng tin cho thanh niên trên các phương tiện truyền thông, trong đó chỉ rõ sự tác động của công tác tư tưởng trên 3 mặt trận: Xã hội, đạo đức và thẩm mỹ. Tôi tâm đắc điều chú Hai nói về xây dựng lòng tin, trong đó vấn đề trực giác (tai nghe, mắt thấy), vấn đề tín nhiệm (tấm gương) là rất quan trọng. Những tổng kết của chú Hai Tân về công tác tư tưởng còn nguyên giá trị, nhất là trong lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Viết về chú Hai Tân, một trong những cây đại thụ của ngành tư tưởng văn hóa của Đảng mà không nói việc ông làm công tác tư tưởng cho chính mình là một thiếu sót. Có lần chú Hai tâm sự, muốn làm công tác tư tưởng cho người khác, trước hết phải làm công tác tư tưởng cho chính mình. Tìm hiểu kỹ ra mới biết, chú Hai muốn nói đến giai đoạn trong nhà lao đế quốc từ 1969 đến 1975. Cũng như nhiều người tù khác, chú Hai Tân cũng có dư luận này nọ khi ở tù. Nhưng tổ chức đã xác định, lịch sử đã chứng minh, chú Hai Tân là một người tử tế, trung thực.

Giờ đây người con ưu tú của đất Quảng Trị, một con người dấn thân, thăng trầm vì lý tưởng cách mạng, suốt đời vì công tác tư tưởng của Đảng đã ra đi. Xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Ông. Cầu mong Ông thanh thản, siêu thoát nơi chín suối.

TP Hồ Chí Minh, ngày 6-8-2014

TRẦN THẾ TUYỂN