Cả nước đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đúng vào dịp chuẩn bị diễn ra một sự kiện trọng đại: bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ nên học tập Bác Hồ với nhiều bài học mẫu mực và nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri, của đại biểu Quốc hội…Trong đó, có những bài học về lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri – một bài học quá khứ rất cần ôn lại trong tình hình hiện nay.

Lời hứa, xét dưới góc độ tâm lý - giáo dục học là một khía cạnh tâm lý phản ánh đạo đức của con người, là biểu hiện của ý chí, quyết tâm và danh dự trước bản thân, gia đình, xã hội. Với các dân tộc ở phương Đông nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng, lời hứa rất thiêng liêng. Nhất là với cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước thì lời hứa ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân với chính quyền.

Sinh thời, Bác Hồ dù trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ hay với tư cách một công dân bình thường đều rất trân trọng và nghiêm túc giữ gìn lời hứa. Đúng như lời tuyên thệ mà Bác thay mặt Chính phủ mới hứa trước quốc dân đồng bào, trong khi thực hiện Tổng tuyển cử, Người rất tôn trọng dân chủ, công khai và công tâm, minh bạch. Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch uỷ ban nhân dân và đại biểu các giới đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!”. Đồng bào ở nhiều nơi khác cũng viết thư với đề nghị tương tự. Thế nhưng, Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Người viết: “ Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nên tôi không thể vượt qua thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”.

Nói đi đôi với làm, đã hứa thì không bao giờ quên, đó là một trong những nét phẩm chất đạo đức cách mạng dung dị nhưng thật đáng trân trọng của Bác Hồ. Cuốn sách Chuyện về những người con nuôi của Bác Hồ có kể lại câu chuyện một phụ nữ Pháp được vinh dự được Bác Hồ nhận làm con nuôi. Cô sang Hà Nội từ lúc còn rất nhỏ và Bác hứa khi nào cô xây dựng gia đình, Bác sẽ có quà cho cô. Thật bất ngờ, hàng chục năm sau, giữa bối cảnh Hà Nội bom rơi đạn nổ, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc; cô bất ngờ nhận được món quà của Bác Hồ gửi tặng. Bác vẫn nhớ lời hứa năm nào. Hay trong lần đi kiểm tra vỡ đê ở Hưng Yên, Bác nói Bác sẽ về thăm sau khi đê mới được hoàn thành. Thế rồi, giữ đúng lời hứa, 4 tháng sau Người trở lại kiểm tra, dặn dò cụ thể, tỷ mỉ…Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, người đã 17 năm chuyên chụp ảnh phục vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, thường xuyên được gần gũi Bác Hồ có kể lại: Bác rất gương mẫu và trân trọng lời hứa. Trung ương ra chỉ thị gì là Bác thực hiện trước. Giản dị nhưng nghiêm khắc. Vụ án đại tá cục trưởng Trần Dụ Châu ăn xén ăn bớt của công giữa lúc toàn dân, toàn quân đang đồng cam cộng khổ kháng chiến kiến quốc, Bác trăn trở đau khổ rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn quyết định phải xử tử hình để làm gương, để giữ lời hứa trước quốc dân, đồng bào.

Những năm gần đây, Quốc hội nước ta đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, đặc biệt là hoạt động chất vấn, được nhân dân cả nước và dư luận thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một thực tế đáng buồn là không ít đại biểu với tư cách là người đứng đầu một số bộ, ngành, cơ quan mặc dù thường xuyên “hứa” trước Quốc hội, trước cử tri sẽ nhanh chóng chỉ đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm của lĩnh vực mình phụ trách, nhưng trên thực tế hiệu quả chuyển biến lại rất ì ạch. Thậm chí, có đại biểu khi bị chất vấn còn “quên” chính lời hứa của mình.

Để không còn những điều đáng tiếc ấy, mong sao các đại biểu Quốc hội nói riêng, cán bộ, công chức nói chung hãy luôn trân trọng và giữ gìn lời hứa của mình.

TRẦN THỊ THANH DUNG (Giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh – thành phố Thái Bình)