Độc lập-tự chủ, tự lực-tự cường là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại. Người từng nói: "muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải giúp lấy mình đã". Tự lực cánh sinh là một truyền thống quý báu của cách mạng nước ta.
Con số hơn 5,4 tỷ USD viện trợ phát triển (ODA) mà các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam vay ưu đãi vừa qua đã chứng tỏ niềm tin của các nhà tài trợ đối với khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển của Việt Nam. Song, kèm theo đó là nỗi lo trả nợ sau này, vốn là "bài toán khó" đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
ODA vẫn được ví như "con dao hai lưỡi", vì ngoài những tác động tích cực không thể phủ nhận đến quá trình phát triển, nó có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại vì gánh nặng nợ nần. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010 của Việt Nam dự tính ODA sẽ đạt 19 tỷ USD vốn cam kết. Với số dân hiện nay của nước ta, trong vòng 5 năm đó, mỗi người dân sẽ phải trả khoản nợ không nhỏ so với thu nhập.
Bản chất thật sự của sử dụng nguồn vốn ODA là một sự đánh đổi. Tuy ODA là nguồn vay hỗ trợ có tính ưu đãi song không là phải "cho không" mà là "có vay, có trả", gắn với những điều kiện ràng buộc của quốc gia hay tổ chức cung cấp viện trợ. Nhiều khi những điều kiện để đổi lấy ODA là rất khắt khe. Đó là chưa kể một số nước còn coi ODA như một công cụ chính trị và ngoại giao lợi hại.
Một kết luận được nhiều quốc gia rút ra là ODA đóng vai trò quan trọng chứ không phải quyết định sự phát triển vì thực chất đó là nguồn gây nợ. Vì vậy, cần phải quán triệt tinh thần tự lực cánh sinh và cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để mỗi đống vốn ODA đều được sử dụng với hiệu quả tối đa.
Ý thức rất rõ kinh nghiệm này, Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp để phát huy tối đa các lợi ích từ ODA, cụ thể là quyết liệt chống tham nhũng và chú trọng phát triển bền vững để phát huy nội lực trong phát triển. Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn ODA phụ thuộc vào nguồn vốn ODA trong các năm tiếp theo. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc từng trả lời báo giới rằng: "Chúng ta sẽ phát huy nội lực và hạn chế sử dụng vốn vay ODA để phát triển kinh tế". Ông cho biết, xu hướng sử dụng ODA của thế giới sẽ giảm dần trong giai đoạn 2010-2015 và giảm hẳn từ sau năm 2015. Ông hy vọng Việt Nam sẽ giảm dần vay nguồn vốn này.
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định, sức mạnh của Việt Nam là ở việc phát huy mọi nguồn lực của đất nước, đồng thời đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác quốc tế. Đến nay, tư tưởng đó của Người vẫn còn nguyên giá trị trong thời kỳ xây dựng đất nước, phát triển kinh tế.
MỸ HẠNH