Thuở thiếu thời từng đi bụi đời, 20 năm sau, cậu bé ấy trở thành bác sĩ. Ngày ra trường, trong khi ai cũng cố xin vào làm tại các bệnh viện lớn thì riêng anh lại đau đáu ý nguyện: “Phải chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cũng như những đứa trẻ bụi đời vì trong xã hội vẫn còn nhiều người nghèo khó lắm!”. Nghĩ thế nào, anh vào cuộc như thế đó. Cái tên bác sĩ “bụi đời” gắn liền với những mảnh đời bất hạnh lần đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh là bác sĩ Trương Thế Dũng.
Mang ơn người chiến sĩ công an
Mới 5 tuổi, Dũng đã được gửi vào một cô nhi viện ở Đà Nẵng. Chán chường với hoàn cảnh của mình, lại thêm mặc cảm khi chúng bạn có gia đình, được chiều chuộng yêu thương, Dũng bỏ trốn khỏi cơ sở và đi bụi ở ga xe lửa Đà Nẵng. Đói, khát, cậu bé đi xin cơm thừa của những hành khách tốt bụng. Có lần đi qua các quán ăn, mới cầm vội những tô phở thừa để húp nước thì Dũng bị những người ác tính đá liểng xiểng.
 |
Bác sĩ “bụi đời” (người đội mũ tai bèo) cùng các thành viên trong đoàn gánh thuốc |
Đến khi lên 10, một hôm vì quá đói, Dũng ngất xỉu ngay bên đường ray. Cũng may, bà con xung quanh phát hiện và đưa cậu nhóc ra khỏi khu vực vì tàu lửa sắp chạy qua.
Thương tình đứa trẻ bụi đời, một chiến sĩ công an của Công an thành phố Đà Nẵng, sau này Dũng mới biết ân nhân của mình tên là Trương Minh Tuấn (đã quá cố) đưa Dũng về nhà mình nuôi dưỡng. Dũng nhận anh Tuấn làm anh nuôi. Ba má của anh Tuấn, Dũng nhận làm ba má nuôi. Chính tình thương yêu của những người xa lạ đã gieo mầm về bài học tình người của cậu bé bụi đời.
Dũng được ba má nuôi, anh nuôi khuyến khích đi học lại. Vốn lanh lẹ nên chuyện đó không quá khó với Dũng. Năm 1998, Dũng thi đậu vào Đại học Y Huế với số điểm gần thủ khoa, nhưng Dũng chuyển sang học trung cấp Y Trung ương 2 tại Đà Nẵng cho gần nhà. “Tôi chỉ muốn học nghề y để được làm bác sĩ, gắn bó với người nghèo không có tiền đến bệnh viện”- Dũng tâm sự.
Vác ba lô lên đường
Năm 2000 sau khi tốt nghiệp trung cấp Y, Dũng muốn thử sức ở một môi trường mới nên quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tiên là anh theo học chuyên tu tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, ngành bác sĩ chuyên khoa. Đó là chuỗi ngày chàng trai Đà Nẵng phải làm tất cả mọi nghề để có tiền trang trải chi phí học tập, nhà trọ và quan trọng nhất là đi đến tận cùng ước mơ làm bác sĩ. Không quen đường, Dũng vẫn nhận đi bán kính dạo với quầy hàng di động. Rồi Dũng lại xoay sang bán tập vở Vĩnh Tiến, sau đó làm nghề chạy xe ôm, suốt ngày rong ruổi ngoài đường. Nhiều đêm về đến nhà trọ, nước ngập lênh láng, bụng đói meo, Dũng thiếp đi vì mệt. Nhưng trong giấc mơ của chàng trai trẻ, ước mơ cầm được tấm bằng cử nhân y khoa vẫn hiện ra thật đẹp.
Quãng thời gian sinh viên, Dũng đã cùng các thầy cô, đồng nghiệp tham gia các chuyến đi khám bệnh từ thiện tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Tháng 6-2004 anh có dịp đến Ninh Bình, đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh này. Anh tham gia khám, chữa bệnh cho người nghèo. Không ít người lần đầu tiên biết đến những viên thuốc tây, và có lẽ cũng lần đầu tiên được khám bệnh.
Ra trường cuối năm 1994, Dũng tự nguyện làm việc tại một tổ chức nhân đạo trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên chăm sóc những người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Những kiến thức học được đã giúp Dũng xích lại gần hơn với bao mảnh đời xấu số và tìm cách kéo dài sự sống cho họ.
Đến năm 2006, bác sĩ Dũng chữa thành công căn bệnh thấp khớp mãn tính cho một bệnh nhân. “Tiếng lành đồn xa”, anh được mời về làm việc cho một phòng khám tại quận 9. Thế nhưng, ngày ngày anh vẫn nhớ đến bao mảnh đời khốn khổ ở các tỉnh nghèo mà mình đã đi qua, Dũng cảm thấy còn mắc nợ họ nhiều lắm. Thế là tháng 8-2006, anh rủ các đồng môn, nay là đồng nghiệp gồm: Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, nha sĩ Trần Thị Tuyết Nhung (BV An Sinh) lên đường đi các nơi nghèo khó của Ninh Thuận, Cà Mau, Quảng Nam để khám, chữa bệnh cho người nghèo. Ba con người, ba cái ba lô nhưng chung chuyến xe đò và chung một ước mơ giản dị: Cứu người. Đó là điều trái tim thúc giục họ phải làm.
“Đồng bào ở đó chỉ ăn cơm với muối nên rất ốm yếu. Trong những ngày ở cơ sở, chúng tôi đã tổ chức bữa ăn dinh dưỡng và hướng dẫn bà con cách ăn uống tránh bệnh tật”- Dũng kể lại những ngày đi ra tận xã Sinh Vinh, huyện Suối Khiết (tỉnh Ninh Thuận). Tiền và cơ số thuốc khi đó chủ yếu là từ tiền lương, tiền dành dụm của Dũng và các đồng nghiệp tích cóp sau một thời gian dài.
Thấy nhu cầu của người dân nghèo tại các tỉnh khá lớn, sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối năm 2008, anh quyết định đi một bước “chuyên nghiệp” hơn khi thành lập đoàn khám, chữa bệnh từ thiện Niềm Tin, với phương châm: “Cuộc sống không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới mà ta phải vượt qua”. Anh mạnh dạn thuê ngôi nhà số 106 Bạch Đằng, P.2 (Gò Vấp) vừa là nơi khám, chữa bệnh vừa làm trụ sở của đoàn khám, chữa bệnh từ thiện Niềm Tin để các mạnh thường quân gặp gỡ, sẻ chia. Một tháng, tiền thuê nhà lên đến hơn 5 triệu đồng khiến anh phải cố gắng nhiều hơn nữa. Phía trước nhà chỉ có vài mét vuông nhưng Dũng cố gắng mở một quầy cho thuê đĩa. Số tiền lãi ít ỏi mỗi ngày, anh bỏ vào heo ống để dành cho những chuyến đi sắp tới.
Trong năm 2009, anh đã tổ chức nhiều chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa. Vào tháng 8, Dũng cùng 7 thành viên khác bắt xe đò và tổ chức chuyến đi tới làng chài Hồ Đắng - một trong những nơi nghèo “nổi tiếng” của huyện Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu). Số thuốc và quà tặng mang theo trị giá hơn 30 triệu đồng đã hết veo vì có quá nhiều người cần giúp đỡ. Có người dân nghèo đến nỗi bị gãy tay nhưng không có tiền đi bệnh viện, Dũng đã mổ và ghép xương lại cho họ.
Ngay sau đó, đoàn đã có hai chuyến đi ra tận huyện miền núi An Lão (Bình Định)-nơi có nhiều đồng bào người H’rê. Lúc đoàn đến, Dũng phát hiện trường hợp hi hữu khi mẹ con một người dân tộc thiểu số nghi bị bùa ma, uống phải thuốc của thầy cúng và sắp chết. Anh đã nhanh chóng xúc ruột và cứu hai mẹ con thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Cuối năm 2009, trong chuyến đi tới một làng tại huyện biên giới Tân Biên (Tây Ninh), nơi có nhiều người bị nhiễm chất da cam/đi-ô-xin, bà con đã rất cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp nhưng thấm đẫm tình người của những y, bác sĩ chưa bao giờ gặp.
Sống ở đời cần có một tấm lòng
Cách đây không lâu, đồng nghiệp tại bệnh viện Ung Bướu nói với Dũng có một bệnh nhân chuyên đi… quậy phá trong khuôn viên, nên nhờ Dũng tới cảm hóa vì anh có “thâm niên” trong việc này. Dũng có mặt ngay lập tức và dẫn em về nhà mình nuôi.
 |
Bác sĩ Dũng tự nguyện khám, chữa bệnh và chăm sóc tại nhà cho chị Trần Thị Lợi - một bệnh nhân bị ung thư da, quê ở thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) |
Em tên là Luông, quê ở Bến Tre, bị ung thư và hiện đang được tiêm hóa chất để xạ trị nhằm kéo dài sự sống. Mỗi lần như vậy mất hơn 40 triệu đồng mà nhà em lại rất nghèo. Dũng trực tiếp thuê một căn nhà trọ với giá 1,5 triệu đồng/tháng trên đường Phạm Văn Chiêu để dễ dàng chăm sóc các bệnh nhân ngoài đường mà mình thấy và đưa về. Ngoài Luông, ngôi nhà trọ còn có một bệnh nhân khác đang mang trong mình căn bệnh ung thư da quái ác, đó là chị Trần Thị Lợi. Ngày ngày, bác sĩ Dũng có mặt bên giường bệnh kê toa thuốc, chăm sóc và động viên để giúp bệnh nhân khuây khỏa. Mới đây nhất, bà Ngô Thị Lý, 65 tuổi, bị ung thư vòm họng cũng được anh “kéo” về chăm sóc miễn phí.
Trong căn nhà trọ lợp tôn nóng như thiêu đốt, những đứa trẻ bụi đời mà Dũng cảm hóa lễ phép gọi anh bằng Ba rất chân thành. Nghe tin ở Tây Ninh có một người cha cứ nhậu vào say xỉn là bắt con bỏ… xuống giếng, anh cùng các thành viên tìm đến đem về Thành phố Hồ Chí Minh, xin cho đi học. Với Dũng, đạo làm người là điều đầu tiên mà anh phải dạy chúng.
Cuối tháng 1 vừa qua, anh đã cùng các thành viên đoàn Niềm Tin vác ba lô lên đường sang tận Cam-pu-chia để đến với người Việt nghèo ở quận ngoại thành Phnôm Pênh. Đoàn đã đến cây số 6 - nơi nổi tiếng có nhiều người Việt bị HIV/AIDS và cấp hàng trăm cơ số thuốc, gạo cho đồng bào xa quê. Còn ở dưới cầu Sài Gòn của thủ đô nước bạn, một ông lão bị lao rất nặng đã may mắn gặp được Dũng và nhanh chóng có thuốc kháng lao để uống mà bấy lâu nay cụ hoàn toàn không có tiền mua. Bác sĩ Dũng bảo: “Bác cứ về Việt Nam chữa trị. Chi phí hết bao nhiêu, con và anh em sẽ lo nhé!”.
Trở về từ đất nước chùa tháp, Dũng đang cùng các thành viên trong đoàn Niềm Tin dự tính sẽ tiếp tục đi 4 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Huế, Quảng Nam trong hành trình nhân đạo 10 ngày. Tại Ninh Thuận, đoàn sẽ ghé huyện Bác Ái - một trong 61 huyện nghèo nhất nước. Đến miền đất võ Bình Định, đoàn sẽ tới làng phong Quy Hòa. Ra Cố đô, đoàn đến xóm ghe của trẻ vạn đò. Còn đất Quảng, đoàn tới huyện Nông Sơn nơi xảy ra vụ chìm đò kinh hoàng cách đây vài năm. Những nơi đó, nỗi đau nghèo khó và bệnh tật còn rất dài. Hiện tại, bác sĩ Dũng đang cùng các thành viên gấp rút chuẩn bị các cơ số thuốc, cũng như gói quà để trao tặng cho người nghèo (mì ăn liền, sữa, thuốc…). Anh khoe: “Con heo ống từ tiền lời của tiệm cho thuê đĩa chật cứng rồi, phải mau chóng đến với người nghèo thôi”.
Nhìn trong ánh mắt ngời sáng của Dũng, tôi cầu chúc cho những hành trình đến với người nghèo của bác sĩ “bụi đời” luôn được tiếp nối bằng tình yêu thương của những trái tim hồng.
Bài và ảnh: HOÀNG HÙNG