Ngày 8-8-2021, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bước sang tuổi 78, cô Nguyễn Thị Minh Cử đã viết bài thơ “Người chiến sĩ ấy” với những dòng cảm xúc rất bình dị nhưng tấm đẫm nghĩa tình với tặng người chồng tào khang. Trên trang facebook cá nhân của bà, dưới dòng bình luận, bên cạnh những lời chúc mừng, bày tỏ sự khâm phục còn là nhiều câu chuyện của các cựu chiến binh-những người trực tiếp chứng kiến những bước thăng trầm trong cuộc đời của cặp đôi Trường Sơn này nhớ lại…

Từ lần nhận đồng hương

“Anh là một người lính chiến và có năng lực thật sự. Thực tế chiến trường ở Trường Sơn đã tôi luyện anh nhanh chóng trưởng thành dù tuổi đời rất trẻ. Khi tôi vào Trường Sơn, tiếng tăm về anh Hoàng Anh Tuấn đã nổi lắm rồi. Một chàng trai quê ở thị xã Sơn Tây đẹp trai, mới 26 tuổi đã là Chính trị viên tiểu đoàn ca nô 166 nổi tiếng của Trường Sơn bảo đảm hậu cần trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; chuyện anh mới 31 tuổi đã là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng một Trung đoàn công binh của Trường Sơn… Và cả chuyện anh cưa đổ cô y sĩ hoa khôi của Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Trường Sơn cũng rất “nổi” - CCB Phạm Thành Long, nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên tiền phong, Trưởng Ban Tuyên truyền thi đua Hội Trường Sơn cho biết.

 Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Chuyện là tháng 9-1968, sau 7 năm lăn lộn trên các tuyến đường của Trường Sơn, đang là chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn ô tô 245, Hoàng Anh Tuấn được binh trạm cử đi báo cáo thành tích của đơn vị tại Hội nghị quân chính và hội nghị mừng công do Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Trường Sơn triệu tập. Trong những ngày dự hội nghị, Hoàng Tuấn có dịp gặp gỡ và trò chuyện với các đồng chí ở Cục Chính trị. Lần nào ông cũng được nghe họ nhắc đến y sĩ Minh Cử, người Phú Thọ. Nghe nhiều đâm ra tò mò, ông quyết tâm tìm gặp cho được. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể: “Chả hiểu sao lúc đó mình bạo thế. Biết cô ấy là người Phú Thọ nên mới gặp mình nhận đồng hương luôn. Nhưng thực ra mình là người Sơn Tây (Hà Nội). Hồi chống Pháp, gia đình sơ tán lên Phú Thọ, mẹ mình lâm bệnh mất rồi chôn cất luôn ở đấy. Cái cớ nhận đồng hương làm quen này về sau Cử vẫn thường trêu mình mãi, không phải người Phú Thọ mà cứ “vơ vào”.

Nhưng nếu không “vơ vào” như thế thì làm sao Hoàng Anh Tuấn có được người vợ, người đồng chí, đồng đội thủy chung đến tận hôm nay. Bởi ngày đó, y sĩ Minh Cử vốn là con cưng của Cục Chính trị, không ít anh tài để ý đến cô. Cũng từ sau lần gặp ở Cục Chính trị đó, Hoàng Anh Tuấn và Minh Cử bắt đầu trao đổi thư từ cho nhau. Những bức thư đi, thư lại chủ yếu là thăm hỏi, động viên cùng phấn đấu vì lý tưởng chung giống như sợi dây kết nối, để hai người họ hiểu, đồng cảm với nhau hơn. Chẳng biết từ khi nào, tình yêu bắt đầu nảy nở giữa hai con người ấy giữa bạt ngàn Trường Sơn đầy nắng, gió và bom đạn của kẻ thù. Y sĩ Minh Cử tâm sự: “Những con người cùng chung lý tưởng, mục đích thường dễ đồng cảm với nhau hơn. Kể từ lần gặp nhau đầu tiên, phải hai năm sau chúng tôi mới gặp lại. Mọi trao đổi chỉ là qua những lá thư và tin tức của đồng đội vô tình gặp kể lại thế mà lúc nào tôi cũng có cảm giác mình đang ở bên anh ấy”.

Đến chuyện "đại sự" ở... "lều thơ" và xe Gaz

Thật lạ, có lẽ chỉ có ở Trường Sơn mới “nở hoa” những mối tình đẹp, thơ mộng như thế. Biết Minh Cử nhận lời yêu Hoàng Tuấn, một anh lính chiến suốt ngày bám xe, bám đường trên các tuyến lửa, nay sống, mai chết không biết khi nào, có người khuyên cô nên dừng lại. Nhưng Minh Cử hiểu và hoàn toàn tin tưởng sự lựa chọn của mình. Và lẽ dĩ nhiên, cũng có rất nhiều người ủng hộ họ.  

Gia đình chúc mừng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong ngày ra mắt cuốn sách viết về ông, tháng 6-2020. 

Đám cưới diễn ra vào tháng 8-1970 đối với Hoàng Tuấn và Minh Cử cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Lúc này, Tiểu đoàn 52 chuyển về Binh trạm 14. Vào dịp hội nghị quân chính, tổng kết hoạt động mùa khô năm 1969-1970 do Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức, Hoàng Anh Tuấn được giao dẫn đội văn nghệ của binh trạm lên phục vụ hội nghị. Hôm đó, trong “lều thơ” của nhà thơ Trọng Khoát (nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đã mất), Hoàng Anh Tuấn và nữ y sĩ Minh Cử đã bàn bạc tính chuyện hôn nhân. Lúc này Hoàng Tuấn 26 tuổi, còn Minh Cử 22. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: “Nghĩ cũng thật buồn cười. Tình yêu của chúng mình hồi đó cũng “bôn-sê-vích” đáo để. Hai người yêu nhau bàn tính chuyện đám cưới vẫn ngồi ở hai chiếc ghế đối diện nhau, tay không dám cầm. Trước hôm cưới mấy ngày có đoàn chèo Tổng cục Hậu cần về biểu diễn ban ngày, mình và Cử cũng đi xem nhưng mỗi người ngồi ở một đầu… Thoáng cái đã mấy chục năm”.

Một đám cưới đúng chất lính đã được tổ chức trong hội trường là một căn hầm bán âm. Áo cưới là bộ quân phục thường ngày. Đêm tân hôn là một ngày ngồi xe Gaz từ hậu cứ Bộ tư lệnh ở Cổ Giang, Hưng Trạch, Quảng Bình ra ga Vinh (Nghệ An) để tranh thủ phép về quê báo cáo họ hàng. Thế là Hoàng Tuấn-Minh Cử nên vợ thành chồng. Y sĩ Minh Cử tâm sự: “Cưới xong lại mỗi người một nơi. Anh Tuấn về đơn vị tiếp tục vượt Trường Sơn, còn tôi cấp trên điều về Viện 59 làm công tác chăm sóc thương, bệnh binh. Có khi cả năm không nhìn thấy mặt nhau”.

Tình yêu mạnh hơn bom đạn

Dù không được thường xuyên bên nhau như mong muốn của các cặp vợ chồng son, nhưng vợ chồng Hoàng Tuấn-Minh Cử không chút mảy may nghĩ cho bản thân mình. Họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ, từng cùng công tác với cô Cử ở Cục Chính trị nhận xét: “Y sĩ Minh Cử cũng là một người rất dũng cảm và gan dạ. Tôi nhớ khoảng tháng Chạp năm 1971, Cục Chính trị lúc đó đóng bên bờ suối cạnh Đường 9 bị bom B-52. Khi chưa dứt loạt bom thứ ba đã thấy cô ấy đeo túi thuốc ra khỏi hầm đi tìm cấp cứu thương binh. Còn Hoàng Anh Tuấn thì khỏi phải nói rồi, mấy lần thoát chết trong gang tấc”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (đứng thứ nhất, bên phải) trong một lần gặp mặt truyền thống Sư đoàn Ô tô vận tải 571 tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Tú 

Những lần hút chết đó ông đều giấu không cho vợ biết. Một lần khi vượt trọng điểm liên hoàn A.T.P dịp Tết Nguyên đán năm 1971, ông chỉ huy tiểu đoàn xe vừa lên khỏi đèo thì loạt bom B52 của địch rơi xuống giữa đội hình tưởng cả đoàn xe bị xóa sổ, nhưng may là không ai bị thương vong, riêng xe hỏng mất 7 chiếc. Lần khác, khi Hoàng Anh Tuấn rời Trường Sơn về làm Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166, làm nhiệm vụ chi viện cho lực lượng bảo vệ Thành cổ và cánh đông Quảng Trị. Đêm 21-7-1972, trên sông Thạch Hãn, chiếc xuồng chỉ huy trúng thủy lôi, Hoàng Tuấn bật tung người, đập mặt xuống nước, bùn xộc vào mồm mũi. Anh được cứu sống, đưa về Đội điều trị 14 dưỡng thương. Mới nửa tháng, nghe tin tiểu đoàn bị tập kích, ông cố xin về đơn vị làm việc kết hợp điều trị. Đang tập trung sức củng cố đơn vị đẩy mạnh chi viện Thành cổ lại trúng B-52 rải thảm khiến Hoàng Anh Tuấn bị cháy rộp mặt, phải đưa ngay đến bệnh xá đặc công Hải quân điều trị. Ông tâm sự: “Sau mấy lần dưỡng thương, khi soi gương nhìn khuôn mặt phồng rộp, méo mó, mình hình dung khuôn mặt vợ nếu nhìn thấy bộ dạng này... Thế là tự nhiên nước mắt cứ ứa ra”.

Giữa lúc tâm trạng đầy bi quan thì ông nhận được thư của vợ: “Chồng yêu thương của em! Được tin anh bị thương em lo quá, sao lại giấu em. Dù anh có mất một phần thân thể vẫn là chồng của em… Bây giờ sức khỏe của anh sao rồi? Không đêm nào em ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy anh. Em tủi phận quá, nếu lúc này em giữ được giọt máu của anh, hình hài của anh trong lòng em để nâng niu trong những ngày xa vắng!”. Đọc thư và cũng nghĩ đến bao người phụ nữ thủy chung son sắt bên những người chồng thương tật, Hoàng Anh Tuấn như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những mặc cảm, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ...

Vĩ thanh

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn có 47 năm quân ngũ. Trừ 5 năm đầu làm chiến sĩ còn lại ông là cán bộ chính trị từ cấp đại đội cho đến cấp chiến lược. Bom đạn ác liệt, đối mặt với biết bao thủ đoạn hiểm độc của kẻ thù, khó khăn thiếu thốn và vô vàn cạm bẫy từ đại ngàn Trường Sơn đã tạo nên một Hoàng Anh Tuấn có bản lĩnh kiên cường, một cán bộ chính trị giàu kinh nghiệm. Những vốn quý từ thực tiễn chiến đấu trên Trường Sơn ấy, lại được quân đội đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đã giúp Hoàng Anh Tuấn trở thành một cán bộ chính trị giỏi, có bản lĩnh vững vàng. Theo đánh giá của đồng đội và bạn bè cùng thời, trong làm việc và trong cuộc sống, ông không phải là tuýp người sôi nổi hăng hái thích kiểu bề nổi. Ông trầm tính và chân tình khiến người khác dễ gần nhưng ẩn chứa trong đó là sự sắc sảo và chịu nghĩ để tìm phương pháp tiếp cận vấn đề một cách tốt nhất, nhanh mà hiệu quả nhất. Đồng chí, đồng đội không bao giờ thấy ông cáu giận hoặc thể hiện sự không hài lòng ra mặt với ai bao giờ. Trong khi đó phu nhân Nguyễn Thị Minh Cử thì tính cách mạnh mẽ và quyết đoán. Hai tình cách tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng hoàn toàn ngược lại. Họ biết chia sẻ và có nghệ thuật trong “giữ lửa tình yêu”. Vì thế ông bà có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cháu đều là những người thành đạt, có địa vị trong xã hội.

Anh bị thương ở chiến trường/Em xa chỉ biết nhớ thương đợi chờ/Nhận tin quá sốc, bất ngờ/Vượt qua biển lửa sóng xô, may rồi/Chúng mình chia sẻ ngọt bùi/Trải qua gian khó, được vui bây giờ…”- những câu thơ cô Minh Cử viết tặng chồng nhân dịp 27-7-2021 vừa qua, thêm một lần nữa khẳng định tình yêu bền vững, đầy sự sẻ chia, thấu hiểu của họ.

Và nay, chiến tranh đã ở lại phía sau, trước những lo toan của cuộc sống mưu sinh, ông bà Hoàng Tuấn-Minh Cử luôn đồng hành bên nhau. Khi đã về nghỉ hưu, vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn không ngừng cùng đồng đội ở Hội Trường Sơn thực hiện những chuyến công tác tình nghĩa, tri ân cũng như nhiệt tình với các phong trào của hội CCB, Hội Người cao tuổi tại khu phố Hoàng Sâm, nơi ông bà đang sinh sống.    

Bài và ảnh: TUẤN TÚ