QĐND - Đến nhà bạn ở khu tập thể F361 An Dương, Tây Hồ (Hà Nội) vào một chiều cuối thu, vẳng nghe giọng nam trung phát ra từ chiếc laptop. Mình hỏi: “Giọng ca nào đấy”. “Không nhận ra à? Phan Huấn đấy”. “Có phải ca sĩ thể hiện thành công Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu)?”. “Đúng rồi. Bác Phan Huấn ở cách đây mấy nhà. Sang nghe bác chơi đàn piano đi”.
Tự hào là người con Kinh Bắc
Phan Huấn là lớp ca sĩ gạo cội, nhìn ông dễ mến, dễ gần và trong câu chuyện, tôi được biết ông đến với âm nhạc từ rất sớm. Năm 1957, Phan Huấn đạt giải nhất đơn ca tại thành phố Hải Phòng, nên được giấy giới thiệu thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc hệ chính quy 4 năm tại Trường Âm nhạc Việt Nam, do chuyên gia Liên Xô đào tạo, Phan Huấn về Đoàn Ca Múa Hồng Quảng (giờ là Quảng Ninh). Ông chuyển về Phòng Nghệ thuật Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương năm 1967, đã có nhiều công trong việc đào tạo những giáo viên âm nhạc đầu tiên. Ông cũng là người đầu tiên viết giáo trình thanh nhạc cho Trường Sư phạm Nhạc họa; sau này từng tu nghiệp sau đại học tại Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bun-ga-ri). Năm 1985 về nước, ông công tác ở Bộ Giáo dục làm chuyên viên, rồi về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, làm công việc của một nhà đào tạo, một nhạc sĩ.
 |
Ở tuổi 78, nhạc sĩ Phan Huấn vẫn miệt mài sáng tác những ca khúc mới.
|
Trong kháng chiến chống Mỹ, Phan Huấn đã đến với đồng bào, bộ đội khắp nơi: Từ công trường, trận địa đến những vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Những tác phẩm ông thể hiện đều được người nghe ghi nhận và có bản sắc riêng như: Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu); Sông Đắc Krông mùa xuân về (Tố Hải); Đàn T’rưng (Nguyễn Viêm); Tiếng hát dâng Đảng (Lưu Hữu Phước); Bộ đội về làng (Lê Yên); Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương)... Phan Huấn cũng được biết đến là nhạc sĩ của mọi miền quê đất nước. Thập niên 1960, Phan Huấn đã đến đào tạo lớp thanh nhạc cho Hồng Gai (Quảng Ninh) và hát cho công nhân ở hầm lò, cho đồng bào ở Đông Bắc nghe. Có lần, ông dùng loa phóng thanh cùng NSND Thanh Huyền hát trên cầu Hiền Lương, phát qua sông Bến Hải ngăn cách đôi bờ đất nước, thấy ngụy quân xếp hàng đứng nghe.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phan Huấn lại có mặt ở Minh Hải, sáng tác và tự biểu diễn ở Cà Mau. Chuyến đi của ông đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, ông nhớ lại: “Đoàn thương binh Minh Hải ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ. Tôi đã cùng họ vào Nam trên một chuyến xe đò. Kết quả của chuyến đi để đời này là ca khúc Vùng trời cuối đất một tình yêu (NSND Thu Hiền thể hiện) rất được ưa thích”. Ở Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh… Phan Huấn đều có mặt để sáng tác và hát cho công nhân, nông dân nghe, những người đã từng lăn lộn với chiến khu xưa, một thời chiến đấu giành lại non sông từ kẻ thù. Ở mỗi địa danh, ông đều viết ca khúc đậm vùng miền rất đặc sắc. Bài Bắc Giang màu xanh yêu thương, Phan Huấn viết về quê hương mình được tỉnh Bắc Giang chọn làm “tỉnh ca”.
Phan Huấn hạnh phúc là người nghệ sĩ, nhạc sĩ được đồng nghiệp cũng như khán, thính giả cả nước yêu mến tiếng hát ngọt ngào, ấm áp trữ tình, đầy học thuật. Lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm xưa, lão nghệ sĩ sinh năm 1936 tự nhận: “Tôi là người đi nhiều. Tôi tự hào là người Kinh Bắc đi tới mọi phương trời Tổ quốc”.
Kỷ niệm đẹp ở biên giới Tây Bắc
Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhiều lần hát cho thương binh, bệnh binh nghe, trong đó có người lính nhạc sĩ Phan Huấn còn nhớ như in: “Cả thân mình chỉ còn đôi mắt ánh lên sự sống”.
Sau nhiều lần biểu diễn trước thương binh, bệnh binh, Phan Huấn đã cho ra đời ca khúc Thư về cho nhau (NSƯT Thanh Hòa hát). Nói đến ca khúc này, nhạc sĩ tâm sự: “Năm 1979, tôi đi công tác biên giới Tây Bắc, thấy rất nhiều lính trẻ chép sổ tay ca khúc này nhưng lại không biết tựa đề bài hát và tên tác giả. Họ ghi tên bài hát là Nắng biên thùy vì câu đầu tiên của bài là “Nắng biên thùy”. Tôi nghĩ đó là kỷ niệm đẹp, muốn giữ cho riêng mình. Giờ, tôi đã chia sẻ cùng các bạn”.
Phan Huấn là một trong những người đầu tiên được thu hình khi có Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng ông bảo vui nhất vẫn là thời điểm năm 1975, khi cùng một số ca sĩ túc trực ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi bộ đội giải phóng tỉnh, thành phố nào trong Nam thì hát, thu âm ca khúc về tỉnh, thành phố đó luôn. Để kịp truyền tin vui sục sôi chiến thắng, ca sĩ Phan Huấn chỉ có thời gian tập 3-5 phút, sau đó khớp nhạc rồi thu, phát sóng luôn ca khúc Từ Quy Nhơn đến Vũng Tàu xa tắp (Lê Yên); song ca cùng NSND Trung Kiên thể hiện sáng tác mới của Lê Dũng, bài Về Sài Gòn với những thành phố thân yêu...
|
Tôi tò mò hỏi: “Lúc nãy được nghe bác vừa đàn vừa hát. Đã 78 tuổi rồi, vậy bí quyết nào giúp bác giữ được giọng tốt đến vậy?”. “Nói có sách mách có chứng, mấy bữa trước Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đến làm phóng sự, họ có yêu cầu tôi hát cho ê-kíp nghe vài bài. Hát xong, họ bảo “tốt quá”. Từ khi bước chân vào nghiệp âm nhạc, rồi đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội, tôi không hề biết đến thuốc lá, còn rượu bia chỉ nhấm nháp chút đỉnh. Mùa hè nóng, nếu có uống nước chanh thì cũng không bỏ đá vào”. Nghe đến đây, tôi chợt nhớ đến Bích Liên, nữ nghệ sĩ từng có ước mơ: Muốn cắn giòn tan một cục đá nhưng để giữ giọng đành phải… nhịn.
Tiễn chúng tôi ra cổng, con dâu nhạc sĩ Phan Huấn tâm sự: “Bố em năm nay đã 78 tuổi rồi, cũng một đời đi theo cách mạng nhưng đến bây giờ vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSưT. Bố em khái tính, con cháu bàn chuyện tế nhị này thì ông đều gạt đi. Mấy cơ quan đoàn thể ông từng công tác thì các chú, các bác lãnh đạo đều thừa nhận bố em đủ tiêu chuẩn để phong tặng NSưT, nhưng do thời gian công tác tại mỗi đơn vị ngắn, không đủ để lập hồ sơ…”.
Bài và ảnh: THU HIỀN