Ông là chiến sĩ cầm súng chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và dùng ngòi bút làm vũ khí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam cũng như trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Lê Kim viết báo, làm thơ và viết văn liên tục từ năm 1948 đến 2012. Từ năm 2012, do tuổi cao, mắt mờ, tay yếu, ông mới thôi cộng tác với các cơ quan báo chí nhưng vẫn miệt mài sáng tác thơ ca, xuất bản nhiều tập thơ về tình yêu và đất nước. Lê Kim là tấm gương say sưa yêu nghề cho lớp trẻ.

Đại tá, nhà báo Lê Kim.

Lê Kim sinh ra ở tỉnh Bắc Ninh. Ông học hành chu đáo từ bậc tiểu học ở Bắc Ninh đến Trường Bưởi danh tiếng tại Hà Nội. Khi đang ngồi trên ghế nhà trường thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Lê Kim cũng như biết bao chàng trai cùng trang lứa đã xếp bút nghiên tham gia cách mạng. Tháng 6-1946, ở tuổi 18, Lê Kim nhập ngũ vào Trung đoàn 36 Bắc Bắc, chiến đấu ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau đó Trung đoàn 36 được biên chế vào Sư đoàn 308 nổi tiếng. Ông đã trải qua các vị trí là chiến sĩ, cán bộ tiểu đội, trung đội, chính trị viên đại đội kiêm đại đội trưởng, trưởng ban tuyên huấn trung đoàn. Ông rong ruổi qua biết bao chiến dịch quân sự như: Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Chiến dịch Trung du cuối năm 1950 đến đầu năm 1951, Chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1951. Vinh dự lớn với ông là được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử với cương vị Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. 

Không phải chỉ đến khi là nhà báo thực thụ, Lê Kim mới được bạn đọc cả nước biết tên. Với vốn kiến thức sâu rộng và tiếng Pháp thành thạo, sau này ông còn sử dụng tiếng Anh, Lê Kim nổi tiếng từ rất sớm. Năm 1948, ở tuổi 20, ông đã có tập thơ  “Đời cứ tươi” do Quân khu Việt Bắc xuất bản lưu truyền rộng rãi trong các đơn vị quân đội với các bài thơ cổ vũ lòng yêu nước và căm thù giặc. Bài thơ “Đời cứ tươi” rất hài hước, phản ánh cuộc sống khó khăn gian khổ của bộ đội, đói ăn, thiếu thốn quân trang, cứ ba chiến sĩ mới được phát một chăn mỏng để chống chọi với giá rét song vẫn lạc quan yêu đời. Bài thơ này đã được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4 (bộ sách giáo khoa cũ): Ba thằng một cái chăn bông/ Nằm thẳng cũng khổ, nằm cong cũng phiền.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông liên lục làm thơ, viết tin bài đăng trên tờ báo mặt trận. Tập thơ văn “Chuyện Tây thua” in ngay trên chiến hào được các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc vì ông đã chắt lọc ra từ những sự việc có thật ở cả quân ta và quân địch để viết nên những vần thơ sinh động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lần khen ngợi Lê Kim về “Chuyện Tây thua” sau khi được Chính ủy Trung đoàn 36 Hồng Cư báo cáo.

Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Lê Kim rời đơn vị chiến đấu và về công tác tại Báo Quân đội nhân dân từ năm 1956 đến 1992, ở Báo Cựu Chiến binh từ năm 1992 đến 2003 và cộng tác với Tạp chí Lịch sử Quân sự đến năm 2012. Lê Kim có sở trường về viết tiểu phẩm báo chí và làm thơ châm biếm đả kích. Trong hơn 30 năm ở Báo Quân đội nhân dân, ông công tác ở Phòng biên tập Thời sự Quốc tế và để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Đặc biệt, ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên thăm Palestine từ năm 1973, giữa lúc cuộc chiến tranh Israel-Palestine diễn ra ác liệt. Loạt bài phóng sự về cuộc chiến đấu của nhân dân Palestine của ông được trao giải báo chí đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam. Ông cũng là nhà báo quân đội đầu tiên thăm Algeria, Syria và nhiều nước khác. Giỏi ngoại ngữ, ông cũng được Ban biên tập cử tham dự nhiều hội thảo báo chí quốc tế và phỏng vấn các chính khách, quan chức cấp cao các nước thăm Việt Nam. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một phóng viên, biên tập viên Phòng biên tập Thời sự Quốc tế, tháng 11-1980, ông được giao đảm nhiệm vai trò phóng viên đặc biệt Báo Quân đội nhân dân. Tổng kết cuộc đời viết báo, viết văn và làm thơ, ông đã xuất bản 15 cuốn sách.

Khoảng thời gian gần 20 năm cùng công tác với Đại tá Lê Kim đã lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Với tôi, ông là người yêu nghề như chính câu châm ngôn mà ông viết ngay ngắn trên bàn làm việc: “Viết đến hơi thở cuối cùng”. Ông viết rất nhanh với văn phong không lẫn vào ai. Ông tỉ mỉ, thận trọng đến từng câu chữ trong các bài viết và không ngại tranh luận về các đề tài báo chí. Tôi vẫn nhớ có lần ông và nhà báo Hồ Sỹ Thoại tranh luận về dịch thuật đến mức quên cả ngủ trưa. Ông dí dỏm, hài hước, đến đâu cũng đọng lại tiếng cười sảng khoái. Có lẽ, một phần do cái tính hài hước, yêu đời ấy cùng tính tự lập cao nên dù rất cao tuổi, ông vẫn còn minh mẫn và tự mình chăm lo cuộc sống hằng ngày.

Gia đình ông là gia đình hạnh phúc bởi vợ ông là con gái nhà văn hóa nổi tiếng Hoàng Ngọc Phách-tác giả tiểu thuyết “Tố Tâm”, tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Hai con gái Lê Kim Thu, Lê Kim Anh cùng các cháu của ông rất tự hào về người cha, người ông và đều noi gương ông trong công việc, cuộc sống.

Ghi nhận công lao của Đại tá Lê Kim đối với sự nghiệp cách mạng và báo chí, văn học, Đảng, Nhà nước, quân đội đã tặng thưởng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Hai, hạng Ba...

Xin thắp nén hương thơm tưởng nhớ Đại tá, nhà báo, nhà văn, nhà thơ Lê Kim.

TRẦN NHUNG