QĐND-“Thưa các thủ trưởng! Thưa các đồng đội! Tôi là Phạm Đức Mùi, quê ở làng Liêu Xá, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương-nguyên là chiến sĩ liên lạc Đại đội 16 hỏa lực của Trung đoàn 207. Tôi là người còn sống sót trong trận rừng tràm... Nay có chút lễ mọn (bánh đậu xanh-PV) gọi là đặc sản quê hương Hải Dương, mời các thủ trưởng và đồng đội về nhận hưởng… Báo cáo các thủ trưởng và đồng đội! Chiến sĩ liên lạc Phạm Đức Mùi cùng chương trình “Trở về từ ký ức”, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện được một phần nguyện ước của bộ đội thời hậu chiến đối với vong linh các anh hùng liệt sĩ của trung đoàn…”.
Đó là lời khấn của Thiếu úy, thương binh Phạm Đức Mùi (sinh năm 1953, nguyên Chính trị viên Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 27, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3) trước Đền thờ các anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn 207, Sư đoàn 8, Quân khu 8 (nay là Quân khu 9, miền Tây Nam Bộ), tại Khu di tích lịch sử văn hóa tỉnh Long An, nhân lễ giỗ 40 năm Ngày hy sinh của trung đoàn (3-10-1973 / 3-10-2013).
Phải! Ngày 3-10-1973 là “Ngày hy sinh của Trung đoàn 207”! Người chiến binh dạn dày lửa đạn qua hàng trăm trận đánh khắp miền Tây Nam Bộ-Phạm Đức Mùi, đã qua hơn 40 năm vẫn nhớ như in từng chi tiết của sự kiện “ghê người” ấy. Vậy mà, phải trấn tĩnh hồi lâu ông mới trầm trầm kể ra được. Rất nhiều chỗ đang kể ông phải dừng lại, nấc lên…
Rừng tràm Đá Biên - Máu đào đỏ nước
Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2-10-1973, tại vùng Ba Thu-Mỏ Vẹt thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Kiến Tường (nay là Long An), trời đất tự nhiên tối sầm lại. Rồi gió mưa ập đến. Nhận thấy thời tiết có lợi cho tác chiến theo kế hoạch đã định, cấp trên lệnh cho Tiểu đoàn Bộ binh 3 và một số đại đội trực thuộc của Trung đoàn 207, trong đó có Đại đội 16 hỏa lực (Đại đội 16) xuất kích luồn sâu vào lòng địch để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Bộ đội mang vác nặng, hành quân bộ qua Đồng Tháp Mười trong nước ngập ngang lưng, xin xít các thứ cỏ lau, tranh, nghể ngứa… Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông thì gặp địch đang tuần tra bằng ca-nô nên khá lâu mới qua được để tiếp tục vượt kênh 61 giữa lòng địch.
3 giờ sáng 3-10, bộ phận đi đầu đặt chân tới Đường 12. Bất ngờ, xe tăng địch, như đã chủ động từ trước, ở hai bên đường xả các loại súng pháo như vãi đạn vào đội hình quân ta, gây thương vong khá nhiều. Hiểu rõ tình huống, Trung đoàn trưởng Bảy Thàng ra lệnh rút quân… Tới gần sáng, đơn vị ém quân xong ở khu rừng tràm thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường (nay là huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Hơn 300 chiến sĩ, phần lớn là sinh viên Khóa 16, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội vừa mới bổ sung vào, trú gọn trong mảnh rừng tràm mới lớn, rộng chừng 4ha. Bộ đội phải buộc từng đầu võng vào hai cây tràm cho chắc chắn. Toàn thân ngâm trong nước, chỉ để hở mặt mũi để thở. Khoảng 8 giờ, trời quang đãng. Một chiếc trực thăng cá lẹp của địch lượn vòng quanh rừng tràm rồi bắn pháo chỉ điểm vào giữa đội hình quân ta. Ngay lập tức, lũ trực thăng thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 quân ngụy nối đuôi nhau giội rốc-két, đại liên, lựu đạn xuống theo. Vì nước ngập ngang người, bộ đội không có công sự, không có vị trí để giá pháo. Đạn của Đại đội 16 gồm ĐKZ 75mm, ĐKZ 82mm, cối 82mm, súng 12,7mm được bọc kín bằng ni-lông để tránh nước. Trong thế bất lợi, quân ta chỉ còn cách dựa vào gốc tràm non, dùng súng AK bộ binh đánh trả quyết liệt… Với bản năng tự vệ và kinh nghiệm chiến đấu qua nhiều trận ở vùng Đồng Tháp Mười, ông Mùi biết bộ đội hy sinh nhiều lắm. Hầu hết trúng đạn ngay trong rừng tràm. Số vượt ra đồng cỏ thì bị trực thăng địch đuổi bắn chết.
Rừng tràm pha máu đỏ loang. Chỗ Ban chỉ huy Đại đội 16 đứng trụ bị trúng một quả đạn rốc-két. Chính trị viên trưởng Vũ Xuân Nga (quê Phú Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) bị thương rất nặng ở ngực. Trước lúc hy sinh, anh giơ bàn tay trái có 3 ngón (2 ngón áp út bị cụt từ trận trước) chỉ vào cái bồng được buộc ở gốc cây tràm. Làm liên lạc cho anh, nhìn anh lúc này, ông Mùi đau quặn lòng. Ông giật cái bồng rồi tháo khẩu súng ngắn K54 ở thắt lưng anh. Sát ngay bên cạnh, chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Mai, quê xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị thương nặng vào đầu...
 |
Ông Phạm Đức Mùi và con gái Phạm Hồng Ngát (năm 2005). |
Lúc mặt trời đứng bóng, cả rừng tràm khét lẹt, tan tác, không một cử động nào của người sống có thể khuất mắt trông coi. Hơn 300 quân ở đấy mà giờ im lặng như tờ. Quân địch ngừng oanh kích bằng máy bay trực thăng, đồng thời sử dụng máy bay phản lực, pháo binh cấp tập giội bom, đạn pháo chụp hủy diệt… Mươi phút sau, dường như thấy đã đủ độ, chúng dừng bắn phá. Đúng lúc đó, phát hiện thấy xe lội nước M113 cùng bộ binh ngụy từ đằng xa phía Đường 12 lao về hướng rừng tràm, ông Mùi liền vận động thoát ra ngoài. Tay phải cầm súng ngắn, tay trái kéo bồng, ông bơi vượt qua một đầm sen già, rợn người thấy chân trườn chạm vào nhiều thi hài đồng đội-những người đã từ rừng tràm vượt ra đây lúc trước, bị lũ ác trực thăng bắn chết.
Vừa sang tới bờ bên kia, thấy một chiếc trực thăng bay qua, ông lao nhanh đến một bụi cỏ tranh khá to đã bị chúng bắn lật cả gốc lên, ngồi ngụy trang kỹ trong đó. Đúng như ông dự đoán, chiếc trực thăng vòng lại, sà xuống phóng 2 quả rốc-két vào bụi cỏ còn lành nguyên mà ông vừa định vào trú khi trước. Bình tĩnh quan sát, ông bỗng nhận ra người đang chệnh choạng bước đi ở đồng cỏ cách chỗ ông ngồi chừng 150m chính là anh Bùi Văn Thiếp (quê xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng)-Đại đội phó Đại đội 16, bị thương ở đầu lúc còn ở rừng tràm. Y tá Cao Sỹ Uyển kịp băng cho anh rồi mới hy sinh. Bọn địch đã nhìn thấy anh Thiếp. Cả bầy trực thăng quây tròn bắn uy hiếp. Hai chiếc sà xuống thả thang dây và chõ loa gọi anh đầu hàng. Anh quyết không khuất phục. Bọn man rợ liền dùng 2 cái móc sắt kéo anh lên rất thảm thương. Ông Mùi nhìn anh, uất hận tột độ. Cả đời ông sẽ không bao giờ phai nỗi ám ảnh trước tiếng anh hô vang vọng trên Đồng Tháp Mười: “Đả đảo Mỹ Thiệu! Bác Hồ muôn năm!” và cử chỉ anh giật lựu đạn nổ làm chiếc trực thăng sà xuống đồng cỏ, còn anh rơi lộn nhào. Sau đó ông được biết, anh Nguyễn Ban Tích, chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 207 (hiện cùng gia đình đang sống ở Đồng Nai) cũng chứng kiến cảnh tượng bi hùng ấy.
Tri ân vô bờ
Là 1 trong 19 người sống sót qua trận đánh, lại là chiến sĩ liên lạc của đại đội mà ban chỉ huy đã hy sinh cả, vì thế, ông Mùi bỗng nhiên trở thành người gánh trọng trách... 14 ngày sau, về tới đơn vị, ông bàn giao toàn bộ quân tư trang và danh sách trích ngang của cán bộ, chiến sĩ trong đại đội cùng khẩu súng K54 của Chính trị viên trưởng Vũ Xuân Nga cho cơ quan Chính sách Trung đoàn 207. Ông được trung đoàn tặng Bằng khen, được kết nạp Đảng, rồi được đề bạt làm cán bộ. Không lâu sau, cấp trên cử ông đi học Trường Quân chính Pháo binh 613X. Mỗi lần đón nhận những phần thưởng nói trên, ông không nén nổi bùi ngùi, nghĩ tới đồng đội đã hy sinh, không ngăn được dòng nước mắt…
Tháng 10-2013, đơn vị cũ và lãnh đạo huyện Thạnh Hóa cùng với Ban tổ chức lễ giỗ nhân 40 năm Ngày hy sinh của Trung đoàn 207 mời ông-với tư cách là nhân chứng sống, vào dự lễ. Tại đó, ông gặp được chị Viên, vợ anh Bùi Văn Thiếp cùng các con, cháu của anh và chị Nguyệt là em gái của anh Vũ Xuân Nga (những người mà ông đã tìm được nhờ sự giúp đỡ của chương trình “Trở về từ ký ức”, Đài Truyền hình Việt Nam. Từng đợt sóng xúc động thay nhau cuộn lên như không thể dừng lại. Trước mi-crô, giữa sự chăm chú lắng nghe của đại diện các cấp lãnh đạo ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, các nhà báo, thân nhân của các liệt sĩ cùng các đồng đội và rất đông nhân dân dự lễ, ông Mùi rưng rưng nước mắt, khẩn cầu: “Tôi tha thiết đề nghị Ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 207, Sư đoàn 8, Quân khu 8 (nay là Quân khu 9), các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp, cùng tất cả mọi người (kể cả những người đã ở bên kia chiến tuyến) biết về trận đánh này, về những giờ phút cuối cùng của anh Bùi Văn Thiếp, hãy lên tiếng, hãy làm mọi việc để trả lại ý nghĩa đặc biệt cao đẹp từ sự hy sinh của anh. Tôi cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho Đại úy Nguyễn Hữu Bảo quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 207, chỉ huy bộ đội trong trận chiến bi hùng nói trên. Ông Bảo năm nay 86 tuổi, đang sinh sống ở số nhà 171, tổ 64, khóm 5, phường 11, TP Cao Lãnh; sức rất yếu, vợ mới qua đời, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…”.
Cả một vùng đất trời khu đền thờ im phăng phắc. Nơi đài hương, từng dòng khói nhang cuồn cuộn bay lên như mang theo lời nói của ông Mùi, người chiến sĩ liên lạc Đại đội 16 năm xưa, người sống sót trong trận rừng tràm Đá Biên-ký ức bi hùng.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG