Tiền phụ cấp hằng tháng, tiền thưởng… Hùng chỉ chi tiêu vào mấy việc: mua xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng, thi thoảng mua tem, bì thư, số còn lại Hùng dành dụm gửi về phụ giúp gia đình và mua thuốc điều trị cho người mẹ mắc bệnh thấp khớp kinh niên đã mất sức lao động.
Những dòng nhật ký gửi mẹ
"Mẹ kính yêu! Thế là con đã dành dụm đủ một triệu, bốn tháng phụ cấp và tiền thưởng giấy khen năm nay của con mẹ ạ! Mai con sẽ gửi ngay về biếu mẹ. Mấy tháng nữa, con sợ sẽ không để dành được nữa vì con còn phải đi thực tập, chuẩn bị tài liệu ôn thi tốt nghiệp… Nhưng mẹ an tâm, chỉ một thời gian nữa thôi con sẽ ra trường, sẽ có lương, có điều kiện chăm sóc mẹ…". Đó là những dòng nhật ký của Thượng sĩ Vũ Văn Hùng, học viên Trung đội 1, Đại đội 22, Phân đội 8, Trường sĩ quan Lục quân 1. Đêm nào cũng vậy, bên ánh điện bảo vệ, Hùng dành một khoảng thời gian riêng tư, viết những dòng nhật ký gửi mẹ.
 |
Vũ Văn Hùng và mẹ |
Hùng sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình). Bố Hùng thường hay ốm đau, mẹ lại mắc bệnh thấp khớp kinh niên, kinh tế chỉ dựa vào ba sào đất ruộng. Em trai Hùng còn nhỏ nhưng phải bỏ học, làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hùng trở thành trụ cột trong gia đình, từ việc bếp núc, kiếm tiền, dạy dỗ em thơ…
Vượt lên những khó khăn tưởng như sẽ bóp chết tương lai của mình, Hùng đã thi đỗ vào Trường sĩ quan Lục quân 1. Hùng tạm xa mẹ, xa gia đình để viết tiếp ước mơ. Nhưng nỗi lo về người mẹ bệnh tật đang hằng ngày vật vã với những cơn đau, người cha gầy yếu, tần tảo sớm chiều cày cuốc, hình ảnh đứa em thơ đang tuổi ăn, tuổi học phải thay anh lao động nặng nhọc phụ giúp bố mẹ cứ xoáy sâu vào tâm trí Hùng… Bốn năm học, Hùng ghi lại tâm tình của mình trên 2.000 trang nhật ký, chia thành 6 cuốn dày cộm. Những dòng nhật ký thật mộc mạc, giản dị, có trang viết kỹ lưỡng về tình hình bệnh tật của mẹ, như thể Hùng là một thầy thuốc đang kê đơn cho bệnh nhân, có trang chép vội vàng tả nỗi nhớ mẹ da diết trong lòng người lính giữa buổi hành quân… Có lúc, Hùng bộc bạch nỗi thèm khát cháy bỏng được về thăm nhà, thăm mẹ: "Còn hai ngày nữa là được nghỉ hè, thế mà mình cảm giác lâu thật. Giá như bây giờ mà được về ngay thì hay biết bao!… Nhận giấy phép, chạy một mạch…, chờ mươi lăm phút đón xe, nhảy xe… Mình sẽ òa vào lòng mẹ, hỏi han xem bệnh tật mẹ thế nào; phải kiểm tra thuốc xem mẹ uống có đầy đủ và điều độ không…".
Dùng phụ cấp mua thuốc cho mẹ
"Mỗi khi có chuyện vui, chuyện buồn, hay có thêm những thành tích mới trong học tập, công tác em sẽ viết thư ngay về cho mẹ… Em không bao giờ gọi điện thoại, bốn năm rồi em chưa gọi bất cứ cuộc điện thoại nào vì sợ… tốn tiền" - Hùng thật thà trả lời câu hỏi của tôi với nụ cười hiền lành, chân chất của cậu thanh niên vùng quê nghèo từng dãi dầu mưa nắng.
Hùng là con người như thế, chắt chiu, tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ. Trong bốn năm, Hùng gửi về nhà được gần 5 triệu đồng. Năm thứ nhất, mang quân hàm binh nhì, Hùng dành dụm gửi về nhà được 86.000 đồng, năm thứ hai được 1.500.000 đồng, năm thứ ba là 1.600.000 đồng, năm thứ tư được 1.700.000 đồng. Hết thảy số tiền tiết kiệm, dành dụm trong suốt bốn năm dài đằng đẵng "thắt lưng, buộc bụng" từ đồng phụ cấp ít ỏi chỉ được có gần năm triệu đồng, nhưng đó là số tiền rất lớn với gia đình Hùng. Nó không chỉ đơn giản là phụ giúp kinh tế gia đình trong lúc khó khăn, mua thuốc điều trị cho mẹ, mà nó còn là giá trị tinh thần to lớn, động viên bố mẹ, là liều thuốc bổ vô giá để mẹ Hùng đấu tranh với bệnh tật, gắng sống để chứng kiến sự trưởng thành của đứa con thảo hiền.
Điều đáng trân trọng nữa ở Hùng là sự cố gắng không ngừng để vươn lên trong học tập và công tác. Bốn năm học, Hùng được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Trường sĩ quan Lục quân 1 và của Bộ Quốc phòng. Trong cuộc sống, Hùng là tấm gương sáng về lối sống giản dị, trung thực, yêu thương đồng chí. Hình ảnh Hùng giành phần khó, việc nặng về mình, bón từng thìa cháo cho đồng đội lúc ốm đau đã trở nên thân quen trong tâm trí mỗi cán bộ, học viên phân đội 8. Thượng úy Ngô Tuấn Bình, Chính trị viên Đại đội 23, tuy không là cán bộ trực tiếp quản lý Hùng nhưng cũng hết lời khen ngợi: “Hiếm có một người như Hùng, không chỉ hiếu thảo với cha mẹ mà còn rất mực thương yêu đồng đội. Mọi người gọi Hùng là “hộ lý” của đại đội 22 đấy!”.
Là một giáo viên, trong quá trình công tác, giảng dạy, tôi gặp không ít học viên tốt, nhưng có một người như Vũ Văn Hùng cũng thật hiếm. Đó cũng là những điều mà giáo viên như tôi phải “bắt chước” ở học viên của mình.
Bài và ảnh: TẤN TUÂN - NGỌC HOÀNG