Thiếu tướng Trần Văn Trân.

Tên trung tá chiêu hồi trong đoàn trao trả tù binh từ bờ nam sông Thạch Hãn đã phát khùng văng tục khi thấy “thượng sĩ đông y” trong đoàn tù vừa bước qua bờ bắc cầu Hiền Lương đã có mấy sĩ quan “Bắc Việt” đón lên chiếc com-măng-ca chờ sẵn chạy thẳng về phía bắc. Đó là ngày 18-3-1973.

Năm 1970, Thượng tá Trần Văn Trân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 cùng đoàn cán bộ một lần vượt sông Vĩnh Tế-Châu Đốc bị rơi vào ổ phục kích của địch, không may bị thương và bị địch bắt. Trải qua bao nhà tù của Mỹ-Diệm cho đến ngày tên trung tá chiêu hồi chửi đổng về sự bất lực của chúng, dưới con mắt cú vọ soi mói, lúc dọa dẫm, lúc chiêu hồi với mọi thủ đoạn thâm hiểm gian manh, nhưng anh vẫn tỏ ra bình thản trước những đòn cân não của chúng. Cuối cùng chúng không thể soi được cái vỏ bọc “y sĩ đông y” mang tên Nguyễn Văn Thương của Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Đúng là một câu chuyện huyền thoại của một con người huyền thoại”.

Nghe kể lại khi anh bị thương, đồng chí quân y đi cùng hy sinh, biết khả năng sẽ bị bắt giữa mông mênh sông nước, với sự nhạy cảm vốn có khi đối phó với các tình huống khốn nguy trong chiến đấu, anh đã nhanh chóng đỡ lấy chiếc túi quân y để biến mình thành người tù binh quân y. Nhưng đâu có ổn. Từ trại giam này đến trại giam nọ, bọn chiêu hồi bằng mọi thủ đoạn vẫn luôn soi vào “tên tù binh thượng sĩ đông y” với bao ngờ vực và thử thách. Từ việc chữa trị ghẻ lở cho tù binh theo yêu cầu của tên cai ngục trước khi cấp trên xuống kiểm tra, đến việc điều trị cho một loạt tù cảm cúm khi bị chúng nhốt nhiều đêm ngoài trời rét. Với những bài học sơ đẳng mà anh đã cùng anh em quân y điều trị cho cán bộ, chiến sĩ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp thiếu thốn trên chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng đã đem lại kết quả thực sự, gây được lòng tin của bọn quản tù. Một tình huống khá hóc búa khi tên giám thị trại giam nhờ anh châm cứu cho vợ nó bị bệnh thần kinh tọa. Món này thì anh hoàn toàn “i tờ”. Lại giở bài thuốc nam: chườm ngải cứu với viên gạch nung nóng, quả nhiên bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên, bọn tâm lý chiến vẫn nghi ngờ vì sao một thượng sĩ đông y mà mặt mày sáng sủa, đôi mắt quắc thước, tuổi lại cao? Nắm chắc qui chế, anh trả lời rành rọt rằng trong quân giải phóng, cấp quân hàm quân nhân chuyên nghiệp cao nhất cho đến già cũng chỉ là thượng sĩ, chỉ có được thêm phụ cấp mà thôi. Thế là bọn chúng đành phải chịu.

Trần Văn Trân vào bộ đội với nhiệm vụ đầu tiên là một chiến sĩ chăn ngựa cho đồng chí trung đoàn trưởng (sau này chính đồng chí trung đoàn trưởng lại là bố vợ thân yêu của anh, lúc phong quân hàm lần đầu tiên năm 1958 cả hai bố con đều là trung tá). Từ chiến sĩ chăn ngựa vào chiến đấu, anh lần lượt qua các chức tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn trong kháng chiến chống Pháp. Các nấc thang được thử thách đã tôi luyện cho anh một bản lĩnh vững vàng trong cuộc đấu trí với bọn gian ác khét tiếng.

Đối với tôi, là người đã từng được sống, chiến đấu bên anh với cương vị là cánh tay phải đắc lực của anh, người tham mưu cho cấp ủy từ cấp trung đoàn đến sư đoàn từ cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, đến những năm tháng cùng sống chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày anh chỉ huy Sư đoàn 1 vào chiến đấu tại Nam Bộ. Câu chuyện huyền thoại về người “Thượng sĩ đông y” mang số tù 414-10922 có lẽ theo tôi bắt nguồn từ sự tôi luyện của một người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên bình dị. Những ai đã từng sống, chiến đấu với anh đều cảm nhận như vậy. Tài năng chiến đấu của anh đã được khẳng định qua các trận đánh, qua các chiến dịch từ khi còn là người chỉ huy phân đội cho đến khi ra tù được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, đơn vị hai lần anh hùng đã đập tan cánh cửa thép tại Xuân Lộc, mở đường cho đại quân ta tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975. Chính tài năng đó là một căn cứ để mọi cán bộ, chiến sĩ đều tin tưởng ở anh. Nhưng một điều còn quan trọng hơn là anh không chỉ là người chỉ huy giỏi mà trước hết là một cấp trên đức độ, luôn chăm sóc bồi dưỡng anh em, với tình nghĩa thủy chung, thương yêu nhau như tình anh em ruột thịt. Với cương vị là người đứng đầu Sư đoàn 325, sau đó là Sư đoàn 1, anh đã bồi dưỡng, đào tạo ra một lớp cán bộ, chiến sĩ khi chiến đấu sẵn sàng hy sinh cho chiến thắng của đơn vị, khi nguy nan vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Anh em bảo vệ anh, che giấu anh chính bắt nguồn từ những việc anh đã làm vì cách mạng và vì chính anh em.

Thẻ căn cước của đồng chí Trần Văn Trân mang tên Nguyễn Văn Thương trong nhà tù Mỹ-ngụy (1970-1973).

Nhớ những ngày tập trung xây dựng Sư đoàn 325 sẵn sàng bảo vệ vùng bắc giới tuyến, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ trên địa bàn Quảng Bình trong những năm 1964-1965, anh đã cùng lăn lộn với cán bộ, chiến sĩ ngày đêm trên bãi tập, cùng hành quân mang vác nặng, cùng tập luyện như người chiến sĩ. Vừa sâu sát, vừa gương mẫu, lại có năng khiếu làm công tác động viên với những câu chuyện hài hước đã thu hút anh em hăng say luyện tập. Có một lần đang cùng nhau vui nhộn, một chiến sĩ mới thấy anh đeo quân hàm 2 sao, cứ tưởng anh là binh nhất, liền vỗ vai hỏi sao đồng chí nhiều tuổi mà mới chỉ có binh nhất? Anh cười nhỏ nhẹ: Miềng (mình) rèn luyện kém nên mãi mới lên được binh nhất, cậu chớ học miềng mà bị loại khỏi danh sách đi B đấy nhé! (lúc này được tuyển chọn đi chiến đấu ở miền Nam là vinh dự lớn lao nhất). Mọi người ồ lên cười, đồng chí chiến sĩ mới chẳng hiểu làm sao. Một cựu binh ghé tai nói khẽ: “Không phải binh nhất đâu, mà là thủ trưởng sư đoàn ta đó”. Đồng chí chiến sĩ mới lại buột miệng: “Sao trẻ thế mà đã là sư đoàn trưởng rồi?”. Tình hình vùng bắc giới tuyến hết sức phức tạp, anh đã cùng các toán trinh sát, toán xung kích cùng ngày đêm lặn lội trong rừng để chỉ đạo anh em cùng phối hợp với dân quân địa phương lùng sục, tóm gọn hầu hết các toán biệt kích của ngụy. Khi Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, dự đoán trước chúng sẽ tập kích vào các mục tiêu quân sự vùng bắc giới tuyến trong đó có Sư đoàn 325 tại Quảng Bình, anh đã cho các đơn vị chuẩn bị sơ tán, xây dựng công sự, bố trí hệ thống phòng không. Do chủ động, nên khi địch tập kích oanh tạc vào khu vực quân sự, quân ta đã sơ tán nên không bị thiệt hại về người và trang bị, trái lại không quân địch bị giáng trả đích đáng. Chiếc F8A do Thiếu tá phi công vũ trụ Su-ma-khơ đã bị bắn rơi tại chỗ, Su-ma-khơ bị bắt sống. Đây là chiến thắng lớn trong trận đầu, mở màn cho các trận chiến thắng không quân Mỹ trong những trận tiếp theo. Vừa giữ được lực lượng an toàn, vừa bắn rơi được máy bay, bắt sống phi công Mỹ, cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân địa phương rất phấn khởi và tin tưởng. Bà con Quảng Bình bảo nhau: Có Sư đoàn 325 của ông Trân ở đây chúng tôi không hề sợ gì. Năm 1965, Sư đoàn 325B trên đường vào Tây Nguyên, được lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức tiêu diệt căn cứ biệt kích hỗn hợp Mỹ-ngụỵ tại A Sầu (tây Thừa Thiên). Với cương vị là Sư đoàn phó, anh đã cùng cán bộ, trinh sát đêm đêm thâm nhập điều tra chuẩn bị phương án tác chiến. Do trận đầu đơn vị đánh lớn chưa có kinh nghiệm nên gặp khó khăn, anh đã hướng dẫn cơ quan tác chiến xuống trực tiếp với đồng chí chỉ huy trung đoàn, nắm lại tình hình, xốc lại lực lượng, bổ sung phương án, kiên quyết dứt điểm. Tình hình gặp khó khăn, trong Bộ Tư lệnh sư đoàn và cơ quan có những ý kiến mâu thuẫn khá gay gắt, nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, anh là trung tâm hóa giải những mâu thuẫn trên dưới và cuối cùng ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm, mở thông hành lang cơ giới vào chiến trường Tây Nguyên. Ưu điểm nổi bật của anh là trước tình hình khó khăn, dù khuyết điểm là của trên hay của dưới, anh rất bình tĩnh tìm cách tháo gỡ để hoàn thành nhiệm vụ, không hề cay cú trước những vấp váp của bất cứ ai.

Khi ở miền Bắc cũng như trong chiến đấu ở Tây Nguyên, những ngày rảnh rỗi anh luôn gần gũi, tâm tình trao đổi chuyện trò với bộ đội như một người anh, không có sự ngăn cách trên dưới. Trong thiếu thốn, anh quan tâm đến mọi người. Ban ngày đi chiến đấu, có lúc đêm về anh cùng anh em tổ chức săn bắt tìm con chồn, con cheo về để cùng nhau cải thiện. Chính anh lại là người đầu bếp, tự xào nấu để chiêu đãi anh em. Cuộc sống hòa mình đã để lại cho mọi người không chỉ về tài năng của người chỉ huy, mà cái lớn hơn là đức độ, là tình nghĩa anh em, trên dưới sống chết có nhau. Một lần từ chiến trường ra trước khi đến thăm gia đình tôi, anh đã tìm đến gia đình đồng chí Trần Duy Uynh, Trưởng ban quân báo để thông báo về trường hợp hy sinh của đồng chí Uynh và chia sẻ nỗi đau thương với chị Phương, vợ anh Uynh cùng các cháu, rồi từ đó anh mới ra Hà Nội báo cáo tình hình và gặp gia đình. Con người của anh là vậy. Luôn nghĩ đến nhiệm vụ, quan tâm đến những người đã vào sống ra chết với mình, nhất là hậu phương của họ. Và “câu chuyện huyền thoại của một người chỉ huy huyền thoại” cũng bắt nguồn từ những việc rất bình dị nhưng lại vô cùng cao thượng mà trong cuộc sống không phải ai cũng có được.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC