 |
Vợ chồng anh Huỳnh Đức Nữa ngày ngày vẫn đi trên chiếc xe lăn làm công việc hòa giải. |
Vượt hơn 30km dưới cái nắng bỏng rát của miền Trung, tôi cùng Thiếu tá Hồ Văn Ánh tìm về quê hương cách mạng xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam-nơi có anh thương binh hạng 1/4 Huỳnh Đức Nữa, đã gửi lại hai chân nơi chiến trường, nay vẫn ngày ngày tham gia công tác xã hội. Người dân nói về anh với một niềm tự hào “
Anh Nữa còn sức khỏe còn xây dựng quê hương”. Nhiều gia đình “
cơm không lành, canh không ngọt”, nhiều đứa con hư nhờ có anh đã trở về với hạnh phúc đời thường.
Nắng Quảng Nam như đổ lửa xuống đầu. Nhựa trên mặt đường Non Nước-Hội An nối liền thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An đen bóng lên và chảy ra thành từng vệt. Một chiếc xe lăn chậm rãi đi về. Trên xe, người thương binh ngồi quay lưng ra phía trước. Tay anh nắm chặt bàn tay người phụ nữ phúc hậu trạc tuổi 50 đang chầm chậm đẩy xe. Chị nhìn anh bằng ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Họ vừa mới hòa giải xong một cặp vợ chồng trẻ cơm không lành, canh không ngọt. Anh đùa chị: “Không hiểu sao phụ nữ cứ thích ly hôn thế nhỉ?”. Chị mỉm cười “Em cũng là phụ nữ đấy”. Bàn tay anh siết chặt 10 ngón gầy gò đen đúa của chị. Chị mắng yêu “Để em còn đẩy xe chứ, nếu không ngã bây giờ”. Vợ chồng anh như không biết đến cái nắng gắt giữa trưa hè. Chiếc bóng hình trái tim chập chờn theo nhịp bước. Hình ảnh ấy đã quá đỗi thân quen với người dân nơi đây.
Tôi tìm gặp vợ chồng người thương binh đẹp như huyền thoại ấy. Chị Lan, chủ quán cà phê sát ngã tư Điện Ngọc sẽ sàng nói:
- Các chú tìm anh Nữa “hòa giải” phải không? Dễ lắm! Ở đây rất nhiều người biết nhà anh ấy.
Tôi hỏi chị Lan có ai nhờ anh Nữa hòa giải không? Chị tỏ vẻ ngạc nhiên, bảo:
- Chú đúng là người nơi khác đến.Anh Nữa mà để người ta nhờ thì dân đâu có gọi là “anh Nữa hòa giải”. Tự anh ấy đi hết. Nắng đi. Mưa cũng đi. Nhận được tin vợ chồng nào hay cãi vã đánh nhau, trẻ em hư là anh chị sốt sắng lên đường. Chiến tranh “toàn thân” đi đánh giặc. Hòa bình “nửa thân” đi hòa giải. Anh Nữa là thế đấy chú à. Nói đâu xa, côHà đây là một nhân chứng. Chị Lan vừa nói, vừa chỉ sang người phụ nữ đang bế con.
Tôi chưa kịp hỏi, chị Hà đã thật thà kể:
- Hồi ấy ông xã đánh em dữ quá! Cứ đi nhậu ở đâu về là ông đánh. Em càng nhẫn nhục, ông càng đánh. Một hôm, ông kéo em ra trói vào cây điều trước cổng để đánh. Bà con hàng xóm nhìn em thương cảm. Họ vào can ngăn thì chồng em đuổi về. Anh ấy nói “vợ tôi tôi dạy, chớ mắc mớ chi đến các ông, các bà”. Không chịu đựng nổi, em đòi chia tay.
Vừa nói chị vừa nhìn tôi. Thấy vẻ chăm chú của tôi, chị lại kể:
- Chuyện tình cờ thế này anh ạ. Nghe tin anh Nữa văn hay chữ tốt, hay viết giấy tờ giúp mọi người, em tìm đến nhờ anh viết hộ đơn xin ly hôn. Anh hỏi em còn yêu chồng không? Em gật đầu. Anh khuyên em cứ về đi rồi anh sẽ viết hộ. Nhưng ngay chiều hôm ấy, em vừa đi làm về đã thấy chiếc xe lăn dựa bên hiên nhà. Trong phòng khách, vợ chồng anh Nữa đang chuyện trò gì đó với chồng em. Trông dáng anh ấy suy nghĩ lung lắm. Vừa thấy em, chồng em vội chạy ra gọi “Mình vào đây. Có anh chị Nữa đến chơi”. Em thẹn thùng chào anh chị. Anh Nữa mỉm cười bảo em ngồi xuống bên cạnh rồi nói “Anh tình cờ nghe bà con lối xóm cho biết các em chưa giải quyết hài hòa chuyện gia đình. Anh buồn lắm! Chẳng lẽ vợ chồng biết nhau từ bé, yêu nhau mấy năm trời mà không hiểu nhau. Từ chiều tới giờ, anh đã trò chuyện với chú. Bao nhiêu năm chị nuôi anh, ốm đau liên miên mà vẫn không một lời than thở. Chuyện cô chú không vui, khiến những người như anh đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường phải suy nghĩ...”. Nghe anh Nữa phân tích, chồng em nắm chặt tay em và xin em tha thứ.
Chị Hà vừa nói vừa xoa đầu thằng bé:
- May nhờ vợ chồng anh Nữa mà gia đình em mới có nó đấy. Con chào bác đi để má con mình về lo bữa tối cho ba”.
Thằng bé khoanh tay, ngọng líu, ngọng lô “on...ào...bác”. Tôi nháy mắt cười với nó và nhìn theo bóng mẹ con chị khuất dần về phía chợ Điện Ngọc.
Câu chuyện chị Hà kể càng thôi thúc tôi tìm đến thôn Ngân Câu, xã Điện Ngọc. Con đường nhỏ dẫn vào nhà anh Nữa cắt qua sân vận động chỉ toàn cát trắng. Hơi nóng bốc lên hầm hập. Ngồi trên xe mà vẫn cảm nhận được cái nóng như rang. Quả thật, tôi không thể hình dung nổi mấy chục năm qua điều gì khiến đôi chân chị đẩy xe đưa anh đi khắp đầu thôn cuối xóm để làm công tác hòa giải. Tôi hỏi rồi tự trả lời. Có lẽ chị cũng như anh, có một trái tim biết yêu thương con người tha thiết.
Ngôi nhà nhỏ nấp dưới những rặng dừa. Chị Cao Thị Hoa, vợ anh Nữa, người chi hội trưởng phụ nữ có hơn 30 năm tuổi Đảng, vui vẻ tiếp chúng tôi. Chị nói về chồng với một niềm tự hào:
- Anh đi suốt ngày. Nhiều hôm, chị cũng sốt ruột lo chồng nhỡ có làm sao thì... Người ta lành lặn còn nay ốm mai đau, huống gì anh nhà chị còn mỗi “thân trên”, lại hay dị ứng với thời tiết. Biết chị không vui, anh nói “mình còn khỏe, còn phải giúp quê hương em ạ”.
Tôi hỏi chị Hoa chuyện ngày đầu anh đi hòa giải, chị cho biết:
- Năm 1986, anh ở trại điều dưỡng về. Thấy nhiều gia đình không êm ấm, anh vật mình trên chiếc xe lăn đi đến từng ngõ xóm. Anh tình nguyện làm “sứ giả” của sự yêu thương. Mới đầu, chị để anh đi một mình. Nhưng đến một hôm chị không thể nào quên. Đó là hôm mẹ con chị về thăm quê ngoại ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc trở lại Điện Ngọc thì trời đã nhá nhem tối. Chị hốt hoảng thấy anh ngồi trên xe đang gồng mình, hai tay nắm chặt, mồ hôi nhễ nhại. Bánh xe quay xèn xẹt trong cát. Nhưng càng quay càng lún xuống. Anh mừng rỡ khi thấy chị đi vào cổng. Chị chưa kịp hỏi, anh đã cười xòa, bảo “xe sa lầy nhưng chẳng có ai đi qua nên ngồi đây hóng gió... đợi vợ về”. Từ đấy, chị không để anh đi hòa giải một mình nữa và cũng suốt gần 20 năm đôi chân chị cùng anh rong ruổi trên khắp nẻo đường làng. Mãi đến cuối năm 2006, sau nhiều năm tích góp, chị mua cho anh chiếc xe ba bánh. Hôm nhận xe, anh cười rộn ràng. Từ đấy, anh càng chăm đi lo chuyện... hàng xóm.
Chị nhớ nhất là lần hòa giải gia đình cô Huyền ở xóm 6, hiện nay đã chuyển vào Gia Lai sinh sống. Anh chị đến mấy lần liên tục nhưng người chồng luôn tránh mặt. Có hôm trời mưa tầm tã, thấy anh kêu nhức đầu mà vẫn cứ đòi đi. Chị ngập ngừng khuyên anh ở nhà, mai đi cũng được. Không phải chị không quan tâm mà chị lo anh ốm. Biết ý vợ, anh bảo chị yên tâm, anh đâu có dễ ốm. Được anh động viên, chị lại khoác áo mưa theo chồng. Anh nói: “Vợ chồng cô Huyền đều được ăn học đàng hoàng, họ bất hòa vì không biết nhường nhịn. Mình phải đến giúp các em để chúng tha thứ cho nhau”. Nhưng để chú Tuấn (chồng cô Huyền) tiếp chuyện chị phải nhờ hàng xóm giữ chân hộ. Sau này nghe mọi người bảo chú ấy rất sợ gặp anh. Vì ở anh Nữa có cái gì đó rất lạ, chưa cần anh nói thì người nghe đã tự biết vâng lời. Còn lúc ấy, anh phải to nhỏ cả giờ đồng hồ. Cô chú xem chừng cũng hiểu ra. Mấy ngày sau, không thấy hàng xóm phàn nàn về chuyện gia đình Huyền Tuấn cãi nhau nữa. Bây giờ, chú Tuấn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe anh chị. Dịp lễ, Tết, nhất là ngày 27-7, chú ấy lại gửi quà về cho anh.
Nhìn người thanh niên đang pha nước giúp chị, tôi hỏi chị Hoa có phải con trai anh chị không? Chị bảo “cháu con chú ở xóm trên”. Nhưng cái lắc đầu và vẻ mặt ửng đỏ của người thanh niên đã làm tôi nghĩ có gì đó chị khó nói. Vừa lắc bình trà, người thanh niên vừa bảo “cô cứ kể cho anh nghe chuyện của cháu”. Lúc này, chị Hoa mới kể tiếp:
- Anh Nữa xót xa khi thấy có những gia đình con chưa vâng lời cha mẹ. Anh đăng ký trước chi bộ thôn, Đảng ủy xã nhận giáo dục trẻ em hư ở thôn Ngân Câu do Hội Cựu chiến binh đảm nhiệm. Cháu Thành đây là một trường hợp.
Thành kể:
- Ngày đó, em học đòi mấy đứa bạn. Từ một học sinh giỏi nhất lớp em tụt xuống thứ hạng làng nhàng. Điểm các môn chỉ trên dưới trung bình. Chiều chiều cắp cặp nói dối gia đình đi học rồi rẽ vào quán Internet bên đường. Ba má rầy la thì em cãi bay, cãi biến. Nhìn ba nhăn nhó khổ sở, má nước mắt chảy dài, em có ân hận, nhưng chỉ được vài ngày, đâu lại vào đấy. Chuyện đến tai chú Nữa. Chú ngồi trên xe lăn, cô Hoa đẩy chú đến nhà em. Chú chỉ tay vào đôi chân cụt nói: “Các chú ra đi chiến đấu để giành lại mảnh đất quê hương cho các cháu học hành. Cháu nhìn cho rõ đi. Đừng để những người như ba cháu, như chú đây hysinh vô ích”. Nhìn phần xương đùi còn lại của chú đang động đậy, em xấu hổ thật sự. Từ đấy, em không những không đua đòi theo bạn bè nữa mà còn vận động chúng nó bỏ luôn chít chát tập trung học hành.
Thành vừa ngừng lời, chị Hoa bảo:
- Bây giờ cháu đã là sinh viên năm thứ hai Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Nghỉ hè, Thành xuống thăm anh chị luôn. Anh Nữa cũng xem Thành như con cái trong nhà.
Thấy vẻ sốt ruột hiện lên trên nét mặt tôi, chị Hoa ái ngại:
- Chiều nay, anh ra ủy ban giúp công an làm hộ khẩu gì đấy. Mọi hôm giờ này anh ấy đã về rồi.
Tôi xin phép chị đến UBND xã Điện Ngọc. Tiếp chúng tôi, chị Đặng Thị Ry, cán bộ phụ trách công tác thương binh-xã hội cho biết, anh vừa về xong. Khi được hỏi về anh Nữa, chị cũng như mọi người đều phấn khởi nói rằng, nhiều gia đình nhờ tiếng nói và tấm lòng của vợ chồng anh Nữa mà tránh được cảnh ly tán. Chị Ry giục chúng tôi về ngay kẻo anh lại không có nhà.
*
* *
Tôi gặp anh trong tiếng cười thân thiện. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về kinh nghiệm hòa giải, anh bảo:
- Chẳng có gì gọi là kinh nghiệm đâu em. Tất cả là xuất phát ở tấm lòng. Cũng như hồi chiến tranh, bao nhiêu năm vào sinh ra tử, anh cũng chỉ mong người dân quê mình có cuộc sống hạnh phúc thế thôi.
Dù anh nói về mình rất ít nhưng tôi hiểu trong phần thân thể còn lại của anh có một trái tim luôn đau đáu vì quê hương. Ngoài công việc hòa giải, anh còn tham gia tích cực các hoạt động của chi bộ, Hội Cựu chiến binh, thậm chí còn giúp chị cả trong công tác phụ nữ.
Tạm biệt quê hương Điện Ngọc, tôi mang theo tâm sự của người đảng viên thương binh Huỳnh Đức Nữa. Ước mong lớn nhất của anh là phải làm cho thế hệ trẻ vươn lên, có ích cho xã hội, xây dựng cho họ niềm tin và lòng tự hào về đất mẹ anh hùng. Chia tay anh tôi cứ suy nghĩ mãi câu anh nói “Sợ không còn minh mẫn để làm điều tốt cho dân!”. Câu nói thật bình dị nhưng cũng thật cao quý.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG