QĐND Online - Tôi đến thăm Thiếu tướng Nghiêm Sỹ Chúng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) trong một buổi chiều cuối tuần. Bước vào căn nhà nhỏ trên phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội), điều đọng lại trong tôi đầu tiên là người đàn ông da ngăm ngăm đen, giọng nói sang sảng, đặc biệt là đôi mắt sáng, đầy nghị lực và yêu đời.

Năm nay ông bước sang tuổi 69 và đang mang trong mình căn bệnh ung thư gan di căn. Song bất chấp bệnh tật, ông đã vượt qua nỗi đau về bệnh tật để sống lạc quan hơn.

Sau khi tốt nghiệp ngành Vũ khí tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự năm 1971, ông về giảng dạy tại khoa Cơ bản của trường. Chưa được bao lâu, ông lại được lệnh tập trung để đi thực tế chiến trường Quảng Trị và được điều về Ban Hậu cần, Trung đoàn 202, Bộ Tư lệnh Tăng- Thiết giáp với cương vị là trợ lý quân khí.

Cuốn hồi ký “Thử lửa” .

 

Vượt lên bệnh trọng

Từ những trải nghiệm chiến tranh, ông đã tập hợp và viết lại thành cuốn hồi ký có tên là “Thử lửa”. Những câu chuyện mà ông viết lại trong cuốn hồi ký vừa mang tính hài hước, dí dỏm vừa mô tả một cách chân thực, sống động thực tế nơi chiến trường. Đó là những dòng hồi ức của ông về những người đồng chí, đồng đội và những khó khăn vất vả ông đã trải qua. Không gian chính của những câu chuyện xảy ra trong thời gian từ cuối năm 1971 đến cuối năm 1972, ở vùng đất thuộc Đặc khu Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, ở hai bên bờ sông Bến Hải (Quảng Trị).

Cuốn hồi ký được viết trước khi ông biết mình bị bệnh ung thư gan. Trong thời gian ở viện, trăn trở khi cuốn hồi ký vẫn còn dang dở, ông lại tiếp tục viết, mặc cho những cơn đau của quá trình điều trị dày vò. Những lúc như thế, ông dường như quên đi nỗi đau hiện tại, trở về quá khứ với đồng chí, đồng đội nơi chiến trường qua từng bài viết. Ông chia sẻ: “Tôi mong muốn cuốn hồi ký "Thử lửa" sẽ được bạn bè, đồng đội và bạn đọc gần xa đón nhận bằng tình cảm chân thành nhất. Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó đứa con tinh thần này sẽ đến tay những người đồng đội của tôi ở Trung đoàn 202. Họ sẽ nhận ra mình trong đó và chúng tôi có thể có dịp được gặp lại nhau”.

Hai năm qua, ông kiên cường chống chọi với cơn bạo bệnh. Mới đầu, như nhiều người khác, ông chưa biết ung thư là như thế nào và cũng mang trong mình tâm trạng lo lắng, hoang mang. Các bác sĩ đã thực hiện hóa trị vào khối u để làm teo tế bào ung thư. Sau mỗi lần như thế, ông phải chịu đựng những cơn đau dữ dội, giảm cân và sốt. Ông chia sẻ: “Nhiều người bị như thế thì bi quan và tuyệt vọng lắm! Tất nhiên, con người ai cũng muốn sống, nhưng mình nhận thức được cái quy luật của cuộc sống là sinh lão bệnh tử. Có sống được mãi đâu! Có nhiều người còn chết sớm hơn nhiều, đến một lúc nào đó, nếu có phải chết thì đó cũng chỉ là quy luật. Nghĩ như vậy thì tinh thần sẽ không bị hoảng loạn”.

Thiếu tướng Nghiêm Sỹ Chúng cùng cây đàn ghita

 

Hăng say lao động

Sau hơn 40 năm công tác trong quân đội, tưởng rằng ông đã nghỉ ngơi, vui chơi cùng con cháu và an hưởng tuổi già, nhưng phẩm chất người lính cùng niềm đam mê với công việc thôi thúc ông tiếp tục cống hiến. Mỗi tháng, ông lại cặm cụi viết bài và gửi cho tạp chí Trang bị và Kỹ thuật của Tổng cục Kỹ thuật với những bài hồi ký chia sẻ về những câu chuyện đã trải qua trong chiến đấu. Đó là đam mê và cũng là niềm vui cuộc sống của ông.

Ngoài thời gian ấy, ông còn tham gia câu lạc bộ bóng bàn cùng các cựu chiến binh. Hầu hết họ là những cán bộ đã về hưu, nhìn vẻ bề ngoài tuy bình thường nhưng ai cũng đã từng trải qua nhiều năm chiến đấu. Có người cả thời trai trẻ ở chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia; có người là lính cao xạ chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa) rồi vào đường Trường Sơn; có người là sĩ quan ra-đa, sĩ quan điều khiển tên lửa…, trong đó có  cả những người là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Điều ngạc nhiên và đáng khâm phục hơn cả là hằng ngày ông vẫn ôm cây đàn ghi ta đến lớp học cùng những bạn trẻ khác. Ông chia sẻ: “Học ghi ta là do sở thích, trước đây tôi không có điều kiện để học, nên bây giờ phải thực hiện. Bên cạnh đó, nó rèn luyện kỹ năng cho mỗi người, làm cho bàn tay khéo léo hơn và trí óc hoạt động liên tục hơn vì phải ghi nhớ chơi như thế nào”. Mỗi khi phường hay tổ dân phố có hoạt động văn nghệ, ông lại tích cực tham gia. Âm nhạc dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho ông vượt qua bệnh tật để tiếp tục sống ý nghĩa và yêu đời hơn.

Lạc quan để sống có ích, còn sống ngày nào thì còn cống hiến ngày ấy - ông chia sẻ quan niệm sống như vậy. Hiện tại, ông còn đang ấp ủ để hoàn thiện thêm cuốn hồi ký thứ hai mang tên “Trên những nẻo đường biên giới”. Với ông, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng ngay cả khi đứng trước những thử thách nghiệt ngã của số phận.

Bài, ảnh: THU HƯƠNG