Có nhiều sản phẩm được trưng bày, nhưng chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sáng kiến “Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác”. Nếu không được cán bộ đơn vị giải thích thì chúng tôi lầm tưởng đây là sản phẩm của nhà máy quốc phòng sản xuất. Không khỏi tò mò về những gì được nghe, được thấy, chúng tôi tìm gặp chủ nhân của sáng kiến trên. Đó là Trung úy Vũ Văn Thụy, Trung đội trưởng Trung đội súng máy 12,7mm, Tiểu đoàn 860, Lữ đoàn 950. Bằng những kiến thức chuyên ngành chỉ huy kỹ thuật phòng không kết hợp với niềm đam mê công nghệ điện-điện tử điều khiển tự động, nhất là xuất phát từ một số vấn đề trong thực tế huấn luyện, SSCĐ của bộ đội phòng không đã thôi thúc Trung úy Vũ Văn Thụy nghiên cứu, sáng tạo.

Trung úy Vũ Văn Thụy giới thiệu sáng kiến "Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác". 

Theo Trung úy Vũ Văn Thụy, trước đây quá trình huấn luyện của phân đội súng máy phòng không 12,7mm tại trận địa, nhiều trắc thủ gặp khó khăn trong quan sát, nhận dạng mục tiêu trên không. Ngoài ra, việc tính nhẩm cự ly bằng công thức ly giác của các trắc thủ vừa mất nhiều thời gian, vừa thiếu chính xác, ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện. Tuy gặp khó khăn về điều kiện thời gian, thiết bị nghiên cứu hạn hẹp, thực hiện các nhiệm vụ đan xen, nhưng Trung úy Vũ Văn Thụy vẫn không từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu.

Nghĩ là làm, Thụy tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ mày mò từng câu lệnh trong ngôn ngữ lập trình arduino. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, cuối cùng sản phẩm “Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác” cũng được anh hoàn thành. Máy có thiết kế gọn nhẹ, nặng khoảng 500g, gồm màn hình LCD 2004 hiển thị thông số cự ly (D), bàn phím ma trận 4 x 4, nút hoạt động theo nguyên lý chủ yếu là áp dụng công thức ly giác kết hợp với ống nhòm để tính toán cự ly mục tiêu (lập trình sẵn trong máy kích thước 40 mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước…). Theo Thượng tá Phạm Văn Huy, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 950, đây là sáng kiến giàu tính khoa học và có giá trị thực tiễn cao, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng tác chiến của bộ đội. Trước đây, trắc thủ phải quan sát mục tiêu bằng ống nhòm, rồi tính nhẩm cho ra kết quả cự ly nên thời gian tính toán nhanh nhất cũng khoảng từ 10 đến 15 giây. Sử dụng "Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác" do Trung úy Vũ Văn Thụy nghiên cứu chế tạo, trong huấn luyện, chiến đấu, trắc thủ chỉ cần xác định đúng loại mục tiêu, nhập thông số và sau khoảng 1 giây là đã cho kết quả chính xác. Đặc biệt, kinh phí để làm ra sản phẩm này không lớn, có thể nhân rộng trong toàn quân.

Mặc dù thành công với sản phẩm “Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác”, được giải cao trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật của lữ đoàn, nhưng Trung úy Vũ Văn Thụy vẫn chưa thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Anh bật mí rằng, anh đang ấp ủ nhiều ý tưởng mới và dự định nâng cấp thêm tính năng, khắc phục những mặt còn hạn chế của sản phẩm. Khi hỏi về động lực thôi thúc Trung úy Vũ Văn Thụy kiên trì với khoa học công nghệ, chúng tôi nhận được câu trả lời đầy ngụ ý: “Tuổi trẻ mà, phải có niềm đam mê chứ!”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG KHANH